Giáo viên “cắm bản“: Đêm mơ con khóc, ngày trông em cho học sinh

GD&TĐ - Những ngày này, phố phường rực rỡ cờ hoa tri ân thầy cô giáo, vậy mà nơi non xa, nhiều thầy cô giáo cắm bản vẫn lên lớp dạy như bao ngày bình thường khác. Cảm phục sao những thầy giáo sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân để tận tâm tận lực, xúc động sao bao cô giáo vì trắc ẩn trước những hoàn cảnh khó khăn của học sinh mà hết lòng cống hiến...

Giáo viên “cắm bản“: Đêm mơ con khóc, ngày trông em cho học sinh

Gặp gỡ và trò chuyện với cô giáo trẻ nhất – Phùng Thị Huyền, và thầy giáo nhiều tuổi nhất - Lò Văn Xuân – trong đợt tuyên dương giáo viên cắm bản, mới thấy thấm thía sự yêu nghề, yêu trò, sự hi sinh và nghị lực phi thường mà các thầy cô đã vượt qua trong hành trình gắn bó với nghề giáo.

Cô giáo 9X và những đêm mơ con khóc gọi mẹ

Cô Phùng Thị Huyền (sinh năm 1990)
Cô Phùng Thị Huyền (sinh năm 1990)

“Mẹ ơi, con thích ở với bố mẹ cơ”. Đó là câu nói của con gái mà mỗi lần nhớ con, cô Phùng Thị Huyền - Giáo viên Trường Mầm non Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên), như xát muối vào tim.

Học Đại học Hùng Vương, cô Huyền là người con Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp, cô tình nguyện lên Điện Biên để thỏa ước mơ làm cô giáo dạy trẻ vùng cao. Chính từ những suy nghĩ khi còn đi học: “Trẻ em vùng cao thiệt thòi đủ đường”, nên cô giáo trẻ này háo hức “ngược núi”, chọn con đường khác với bạn bè của mình để mang con chữ “cắm bản”.

Tháng 5/2011, cầm tờ quyết định phân công công tác tại trường mầm non thuộc huyện Mường Nhé, cô Huyền tràn ngập những cung bậc cảm xúc, vừa vui mừng, hân hoan, vừa thoáng gợn lo lắng bởi ngôi trường mà cô sẽ làm việc cách xa quê hàng trăm cây số.

Hành trang để cô lên công tác ở vùng cao chỉ là các kiến thức tích lũy trong những năm tháng còn là sinh viên và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ngoài ra, cuộc sống ở vùng núi như thế nào chỉ có trong tưởng tượng.

Lần đầu đứng trước ngôi trường mình sẽ giảng dạy, cô không khỏi bỡ ngỡ và thoáng… thất vọng. Hàng trăm khó khăn cứ hiển hiện trước mắt. Học sinh đều là con em dân tộc Mông, họ đều nói tiếng dân tộc mà nửa chữ cô cũng không hiểu. Lên dạy trẻ mà chính mình phải học từ các em. 

Không chỉ có vậy, những con đường dài hơn bởi những bước chân đi bộ mỗi sáng, con đường ấy là đường mòn, đi nhiều mà thành đường, trời mưa phùn gió bấc khiến cô và đồng nghiệp vô cùng vất vả. Thức ăn hàng ngày thường là thức ăn khô như cá mắm, tép khô, lạc rang,.. bởi muốn có thức ăn phải chờ cuối tuần, các cô thay phiên nhau đi chợ mấy chục cây số ra thị trấn để mua thức ăn tích trữ…

4 năm tuổi trẻ gắn bó với Mường Nhé là 4 năm cô và các đồng nghiệp trải qua cuộc sống không có điện, những cái lạnh đến thấu xương của khí hậu Tây Bắc. Những em nhỏ run rẩy, không giầy, không tất và cả những giờ trong lớp học tạm bợ xiêu vẹo, thiếu thốn.

Nhưng cái khổ nhất của cô giáo trẻ có lẽ là sự xa con. Khi điều kiện khí hậu trên miền núi quá khắc nghiệt, con thường xuyên ốm đau, công việc ở trường cũng nhiều nên không có nhiều thời gian dành cho con. Khi con gái tròn 2 tuổi, hai vợ chồng đành gửi con về nhà cho ông bà nội cách hàng trăm cây số.

Thế là giờ mỗi năm, hai vợ chồng chỉ được gặp con một lần vào dịp Tết. Thương con nhưng không còn cách nào khác, người mẹ trẻ nén lại những giọt nước mắt, nén những đêm nhớ con da diết phải lấy từng chiếc áo của con ra hít hà hơi ấm tưởng tượng như con đang ngủ cùng mẹ. Có những đêm choàng tỉnh dậy vì mơ thấy con đang khóc, cô chỉ muốn vứt bỏ tất cả để chạy về xuôi với con.

Nhưng ánh mắt trong veo của các em học sinh, những khuôn mặt còn lấm lem bụi đất vẫn rạng rỡ nụ cười hồn nhiên mong được đến trường đã khiến cho tình yêu nghề, yêu học trò trong cô trỗi dậy. Đó cũng là phút giây cô nhận ra chắc chắn mình sẽ gắn bó với con người nơi đây…

Thầy giáo kiêm “trông trẻ”

Thầy Lò Văn Xuân (sinh năm 1957)
Thầy Lò Văn Xuân (sinh năm 1957) 

Trong số những thầy cô cắm bản được tuyên dương, bên bao mái đầu xanh tuổi trẻ là người thầy tóc đã điểm bạc, sự điềm đạm và cảm xúc mỗi khi nhắc đến tên từng học trò khiến đôi mắt lại đỏ hoe. Đó là thầy Lò Văn Xuân – Giáo viên Trường Tiểu học Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La).

Con đường gập ghềnh với những con dốc dựng đứng qua lời kể của thầy Xuân trở lên “đẹp” hơn bởi trên 30 năm công tác tại trường, thầy đều vượt qua hết.

Trường nằm ở xã xa nhất của huyện Sốp Cộp (cách 56 km), xã có đường biên giới với nước bạn Lào, có 3 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Khơ mú, Mông; trường Tiểu học Mường Lèo có 9 điểm trường, trong đó có 6 điểm trường giáp với đường vành đai biên giới, điểm trường xa nhất cách trung tâm 27 km... với địa bàn rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn nên đời sống bà con và công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn...

Kể lại quãng thời gian gắn bó với nghề, thầy Xuân chia sẻ: Tôi có biết bao vui buồn, bao kỉ niệm gắn liền với bụi phấn trắng, bảng đen và những lớp học dựng tạm chỉ có mái che, bốn bên gió lùa. Cái lạnh như “ác” hơn khi học sinh không có lấy một chiếc áo bông ấm. Ngày mới vào nhận công tác, đã chứng kiến không ít những giáo viên từ bỏ nghề vì đồng lương ít mà lại phải đi công tác rất vất vả (đi bộ qua đường rừng, đường suối, khe nước).

Thậm chí, giáo viên đến với các điểm trường còn phải mang bên mình khẩu súng, viên đạn để phòng thân, phòng thú dữ tấn công. Những đêm soạn giáo án bằng nến hay đèn hoa kỳ, một tay che gió thổi tắt đèn, một tay cầm bút viết. Những buổi sáng dậy sớm đi lấy nước cách 3, 4 km để sinh hoạt,…là những kỉ niệm mà trong suốt cuộc đời tôi không thể quên.

Nhưng có một kỉ niệm mà thầy giáo cao niên nhớ mãi, đó là lần đi vận động học sinh đi học. Đó là em V.V.D, bố em bị ốm đau thường xuyên, mẹ đẻ đông con nên D không được đi học vì phải ở nhà trông em. Thấy thương học trò mỗi lần đi qua lớp, nhìn các bạn hồi lâu mới về khiến thầy Xuân nhiều đêm trăn trở. 

Cuối cùng, thầy quyết định đến nhà để vận động phụ huynh. Đến lần 1 không được, lần 2 cũng không xong. Không quản ngại đường xá đi lại khó khăn. Thầy Xuân đến lần thứ 5, mẹ D mới bày tỏ: Nhà không có tiền, mà anh lớn đi học thì ai ở nhà trông các em. Bây giờ phải có người trông em thì mới cho đi học.

Không còn cách nào khác, thầy Xuân đành để D đưa các em đến lớp, thầy cho các em chơi rồi lại quay vào dạy học. Thế là, người thầy giáo ấy vừa là giáo viên tiểu học, vừa nhận nhiệm vụ“trông trẻ”. Cứ như vậy, suốt mấy năm liền, thầy Xuân cứ phải trông em cho học sinh của mình được ngồi trong lớp học cùng bạn…

Khó khăn thì nói mãi không hết, nhưng đến ngày hôm nay thầy Xuân tự hào vì mình đã cùng ăn, ở, sống cùng từng lớp học sinh, cùng những người dân bản, nghèo vật chất nhưng tình cảm chan chứa. Đó cũng là động lực để thầy Xuân vượt qua trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ