Giáo viên đánh, bắt học sinh quỳ: Tìm người có lỗi thì dễ, chia sẻ trách nhiệm mới khó

GD&TĐ - Khi những hình ảnh, clip GV phạt HS quỳ, đánh (bằng thước kẻ và tát) HS trong lớp học phát tán trên mạng, đã xuất hiện 2 luồng ý kiến tranh luận: Một bên cho rằng trẻ bướng bỉnh, khó dạy bảo mà không dùng hình phạt cứng rắn thì khó trưởng thành được, người Việt có câu “yêu cho roi cho vọt” (càng yêu thương càng phải nghiêm khắc); còn một bên ý kiến lại phản biện, với con trẻ chỉ nên dùng “kỷ luật không nước mắt”, đánh hay phạt bắt quỳ là xâm phạm đến thân thể và tinh thần của trẻ.

TS Liat Rockah Zimzoni - Chuyên gia tư vấn giáo dục: "GV phải được học cách kìm nén cảm xúc" (ảnh: An Nhiên).
TS Liat Rockah Zimzoni - Chuyên gia tư vấn giáo dục: "GV phải được học cách kìm nén cảm xúc" (ảnh: An Nhiên).

Hậu quả của việc dạy một đằng làm một nẻo

Đang có mặt tại Việt Nam để tham gia Dự án truyền thông “Ngăn chặn bạo lực và xâm hại, xâm lấn học đường”, TS Liat Rockah Zimzoni (chuyên gia GD nổi tiếng của Israel) đã chia sẻ với bạn đọc Báo GD&TĐ góc nhìn về vấn đề dư luận đang quan tâm.

Học sinh lớp 6 ở Trung Quốc bị hiệu trưởng phạt quỳ giữa trời nắng khiến dư luận phản ứng gay gắt (ảnh minh họa: Internet)
 Học sinh lớp 6 ở Trung Quốc bị hiệu trưởng phạt quỳ giữa trời nắng khiến dư luận phản ứng gay gắt (ảnh minh họa: Internet)

TS Liat Rockah Zimzoni cho biết: “Tôi hiểu rằng mỗi một nền văn hóa có một đặc thù khác nhau. Nhưng chúng ta đang ở thế kỷ 21, việc GV đánh HS dù trong tình huống nào cũng không được phép.

Nhìn rộng hơn, GV là người lớn, đánh người nhỏ hơn mình, rất có thể HS bị đánh và HS chứng kiến bạn bị đánh học lại hành động của GV và sẽ đánh HS nhỏ hơn nữa. Hành vi bạo lực của người này có thể tạo thành một thói xấu để lặp lại ở người khác. Từ đó, vấn đề bạo lực học đường tiếp diễn không ngừng”.

TS Liat phân tích về sai lầm của GV khi nói một đằng làm một nẻo trong lớp học (ảnh: An Nhiên)
 TS Liat phân tích về sai lầm của GV khi nói một đằng làm một nẻo trong lớp học (ảnh: An Nhiên)

Để bạn đọc dễ hình dung về nguyên nhân và hành vi bạo lực học đường. Bà Liat đã thử nghiệm với PV một tình huống, TS Liat nói: “Nào chúng ta cùng đặt tay lên đầu”. PV đặt tay lên đầu, nhưng bà Liat lại đặt tay vào cằm của bà. “Đó bạn có cảm giác như thế nào?”- TS Liat phân tích về tình huống nói một đằng làm một nẻo- “Giả sử tôi là một GV, tôi luôn nói với HS của mình rằng không được đánh bạn, không được bạo hành, phải ứng xử đúng mực và rèn luyện đạo đức... Tuy nhiên, chính tôi lại vi phạm vào điều tôi dạy HS, giống như việc tôi bảo bạn “chúng ta cùng đặt tay lên đầu”, nhưng bản thân tôi lại đặt tay ở cằm”.

Về câu nói “yêu cho roi cho vọt” đang được nêu ra trên các diễn đàn, mạng xã hội, trong tranh luận nên hay không nên dùng kỷ luật cứng rắn với HS, theo TS Liat Rockah Zimzoni, điều này không còn thích hợp ở xã hội hiện nay nữa. Quan điểm này không chỉ không phù hợp với quyền của trẻ em, mà còn không được phép ở góc độ pháp luật, điều ấy cả GV và các bậc phụ huynh đều phải ghi nhớ, trước khi có những hành động thiếu kìm chế và không đúng đắn đối với tinh thần và thể xác của những đứa trẻ.     

Theo TS Liat, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới chuẩn mực trong hành xử của GV. “Mọi thứ sẽ thay đổi, đặc biệt, khi bạn là một GV, bạn đánh, bắt quỳ, hay trừng phạt một đứa trẻ không ai biết, hoặc làm những việc này trước mặt các HS khác đều là sự xúc phạm, thiếu tôn trọng đối với đứa trẻ”- Bà Liat nói-

“Tôi cũng được biết trên thế giới còn tồn tại ở một số quốc gia, một số vùng, GV vẫn phạt HS quỳ. Nhưng điều này sẽ phải thay đổi, ở Việt Nam cũng vậy, tôi được biết đất nước các bạn cũng giống như các quốc gia khác đang tiến tới những biện pháp GD tích cực với HS. GV sẽ là những người đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ và tư duy về bạo lực học đường”.

“Thay đổi tư duy, suy nghĩ và nhất là thay đổi hành vi sẽ rất khó khăn. Đó là cả một quá trình. Tuy nhiên, để thay đổi được cần phải có sự cộng hưởng hành động của nhà trường, giáo viên, phụ huynh và xã hội. Ngành GD và cả xã hội phải cùng giúp GV thay đổi, bắt đầu từ nhận thức”- TS Liat nhấn mạnh.

Giáo viên phải được học cách ứng xử và kìm nén cảm xúc

Trong khi nhiều người đổ lỗi cho ngành GD phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những hành vi thiếu chuẩn mực của GV, TS Liat lại cho rằng: “Trước một hành động gây hậu quả không hay, chúng ta thường có xu hướng tìm ai đó để đổ lỗi. Như vậy, quả nhiên chúng ta có thể tìm một đối tượng để đổ lỗi. Nhưng vấn đề ở đây là phải nhìn nhận trách nhiệm một cách khách quan như thế nào?”

“GD một con người ảnh hưởng đến hành vi của con người đó. Nhưng GD ở đây phải xuất phát từ gia đình, nhà trường, ở cộng đồng, xã hội xung quanh con người đó. GD cần đề cập tới không phải là việc đào tạo chuyên sâu để một người trở thành GV dạy môn Toán, Văn, ngoại ngữ... GD còn phải là GD cách ứng xử, GD người muốn trở thành GV phải biết tôn trọng, biết lắng nghe, biết ứng xử trong các tình huống sư phạm. GD như vậy trách nhiệm sẽ ở nhiều khía cạnh, phụ thuộc vào nhiều phía”- TS Liat phân tích.

Bạo hành HS dù tinh thần hay thể xác là điều ngành GD tuyệt đối không chấp nhận (ảnh minh họa: Internet)
 Bạo hành HS dù tinh thần hay thể xác là điều ngành GD tuyệt đối không chấp nhận (ảnh minh họa: Internet)

“Mỗi khi tội lỗi xảy ra, người ta bắt buộc phải quy trách nhiệm, phải có người chịu trách nhiệm về tội lỗi đó”- bà Liat nói- “Tuy nhiên, để nhìn thấu đáo, trách nhiệm về lỗi sai của một GV phải có cái nhìn nghiêm túc, khách quan của tất cả mọi người trong xã hội”.

TS Liat trao đổi với cộng sự về việc triển khai Dự án truyền thông “Ngăn chặn bạo lực và xâm hại, xâm lấn học đường” tại Việt Nam (ảnh: An Nhiên)
TS Liat trao đổi với cộng sự về việc triển khai Dự án truyền thông “Ngăn chặn bạo lực và xâm hại, xâm lấn học đường” tại Việt Nam (ảnh: An Nhiên)

Theo TS Liat, một người muốn trở thành GV tốt, nhất thiết phải được GD tốt trong gia đình từ bé, trong trường phổ thông, sau này tiếp tục được đào tạo bài bản ở trường sư phạm, phải được rèn luyện việc xử lý tình huống sư phạm và chắc chắn phải được dạy về cách thể hiện cảm xúc trong lớp học, GV phải là người biết kìm nén cảm xúc, để có những ứng xử đúng đắn, chuẩn mực.

“Giải quyết việc kìm nén cảm xúc của GV trong lớp học cũng không đơn giản, chúng ta phải làm nhiều thứ. Chẳng hạn, ở Isarel, tôi đã có 6 tháng liên tục làm việc với các GV, trực tiếp hướng dẫn họ cách ứng xử phù hợp với HS và biết cách ứng xử với phụ huynh.

Việc “training” cho GV phải bao gồm kiến thức và kỹ năng tổng hợp với nhiều nội dung. Cuối cùng, mọi “training” cho GV đều phải hướng họ tới ý thức trong các tương tác của mình đối với HS”- TS Liat nhấn mạnh.

TS Liat Rockah Zimzoni là chuyên gia tư vấn giáo dục có phương pháp giáo dục được Bộ GD Israel công nhận và phổ biến trong chương trình radio “Gia đình quốc gia”. Bà là tác giả Best- seller books “The art of Parenting” được dịch ra tiếng Việt có tên “Cha mẹ Do thái dạy con- Nghệ thuật nuôi dạy con trẻ”, một cuốn sách tập hợp những phương pháp giúp trẻ khám phá và khai thác thế mạnh của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ