Vừa qua, một báo phản ánh về vị giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa đòi hàng chục triệu cho một ca phẫu thuật ở phòng khám tư.
Sau khi bài báo này đưa ra, dư luận băn khoăn và cho rằng giá dịch vụ khám, mổ ở các nơi phải như nhau. Mức giá vài chục triệu một ca mổ là “cắt cổ” người bệnh.
Trao đổi với phóng viên chiều 27/2, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, một vị giáo sư thu phí một ca mổ lên đến vài chục triệu 1 ca cũng không sai luật. Bởi họ đã có thỏa thuận cụ thể với người bệnh.
Ông Công khẳng định, hiện nay giá khám chữa bệnh tự nguyện có những nơi thu tiền khám Giáo sư từ 300 - 400 nghìn đồng/lượt; giá giường bệnh nhiều nơi cao ngang khách sạn 5 sao nhưng vẫn không sai quy định.
Ông lý giải, tiêu chí xây dựng giá của phòng khám tư và khám dịch vụ tại bệnh viện công do cơ sở y tế đó xây dựng. Họ có thể căn cứ vào tiêu chuẩn, hướng dẫn chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh để đưa ra mức giá với bệnh nhân cho phù hợp với thị trường.
Ở bệnh viện tư và phòng khám dịch vụ, Bộ Y tế không quy định giá trần. Nếu hình thức khám dịch vụ, người bệnh có nhu cầu khám giáo sư, bác sĩ đều có quy định về giá riêng, do các cơ sở tự đưa ra. Bộ Y tế không quản lý giá đối với khám dịch vụ. Bộ Y tế chỉ quy định mức giá cho các bệnh viện công.
“Cơ sở khám dịch vụ tự quyết định về giá miễn sao đảm bảo yếu tố thị trường và thu hút người bệnh” - Ông Công nói.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) cũng cho rằng, hiện nay nhiều người nhầm lẫn bác sĩ với giáo sư. Nhiều người không chấp nhận phải trả tiền cao cho ca mổ dịch vụ, không chấp nhận việc bác sĩ từ chối mổ vì bất kì những lí do gì.
“Trong môi trường y tế hiện nay, đa số bác sĩ hành nghề không phải để kiếm được nhiều tiền, bởi họ có những cách khác kiếm tiền tốt hơn nhiều. Nhưng hầu hết các bác sĩ theo đuổi nghề vẫn phải trăn trở với đồng tiền, bởi vì họ còn có gia đình, có nhiều chi phí phải trả”.
Bác sỹ có quyền từ chối khám khi nào?
Phó vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng cho biết, xét về nguyên tắc, bác sỹ có quyền từ chối khám chữa bệnh trong trường hợp, nếu bác sỹ quá tải, phải làm nhiều, sức khỏe không tốt, họ có quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân nếu không phải trường hợp cấp cứu.
Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, để thực hiện khám chữa bệnh, bác sỹ cũng phải xin cấp chứng chỉ hành nghề. Và để được cấp người đó phải có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam... cùng một số điều kiện khác.
Khi tham gia khám chữa bệnh dịch vụ bên ngoài cần có những yêu cầu nhất định hoặc việc đó phải phù hợp với chuyên môn hành nghề.
Đồng quan điểm, Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) - cũng cho biết: Thầy thuốc được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu tiên lượng thấy bệnh vượt quá khả năng, hoặc trái chuyên khoa của mình. Khi đó thầy thuốc phải báo cáo và giới thiệu bệnh nhân đến các đồng nghiệp khác phù hợp hơn.
Nếu có tình trạng cấp cứu thì vẫn phải xử trí cấp cứu và điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Luật cũng cho phép thầy thuốc được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật, hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Tất cả các quy định về việc từ chối bệnh nhân kể trên đều xuất phát từ mong muốn cung cấp cho bệnh nhân một sự chăm sóc tốt nhất.