Do đó, việc đề nghị của Hiệp hội là không khả thi và gặp sự phản đối của nhiều trường.
Về đề nghị không bắt các trường trình duyệt đề án tuyển sinh. Việc hiểu đầy đủ, thống nhất khái niệm “tự chủ trong tuyển sinh” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Nếu các trường không cần trình Bộ xem xét đề án thì các trường dứt khoát cũng phải xây dựng đề án, công bố công khai cho xã hội biết như là văn bản cam kết với cộng đồng để học sinh, phụ huynh chọn lựa, so sánh.
Có thể Bộ GD&ĐT cứ mạnh dạn giao cho một số trường tự tuyển sinh theo cách riêng của mình, thậm chí có thể xét tuyển chỉ căn cứ vào kết quả học tập ở bậc phổ thông.
Vấn đề còn lại là Bộ cung cấp thông tin, tư vấn cho HS phổ thông cách thức chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội.
Phụ huynh, HS và đặc biệt các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội sẽ phân tích mọi góc cạnh của đề án tuyển sinh trên các trang web của trường ấy.
Trường nào làm tốt công tác tuyển sinh, có chương trình, kế hoạch đào tạo tốt thì sẽ thu hút được HS có năng lực, sở thích phù hợp vào học.
Chuẩn trình độ đầu vào. Ở miền Nam trước năm 1975 hoặc các nước Tây Âu, Mỹ,... nhiều trường ĐH lấy chuẩn trình độ đầu vào là tốt nghiệp bậc phổ thông.
Tuy nhiên đó thường là các ngành học có tính chất nâng cao kiến thức, trình độ của một ngành khoa học cơ bản hoặc cung cấp những kiến thức đại cương cho bậc ĐH.
Việc ghi danh vào học ở năm đầu khá dễ dàng nhưng có sự sàng lọc gắt gao nên sĩ số rơi rụng mạnh hằng năm, cuối cùng tỉ lệ người tốt nghiệp so với đầu vào rất thấp.
Trong khi đối với các trường, ngành mang tính chất chuyên nghiệp như đào tạo thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ,... thì thường phải qua các kỳ thi tuyển quy mô, khoa học để chọn lựa người có năng lực thực sự cho nên những sinh viên phải rời trường sớm là ít hơn.
Do vậy, việc phân biệt, xem xét sự giống nhau, khác nhau ở các ngành học là điều cần thiết trong cách thức tuyển sinh.
Việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Có thể hiểu rằng, đến năm 2016 hoặc sau đó, khi Bộ GD&ĐT giao cho các trường tự chủ tuyển sinh thì xem như không còn kỳ thi ĐH quốc gia nữa; các trường sẽ tổ chức tuyển sinh theo phương án của mình.