Giáo viên Đà Nẵng chỉ ra những lưu ý khi làm bài thi môn Ngữ văn

GD&TĐ - Để có thể nắm chắc, đạt được điểm cao ở môn Ngữ văn tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT, giáo viên đã lưu ý một số điểm chính để các học sinh làm bài tốt.

Tiết ôn tập môn Ngư văn của Trường THPT Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Thu Thủy.
Tiết ôn tập môn Ngư văn của Trường THPT Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Thu Thủy.

Dạy tăng cường để luyện kỹ năng

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Ngũ Hành Sơn) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 sắp đến, tổ Ngữ văn của trường đã soạn tài liệu ôn tập để định hướng kiến thức và kĩ năng cho học sinh. Nghiên cứu đề minh họa Tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT năm 2023 và hướng dẫn cho học sinh giải.

Bên cạnh đó, sưu tầm các bộ đề chính thức Tốt nghiệp THPT các năm gần đây để học sinh tham khảo. Đồng thời tổ chức dạy tăng cường để luyện kĩ năng và ôn tập kiến thức cho học sinh.

Theo lời cô Thủy, đối với phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu viết một đoạn văn với độ dài 200 chữ (khoảng 12 dòng đến 15 dòng), trình bày suy nghĩ về 1 ý kiến nêu trong văn bản Đọc - hiểu.

“Câu hỏi của phần này không quá phức tạp mà thường chỉ là những khía cạnh đạo đức, tư tưởng, tình cảm gắn liền với đời sống hàng ngày. Học sinh cần chú ý đến nội dung vấn đề ở phần Đọc - hiểu như: ý nghĩa của sự trải nghiệm, ý nghĩa của lòng biết ơn, ý nghĩa của việc rèn luyện kĩ năng sống, ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống xung quanh, sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách, sức mạnh của ý chí, nghị lực...

Tích cực ôn luyện để đạt được kết quả cao nhất. Ảnh: Thu Thủy.

Tích cực ôn luyện để đạt được kết quả cao nhất. Ảnh: Thu Thủy.

Khi viết cần chú ý đảm bảo cấu trúc đoạn văn (không xuống hàng tùy tiện): câu mở đoạn thường giới thiệu, dẫn dắt vấn đề; sau đó trích dẫn ý kiến trong đề (nếu có). Các câu trong thân đoạn phải đi vào giải thích sơ qua vấn đề; tập trung bàn luận nội dung chính được nêu ở đề (phần trọng tâm), chọn dẫn chứng cụ thể để minh họa, phê phán lật ngược vấn đề… Kết đoạn thường rút ra bài học cho bản thân (gồm bài học nhận thức và bài học hành động)”, cô Thủy chia sẻ.

Còn đối đối với phần nghị luận văn học,giáo viên cho học sinh nghiên cứu đề minh họa 2023 và các đề thi chính thức của các năm trước. Từ đó, chỉ ra cho các em thấy cần nắm chắc kiến thức trọng tâm của bài học và áp dụng vào đề một cách linh hoạt. Không nên học tủ, học văn mẫu vì thông thường các loại bài này thường đi vào phân tích toàn bộ tác phẩm. Còn đề thi trích từng đoạn và yêu cầu phân tích vấn đề trong đoạn văn, đoạn thơ, sau đó nhận xét, đánh giá một khía cạnh nổi bật về nội dung hoặc nghệ thuật...

Những kinh nghiệm khi làm bài thi

Là một giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ôn tập cho học sinh 12 thi tốt nghiệp THPT, cô Thủy cũng lưu ý một số vấn đề để có thể giúp các em học sinh nắm vững kiến thức, đồng thời rèn cho học sinh những kỹ năng cần thiết khi làm bài thi.

Theo cô Thủy, đề ra gồm 2 phần: Đọc, hiểu 3 điểm và làm văn là 7 điểm. “Để làm bài tốt, học sinh phải tích cực ôn tập kiến thức, tránh việc học tủ vì sẽ bị tủ đè. Vào thi, biết chia thời gian hợp lí, bình tĩnh khi làm bài. Đọc kĩ từng yêu cầu đề ra”, cô Thủy lưu ý.

Cụ thể,ở phần đọc hiểu,cấu trúc đề phần này gồm 2 nội dung chính. Trong đó, văn bản đọc hiểu có độ dài từ 150 đến 300 chữ. Đề tài thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, đạo đức, mang tính thời sự cao và thường là các vấn đề đặt ra đối với thế hệ trẻ và thường nằm ngoài sách giáo khoa.

“Thường ở phần này, các yêu cầu đọc-hiểu đặt dưới dạng câu hỏi. Muốn trả lời tốt các câu hỏi Đọc-hiểu, cần chú ý một số điểm. Cụ thể, đọc kĩ văn bản, nên đọc vài lần văn bản, trong khi đọc cần chú ý bố cục, những câu, từ ngữ quan trọng.

Đọc kĩ các yêu cầu của câu hỏi và trả lời trực tiếp, ngắn gọn, rõ ràng và đúng trọng tâm. Phần này thường có 4 câu hỏi nhỏ phân chia theo các mức độ: nhận biết (thông thường 2 câu) 1,5 điểm/2 câu, thông hiểu 1 câu 1 điểm và vận dụng 1 câu với số điểm là 0,5 điểm”, cô Thủy thông tin.

Với mức độ nhận biết, thường yêu cầu học sinh chỉ ra các phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận chính hoặc nhận diện thể loại văn bản; chỉ ra các từ ngữ hình ảnh…

Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn trong tiết học. Ảnh: Thu Thủy.

Học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn trong tiết học. Ảnh: Thu Thủy.

Còn ở mức độ thông hiểu thì yêu cầu học sinh xác định nội dung chính của văn bản hoặc nêu cách hiểu của bản thân của đoạn thơ, đoạn văn ngắn; phân tích tác dụng của 1 biện pháp tu từ… Câu trả lời nên bám sát yêu cầu đề, chia làm nhiều ý và gạch ngang đầu dòng để trả lời.

Vận dụng, yêu cầu nhận xét, đánh giá về tư tưởng tác giả, rút ra thông điệp, bài học cho bản thân, bày tỏ thái độ đồng ý hay không đồng ý với một quan điểm/tư tưởng và lí giải…

Ở phần làm văn, đối với câu viết đoạn văn nghị luận xã hội, độ dài 200 chữ: (khoảng 12 dòng đến 15 dòng), hình thức sẽ là 1 đoạn văn (viết không xuống dòng), nội dung: trình bày suy nghĩ về 1 ý kiến nêu trong văn bản Đọc - hiểu.

Câu hỏi của phần này không quá phức tạp mà thường chỉ là những khía cạnh đạo đức, tư tưởng, tình cảm gắn liền với đời sống hàng ngày. Cần chú ý đến ý nghĩa vấn đề ở phần Đọc - hiểu như: ý nghĩa của sự trải nghiệm, ý nghĩa của lòng biết ơn, ý nghĩa của việc rèn luyện kĩ năng sống, ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống xung quanh…

“Khi viết đoạn cần chú ý: câu mở đoạn thường giới thiệu, dẫn dắt vấn đề; sau đó trích dẫn ý kiến trong đề. Các câu trong thân đoạn phải đi vào giải thích sơ qua vấn đề; tập trung bàn luận nội dung chính được nêu ở đề (phần trọng tâm), chọn dẫn chứng cụ thể để minh họa, phê phán lật ngược vấn đề… Kết đoạn thường rút ra bài học cho bản thân (gồm bài học nhận thức và bài học hành động)”, cô Thủy hướng dẫn.

Ở phần viết bài văn nghị luận văn học yêu cầu viết một bài văn theo yêu cầu, thời gian thực hiện tối đa: 80 phút. Trong đó 3 phút đọc lại và rà soát mọi thông tin.

Ở phần này, học sinh cần chú ý các kiểu bài sau: nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi; sau khi phân tích đề còn yêu cầu nhận xét đánh giá một khía cạnh nổi bật...

Dàn ý đại cương phải nêu mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận. Thân bài phải phân tích vấn đề cần nghị luận trong đoạn thơ (hoặc đoạn văn xuôi) theo yêu cầu đề (phần trọng tâm), và nhận xét, đánh giá khía cạnh nổi bật (theo đề ra). Kết bài, học sinh phải đánh giá khái quát vấn đề cần nghị luận; mở rộng nâng cao về giá trị của tác phẩm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ