Giao lưu trực tuyến "Dạy ngoại ngữ ở vùng khó: Thầy cô truyền lửa"

Giao lưu trực tuyến “Dạy ngoại ngữ ở vùng khó: Thầy cô truyền lửa” diễn ra tại Báo Giáo dục và Thời đại từ 9 giờ đến 10 giờ, ngày 19/11/2021.

Giao lưu trực tuyến "Dạy ngoại ngữ ở vùng khó: Thầy cô truyền lửa"

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Cô Huỳnh Kim Hương, Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ);

Thầy Trần Kim Cưng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Tiểu học Lai Hòa 4, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách này, ngành Giáo dục, nhà trường, mỗi giáo viên nỗ lực vượt khó, nâng chất dạy học môn ngoại ngữ.

Các trường học vùng sâu, vùng xa tập trung triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường với học sinh tiểu học và THCS. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ sư phạm. Xã hội hóa giáo dục để thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cũng như bổ sung giáo viên ngoại ngữ cho các trường học...

Nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, việc dạy tiếng Việt đã khó, còn dạy, học tiếng Anh khó hơn rất nhiều. Ngày đầu tới lớp, thầy cô hỏi gì các em cũng im lặng, hoặc trả lời lí nhí.

Bằng sự nhiệt huyết, thầy cô giáo khắc phục khó khăn, truyền lửa cho trò. Dần dần môn tiếng Anh bắt đầu thấm vào học trò, giờ học luôn tràn ngập niềm vui, sự nhộn nhịp bởi tiếng đọc và những cánh tay xin phát biểu. Trên những khuôn mặt ngây ngô của trò luôn là sự hứng khởi, thích thú mỗi lần cô giáo giới thiệu từ vựng mới.

Những buổi đầu cho con theo học, nhiều phụ huynh lén đến lớp nhìn trộm qua cửa sổ. Dù chẳng hiểu thứ ngôn ngữ các con đang đọc, nhưng thấy con tự tin, vui vẻ, họ dần yên tâm hơn.

Để sẵn sàng đội ngũ dạy học môn Ngoại ngữ khi môn này bắt buộc từ lớp 3, ngành Giáo dục tập trung tập huấn cho giảng viên, giáo viên. Thầy cô giáo còn tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay trong quá trình giảng dạy, với sự hỗ trợ của giảng viên chủ chốt và giáo viên cốt cán…

Tại chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức (sáng 19/11), trao đổi giữa khách mời và bạn đọc sẽ xoay quanh công tác dạy ngoại ngữ ở vùng khó…

Ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Tổ trưởng chuyên môn, Trường Tiểu học Lai Hòa 4, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ)

Bạn đọc

Bạn Lâm Thị Tuyết, Cần Thơ:

Theo tôi được biết thì Tiếng Anh ở lớp 3, 4, 5 là bắt buộc theo chương trình Anh văn 10 năm. Vậy học Anh văn tự chọn lớp 1 và lớp 2 có khác gì hay không? Học vậy có theo chương trình 10 năm hay như thế nào?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới môn tiếng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó Chương trình Giáo duc phổ thông mới môn tiếng Anh sẽ được thực hiện theo lộ trình như sau:

Lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022.

Chương trình được xây dựng như một môn ngoại ngữ tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 và đảm bảo tính liên thông với chương trình môn tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12.

Mục tiêu chung:

Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh bước đầu có nhận thức đơn giản nhất về tiếng Anh, làm quen, khám phá và trải nghiệm để hình thành kỹ năng tiếng Anh theo các ngữ cảnh phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lí của lứa tuổi. Giúp các em tự tin khi bước vào học tiếng Anh lớp 3 và hình thành cho các em niềm yêu thích đối với môn học...

Bạn đọc

Bạn Phụ huynh ở Hậu Giang:

Con tôi học lớp 5, đang theo học chương trình Tiếng Anh tại trường. Sau khi hết lớp 5 tôi có ý định chuyển con về nhà ông bà ở khu vực nội thành để học, vậy chương trình Tiêng Anh có khác gì với vùng nông thôn không? Khi chuyển học Anh văn sang trường nội thành, tôi có cần chuẩn bị gì cho con.
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Đối với bộ môn tiếng Anh, kiến thức mà các em học được sẽ được sử dụng trong suốt quá trình học tập của con từ lớp 1 đến lớp 12. Vì vậy, sẽ không có việc kiến thức học ở lớp 5 xong sẽ bỏ và không học nữa ở lớp 6. Mà các kiến thức này sẽ liên kết với nhau trong suốt quá trình học của các em.

Bộ môn tiếng Anh, kiến thức mà các em học được sẽ được sử dụng trong suốt quá trình học tập.

Bộ môn tiếng Anh, kiến thức mà các em học được sẽ được sử dụng trong suốt quá trình học tập.

Khi chuyển trường cho con, tôi nghĩ điều mà bạn cần chuẩn bị cho con là chuẩn bị về tâm lý khi con thay đổi môi trường học tập. Còn về kiến thức, thì trường thành thị và nông thôn, lượng kiến thức mà họ truyền thụ không có gì khác nhau.

Bạn đọc

Bạn Sinh viên năm 2, Sư phạm Tiếng Anh:

Cô có thể cho biết, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên bộ môn Tiếng Anh thế nào? Tiêu chuẩn các trường nông thôn có cao hơn hay thấp so với thành thị hay không? Khi tham gia dự tuyển thì có cần các văn bằng, chứng chỉ Anh văn theo khung Châu Âu hay không?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Xin chào em.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên bộ môn tiếng Anh dạy Tiểu học cũng giống với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên Tiểu học được quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT.

 Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28

  1. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II.

Bạn đọc

Bạn Một giáo viên tiếng anh:

Em là sinh viên Sư phạm Tiếng Anh, xin thầy cô cho biết, hằng năm ngành Giáo dục có hỗ trợ tập huấn hay bồi dưỡng cho giáo viên bộ môn Tiếng Anh hay không?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Xin chào em.

Đối với bộ môn tiếng Anh, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức rất nhiều lớp tập huấn để giáo viên tham gia; như các lớp tập huấn bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, về các kĩ năng trong giao tiếp, về cách phát âm...

Đặc biệt là triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giáo viên tiếng Anh tham gia tập huấn để đảm bảo yêu cầu giảng dạy. Bản thân mỗi giáo viên phải tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, luôn tìm tòi nhiều biện pháp, phương pháp dạy học mới giúp các em học sinh hứng thú hơn trong giờ học tiếng Anh...

Bạn đọc

Bạn Một phụ huynh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ):

Một số trường vùng nông thôn, phụ huynh đã rất khó khăn nay buộc học Tiếng Anh thì có cần phải mua thêm bộ sách giáo khoa khác hay không? Nếu gia đình tôi không đủ điều kiện thì có được từ chối không học Anh văn không?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Đối với môn học tiếng Anh, nếu không có sách giáo khoa sẽ rất khó để các em có thể nắm bắt được kiến thức. Chính vì thế, vào cuối mỗi năm học, tôi đều vận động học sinh tặng lại bộ sách tiếng Anh nếu các em không còn sử dụng nữa.

Có rất nhiều em hưởng ứng phong trào này. Nên tôi nghĩ, để tạo mọi điều kiện cho học sinh mình được học tiếng Anh, giáo viên cần phải có nhiều biện pháp để giúp đỡ các em, tuyệt đối không được để học sinh vì khó khăn mà không được học.

Nếu gặp khó khăn, phụ huynh cần liên hệ nhà trường, giáo viên để kịp thời giúp đỡ.

Bạn đọc

Bạn vuvan@gmail.com:

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho học sinh phải học trực tuyến. Cô đã làm thế nào để việc dạy học sinh có hiệu quả?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Để việc học của các em đạt hiệu quả tốt nhất, trước mỗi giờ dạy trực tuyến, tôi chuẩn bị bài thật kỹ, soạn bài và hướng dẫn học, các file nghe gửi qua nhóm zalo trước đó 1 ngày để các em xem trước.

Khi học trực tuyến, tôi sẽ giảng bài lại 1 lần nữa và trả lời các thắc mắc của các em nếu các em chưa hiểu. Sau buổi học trực tuyến, tôi chốt lại những nội dung quan trọng trong buổi học đó và gửi lại cho các em 1 lần nữa để các em có thể nắm bài tốt hơn.

Đồng thời tôi cũng liên hệ với phụ huynh, nhờ họ nhắc nhở các em tham gia học tập đầy đủ và gửi lại các bài tập cho giáo viên nhận xét.

Đối với các học sinh không có phương tiện để học trực tuyến, tôi soạn hướng dẫn học, gửi cho nhà trường, nhà trường in ấn và phân công giáo viên đến từng nhà phát bài cho các em. Sau đó thu bài và gửi lại cho giáo viên nhận xét.

Bạn đọc

Bạn Văn Đức, Cần Thơ:

Năm nay con tôi vào lớp 1, dịch bệnh đến nay vẫn chưa đến trường nên phải học trực tuyến, môn Tiếng Anh nhà trường chỉ gửi video bài học… Tôi xem còn chưa hiểu, vậy khi trở lại trường học sinh có được học lại không, thưa cô?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Chào phụ huynh Văn Đức.

Đối với học sinh lớp 1, do các em chưa được đến trường và còn nhiều bỡ ngỡ với các kiến thức mới, đặc biệt là môn tiếng Anh, giáo viên sẽ kết nối với phụ huynh thông qua zalo, facebook… để gửi video kèm hướng dẫn học để phụ huynh có thể giúp con mình học tập.

Cô Huỳnh Kim Hương cùng học trò trong giờ học tiếng Anh.
Cô Huỳnh Kim Hương cùng học trò trong giờ học tiếng Anh.

 

Tất nhiên các video được thiết kế sẽ đơn giản, dễ hiểu. Phụ huynh có thể mở video cho các con xem tranh, nghe, đọc theo, làm các bài tập đơn giản để nhớ được các từ mới và nắm được các mẫu câu.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Đình Thi:

Hiện nay Anh văn bắt buộc ở học sinh lớp 3, 4 và 5, riêng các em lớp 1 và lớp 2 thì học tự chọn. Nếu phụ huynh học sinh trường con tôi theo học không đủ số lượng nhà trường có mở lớp hay không? Nếu mở thì tổ chức học như thế nào?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Xin chào bạn.

Nếu trường học mà học sinh đăng ký không đủ số lượng, giáo viên sẽ tham mưu với nhà trường mở lớp và sắp xếp thời khóa biểu phù hợp để các em được học theo nguyện vọng (vì đối lớp lớp 1, 2 các em học mỗi tuần chỉ có 2 tiết).

Bạn đọc

Bạn hoanglong@gmail.com:

Với khả năng ngoại ngữ, thay vì đi giảng dạy, nhiều người đã làm việc ở những công ty nước ngoài để có thể có mức thu nhập cao hơn? Với cô, đã bao giờ cô băn khoăn về quyết định gắn với nghề dạy học của mình?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Những bạn bè của tôi, sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã đi làm ở những công ty nước ngoài. Và thật sự thì mức thu nhập của họ cao hơn rất nhiều so với thu nhập của một giáo viên.

Tuy nhiên, ngay từ lúc chọn học ngành Sư phạm, tôi đã xác định nghề dạy học sẽ là nghề gắn bó với mình suốt đời nên tôi cũng không băn khoăn gì khi thấy bạn mình có thu nhập cao hơn.

Bạn đọc

Bạn Tuấn Kiệt, Bạc Liêu:

Ngoài việc giảng dạy học sinh trong giờ học trên lớp, theo cô nên có những hoạt động gì để thu hút học sinh yêu thích môn ngoại ngữ?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Xin chào phụ huynh Tuấn Kiệt.

Đối với hoạt động ngoài giờ học trên lớp, tôi tổ thường tổ chức các câu lạc bộ cho học sinh khối 3, 4, 5. Ngoài ra, đối với những học sinh có năng khiếu, tôi còn thực hiện bồi dưỡng các em vào các giờ học buổi chiều, mỗi tuần khoảng 3 buổi.

Khi tổ chức các câu lạc bộ này, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của học sinh, phụ huynh. Rất nhiều học sinh nhút nhát, ít nói đã mạnh dạn hơn trong các giờ học. Vui nhất là thấy được sự yêu thích, hứng thú của các em khi tham gia vào câu lạc bộ này.

Cô Huỳnh Kim Hương cùng học trò trong một hoạt động môn tiếng Anh.

Cô Huỳnh Kim Hương cùng học trò trong một hoạt động môn tiếng Anh.
Bạn đọc

Bạn Lâm Tel, phụ huynh học sinh tỉnh Trà Vinh:

Gia đình tôi là người dân tộc thiểu số, Tiếng Việt đọc đã rất khó với gia đình, nay con tôi học thêm Tiếng Anh, liệu có ảnh hưởng gì về việc phát triển ngôn ngữ hay kết quả học tập của con chúng tôi hay không?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Xin chào phụ huynh Lâm Tel.

Rất nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng rằng, việc cho con trẻ học tiếng Anh từ bé sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, khi trẻ đã hình thành được khả năng ngôn ngữ thì lúc này chính là độ tuổi vàng để cho con bạn đi học ngôn ngữ thứ 2, thứ 3.

Bạn đọc

Bạn Nganvu…@gmail.com:

So với học sinh ở nơi có điều kiện, học sinh vùng quê thiệt thòi, nhất là trong việc học ngoại ngữ. Theo cô làm thế nào để khắc phục vấn đề này?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

So với học sinh ở trung tâm thành phố, học sinh ở trường chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập đặc biệt là đối với môn tiếng Anh.

Để học sinh yêu thích môn học của mình, ngoài những tiết dạy trên lớp, tôi còn tổ chức các Câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh khối 3, 4, 5. Trong câu lạc bộ này, sẽ có giáo viên phụ trách ở từng khối. Các em sẽ được sinh hoạt vào các buổi sáng thứ Bảy. Khi tham gia các em được xem các đoạn phim ngắn, được học hát, được nghe kể truyện, học các mẫu câu cơ bản trong giao tiếp….

Khi tổ chức các câu lạc bộ này, tôi không những được sự ủng hộ nhiệt tình của học sinh mà còn có cả phụ huynh. Rất nhiều học sinh nhút nhát, ít nói đã mạnh dạn hơn trong các giờ học. Và tôi nhìn thấy sự yêu thích, hứng thú của các em khi tham gia vào câu lạc bộ này.

Bạn đọc

Bạn Bảo Ngọc, Cần Thơ:

Hơn 15 năm gắn bó với học sinh vùng quê, cô đã có những biện pháp nào giúp các em hứng thú hơn trong giờ học tiếng Anh?
Cô Huỳnh Kim Hương

Cô Huỳnh Kim Hương

Hơn 15 năm gắn bó với học sinh vùng quê, để giúp các em hứng thú trong giờ học tiếng Anh, tôi sử dụng rất nhiều biện pháp tùy theo lứa tuổi và trình độ của học sinh. Ví dụ đối với học sinh lớp 1, 2: điều các em quan tâm nhất không phải là hôm nay học được những kiến thức gì mà là hôm nay con có được cô khen không, con đã làm những gì để được cô khen?

Cô Huỳnh Kim Hương giao lưu cùng độc giả.

Cô Huỳnh Kim Hương giao lưu cùng độc giả.

Chính vì vậy, trong giờ học tiếng Anh của tôi, tôi luôn động viên khuyến khích học sinh, ghi nhớ những đặc điểm của học sinh ở từng lớp mình dạy. Từ đó đưa ra những biện pháp giảng dạy thích hợp với các đối tượng học sinh.

Đối với học sinh lớp 3, 4, 5 các em đã phần nào ý thức được tầm quan trọng của việc học nhưng do tuổi các em còn nhỏ, khả năng tập trung cao nhất khoảng từ 10 đến 15 phút đầu của tiết học. Nên tôi tìm những biện pháp đơn giản nhất để truyền đạt kiến thức để các em nắm trong 15 phút này. Phần thời gian còn lại của tiết học tôi tổ chức các trò chơi học tập để các em thực hành kiến thức mà mình vừa học.

Bên cạnh đó, học sinh tiểu học rất thích những hình ảnh trực quan nên khi dạy tôi luôn sử dụng các đồ dùng dạy học phù hợp cho từng tiết như tranh ảnh, loa, các món đồ dung tự làm để chơi các trò chơi trong tiết học…

Bạn đọc

Bạn thanhbao@gmail.com:

Xin thầy cho biết ở vùng sâu, vùng xa, việc học môn Tiếng Anh cấp tiểu học có bắt buộc không? Thầy cho xin lời khuyên?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì việc học tiếng Anh được bắt buộc từ năm học lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần. Và khuyến khích làm quen với tiếng Anh đối với lớp 1 và lớp 2 với thời lượng 2 tiết/tuần.

Nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho các em làm quen tiếng Anh từ sớm vì có nhiều lợi ích hơn là không được tham gia học.

Bạn đọc

Bạn Bảo Xuyên, phụ huynh:

Xin thầy cho biết, con tôi ngoài việc học tiếng Anh theo chương trình ở trường, có cần học ở các trung tâm ngoại ngữ không?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Được học tiếng Anh ở trường là một điều tốt và càng tốt hơn nếu có điều kiện cho các em tham gia học tập tại các trung tâm ngoại ngữ.

Qua đó các em được tiếp xúc với giáo viên người bản xứ để tạo thói quen giao tiếp khi gặp người nước ngoài. Các em có thời gian học tập tiếng Anh nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với những em chưa được đi học tại các trung tâm ngoại ngữ cũng yên tâm vì chương trình, sách giáo khoa cũng đảm bảo được chất lượng nếu các em tham gia học tập tốt ở trên lớp và tự ôn luyện thêm ở nhà...

Bạn đọc

Bạn Lý Bảo Anh, phụ huynh:

Con tôi đang học online môn Tiếng Anh lớp 4, nhà tôi không biết tiếng Anh, xin thầy cho lời khuyên để con tôi học tốt?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin chào phụ huynh Lý Bảo Anh.

Hiện nay việc học online được giáo viên và các tác giả biên soạn rất ngắn gọn và súc tích để thu hút người học và vừa đảm bảo chất lượng. Phụ huynh cứ yên tâm cho con học, tham gia học tập đều.

Phụ huynh cần làm là luôn nhắc nhở và theo dõi việc học tập của con em mình cho đúng thời gian quy định. Giữ mối liên hệ với nhà trường, giáo viên để phối hợp tốt trong việc hỗ trợ con em học tập tại nhà...

Phụ huynh giữ mối liên hệ với nhà trường, giáo viên để phối hợp tốt trong việc hỗ trợ con em học tập tại nhà...

Phụ huynh giữ mối liên hệ với nhà trường, giáo viên để phối hợp tốt trong việc hỗ trợ con em học tập tại nhà...
Bạn đọc

Bạn kimhien@gmail.com:

Hiện nay có nhiều sách học Tiếng Anh cho học sinh tiểu học, nhà tôi ở vùng sâu, xin thầy cho lời khuyên việc chọn sách cho con?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Thực hiện theo Chương trình Giaso dục phổ thông 2018, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nhằm đa dạng hóa các nguồn tài liệu học tập và sách tham khảo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy và cả người học trong việc lựa chọn tài liệu học tập. Do đó phụ huynh có thể tham khảo nhiều bộ sách khác nhau để chọn ra một bộ sách phù hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh và túi tiền của gia đình, vì mỗi bộ sách đều có những ưu điểm riêng.

Bạn đọc

Bạn Thạch Sol, phụ huynh:

Con tôi học lớp 4, gia đình dân tộc Khmer nhưng cháu rất thích học Tiếng Anh. Xin thầy cho biết con tôi có thể học trực tuyến qua các video, clip trên mạng để nâng cao kiến thức?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin chào phụ huynh Thạch Sol.

Gia đình có cháu yêu thích học môn tiếng Anh như vậy là rất tốt và đáng khen. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc dạy và học online là điều tất yếu và rất cần thiết.

Phụ huynh có thể tham khảo một số trang mạng và các phần mềm hỗ trợ học tập tiếng Anh như trang: tienganh123.com, English for Kids, Monkey Junior…

Ngoài ra có thể tham khảo một số sách tiếng Anh phù hợp với lứa tuổi để con em vừa học, vừa rèn luyện các kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Ngọc, phụ huynh Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng:

Gia đình tôi dân tộc Khmer, năm nay con tôi vào lớp 3 nhưng dịch bệnh phải học trực tuyến. Không biết khi vào học trực tiếp môn Tiếng Anh học sinh có được ôn lại kiến thức và theo kịp chương trình?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Hiện nay Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn nhà trường và giáo viên soạn Kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với quỹ thời gian còn lại nhằm đảm bảo chất lượng dạy học khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Phụ huynh yên tâm và phối hợp tốt cùng nhà trường, giáo viên trong việc dạy, học con em tại nhà. Khi trở lại học trực tiếp nhà trường sẽ có kế hoạch bù đắp kiến thức, hỗ trợ các em theo kịp chương trình học. 

Bạn đọc

Bạn thaygiaolang@gmail.com:

Ở vùng khó, việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu môn Tiếng Anh như thế nào? Có khó khăn không thưa thầy?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Trong thời gian vừa qua việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu luôn được quan tâm và đạt một số kết quả rất cao trong thị xã. Ngay từ đầu năm, giáo viên đã chọn và bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu để chuẩn bị tham gia các cuộc thi. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như máy vi tính, phòng để ôn luyện, thời gian…

Tuy nhiên, các em học sinh rất ham học, luôn có tinh thần phấn đấu nên việc dạy, học của thầy, trò thuận lợi. Sự hỗ trợ từ nhà trường, đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh nên công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ngày càng ổn định, đi vào nền nếp và bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Bạn đọc

Bạn Kim Pha, phụ huynh huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng:

Đối với học sinh dân tộc, vùng khó khăn, khi học môn Tiếng Anh có được hỗ trợ gì không thưa thầy?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin chào phụ huynh Kim Pha.

Địa phương, nhà trường, giáo viên trong quá trình giảng dạy kịp thời hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Địa phương, nhà trường, giáo viên trong quá trình giảng dạy kịp thời hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian vừa qua, các em học sinh nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, khi các em tham gia học môn tiếng Anh thì chưa nhận được chính sách hỗ trợ.

Nhờ sự quan tâm của địa phương, nhà trường, giáo viên, nhất là trong quá trình giảng dạy kịp thời hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó có sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân... qua đó giúp nhiều học sinh khó khăn yên tâm đến trường...

Bạn đọc

Bạn kimngocthai@gmail.com:

Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức… Công tác ở trường vùng khó, thầy có gặp khó khăn trong vấn đề này? Thầy đã làm gì để khắc phục những khó khăn (nếu có)?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Để đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì giáo viên phải đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và được tham gia tập huấn đầy đủ các module. Trong thời gian qua, bản thân tôi cùng đồng nghiệp đã được tham gia học tập, tập huấn đầy đủ, đáp ứng được Chương trình mới.

Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cũng không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tìm những cách thức truyền tải dễ hiểu nhất, phù hợp với đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc. Nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trên lớp, giúp cải thiện kết quả học tập cho từng học sinh.

Bạn đọc

Bạn Sơn Kiên, phụ huynh huyện Tri Tôn, An Giang:

Trường thuộc vùng khó nên thiếu thốn cơ sở vật chất, ảnh hưởng chất lượng dạy học. Thầy khắc phục khó khăn đó như thế nào?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin chào phụ huynh Sơn Kiên.

Khó khăn nào cũng sẽ vượt qua nếu chúng ta có ý chí vượt khó và đủ quyết tâm để thực hiện việc đó.

Cách khắc phục trước tiên là: Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, mạnh dạn tham mưu để mua sắm thêm các thiết bị phục vụ giảng dạy.

- Tự làm các thiết bị dạy học trong khả năng của mình.

- Phối hợp với các em học sinh để huy động tối đa các vật dụng các em sẵn có hoặc cùng làm với giáo viên để phục vụ việc học.

- Vận động các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân ủng hộ và đóng góp sức lực và tài chính để mua sắm các thiết bị...

Bạn đọc

Bạn lamminh@gmail.com:

Dạy môn Tiếng Anh cấp Tiểu học, nhất là ở vùng khó, học sinh dân tộc, xin thầy cho biết làm sao để nhận được sự đồng thuận của phụ huynh? Để thuyết phục phụ huynh học sinh, thầy có bí kíp gì không?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn.

Lúc mới bắt đầu giảng dạy bộ môn tiếng Anh, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ phụ huynh, đa số họ chưa đồng thuận và không muốn con họ tham gia học môn tiếng Anh. Nhưng để việc học được diễn ra suôn sẻ như ngày nay, bản thân tôi đã cố gắng rất nhiều, cụ thể:

Thầy Trần Kim Cưng giao lưu cùng độc giả.

Thầy Trần Kim Cưng giao lưu cùng độc giả.

- Tiếp cận với phụ huynh tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ.

- Giải thích cho họ biết được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh.

- Tìm hiểu hoàn cảnh và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn để tạo niềm tin và tiếp bước cho các em được tham gia học tiếng Anh.

- Thường xuyên nhận xét vào vở bài tập của học sinh về sự tiến bộ của các em trong học tập từ đó phụ huynh nhận thấy học tiếng Anh không khó như họ nghĩ.

- Yêu cầu các em giao tiếp với phụ huynh ở nhà bằng tiếng Anh với những mẫu câu hay từ vựng vừa học được ở lớp qua đó tạo được niềm hạnh phúc và tự hào về con cái của họ khi sử dụng được một ngôn ngữ khác đó là tiếng Anh mà trước giờ bản thân phụ huynh cũng chưa biết...

Bạn đọc

Bạn Thạch Bảo Ngọc, phụ huynh tỉnh Trà Vinh:

Học sinh dân tộc nói tiếng Việt đã khó, giờ học thêm Tiếng Anh càng khó khăn hơn. Thầy có những phương pháp thế nào để các em học được?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin chào phụ huynh Thạch Bảo Ngọc.

Về giải pháp, trước tiên là sử dụng song ngữ trong quá trình giảng dạy.

Đọc và phát âm tiếng Anh chậm hơn.

Khuyến khích các em sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó, quan tâm khâu vận động đến hướng dẫn học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh, tạo sự đồng thuận. Tìm những cách thức, phương pháp truyền tải dễ hiểu nhất, phù hợp với đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc.

Để dạy các em học sinh dân tộc Tiếng Anh, các thầy cô nỗ lực, vận dụng nhiều phương pháp dạy học.

Để dạy các em học sinh dân tộc Tiếng Anh,  các thầy cô nỗ lực, vận dụng nhiều phương pháp dạy học.
Bạn đọc

Bạn Lâm Thành, phụ huynh thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng:

Ngôi trường thầy đang công tác, đa phần học sinh là dân tộc Khmer nên việc dạy học tiếng Anh như thế nào để đảm bảo chất lượng, thưa thầy?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin chào phụ huynh Lâm Thành.

Với đặc thù đa số học sinh là đồng bào dân tộc Khmer nên trong quá trình giảng dạy phải vận dụng nhiều giải pháp, cụ thể như:

- Sử dụng tiếng dân tộc để trao đổi và hướng dẫn đối với các giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế.

- Hướng dẫn giúp đỡ các em có thói quen học tập tốt ở trong lớp cũng như ở nhà.

- Trao đổi với cha mẹ học sinh thường xuyên về việc học tập của các em.

- Sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật, phương pháp dạy học nhằm thu hút các em học sinh.

- Vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong học tập... 

Bạn đọc

Bạn Ngọc Ánh, SV Sư phạm Tiếng Anh:

Qua quá trình dạy học thực tế, thầy có thể chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng bộ môn Tiếng Anh tại ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Qua quá trình dạy học thực tế tại trường, bản thân luôn trau dồi, học hỏi kinh nghiệm và luôn chia sẻ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắt tại đơn vị. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng bộ môn tiếng Anh tại đơn vị nói riêng và trong thị xã Vĩnh Châu nói chung.

Bản thân tôi cùng đồng nghiệp không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tìm những cách thức truyền tải dễ hiểu nhất, phù hợp với đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc. 

Cùng các đồng nghiệp, quan tâm khâu vận động đến hướng dẫn học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh, tạo sự đồng thuận trong xã hội về dạy học tiếng Anh ở tiểu học ở vùng dân tộc.

Tôi cũng cảm thấy rất vui vì nỗ lực mấy năm qua đã thu được trái ngọt. Mỗi năm cứ tập trung giảng dạy cho học trò từ lớp 3 lên lớp 4 và từ lớp 4 lên lớp 5, cũng kiểm tra đánh giá và theo dõi được sự tiến bộ của học sinh. Nhưng vui nhất là khi nhận được phản hồi tốt từ đồng nghiệp cấp học trên về học sinh của mình. Điều này tạo thêm động lực cho mình tiếp tục cống hiến.

Bạn đọc

Bạn Võ Minh Anh, phụ huynh tỉnh Sóc Trăng:

Trước tiên xin chúc mừng Thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Hơn 11 năm công tác, xin thầy cho biết thuận lợi, khó khăn trong việc dạy học môn Tiếng Anh cho học sinh vùng khó? Thầy có thể chia sẻ kỷ niệm nào khó quên nhất trong quãng thời gian này?
Thầy Trần Kim Cưng

Thầy Trần Kim Cưng

Xin cảm ơn phụ huynh Võ Minh Anh.

Trước tiên là thuận lợi: Bản thân và đồng nghiệp nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp trường. Các em học sinh yêu thích học môn tiếng Anh.

Thầy Trần Kim Cưng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Tiểu học Lai Hòa 4, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Thầy Trần Kim Cưng, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Tiểu học Lai Hòa 4, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Về khó khăn, là thiếu cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy. Các em học sinh thiếu dụng cụ học tập (đa số các em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo). Các em chưa sử dụng được tiếng Việt lưu loát (Học sinh dân tộc khmer và Hoa chiếm hơn 70%). Đôi lúc việc dạy, học tiếng Anh chưa nhận được sự chung tay và giúp đỡ của cha mẹ học sinh và xã hội.

Tôi xin chia sẻ kỷ niệm khó quên nhất là ngày đầu tiên dạy Tiểu học, các em rất hiếu động, cả một tiết mà chẳng dạy được gì. Cộng thêm khó khăn về cơ sở vật chất, đồng lương thì ít ỏi thật sự lúc đó muốn bỏ nghề. Nhưng rồi bản thân suy nghĩ lại, được dạy học là tâm huyết và ước mơ của mình, giờ đã thực hiện được ước mơ sao lại từ bỏ.

Vậy là ngoài dạy tiếng Anh, tôi còn phải dạy nền nếp, kỹ năng, hướng dẫn các em cách thức học tập. Dần dần thầy trò hiểu nhau hơn, các em chịu học và bắt đầu yêu thích, học tốt môn tiếng Anh. Phụ huynh học sinh cũng hiểu được và ủng hộ việc học tập của con em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.