Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học"

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học” sẽ diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 14h00 – 15h00 thứ Hai ngày 29/11.

Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học"

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum;

Nghệ nhân ưu tú A Thui, thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khác, đã có lúc cồng chiêng Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mai một. Sau khi UNESCO công nhận không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì loại hình nghệ thuật này đã được quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) đã được đưa vào trường học. Qua đó giúp các em có cơ hội tiếp xúc với cồng chiêng để gìn giữ bản sắc dân tộc, hướng đến những giá trị cội nguồn.

Với mong muốn cồng chiêng Tây Nguyên được lưu giữ và phát triển, nhiều nghệ nhân đã tổ chức các lớp dạy miễn phí cho học sinh. Không những thế, để khuyến khích các em, nghệ nhân còn tặng những phần quà nhỏ cho những em chăm chỉ nhằm động viên tinh thần. Tại đây, nghệ nhân dạy cho các em biết cách đánh cồng chiêng, đồng thời gắn liền với múa xoang, đánh đàn t’rưng… Từ đó, những đội chiêng phụ nữ, học sinh được hình thành và tham gia biểu diễn ở các lễ hội, sự kiện lớn nhỏ tại địa phương.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, 2 khách mời sẽ trao đổi, chia sẻ về việc đưa văn hoá cồng chiêng vào trong trường học. Từ đó, để các em học sinh dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và lưu giữ nét văn hoá truyền thống của con người Tây Nguyên.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời thông qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum

Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum

Bạn đọc

Bạn Ngọc Bích, Gia Lai:

Từ đâu nhà trường lại có ý tưởng đưa văn hoá cồng chiêng vào trường học, thưa cô ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Nhà trường mong muốn khi đưa văn hoá cồng chiêng vào trường học sẽ giáo dục các em giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Qua đó, xây dựng một trường học thân thiện để kết nối thầy trò gần gũi vào điệu xoang, tiếng cồng. Đặc biệt, giúp các em không còn tự ti, mặc cảm, không còn khoảng cách rào cản ngôn ngữ. Đồng thời phát huy được sở trường của các em. Qua đó, học sinh có cơ hội được trải nghiệm văn hóa của dân tộc mình ngay trong trường học. Đồng thời, phụ huynh cũng thấy tự hào vì con em được truyền lửa văn hóa cồng chiêng ngay từ nhỏ dưới mái trường. Ngoài ra còn hướng đến mục tiêu giáo dục gắn với thực tiễn, tăng cường hoạt động trải nghiệm để bồi dưỡng năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học" ảnh 5
Bạn đọc

Bạn Hoàng Kiên – Cần Thơ:

Xin cô cho biết, thời gian tới, nhà trường có những dự định gì để tiếp tục phát triển, gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc ngay trong trường học ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống.
Học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Nhằm gìn giữ, phát triển văn hoá truyền thống ngay trong trường học, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của các tổ chức – cá nhân – nhóm từ thiện để có thể mua 1-2 bộ cồng chiêng cho học sinh. Từ đó tạo điều kiện cho các em chủ động và thuận lợi khi tham gia tập đánh cồng chiêng.

Bên cạnh đó, duy trì nề nếp múa xoang trong sinh hoạt tập thể của trường. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động trải nghiệm cùng với các nghệ nhân theo các chủ đề: Hoạt động đan lát, hoạt động làm men rượu ghè, giới thiệu các vật liệu, đồ dùng, đạo cụ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên... Đồng thời, tổ chức cho học sinh giao lưu với nghệ nhân để các em được nghe kể về lễ hội, phong tục của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Bạn đọc

Bạn DiemmyHCM@...:

Để học sinh có thể vừa tìm hiểu và biết đánh cồng chiêng thì khó khăn lớn nhất nhà trường gặp phải là gì. Thưa cô ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Học sinh được trải nghiệm, tham gia các hoạt động ngoại khoá, lễ hội.
Học sinh được trải nghiệm, tham gia các hoạt động ngoại khoá, lễ hội.

Để học sinh có thể tiếp cận với cồng chiêng thì nhà trường đã trải qua không ít khó khăn. Về chuyên môn thì giai điệu trong bài chiêng có sự liên tục, phối hợp nhịp nhàng của ít nhất 14 cái chiêng. Do đó, có những học sinh hạn chế khi ghi nhớ và vào nhịp chậm nên bài chiêng bị rời rạc.

Còn về đạo cụ nhà trường chưa có sẵn bộ chiêng nên mỗi lần tập đều phải mượn cồng chiêng của thôn làng. Đây là những bộ chiêng dành cho người lớn và được sử dụng khi tổ chức lễ hội nên kích cỡ chiêng lớn và nặng. Có những chiêng cái phải dùng sức của hai học sinh để gánh. Còn nếu nhà trường thuê bộ chiêng để vừa sức với học sinh thì kinh phí khá nhiều, do đó chỉ thuê khi phục vụ các dịp lễ của trường, đón khách hay tham gia các phong trào được cấp trên phát động.

Về thời gian thì kế hoạch múa xoang tập thể của toàn trường thuận lợi hơn khi các em có thể luyện tập trong sinh hoạt 15 phút đầu giờ. Tuy nhiên kế hoạch đánh chiêng còn khó khăn về mặt thời gian (các em học 9 buổi/tuần), chỉ trống chiều thứ Sáu, ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Đồng thời, còn phụ thuộc vào nghệ nhân và bộ chiêng mượn được.

Bạn đọc

Bạn Hồng Trà – Quảng Bình:

Để học sinh thuận lợi hơn khi tiếp cận và tìm hiểu văn hoá truyền thống dân tộc, nhà trường có trưng bày nhạc cụ, hay đồ dùng của người dân Tây Nguyên trong trường học không, thưa cô?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn tham quan, trải nghiệm tại góc cộng đồng.
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn tham quan, trải nghiệm tại góc cộng đồng.

Để học sinh thuận lợi hơn khi tiếp cận và tìm hiểu văn hoá truyền thống dân tộc, nhà trường đã triển khai vận động phụ huynh học sinh ủng hộ những nhạc cụ, đồ dùng vật liệu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, như: mô hình nhà rông, khung cửi dệt vải, cối chày giã gạo, nơm – vó xúc tôm bắt cá, biểu tượng trông coi nhà mồ, cồng chiêng, đàn t’rưng….. Sau đó, nhà trường trưng bày tại 2 góc cộng đồng lớn để các em được tham quan, trải nghiệm và giới thiệu đến các bạn Liên đội trường khác trong các buổi giao lưu.

Bạn đọc

Bạn Phamhienvt123@....:

Qua một thời gian đưa văn hoá Tây Nguyên nói chung và cồng chiêng nói riêng vào trường học, cô nhận thấy các em học sinh có những thay đổi như thế nào?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Các em học sinh biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong hoạt động giao lưu, trải nghiệm tại trường.
Các em học sinh biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong hoạt động giao lưu, trải nghiệm tại trường.

Sau một thời gian đưa văn hoá Tây Nguyên vào trường học, nhà trường nhận thấy các em mạnh dạn, tự tin hơn vì được sống và trải nghiệm trong không gian văn hóa dân tộc mình. Các em có cơ hội phát huy sở trường của mình. Phụ huynh học sinh cũng vui mừng, phấn khởi tự hào vì con em họ được bồi dưỡng truyền thống văn hóa ngay từ nhỏ.

Từ đó, trường học chính là điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa truyền thống cho các em. Nhờ vậy, học sinh biết đánh chiêng - múa xoang, có thể tham gia biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, phục vụ cho mô hình du lịch cộng đồng tại địa bàn thôn, xã của các em. Đồng thời các em thấy yêu trường, thích đi học hơn và không còn khoảng cách rào cản bất đồng về ngôn ngữ giữa thầy và trò.

Bạn đọc

Bạn Khánh Vy – Nghệ An:

Khi học sinh tìm hiểu và học cách đánh cồng chiêng, theo cô, khó khăn lớn nhất mà các em trải qua là gì?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Đối với các em học sinh, khi học đánh cồng chiêng, phải nhớ giai điệu của bài chiêng và phối hợp tốt, nhịp nhàng với các bạn còn lại. Đội chiêng có 14 bạn, tham gia đánh chiêng lớn, chiêng bé, tùng xèng, trống…. Các em phải phối hợp cả bài chiêng và động tác phụ họa (tay đánh chiêng theo nhịp, chân và người vận động phụ họa theo điệu chiêng).

Bạn đọc

Bạn Anh Quý – Hưng Yên:

Thưa cô, việc đưa cồng chiêng vào trường học có ý nghĩa như thế nào đối với nhà trường cũng như các em học sinh ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn mặc trang phục truyền thống biểu diễn cồng chiêng, múa xoang.
Học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn mặc trang phục truyền thống biểu diễn cồng chiêng, múa xoang.

Việc đưa cồng chiêng vào trường học theo mình có ý nghĩa rất lớn, bởi lẽ học sinh sẽ được trải nghiệm nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ngay trong trường học. Với những học sinh người Kinh thì đây là giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em, còn với các em người dân tộc thiểu số thì mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình.

Ngoài ra, đối với học sinh dân tộc thiểu số thì việc học Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai nên các em rất nhút nhát, ngại giao tiếp, tự ti. Văn hóa cồng chiêng sẽ là cầu nối giữa thầy cô với các em. Qua giai điệu cồng chiêng – múa xoang, thầy trò gần gũi, học sinh dân tộc thiểu số thấy tự hào về nét đẹp dân tộc mình. Đặc biệt, phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dạy học gắn với thực tiễn, trải nghiệm cuộc sống, trường học thân thiện, gần gũi, học sinh xem trường như nhà mình. Mặt khác cồng chiêng cũng là sở trường của các em, việc phát huy sở trường, giữ gìn truyền thống cho dân tộc cũng là một trong những giải pháp giúp học sinh đến lớp chuyên cần.

Bạn đọc

Bạn Thienthanhbg@...:

Bên cạnh việc giáo dục, đưa văn hoá cồng chiêng vào trường học, nhà trường còn triển khai những hoạt động gì để rèn luyện, tạo tinh thần phấn khởi cho học sinh khi đến lớp ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan tham gia hoạt động ngoại khoá cùng học sinh.
Cô Đậu Thị Lan tham gia hoạt động ngoại khoá cùng học sinh.

Bên cạnh việc đưa văn hoá truyền thống vào trường học, nhà trường còn đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. Cụ thể, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi trải nghiệm “học mà chơi, chơi mà học”. Từ đó, truyền đạt kiến thức đến học sinh thông qua các trò chơi để lôi cuốn, giúp các em tích cực học tập. Đồng thời, tổ chức các buổi ngoại khóa trải nghiệm theo chủ điểm hằng tháng. Ngoài ra, mời các nghệ nhân cùng giao lưu đan lát, làm men rượu ghè, câu lạc bộ hội học sáng tạo…. nhằm phát huy sở trường, năng khiếu của học sinh dân tộc thiểu số.

Nhà trường cũng thiết kế khu vui chơi, sân bóng mini, bóng rổ, các mô hình trò chơi dân gian trong khuôn viên trường… để thu hút học sinh đến lớp, tạo tinh thần phấn khởi khi các em học tập.

Bạn đọc

Bạn Khánh Linh – Tuyên Quang:

Cồng chiêng là một nét văn hoá truyền thống tại Tây Nguyên. Để duy trì và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt là đưa cồng chiêng vào trường học, nhà trường đã có những hoạt động gì thưa cô?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Trường Tiểu học Đặng Trần Côn mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng cho học sinh.
Trường Tiểu học Đặng Trần Côn mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng cho học sinh.

Để các em có thể lưu giữ và phát triển văn hoá cồng chiêng, đều đặn mỗi tuần 1 lần nhà trường sẽ mời nghệ nhân về giảng dạy cho học sinh nam. Đến nay, nhà trường đã có một đội cồng chiêng – múa xoang tham gia phục vụ trong các sự kiện, dịp lễ hội của trường. Bên cạnh đó, các em còn tham gia Liên hoan Cồng chiêng các cấp. Không những vậy, nhà trường còn đưa nội dung múa xoang vào nề nếp sinh hoạt 15 phút đầu giờ trong mỗi buổi sáng. Qua đó, học sinh có thể tham gia múa xoang theo nhịp điệu của bài chiêng.

Bạn đọc

Bạn Taman124@...:

Để học sinh biết đến và gìn giữ nét văn hoá truyền thống của dân tộc nhà trường đã triển khai những hoạt động gì ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Góc cộng đồng tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn.
Góc cộng đồng tại trường Tiểu học Đặng Trần Côn.

Để học sinh có thể biết đến và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nhà trường đã triển khai trang trí khuôn viên quang cảnh trường gắn với địa phương, buôn làng. Qua đó, nhà trường đã tận dụng chân cầu thang để thiết kế 2 góc cộng đồng lớn. Trong đó, một dãy mô tả hoạt động sản xuất, một dãy mô tả hoạt động lễ hội với những nét văn hoá của dân tộc.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động phụ huynh học sinh và các em sưu tầm, trưng bày góc cộng đồng từ những vật liệu truyền thống như: mô hình nhà rông, khung cửi dệt vải, cối chày giã gạo, nơm – vó xúc tôm bắt cá, biểu tượng trông coi nhà mồ, cồng chiêng, đàn t’rưng….. Mục đích cho học sinh được sống trong không gian văn hóa truyền thống dân tộc ngay tại trường học.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giới thiệu, giáo dục học sinh giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, như:

          + Vận động học sinh mặc trang phục dân tộc thiểu số vào sáng thứ hai đầu tuần. Những trang phục này nhà trường xin từ các nhóm từ thiện để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

          + Tham gia bài múa xoang vào 15 phút đầu giờ mỗi ngày

          + Tổ chức ngoại khóa trải nghiệm giao lưu với nghệ nhân thông qua hoạt động đan lát, làm các sản phẩm truyền thống của dân tộc, giao lưu làm men rượu ghè với nghệ nhân.

          + Học môn tự chọn: Tiếng Bahnar để giúp học sinh lưu giữ chữ viết của dân tộc mình.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Hạnh – Kon Tum:

Thưa cô, theo tôi được biết, mặc dù trường Tiểu học Đặng Trần Côn nằm trên địa bàn thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, hiện nay đang giảng dạy cho đa số các em học sinh người dân tộc thiểu số. Vậy, nhà trường gặp những thuận lợi và khó khăn gì khi mang con chữ đến cho học trò ?
Cô Đậu Thị Lan

Cô Đậu Thị Lan

Học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn học tạm trong nhà rông của thôn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Học sinh trường Tiểu học Đặng Trần Côn học tạm trong nhà rông của thôn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trường Tiểu học Đặng Trần Côn thuộc địa bàn xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, kinh tế của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cũng vì khó khăn về kinh tế nên phần đa phụ huynh “khoán trắng” con em cho nhà trường. Chính vì vậy, nhà trường phải làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo cũ cho các em.

Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với cán bộ thôn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ thôn – xã vận động học sinh đi học chuyên cần. Bởi có nhiều học sinh hoàn cảnh rất khó khăn, các em là nguồn nhân lực lao động của gia đình để mưu sinh như: nhặt phế liệu, mót mũ cao su….. Đồng thời, việc học Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của các em nên học sinh tiếp thu chậm, hạn chế diễn đạt, không muốn giao tiếp, còn nhút nhát và rụt rè…

Ngoài những khó khăn trên thì nhà trường cũng thuận lợi bởi các em rất ngoan ngoãn, nhà ở gần trường nên giáo viên dễ dàng tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Không những vậy, trên địa bàn xã có một số nghệ nhân nên thuận tiện khi nhà trường tổ chức các hoạt động gắn với thực tiễn địa phương. Qua đó, học sinh có cơ hội trải nghiệm và thêm yêu trường lớp, phát triển giáo dục toàn diện cả năng lực và phẩm chất.

Bạn đọc

Bạn lethithuytn@...:

Thưa nghệ nhân, khó khăn nhất khi học đánh cồng chiêng là gì? Để tiếng cồng chiêng được dồn dập, vang vọng hoặc nhẹ nhàng, sâu lắng, người biểu diễn phải lưu ý những điều gì?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Khó khăn nhất đối với những người mới học đánh cồng chiêng là chưa cảm được giai điệu của bài nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, tay chưa dẻo dai để theo kịp nhịp điệu của bài chiêng. Do đó, khi đánh cồng chiêng sẽ bị lạc nhịp, không ra đúng giai điệu của bài hát.

Để một bài chiêng lúc trầm, khi bổng và sâu lắng thì người biểu diễn phải thật sự yêu thích và đam mê cồng chiêng. Bên cạnh đó, người chơi cồng chiêng phải có tinh thần thoải mái, hiểu được nội dung của bài chiêng sẽ đánh. Đồng thời cảm xúc phải hoà vào bài chiêng thì khi thể hiện mới để lại ấn tượng và chạm đến trái tim người thưởng thức.

Bạn đọc

Bạn Phuckhang@...:

Nghệ nhân có dự định gì đối với bản thân trong thời gian sắp tới để có thể đưa cồng chiêng, văn hoá truyền thống được vươn xa ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Do ảnh hưởng của dịch bệnh và sức khoẻ bản thân đang giảm sút nên thời gian này mình tạm ngưng giảng dạy cồng chiêng, đàn... Tuy nhiên, mình sẽ cố gắng giữ cho sức khoẻ ổn định để tiếp tục học hỏi thêm nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống. Từ đó mình sẽ mở thêm nhiều lớp để giảng dạy lại cho thế hệ trẻ.

Mình hy vọng rằng, các em sẽ yêu thích, đam mê và đưa cồng chiêng cũng như văn hoá truyền thống Tây Nguyên vươn xa không chỉ trong nước mà đến với nhiều quốc gia trên thế giới.

Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học" ảnh 39

 

Bạn đọc

Bạn Thuyvan12:

Theo tôi được biết, việc học cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc rất khó. Vậy nghệ nhân có thể chia sẻ bí quyết để có thể học đánh các loại nhạc cụ dân tộc được dễ dàng ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Không chỉ cồng chiêng mà bất kì loại nhạc cụ dân tộc nào nếu muốn sử dụng thuần thục đòi hỏi người sử dụng phải có một niềm đam mê, yêu thích. Bên cạnh đó, người học phải cố gắng, chăm chỉ học hỏi, tìm tòi mới có thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, người học phải có cảm âm, cảm nhịp tốt. Từ đó mới có thể hoà cảm xúc vào bài hát để tạo ra những giai điệu nhịp nhàng, uyển chuyển.

Bạn đọc

Bạn Thienha@:

Thưa nghệ nhân, bên cạnh việc lưu giữ nét văn hoá cồng chiêng ông có tổ chức các lớp để dạy cho người dân và các em học sinh trong làng không ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Tính đến thời điểm hiện tại mình và Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian đã dạy cho khoảng 90 em học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau về cồng chiêng. Những em này giờ đây đã đánh cồng chiêng thuần thục. Không những vậy, các em còn tham gia biểu diễn cho điểm du lịch, lễ hội của làng, huyện…

Ngoài ra, vừa qua mình còn nhận giảng dạy cho các em học sinh lớp 2 và 3 của Trường Tiểu học Lê Văn Tám về văn hoá truyền thống và cồng chiêng Tây Nguyên. Ngoài ra cũng có nhiều người trong làng tìm đến để học cồng chiêng, đàn t’rưng…

Bạn đọc

Bạn Mỹ Hạnh – Kon Tum:

Tôi là một người dân Kon Tum có con lên 7 tuổi. Tôi muốn cho con làm quen với cồng chiêng, múa xoang để con biết yêu quý, gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống. Thưa nghệ nhân, vậy lứa tuổi của con tôi liệu có phù hợp để học cồng chiêng không. Và gia đình phải chuẩn bị những gì để con có thể theo học được cồng chiêng ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học" ảnh 46

Các em nhỏ nếu yêu thích văn hoá truyền thống dân tộc có thể học cồng chiêng từ khoảng 7-8 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi càng nhỏ, việc học đánh cồng chiêng sẽ khó khăn hơn. Bởi các em sẽ không đủ sức khoẻ để nâng được cồng chiêng. Nhưng đây chỉ là một trở ngại nhỏ, nếu các em đam mê, yêu thích thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.


Mình và vợ đã tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng cho học sinh tại nhà. Các em có độ tuổi từ 7 – 15. Do đó, nếu gia đình mong muốn cho con được tìm hiểu, học cồng chiêng có thể đến tham gia lớp học của mình.

Nhà mình đã có sẵn cồng chiêng nên các em chỉ cần cố gắng chăm chỉ luyện tập mà không phải tốn bất kì chi phí nào. Bởi vợ chồng mình luôn mong muốn sẽ có nhiều em nhỏ yêu thích, đam mê và lưu giữ được những nét đẹp truyền thống.

Bạn đọc

Bạn Kieuthoa@...:

Sau nhiều năm gắn bó với cồng chiêng, đến nay ông đã thuộc được bao nhiêu bài chiêng truyền thống ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về cồng chiêng đến nay mình thuộc trên 10 bài chiêng cổ. Hiện nay mình vẫn đang tìm tòi, học hỏi thêm từ những người già để biết thêm nhiều bài chiêng, giai điệu truyền thống. Từ đó đúc kết, ghi nhớ để giảng dạy lại cho thế hệ trẻ.

Bạn đọc

Bạn Hoà Bình – Đà Nẵng:

Bản thân ông đã làm gì để lưu giữ, phát triển văn hoá cồng chiêng nói riêng và văn hoá truyền thống dân tộc nói chung ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Vào năm 2000, số người biết đánh chiêng tại Kon Trang Long Loi ngày càng ít dần, người thuộc các nhạc chiêng, bài cúng cũng không còn nhiều. Do đó, mình khá lo lắng vì sợ văn hoá truyền thống của dân tộc sẽ mai một. Chính vì vậy, mình bàn với vợ phải ghi chép lại những bài chiêng, dân ca… để truyền dạy lại cho dân làng. Vậy là mỗi tối khi đi làm về, mình mang giấy, bút tìm đến những người còn giữ được văn hóa truyền thống để ghi chép lại các bài chiêng cổ.

Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học" ảnh 51

 

Bên cạnh đó, vợ chồng mình đứng ra mở các lớp dạy đánh chiêng cho đàn ông trong làng, dạy múa xoang cho phụ nữ và trẻ em. Đến nay thôn Kon Trang Long Loi đã có 3 đội chiêng: Đội chiêng lớn, đội chiêng nhí và đội chiêng nữ với nhiều độ tuổi.

Bạn đọc

Bạn Khanh1109@...:

Ước mơ lớn nhất của ông đối với văn hoá truyền thống dân tộc là gì, thưa nghệ nhân ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Quãng đời còn lại mình sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi về cồng chiêng và những nét văn hoá truyền thống của con người Tây Nguyên. Từ những kiến thức học và đúc kết được mình sẽ chỉ lại cho những người đam mê văn hóa dân tộc. Mình hy vọng văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền đến nhiều đời sau. Từ đó, văn hóa dân tộc sẽ được nhiều người dân trong nước và ngoài nước biết đến.

Vợ chồng nghệ nhân A Thui luôn trăn trở, mong muốn lớp trẻ sẽ gìn giữ, phát triển văn hoá truyền thống của dân tộc.

Vợ chồng nghệ nhân A Thui luôn trăn trở, mong muốn lớp trẻ sẽ gìn giữ, phát triển văn hoá truyền thống của dân tộc.

 

Bạn đọc

Bạn Trần Hoàng – Quy Nhơn:

Sau bao nhiêu năm gắn bó với văn hoá truyền thống dân tộc, ông có thể tiết lộ, nhạc cụ truyền thống hiện nay mà ông sở hữu là gì?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Đối với bản thân mình, tài sản lớn nhất không phải là vật chất mà là những kỉ vật mang giá trị tinh thần. Có lẽ, giờ đây tài sản lớn và quý giá nhất của mình là 2 bộ cồng chiêng và những cây đàn t’rưng do mình tự làm ra. Những loại nhạc cụ này đã theo mình từ nhiều năm qua và mang đến niềm vui, hạnh phúc.

Giao lưu trực tuyến "Truyền lửa văn hóa cồng chiêng từ trong trường học" ảnh 57

 

Cũng từ những loại nhạc cụ truyền thống này mình có thể sử dụng để truyền dạy cho những người thật sự yêu thích, đam mê văn hoá truyền thống dân tộc.

Bạn đọc

Bạn Hoamai@...:

Bên cạnh niềm đam mê với nghệ thuật cồng chiêng, nghệ nhân còn yêu thích, gắn bó nét văn hoá truyền thống nào của dân tộc ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Không chỉ đam mê nghệ thuật cồng chiêng, với mình văn hoá truyền thống dân tộc có một sức hút rất lớn. Vào năm 2000 khi thấy văn hóa dân tộc dần bị mai một, mình đã quyết tâm học, ghi chép lại các bài chiêng cổ để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, mình biết chơi đàn t’rưng, ting ning, tạc tượng gỗ, hát dân ca, đinh bút… Không chỉ vậy, mỗi khi chiêng bị lạc nhịp, mình có thể tự chỉnh, lấy lại nhịp điệu cho cồng chiêng.

Bạn đọc

Bạn tuanh@...:

Được biết, ông là một người con của dân tộc Rơ Ngao, vậy cộng đồng người Rơ Ngao có những nét đẹp về bản sắc, văn hóa nào ông có thể giới thiệu ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Cộng đồng người Rơ Ngao có nhiều nét đẹp về bản sắc, văn hóa. Bên cạnh văn hoá về nhạc cụ dân tộc, người Rơ Ngao còn có nhiều lễ hội truyền thống như: Cúng nước giọt, cúng lúa mới…

Trong những lễ hội, người dân có thể biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống và gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc hơn trong cuộc sống đối với mọi người.

Các em học sinh tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang tại lễ hội Cúng nước giọt của làng.

Các em học sinh tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang tại lễ hội Cúng nước giọt của làng.

 

Bạn đọc

Bạn caonguyen@....:

Khó khăn lớn nhất khi nghệ nhân giảng dạy cồng chiêng cho các em học sinh là gì ? Nghệ nhân đã làm gì để giúp các em có thể làm quen và học được cách đánh cồng chiêng ?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Khó khăn lớn nhất khi mình giảng dạy cồng chiêng là các em không hiểu rõ về nhạc lý nên còn ngập ngừng và thể hiện chưa đúng các giai điệu của bài nhạc truyền thống.

Bên cạnh đó, các em còn nhỏ tuổi, chưa thể điều chỉnh lực tay của mình nên tiếng chiêng phát ra còn yếu, chưa ngân vang. Mình phải kiên trì chỉ bảo từng em về cách sử dụng một chiếc cồng chiêng và nâng cao hơn nữa khả năng của mỗi người. Từ đó, nhiều em nhỏ trong làng đã biết đánh các loại cồng chiêng và cùng nhau tạo nên một đội chiêng nổi tiếng của cả làng.

Bạn đọc

Bạn mainguyengialai...@gmail.com:

Theo ông, việc dạy cồng chiêng cho học sinh Tây Nguyên có ý nghĩa thế nào?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Với mình, việc dạy cồng chiêng cho các em nhỏ, học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi hiện nay, nét văn hoá truyền thống dân tộc nói chung và cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng đang dần bị mai một. Do đó, việc dạy cồng chiêng cho học sinh sẽ góp phần giáo dục cho các em biết đến nét đẹp về văn hoá truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, mình cũng mong muốn các em có thể gìn giữ và truyền dạy lại cho những thế hệ sau.

Nghệ nhân A Thui giảng dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, học sinh tại nhà.

Nghệ nhân A Thui giảng dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, học sinh tại nhà.
Bạn đọc

Bạn Mai Trang – Gia Lai:

Cơ duyên nào để ông mang cồng chiêng vào trường học?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Cộng đồng người Rơ Ngao có nhiều nét đẹp về bản sắc, văn hóa. Tuy nhiên, những nét đẹp ấy đang dần bị mai một khi lớp trẻ tỏ ra thờ ơ với các giá trị truyền thống và theo đuổi những xu hướng mới của thời đại.

Với mong muốn thế hệ trẻ có thể tiếp cận và yêu quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc mình đã đến từng nhà vận động học sinh, các em nhỏ trong làng đến tham gia.

Vào thời gian rảnh khi các em không đến trường, mình kêu gọi các em tập trung tại nhà của mình để luyện tập cồng chiêng. Bên cạnh đó, mình cũng tham gia giảng dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em học sinh lớp 2 và 3 của Trường Tiểu học tại địa phương.

Bạn đọc

Bạn Khanhchi@...:

Thưa nghệ nhân, ông yêu thích và đam mê cồng chiêng Tây Nguyên từ khi nào?
Nghệ nhân ưu tú A Thui

Nghệ nhân ưu tú A Thui

Những ngày còn nhỏ mình đã được theo ông và bố tham gia các lễ hội văn hóa tại địa phương. Ở đó mình được nghe người già trong làng đánh cồng chiêng, hát xoang, chơi T’rưng… nên thích lắm.

Nghệ nhân ưu tú A Thui.

Nghệ nhân ưu tú A Thui. 

Trong một lần được bố đưa đi lễ hội, mình bị thu hút bởi âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Hình ảnh trai làng đánh cồng chiêng mạnh mẽ kết hợp với điệu múa xoang uyển chuyển của các cô gái khiến mình say mê. Thế là sau giờ học mình lại cùng bạn chạy vào rừng dùng đầu đạn đã nổ để tập đánh theo nhịp chiêng.

Lúc nhỏ mình còn ngại nên cứ trốn rồi học lén cồng chiêng, do đó nhịp điệu sai hết. Vì quá yêu văn hoá truyền thống của dân tộc nên năm 13 tuổi mình đã thuyết phục bố mẹ cho theo người già trong làng học đánh cồng chiêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ