(GD&TĐ) - Cảm cúm là bệnh phổ biến và thường gặp, có thể xảy ra vào bất cứ dịp nào trong năm, với mọi lứa tuổi nhưng tập trung vào thời điểm thời tiết giao mùa.
Đây là bệnh của đường hô hấp do virus gây ra, tác động tới niêm mạc miệng, mũi, họng và phổi. Các triệu chứng chủ yếu là sốt cao, đau đầu, sổ mũi, đau họng, đau nhức mình mẩy, mệt mỏi... Đặc biệt, cần đề phòng và kiểm soát mức độ lây lan nhanh của bệnh trong cộng đồng.
TS.BS Tống Hiếu Tâm |
Để tìm hiểu kỹ hơn về chứng bệnh này, xin giới thiệu ý kiến trao đổi của TS Tống Hiếu Tâm - Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Cảm và cúm là những bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp xảy ra ở mọi lứa tuổi. Do có triệu chứng gần giống nhau trên đường hô hấp trên và dưới nên người ta thường ghép cảm và cúm thành một bệnh chung là cảm cúm. Thực sự cảm và cúm là hai bệnh khác nhau do những chủng virút khác nhau gây nên.
Phân biệt cảm và cúm
Bệnh cảm do các virus hô hấp khác nhau gây nên, thường khu trú ở đường hô hấp trên, bệnh tự giới hạn trong vài ngày.
Triệu chứng chủ yếu là hắt hơi, sổ mũi hay nghẹt mũi, đau họng, nhức mỏi và ho khan hay đàm nhầy trong, suy nhược nhẹ và hiếm khi có biến chứng ngoại trừ xảy ra trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT), đái tháo đường, hen phế quản.
Ngược với cảm, cúm có triệu chứng nặng nề hơn nhiều như sốt cao, nhức đầu nặng, suy kiệt, đau nhức cơ thể nặng nề (xem bảng). Bệnh có khi diễn tiến nặng như viêm phổi suy hô hấp cấp gây tử vong trong thời gian ngắn nhất là các chủng virus cúm A H5N1, H7N9 hiện nay.
Bệnh cảm thường tự giới hạn trong vòng 5 - 7 ngày và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, lứa tuổi trẻ em và người già, người có bệnh mạn tính đi kèm như hen, tim mạch... có thể xảy ra biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn hay kích phát các bệnh mạn tính như lên cơn hen phế quản, đợt cấp BPTNMT, suy tim, nếu sốt cao, ho hay chảy mũi đục, khó thở hay triệu chứng hô hấp kéo dài nên đi khám bệnh để có chẩn đoán và điều trị hợp lý.
Cánh điều trị bệnh cảm
Điều trị triệu chứng, nâng tổng trạng và điều trị biến chứng nếu có.
Điều trị triệu chứng: giảm đau nhức, giảm nghẹt và sổ mũi: paracetamol, phenylephedrine, caffeine; chỉ kết hợp antihistamin khi cần thiết.
Sản phẩm phối hợp của 3 chất paracetamol, phenylephedrine và caffeine giúp giảm đau nhức, giảm nghẹt mũi sổ mũi và caffeine giúp bệnh nhân tỉnh táo hơn và tăng tác dụng giảm đau của paracetamol lên 37%. Nếu cần phối hợp thêm kháng sinh, kháng viêm, hay kháng histamine cũng giúp làm giảm tổng số viên thuốc không quá nhiều trong một lần uống.
Nâng tổng trạng: nghỉ ngơi, cung cấp vitamine (qua trái cây, thức ăn, viên vitamine).
Điều trị biến chứng: kháng sinh, kháng viêm… phụ thuộc vào biến chứng trên bệnh nhân dưới sự theo dõi và tư vấn của thầy thuốc.
Ảnh: MH |
Sự nguy hiểm của bệnh Cúm với sức khỏe
Khác với cảm, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virút cúm mùa (H1N1, H3N2) hay cúm gia cầm (H5N1, H7N9).
Cúm mùa gây bệnh cảnh nặng nề hơn cúm rất nhiều, bệnh nhân bị sốt cao, nhức đầu và đau cơ nhiều, suy kiệt nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe kéo dài nhiều ngày - nhiều tuần và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong trên cơ địa đặc biệt hay có bệnh kèm theo.
Theo ước tính của WHO, mỗi năm có 3 - 5 triệu người mắc cúm nặng, trong đó có 250 - 500 người tử vong trên toàn thế giới.
Những yếu thuận lợi cho cảm cúm phát tác
Mỗi năm, khoảng 10% dân số thế giới mắc cúm với 600 triệu người. Do tính chất dễ biến đổi nên mỗi năm virus cúm xuất hiện những chủng mới và thoát khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể nên đôi khi xuất hiện những dịch cúm với rất nhiều người bị mắc và tử vong .
Những yếu tố thuận lợi lây nhiễm bao gồm: Thời tiết ẩm ướt hoặc lạnh lẽo; Sống quanh quẩn trong nhà; Đến những nơi đông đúc; Gia tăng di chuyển giữa các quốc gia; Những đối tượng bệnh nhân nào bị ảnh hưởng nặng do cúm?
Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bệnh diễn tiến nặng thậm chí nguy hiểm tính mạng: Người già (> 60 tuổi), đặc biệt sống tập thể; Trẻ em và thiếu niên (6 tháng - 18 tuổi); Phụ nữ có thai; Bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính (hen phế quản, COPD), bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, suy tim, suy thận mạn tính.
Cách phòng ngừa hiệu quả là tăng cường sức khỏe thường xuyên như: tập thể dục thể thao mỗi ngày, nghỉ ngơi sinh hoạt điều độ, ăn uống bổ dưỡng, nhiều vitamine, rửa tay sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.
Phân biệt giữa bệnh Cúm và cảm lạnh
Triệu chứng | Cúm | Cảm lạnh |
Sốt | Thường cao, kéo dài 3 – 4 ngày | Không thường xuyên |
Nhức đầu | Có | Không thường xuyên |
Suy nhược | Có thể kéo dài đến 2-3 tuần | Nhẹ |
Đau nhức | thường gặp, & nặng | Nhẹ |
Kiệt sức | Sớm, đôi khi rất nặng | Không bao giờ |
Nghẹt mũi | Đôi khi | Thường gặp |
Đau họng | Đôi khi | Thường gặp |
Ho | Có | Không thường xuyên |
Khó chịu ở ngực | Thường gặp đôi khi rất nặng | Nhẹ đến trung bình |
Biến chứng | Viêm phế quản, viêm phổi: nguy cơ tử vong nếu bị nặng | Viêm xoang |
Lộc Hà ghi