Giúp học sinh ôn tập tốt môn Toán thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Giáo viên chia sẻ các lưu ý về nội dung kiến thức, cách ôn tập, giúp học sinh tự tin trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn Toán.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Thầy Huỳnh Hữu Đào Vũ, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), cho rằng: Với 45/50 câu có nội dung kiến thức thuộc chương trình toán lớp 12; 39/50 câu thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu, có thể thấy đề tham khảo môn Toán thi tốt nghiệp THPT năm nay có tính định hướng ôn tập cụ thể, rõ ràng.

Theo đó, học sinh cần ôn tập có trọng tâm các chuyên đề toán lớp 12, nắm vững các kiến thức căn bản, thành thạo kĩ năng làm toán (như đọc hiểu, phân tích đề, tối ưu cách giải) để làm quen dần với các dạng bài khó, mới.

Học sinh cũng nên dành một quỹ thời gian cố định để ôn tập các chủ đề toán lớp 11, như: Tổ hợp - xác suất, cấp số cộng - cấp số nhân, góc - khoảng cách trong không gian. Với các câu hỏi ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, đầu tư thêm thời gian và công sức để lấy trọn điểm phần này.

“Điều không thể thiếu trong quá trình ôn thi là thi thử. Các em nên thi thử thường xuyên với các nguồn đề uy tín. Thi thử một cách nghiêm túc để cọ sát, đánh giá năng lực bản thân và trau dồi thêm”, thầy Huỳnh Hữu Đào Vũ đưa lời khuyên.

Với mức độ và nội dung đề tham khảo môn Toán, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý: Học sinh cần thật vững khái niệm, nhớ các tính chất đã học trên lớp. Đặc biệt là công thức: Thể tích các khối đa diện, các khối tròn xoay, diện tích hình tròn xoay (hình nón, hình trụ, hình cầu); công thức liên quan đến mũ và lôgarit; các tính chất tích phân, ứng dụng tích phân, phép toán số phức.

Nhấn mạnh về nội dung kiến thức cụ thể ở chương trình Toán lớp 11, cô Nguyễn Thị Tuyết khuyên học sinh nên ôn tập lại các khái niệm: Hoán vị, chỉnh hợp, tổ hợp, cấp số cộng, cấp số nhân, đặc biệt là những bài toán liên quan đến phép đếm và xác suất.

Cùng với đó, học sinh chú ý luyện tập kĩ năng xác định và tính góc giữa đường thẳng và mặt phẳng; góc giữa hai mặt phẳng; bài toán liên quan đến khoảng cách (từ một điểm đến một mặt phẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau).

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Đối với chương trình lớp 12, học sinh nên rèn luyện các kĩ năng: Đọc bảng biến thiên, đọc đồ thị hàm số; các tính chất đặc trưng của hàm số (cực trị của hàm đa thức bậc 4 trùng phương, cực trị và đơn điệu của hàm đa thức bậc 3, các bài toán tương giao của hai đồ thị hàm số); khái niệm và tính chất mũ và lôgarit; phương trình và bất phương trình mũ và lôgarit dạng đơn giản.

Các kĩ năng khác cũng cần chú trọng rèn luyện gồm: Phương pháp đổi biến, phương pháp tích phân từng phần; công thức liên quan đến ứng dụng tích phân; số phức liên hợp; khái niệm liên quan đến vectơ chỉ phương của đường thẳng; vectơ pháp tuyến của mặt phẳng; điểm thuộc đường thẳng, điểm thuộc mặt phẳng,…

Để đạt điểm cao, học sinh phải làm được các câu hỏi mức độ vận dụng, vận dụng cao. Nội dung kiến thức thuộc mức độ này thường là: Xác suất (Giải tích 11); góc giữa 2 mặt phẳng, khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng (Hình học 11); bài toán tương giao, cực trị và đơn điệu của hàm trị tuyệt đối; bài toán thiết diện của mặt phẳng với hình tròn xoay; bất phương trình mũ và lôgarit; biến đổi tích phân, tích phân hàm ẩn; biện luận nghiệm của phương trình bậc hai trên tập số phức; cực trị số phức và cực trị trong hình học tọa độ không gian Oxyz.

“Nếu chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp, các em nên luyện tập thật kĩ các dạng toán thuộc nội dung 35 câu đầu của đề thi. Với các bạn xét tuyển đại học, ngoài 35 câu đầu, cần luyện tập thêm các dạng câu vận dụng, vận dụng cao. Các em nên làm theo tuần tự các câu. Có thể dùng kí hiệu như: Câu nào chắc chắn đánh dấu trừ, câu nào còn phân vân đánh dấu cộng, câu nào chưa biết đánh dấu sao. Hoàn thành xong các câu đã chắc chắn đáp án, các em xem những câu mình còn phân vân và suy nghĩ sâu hơn, xét các trường hợp khác nhau, hoặc sử dụng phương pháp loại trừ, thử đáp án, sử dụng máy tính cầm tay để chọn đúng đáp án”, cô Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.