Cô Võ Thị Hạnh, giáo viên môn Toán, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 Đà Nẵng rất thẳng thắn khi phân tích thực trạng dạy học môn Toán, hệ giáo dục thường xuyên.
"Bắt mạch"
Về phía học sinh, theo nhận xét của cô giáo Võ Thị Hạnh, vẫn có một bộ phận chưa có ý thức tự giác trong học tập, thiếu tìm tòi, sáng tạo trong học tập; lười suy nghĩ, xem lời giải sẵn trong sách một cách thụ động. Đa số học sinh chưa nắm được phương pháp học bộ môn, chưa chú ý rèn luyện kĩ năng phân tích bài toán, trình bày lời giải, nhận xét sau khi giải một bài toán, chưa biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Từ chỗ có nhiều lỗ hổng kiến thức nên các em dễ chán nản, không ham thích học Toán và có tâm lí sợ môn Toán. Ngoài ra, học sinh Trung tâm GDTX số 2 đa số các em không có máy tính hoặc không muốn mua máy tính để đáp ứng cho việc học.
Cô Võ Thị Hạnh cho rằng, về phía giáo viên, có thể phương pháp dạy toán chưa thực sự phù hợp với các đối tượng học sinh có trình độ khác nhau. Chưa thực sự quan tâm đến từng học sinh trong lớp mà chỉ chú trọng đến một số em khá giỏi, chưa thật tâm lý, chưa động viên khéo léo kịp thời đối với những tiến bộ của học sinh dù nhỏ.
"Có thể giáo viên có tâm lý xem nhẹ dẫn đến không khắc sâu các kiến thức cơ bản. Đề cao quá mức đối với học sinh, dẫn đến hiện tượng dạy lướt, nghĩ học sinh đã nắm được rồi, chữa bài tập khó bỏ qua bài tập cơ bản, không chú ý đến việc kiểm tra hệ thống lí thuyết, công thức toán học" - cô Hạnh phân tích.
"Kê toa"
Cô Võ Thị Hạnh cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy - học môn Toán, giáo viên phải chú trọng đầu tư giáo án. "Giáo viên phải sáng tạo trong từng tiết dạy, ngôn ngữ phải dễ hiểu để học sinh dễ nhìn nhận, chiếm lĩnh tri thức mới. Trong tiết học luyện tập, phụ đạo, tôi tập trung vào những câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp. "Trăm hay không bằng tay quen” học sinh được luyện tập nhuần nhuyễn các dạng Toán. Muốn được như vậy thì tôi dành thời gian tìm tòi, đầu tư biên soạn các bài tập tương tự" - cô Hạnh chia sẻ.
Giáo viên tổ toán TT GDTX số 2 thường gọi từ 2-3 học sinh lên bảng làm bài cũ để tăng số lượng học sinh được kiểm tra, qua đó nắm được mức độ hiểu bài của học sinh. |
Theo cô Hạnh, do chất lượng đầu vào của học sinh hệ GDTX thấp nên trong quá trình dạy học, giáo viên phải làm cho học sinh nắm rõ khái niệm, tính chất, các quy ước, mấu chốt để các em khỏi mơ hồ, lẫn lộn. Trong giảng dạy nói chung và trong từng bài học cụ thể, phải có sự chú ý giúp đỡ đối tượng yếu, kém thông qua câu hỏi gợi mở, bài tập. Công việc này phải thực hiện ngay trong thiết kế bài giảng, và ngay cả kiểm tra bài cũ cũng có những câu hỏi dành cho học sinh yếu kém để động viên, dìu dắt các em.
Một kinh nghiệm nữa trong dạy học của cô Hạnh là "khai thác triệt để các sai lầm, thiết sót của học sinh trong quá trình giảng bài, nhất là các tiết luyện tập, tiết trả bài kiểm tra. Hướng dẫn, phân tích giúp học sinh phát hiện sai lầm và hướng giải quyết để khắc phục dù những sai lầm hạn chế nhỏ nhất. Tạo mọi điều kiện để giúp học sinh tự đánh giá và đánh giá bạn mình trong quá trình học tập và rèn luyện". Sau mỗi tiết kiểm tra, giáo viên phải tìm ra những sai lầm học sinh mắc phải hay những điểm yếu của từng em để giúp các em học tốt hơn.
Theo cô Hạnh, môn Toán là môn học rất cần đến việc thực hành, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, làm quen từ những bài tập dễ đến những bài tập vận dụng. Vì vậy, tuỳ theo tình hình từng lớp, giáo viên có thể ra thêm bài tập, có điều kiện tiếp xúc với khâu thực hành và nội dung bài tập phong phú hơn. Giáo viên cần chú ý và coi trọng bước hướng dẫn về nhà. Để giúp cho học sinh yếu, kém có thể tiếp thu bài mới thì giáo viên cần nghiên cứu kỹ nội dung bài mới và đề ra các yêu cầu cần thiết để học sinh chuẩn bị.
"Với mỗi chương trong chương trình, tôi ra bài tập là các câu hỏi trắc nghiệm đã có ở các đề thi những năm trước theo từng cấp độ hoặc các bài tập tương tự. Dặn dò các em về nhà chuẩn bị để lên bảng giải và cộng điểm khuyến khích cho học sinh nhằm tạo động lực cho các em cố gắng học tập, nâng cao điểm số từ đó có hứng thú học tập hơn".
Để học sinh có thể giải quyết tốt các bài tập được giao, cô Võ Thị Hạnh hướng dẫn cách học bài. Trước hết, phải nắm vững, học thuộc công thức; ghi đầy đủ các dạng toán, ví dụ minh hoạ. Với những bài tập tương tự các em chỉ việc làm tương tự, tìm đáp án. Những câu hơi lạ hoặc không hiểu, không biết làm, các em có thể liên hệ trên nhóm zalo bộ môn Toán mà giáo viên bộ môn lập để cô hoặc các bạn có thể giải đáp hoặc mở youtube, internet có các thầy cô giảng dạy online.
Trong quá trình dạy học, cô Võ Thị Hạnh rất chú trọng kiểm tra bài tập về nhà của học sinh. Theo cô Hạnh, đây là phương pháp cực kì quan trọng để kiểm tra, đánh giá tình hình học tập của các em cũng như góp phần nâng cao chất lượng làm bài thi môn Toán. "Thời gian kiểm tra bài cũ rất giới hạn. Do đó, năm học này tôi đã áp dụng phương pháp dò bài là gọi từ 2 đến 3 học sinh lên bảng mỗi em một lượng kiến thức, kiểm tra vở ghi, từ đó nắm bắt được năng lực của từng học sinh".