Cần chú ý đến các công thức toán học
Theo thầy Nguyễn Quang Thi Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), trong quá trình ôn thi nước rút, học sinh cần chú ý học đến đâu chắc đến đó. Đặc biệt, các em cần ghi nhớ những công thức toán học, khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán.
Thầy Nguyễn Quang Thi phân tích: “Cấu trúc đề thi môn Toán luôn có các phần như sau: Phần nhận biết và phần thông hiểu chiếm khoảng 7 điểm. Vì vậy, học trò phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa để không đánh mất điểm oan, những câu dễ càng không được chủ quan.
Đối với phần câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 3 điểm. Ở những câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải có tư duy, sáng tạo và liên kết với sâu chuỗi kiến thức trong quá trình làm bài. Nhiều bài, học sinh phải sử dụng tổng hợp nhiều kiến thức.
Về phương pháp giải toán, thầy Nguyễn Quang Thi cho rằng: "Có những câu chỉ làm một vài giây, có câu làm một vài phút, câu vận dụng cao có khi làm cả 10 đến 15 phút. Do đó, trước khi làm bài cần đọc qua đề một lần, đánh dấu những câu dễ làm trước. Câu khó cần đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp sau đó chọn cách làm thích hợp.
Thầy Nguyễn Quang Thi cùng học trò của mình. Ảnh NVCC. |
Thường những câu khó thì phải tư duy để chọn cách giải tối ưu, không được choáng ngợp khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Nếu làm xong thì đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối.
Đối với phần kiến thức lớp 11 học sinh cần chú trọng đến xác suất, đạo hàm, dãy số hay giới hạn. Với phần hình học, chú ý về tính góc, tính khoảng cách, trước tiên, thí sinh cần phải nắm vững định nghĩa, phương pháp tính, công thức tính, các dấu hiệu, các tính chất, thậm chí những sai lầm hay gặp.
“Mỗi khi tiếp xúc với bài khó, dạng lạ cần bình tĩnh để hệ thống lại kiến thức mình có. Nên rèn luyện bằng nhiều bài tập tương tự để nhớ dạng bài và tránh bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức”, thầy Nguyễn Quang Thi nhấn mạnh.
Cân bằng tâm lý để ôn tập
Hiện nay, nhiều học sinh đã hoàn thành chương trình học của mình và bước vào giai đoạn luyện đề. Theo thầy Nguyễn Quang Thi: “Khi luyện đề các em cần phải chú ý đến thời gian, phân bố thời gian từng câu hỏi, bấm thời gian làm.
Đối với những câu hỏi ở phần kiến thức chưa chắc các em cần đánh dấu lại để kết thúc thời gian làm đề cần nghiên cứu lại phần kiến thức đó”.
Thầy Thi cũng lưu ý, giai đoạn này áp lực do đó yếu tố tâm lý rất quan trọng, do đó học sinh muốn có tâm lý vững vàng trong quá trình ôn luyện nên thường xuyên lên bảng làm bài để giáo viên rèn luyện phương pháp giải đồng thời chỉ ra những thiếu sót từ đó ta rút được kinh nghiệm cho bản thân.
“Ngoài ra, các em nên tham gia một vài lần thi thử để làm quen dạng đề. Khi nhận đề thi thì đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu, trong 90 phút để giải đề, sau đó xem lại kỹ từng câu để đúc rút kinh nghiệm, cần luyện đề kết hợp tổng ôn kiến thức, chú ý đến việc kết hợp lý thuyết trong từng phần.”, thầy Nguyễn Quang Thi nói.
Đối với những phần kiến thức khó, học sinh có thể học theo sơ đồ tư duy để khỏi quên phần kiến thức, linh hoạt từng phần kiến thức. Khi ôn tập, học sinh nên xác định kiến thức ở mức độ phù hợp với bản thân để có hiệu quả thiết thực. Nên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với thầy cô, bạn bè trong quá trình học tập để được giải đáp, tháo gỡ.
Ngoài ra, thí sinh cần nhớ, luôn mang theo người căn cước công dân, thẻ dự thi, máy tính. Nên đến trước địa điểm thi trước 30 phút. Cần đặt báo thức cẩn thận tránh ngủ dậy muộn, quên giờ thi. Trước khi vào phòng thi, giám thị luôn phổ biến quy chế không được mang điện thoại vào phòng thi. Nhưng đáng tiếc, ở kỳ thi nào cũng xuất hiện thí sinh bị huỷ bài do mang điện thoại vào phòng thi. Do đó, các em tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi.