Giải pháp nào giải tỏa áp lực cho giáo viên?

GD&TĐ - Theo PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu - Tổ Tâm lý học ứng dụng- Khoa Tâm lý Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), điều chúng ta cần làm trước khi có bất cứ giải pháp cụ thể gì đó là, hiểu, chấp nhận con người và xã hội là đa dạng, xã hội không hoàn hảo, GV và HS cũng không hoàn hảo.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Giải pháp nào cũng cần tiếp cận hệ thống, nhìn nhận thấu đáo mọi mắt xích; thực thi giải pháp theo hướng tiếp cận nhân văn, không gây tổn thương cho cả GV, HS, gia đình và cộng đồng. Cần phân tích và hiểu thấu đáo thực trạng, hiểu tối đa những nhân tố gốc rễ của áp lực, khủng hoảng để có giải pháp phù hợp.

Giải pháp nào cũng cần sự hợp lực của nhiều bên và tuân theo một số nguyên tắc chung, ví dụ như: Đảm bảo quyền công dân và an sinh của cá nhân HS, phụ huynh & giáo viên; Tôn trọng hoàn cảnh, tính riêng tư của cá nhân HS, GV và cuộc sống gia đình họ; Tôn trọng, xem xét tới nhu cầu riêng hoặc/nhu cầu đặc biệt của mỗi HS

Xem xét vấn đề trong tiến trình thay đổi và bối cảnh lớp học, nhà trường, cộng đồng, xã hội cụ thể; Tiếp cận hệ thống, nhân văn, đảm bảo hợp lực và đồng thuận.

PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu trao đổi, khi đã phân tích và hiểu sâu vấn đề, hiểu nhân tố chủ quan, khách quan gây áp lực, gây khủng hoảng; chúng ta có thể chọn các giải pháp theo cách tiếp cận cụ thể như:

Thứ nhất, tiếp cận cá nhân và tình huống (Mark A. Shinn, Hill M. Walker, 2010): Nếu vấn đề áp lực mang tính tuỳ tình huống, thuộc về chính cá nhân HS, phụ huynh HS và GV là chính thì nên tiến hành tiếp cận cá nhân để hỗ trợ, tư vấn, hoặc can thiệp trực tiếp nếu cần. GV, HS và phụ huynh HS cũng cần được hỗ trợ để chủ động, cởi mởi tìm nguồn trợ giúp chuyên nghiệp.

Thứ hai, tiếp cận quản lý (Terry B. Gutkin & Cecil R. Reynolds, 2009): Nếu vấn đề nằm ở các nhà quản lý, các cơ quan, các cấp quản lý thì phối hợp giải quyết ở cá nhân các nhà quản lý ở từng cấp, từng khâu trên cơ sở tính xuyên suốt và hợp tác.

Thứ ba, tiếp cận cộng đồng (Stephen E. Brock, Amanda B. Nickerson, Melissa A. Reeves, Shane R. Jimerson, Richard A. Lieberman, Theodore A. Feinberg, 2009): nếu vấn đề nằm ở cộng đồng là chính thì thực thi giải pháp liên quan tới cộng đồng, tới tính đúng, tính chân thực và tiến độ trong chuyển tải thông tin và giải quyết sự cố với cộng đồng. Tránh tác động tiêu cực hơn, gây bất ổn tâm lý cho HS, GV, phụ huynh và xã hội nói chung.

Thứ tư, tiếp cận ứng phó khủng hoảng (Stephen E. Brock, Amanda B. Nickerson, Melissa A. Reeves, Shane R. Jimerson, Richard A. Lieberman, Theodore A. Feinberg, 2009): khi sự cố, khủng hoảng đã xảy ra cần có sự trợ giúp kịp thời của đội chuyên gia ứng phó và can thiệp khủng hoảng.

Đội này được thành lập và thực thi theo từng cấp (quốc gia, vùng miền, đơn vị,…). Trước khi hoặc đồng thời với phán xét đúng sai và can thiệp của pháp luật (nếu có) cần tiếp cận ngay và kịp thời từng cá nhân (HS, phụ huynh HS, GV, cán bộ quản lý) hoặc tổ chức đang khủng hoảng để đảm bảo họ an toàn về cả thể chất và tâm lý.

Đặc biệt đội can thiệp sẽ hành động trên cơ sở đạo đức nghề, tính bảo mật, sự tôn trọng, tính hợp lực và tư duy cùng thắng (Barbara Bole Williams, Leigh Armistead, Susan Jacob, 2008).

Thứ năm, tiếp cận phòng ngừa và phát triển (Mark A. Shinn, Hill M. Walker, 2010): Nếu vấn đề dự báo là có thể tác động xấu tới tương lai thì cần chọn giải pháp có tính phòng ngừa và thúc đẩy phát triển (phòng ngừa khủng hoảng có thể chuyển sang giai đoạn tệ hơn; chuẩn bị các điều kiện để đào tạo, chuẩn bị tốt cho GV tương lai) (Best practices in school psychology V, 2010)

Theo PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu, về tổng thể có thể thấy giải pháp nào cũng không nên thiếu khách quan, cục bộ, cực đoan; cần coi mọi lỗi lầm, áp lực, khủng hoảng và sự cố là cơ hội để con người phải tự học hỏi, hợp lực, tìm kiếm giải pháp và vươn lên để chính mình và tổ chức của mình, nghề nghiệp của mình tốt hơn so với ngày hôm qua.

"Sau cùng, các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh, các cơ quan giáo dục và đặc biệt là báo chí, truyền thông – tất cả nên là một tấm gương trong hỗ trợ và xử lý khủng hoảng, sự cố của GV, của HS: nếu sai thì xin lỗi, khó thì tìm cách hợp lực học hỏi, thay đổi, điều chỉnh; chủ động giải thích đúng với cộng đồng, tránh phát biểu và phân tích một chiều, cực đoan, gây tin đồn và dự luận không đúng, tiêu cực. Đây cũng là một cách giáo dục HS rất hiệu quả-  Giáo dục qua những tấm gương thực của người lớn (người trưởng thành) chúng ta" -  PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ