Giao lưu trực tuyến 'Giảm gánh nặng tài chính cho học sinh sinh viên'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ 8h30 - 9h30 ngày 22/12, trên Báo GD&TĐ Điện tử diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Giảm gánh nặng tài chính cho HSSV'.

Giao lưu trực tuyến 'Giảm gánh nặng tài chính cho học sinh sinh viên'

Chương trình có sự tham gia của hai vị khách mời:

- TS Giang Trung Khoa, Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam;

- TS Vũ Minh Chiến, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên.

Hiểu được những trăn trở, lo lắng của phụ huynh, sinh viên; đồng thời chia sẻ gánh nặng tài chính, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp tục học tập, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã có những giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ sinh viên như: không tăng học phí, trao học bổng, thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài…

Giảm gánh nặng tài chính cho học sinh viên cũng là một trong những nội dung được phụ huynh quan tâm. Nội dung này cũng được cử tri kiến nghị, đề xuất tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ về học phí năm học 2022 - 2023. Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.

Theo đó, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Đây là một trong những chính sách thiết thực nhằm giảm gánh nặng về tài chính cho học sinh, sinh viên.

Trong chương trình giao trực tuyến, các khách mời sẽ chia sẻ về về sự đồng hành của nhà trường để cùng “chung nhịp bước” với sinh viên trên con đường học tập. Độc giả có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây hoặc gửi hộp thư email: gdtddientu@gmail.com.

TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên

Bạn đọc

Bạn huonggiang...@gmail.com:

Đối mặt với thách thức giữa tăng học phí và đảm bảo đầu vào cho tất cả sinh viên đủ năng lực, trình độ, Trường Đại học Tây Nguyên đã đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt gì bắt đầu thực hiện từ năm học này?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Trường Đại học Tây Nguyên là trường Đại học công lập tự chủ một phần, do đó mức thu học phí tuân thủ theo quy định của Chính phủ, thấp hơn rất nhiều so với các trường đại học dân lập, tư thục hay trường quốc tế.

Y-Run Knul, người dân tộc M' Nông tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.
Y-Run Knul, người dân tộc M' Nông tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Các chính sách miễn, giảm học phí, học bổng Khuyến khích học tập,... được thực hiện theo Quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, Trường cũng có những hỗ trợ đặc thù, ví dụ: Học bổng đồng hành cùng tân sinh viên, học bổng tiếp sức đến trường, chậm nộp học phí với SV có hoàn cảnh đặc biệt... Tổng số tiền chi cho Học bổng khuyến khích học tập khoảng 8 ti đồng/năm.

Bên cạnh đó, Nhà trường luôn tích cực tìm kiếm các học bổng của các Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, như: Học bổng Moto, Toyota, Vallet (25 triệu đồng/năm), Đinh Thiện Lý, học bổng Vinaphone, Mobilphone, AgriBank, VietcomBank, học bổng Tiếp sức thủ khoa của báo Tiền Phong, học bổng do các cựu sinh viên ở các khoa tài trợ.... Tổng số tiền khoảng 2 tỉ đồng/năm.

Với sinh viên nghèo có học lực khá, giỏi thì nên dự thi hoặc xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước từ Nghị định 116: Được Miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng, hưởng 3.630.000 đồng/tháng, 10 tháng/ năm, hưởng 4 năm (riêng năm học 2021-2022 đã chi gần 18 tỉ đồng hỗ trợ Sinh hoạt phí cho sinh viên Sư phạm của trường).

Bạn đọc

Bạn Đặng Văn Khoa, tỉnh Nam Định:

Em là học sinh lớp 12. Em có dự định xét tuyển vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thầy cho em hỏi, ngoài thời gian học tập, sinh viên của Học viện có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa gì?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa (bên phải) cùng TS Dương Thanh Huân - Phó trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả lời câu hỏi của độc giả Báo Giáo dục và Thời đại trong buổi GLTT.

TS Giang Trung Khoa (bên phải) cùng TS Dương Thanh Huân - Phó trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả lời câu hỏi của độc giả Báo Giáo dục và Thời đại trong buổi GLTT.

Chào em! Cảm ơn em đã quan tâm đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Về câu hỏi, em đã xác định đúng mục tiêu cần hướng tới cho tương lai. Năng lực của người học sau ra trường đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và thái độ (năng lực tự chủ và trách nhiệm) nên các hoạt động ngoại khóa sẽ có vai trò rất lớn.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên được tổ chức thường niên bởi Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các Khoa chuyên môn.

Bên cạnh các hoạt động mà các bạn thường thấy như văn hóa, văn nghệ, thể thao, học thuật (thi Olympic, thăm quan trải nghiêm doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học…), tình nguyện, thiện nguyện... thì các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế và hơn 20 câu lạc bộ theo chuyên môn, sở thích sẽ là nơi để các em có thể trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa thú vị tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bạn đọc

Bạn Trần Đệ (trande***@gmail.com):

Ngoài chương trình học bổng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chương trình gì để hỗ trợ, đồng hành cùng sinh viên hay không, thưa thầy?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Như đã trao đổi, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngoài chương trình học bổng, các chương trình ngoại khóa được triển khai phát triển mạnh mẽ như: Chương trình chào tân sinh viên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, học thuật, tình nguyện, thiện nguyện, khởi nghiệp, giao lưu văn hóa, tọa đàm doanh nghiệp, thăm quan trải nghiệm… được các đơn vị tổ chức thường niên cho sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Quyên (ĐăkLăk):

Ông có thể cho tân sinh viên lời khuyên để có thể giúp họ làm chủ tài chính, giảm bớt mối lo về gánh nặng tài chính khi bước vào giảng đường đại học?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Trường Đại học Tây Nguyên.

Trường Đại học Tây Nguyên.

Sinh viên sống xa nhà, xa gia đình, do đó cần hình thành kỹ năng tự lập cho bản thân, đây là kỹ năng rất quan trọng của mỗi cá nhân, ví dụ như hoạch định kế hoạch học tập, tổ chức cuộc sống.

Đặc biệt là cần trau dồi các kỹ năng xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý để không bị thâm hụt, chi tiêu đúng việc cần chi.

Cần nỗ lực trong học tập để có kết quả tốt và được HỌC BỔNG khuyến khích học tập của trường và các học bổng ngoài trường từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (được xét với các tiêu chí: Kết quả học tập tốt, thành tích nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội,...)

Thông qua tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Trung tâm Khởi nghiệp....để tìm kiếm việc làm thêm, hình thành ý tưởng khởi nghiệp... để kiếm thêm thu nhập, giảm bớt gành nặng cho bố mẹ.

Bạn đọc

Bạn Bùi Mạnh Hùng, tỉnh Yên Bái:

Thầy cho em hỏi, hiện nay Học viện Nông nghiệp Việt Nam có bao nhiêu chương trình học bổng. Để đạt được học bổng có khó không ạ?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Các khách mời từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả lời câu hỏi của độc giả trong buổi GLTT.

Các khách mời từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả lời câu hỏi của độc giả trong buổi GLTT.

Ngoài học bổng khuyến khích học tập xét từng kỳ theo kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn có chương trình học bổng Du học nước ngoài, học bổng Tài năng miễn 100% học phí dành cho các tân sinh viên xuất sắc;

Học bổng Chào tân sinh viên dành cho các em có đam mê với ngành nông nghiệp; Học bổng Toàn cầu cho các bạn có năng lực ngoại ngữ, có kết quả học tập và công tác xã hội tốt; Học bổng Khởi nghiệp cho các bạn có đam mê với khởi nghiệp và đổi mới sang tạo…

Để đạt được các học bổng này không khó nhưng trước hết các em phải có kết quả học tập phổ thông tốt, có khát vọng, có thái độ, động cơ học tập tốt… nhất là cần có đam mê với ngành nghề lựa chọn, với ngành nông nghiệp và hãy lấy Học viện Nông nghiệp Việt Nam như một ưu tiên lựa chọn cho tương lai.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Lưu, tỉnh Hòa Bình:

Năm 2023, Học viện công tác tuyển sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có gì thay đổi so với năm 2022 hay không? Thầy tư vấn giúp em về lựa chọn ngành học, trường học để em tự tin hơn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển sắp tới?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

- Về cơ bản, Học viện dự kiến giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2022. Cụ thể, năm 2022, Học viện sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Tuyển thẳng; kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập THPT (học bạ); xét tuyển kết hợp;

Về lựa chọn ngành nghề, em nên suy nghĩ đến sở thích, đam mê và thế mạnh của bản thân. Tiếp đến là xét đến nhu cầu xã hội về các ngành nghề đào tạo, tuyệt đối không nên chạy theo xu thế đám đông, hay lựa chọn theo cảm tính. Ngoài ra, lời khuyên và sự định hướng từ bạn bè và gia đình cũng là kênh thông tin quan trọng để các em có thể tham khảo.

Giao lưu trực tuyến 'Giảm gánh nặng tài chính cho học sinh sinh viên' ảnh 19

Tại trường các trường THPT, đặc biệt thầy cô chủ nhiệm sẽ là những người đồng hành cùng các em trong hoạt động định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có chương trình hướng nghiệp được tổ chức bởi các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo để em có thể tiếp cận thông tin về ngành nghề mà mình yêu thích. Từ đó có cơ sở đưa ra quyết định đúng đắn cho mình.

Để biết thêm thông tin về phương thức tuyển sinh và tìm hiểu về ngành nghề đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các em vui lòng truy cập vào địa chỉ: tuyensinh.vnua.edu.vn.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Anh Thư (anhthu***@gmail.com):

Nhà em thuộc diện khó khăn vì thế nếu đỗ đại học em muốn đi làm thêm để giảm chi phí cho bố mẹ. Nhưng em băn khoăn không biết có nên vừa đi học, vừa đi làm thêm hay không? Mong nhận được tư vấn của thầy?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Như đã trao đổi ở trên, tại các nước, đi làm thêm là việc rất đỗi bình thường của sinh viên, thậm chí ngay cả với sinh viên gia đình khá giả. Khi đi làm thêm, ngoài vấn đề kinh tế chúng ta còn tích lũy được rất nhiều nghiệm sống, giao tiếp xã hội…

Tuy nhiên, em nên lưu ý hài hòa giữa việc làm thêm với sức khỏe và năng lực học tập của bản thân. Không nên để việc làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học, cũng như tiến trình học.

Trừ trường hợp đặc biệt, vì hoàn cảnh em cần học chế độ chậm (kéo dài thời gian học tập cho phép) mới có thể hoàn thành chương trình đào tạo.

Bạn đọc

Bạn Nguyenquang...gmail.com:

Theo thầy, khi chọn trường đại học nên dựa theo tiêu chí nào để ưu tiên? Có cần cân nhắc lựa chọn ngành học theo sở trường, sở thích của bản thân không?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Chúng ta thấy rằng ở Việt Nam có rất nhiều trường ĐH nên các bạn trẻ đứng trước rất nhiều cơ hội để lựa chọn trường, chọn ngành học sao cho phù hợp với bản thân cũng như phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình, phù hợp với thị trường lao động và đầu ra cho các bạn.

Khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Theo tôi, việc mà lựa chọn lựa chọn ngành nào trường nào nó không quan trọng bằng việc các em học như thế nào. Việc học mới quyết định sự thành công trong việc học cũng như sự nghiệp phấn đấu trong tương lai.

Tuy nhiên, chọn trường chọn ngành cũng quan trọng. Theo tôi, việc chọn trường nào, ngành nào phụ thuộc vào điều kiện cá nhân, phụ thuộc vào năng lực của chính em. Ví dụ: Muốn chọn các trường top đầu, em phải xem năng lực của mình có đáp ứng được không, xem nguyện vọng của bản thân có thích học trường đó không. Tuy nhiên nguyện vọng của các em học sinh bây giờ không căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực bản thân mà lại phụ thuộc vào những thông tin bên ngoài, chẳng hạn như xu hướng xã hội, trào lưu 'hot' hiện nay...mà không lắng nghe ý kiến của cha mẹ, những người đi trước có kinh nghiệm.

Tôi nói lại, việc chọn trường nào, ngành nào điều đầu tiên các em phải đánh giá chính xác năng lực bản thân, nguyện vọng bản thân căn cứ vào đặc điểm thể chất tính cách của mình để sao cho phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất là phải phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Bạn đọc

Bạn tuann...@gmail.com:

Thầy cho em hỏi, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa có tiền nộp học phí khi Nhà trường thông báo đóng học phí thì phải làm gì?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc trong những trường hợp đặc biệt khác cần làm Đơn trình bày (thông qua Phòng Công tác sinh viên), kèm theo minh chứng, Nhà trường sẽ xem xét và có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Bạn đọc

Bạn Gia Hiếu (giahieu***@gmail.com):

Em rất muốn đi làm thêm để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Xin hỏi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên không? Mong thầy chia sẻ giúp em.
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Chào bạn! Làm thêm là nhu cầu thiết yếu và là việc rất bình thường ở sinh viên các nước. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên, Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên là các đơn vị đầu mối tìm kiếm và giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên.

Tại khu vực gần Học viện cũng có rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, gia đình có nhu cầu nhân lực làm bán thời gian, từ gia sư, nhân viên bán hàng (Aeon, BigC, Khu Vincom, shop thời trang…), chăm sóc khách hàng, phục vụ tại các phòng khám, chăm sóc thú cưng, chăm sóc cây cảnh… Có thể nói, các em có thể an tâm và dễ dàng tìm được một công việc bán thời gian phù hợp với năng lực và sở trường của mình khi học tập tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bạn đọc

Bạn tronghai....@gmail.com:

Đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhà trường hiện đã triển khai hỗ trợ như thế nào thưa ông?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Chào bạn, câu hỏi của bạn cũng là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm!

Trong các năm học vừa qua, Trường Đại học Tây Nguyên đã thực hiện đúng, đầy đủ, thường xuyên các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên và các quy chế quy định về công tác học sinh, sinh viên; Định kỳ kiểm tra, đánh giá và báo cáo theo quy định.

Sinh viên trường Đại học Tây Nguyên.

Sinh viên trường Đại học Tây Nguyên.

Đầu mỗi học kỳ của từng năm học, nhà trường ra thông báo thu hồ sơ Miễn giảm học phí, Hỗ trợ chi phí học tập, Trợ cấp xã hội, để sinh viên biết và làm hồ sơ.

Nhà trường thực hiện hướng dẫn và thu hồ sơ của sinh viên thuộc các đối tượng thụ hưởng. Hết thời hạn thu hồ sơ, Hội đồng xét duyệt hồ sơ xem xét tính hợp pháp của hồ sơ và ra Quyết định đối với những sinh viên đủ điều kiện thụ hưởng thông qua website của trường.

Về miễn giảm học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đối tượng được hưởng là sinh viên là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được miễn học phí.

Về hỗ trợ chi phí học tập: Theo Thông tư liên tịch số: 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC, ngày 15/10/2014 và Quyết định số 66/2013/QĐ-TTG ngày 11/11/2013, đối tượng được hưởng là sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo từng kỳ; Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tham dự tuyển sinh theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, sẽ được hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở/1 tháng (hỗ trợ không quá 10 tháng/1 năm học).

Về chế độ chính sách cho sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu), nhà trường thực hiện theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP.

Bạn đọc

Bạn Dương Thế Anh (theanh***@gmail.com):

Thầy cho em hỏi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chương trình học bổng dành riêng cho sinh viên nghèo vượt khó hay không. Nếu có, thì tiêu chí để được học bổng này là gì?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Chào bạn! Cảm bạn đã quan tâm đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam!

Mỗi năm Học viện Nông nghiệp Việt Nam cấp gần 30 tỷ đồng tiền học bổng cho khoảng hơn 3.000 lượt sinh viên/năm học, bao gồm cả học bổng khuyến khích học tập và tài trợ.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đối với sinh viên nghèo vượt khó, đây là đối tượng được Học viện đặc biệt quan tâm, là đối tượng chính trong xét cấp học bổng tài trợ (từ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước).

Bên cạnh đó, các sinh viên này cũng được ưu tiên khi xét học bổng khuyến khích học tập hàng kỳ theo quy định.

Tiêu chí để được xét các loại học bổng là: Có kết quả học tập và rèn luyện đạt từ loại khá trở lên; Ưu tiên đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh viên tích cực tham gia công tác xã hội…

Bạn đọc

Bạn hocmai...@gmail.com:

Với sinh viên nghèo có học lực khá giỏi, Trường ĐH Tây Nguyên đã có các chính sách về miễn, giảm học phí và cấp học bổng như thế nào thưa ông?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Tập huấn phòng cháy chữa cháy tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Tập huấn phòng cháy chữa cháy tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Đại học Tây Nguyên là Trường Đại học công lập tự chủ một phần, do đó mức thu học phí tuân thủ theo quy định của Chính phủ. Mức thu học phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với các trường đại học dân lập, tư thục hay trường quốc tế.

Các chính sách miễn, giảm học phí, học bổng Khuyến khích học tập,... được thực hiện theo Quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, Trường cũng có những hỗ trợ đặc thù, ví dụ: Học bổng đồng hành cùng tân sinh viên, học bổng tiếp sức đến trường, chậm nộp học phí với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, tìm kiếm các học bổng của các Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Với sinh viên nghèo có học lực khá, giỏi thì nên dự thi hoặc xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước từ Nghị định 116: Được Miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng, hưởng 3.630.000 đồng/tháng, 10 tháng/ năm, hưởng 4 năm.

Bạn đọc

Bạn Trần Thị Nga, tỉnh Hưng Yên:

Giảm gánh nặng về tài chính cho sinh viên vừa là mong muốn và cũng là đề xuất của phụ huynh và người học. Vậy Học viện Nông nghiệp Việt Nam đáp ứng đề xuất này như thế nào, thưa thầy?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

Với đặc thù là “trường nông nghiệp”, số lượng sinh viên là con em nông dân, xuất thân từ nông thôn ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam chiếm tỉ lệ lớn. Chính vì vậy, Học viện luôn ý thức và xây dựng cả hệ thống chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người học, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, Học viện đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, phục vụ nghiên cứu khoa học đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Học viện luôn quan tâm tạo dựng môi trường cảnh quan, môi trường xã hội phù hợp để người học có thể phát triển tốt nhất cho bản thân.

Cùng với đó, một số chính sách cơ bản đã và đang được Học viện Nông nghiệp Việt Nam áp dụng như: Chính sách học phí phù hợp; Hỗ trợ cho sinh viên diện chính sách, sinh viên là người dân tộc thiểu số, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: ưu tiên chỗ ở kí túc xá, ưu tiên xét cấp học bổng tài trợ, học bổng doanh nghiệp...

Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội thực tập hưởng lương, tài trợ học bổng, giới thiệu việc làm bán thời gian… Ngoài ra, giới thiệu sinh viên đi thực tập sinh ở nước ngoài như: Nhật Bản, Isarel, Úc… Hỗ trợ sinh viên trong vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội.

Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho sinh viên theo học các ngành nông nghiệp truyền thống như: Khoa học đất, Bảo vệ thực vật, Thủy sản, Khoa học cây trồng... Qua những chính sách trên, đến thời điểm này, về cơ bản Học viện không có trường hợp sinh viên không thể tiếp tục học tập do vấn đề kinh tế.

Bạn đọc

Bạn Phụ huynh tại Đắk Nông:

Chào TS Vũ Minh Chiến! Sang năm con tôi có nguyện vọng đăng ký vào Trường Đại học Tây Nguyên. Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, vậy con tôi khi vào trường có được hỗ trợ về tài chính không? Cảm ơn thầy!
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Hội nghị gặp gỡ đối thoại đại biểu sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên.

Hội nghị gặp gỡ đối thoại đại biểu sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên.

Hiện nay có 719 sinh viên hộ khẩu tỉnh Đắk Nông đang theo học tại Trường Đại học Tây Nguyên (chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên của Trường). Chính sách miễn, giảm học phí tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước.

Với sinh viên nghèo có học lực khá, giỏi thì nên dự thi hoặc xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm) để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước từ Nghị định 116: Được Miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng, hưởng 3.630.000đ/tháng, 10 tháng/ năm, hưởng 4 năm (riêng năm học 2021-2022 đã chi gần 18 tỉ đồng hỗ trợ Sinh hoạt phí cho SV sư phạm của trường)

Về miễn giảm học phí: Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đối tượng được hưởng: Sinh viên là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được miễn học phí.

Về hỗ trợ chi phí học tập: Theo Thông tư liên tịch số: 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC, ngày 15 tháng 10 năm 2014; và Quyết định số 66/2013/QĐ-TTG ngày 11/11/2013.

Đối tượng được hưởng: Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo từng kỳ; Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tham dự tuyển sinh theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng. sẽ được hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở/1 tháng (hỗ trợ không quá 10 tháng/1 năm học).

Bạn đọc

Bạn matbiec...@gmail.com:

Xin thầy cho em hỏi, sinh viên thuộc diện cận nghèo và hộ nghèo thì có được miễn hay giảm học phí không ạ. Chế độ miễn, giảm học phí đối với sinh viên hộ nghèo, cận nghèo được quy định như thế nào?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Sinh viên thuộc diện Hộ nghèo, cận nghèo phải là sinh viên dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, được quy định rõ tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Bạn đọc

Bạn Phan Văn Thiết, tỉnh Thái Bình:

Cháu tôi là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo. Cháu có nguyện vọng vào học Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Xin hỏi, nếu cháu tôi là sinh viên của Học viện thì có được hưởng chính sách ưu đãi gì không?
TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa

TS Giang Trung Khoa - Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

TS Giang Trung Khoa - Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chào bác! Trước hết thay mặt Học viện Nông nghiệp Việt Nam xin được chào đón cháu về với Học viện.

Về câu hỏi của bác, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo sẽ được miễn 100% học phí.

Bên cạnh đó, cháu sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi khác như: Hỗ trợ chi phí học tập tương ứng với số tiền 60% mức lương cơ sở/tháng, được hưởng không quá 10 tháng/năm và được hưởng trợ cấp xã hội là 140.000 đồng/người/tháng trong quá trình học tập tại Học viện.

Lưu ý, hàng năm gia đình cháu phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận gia đình thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo thì mới được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.

Ngoài các chính sách của Nhà nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chính sách riêng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số, sinh viên thuộc hộ nghèo, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đây luôn là đối tượng được Học viện ưu tiên xem xét hỗ trợ, nhất là cấp xét học bổng tài trợ, học bổng doanh nghiệp, ưu tiên chỗ ở kí túc xá, giới thiệu việc làm thêm…

Rất mong cháu an tâm, vững bước trên con đường lập nghiệp, chinh phục giấc mơ của mình!

Bạn đọc

Bạn thehien...@gmail.com:

Nhiều ý kiến cho rằng phải hướng nghiệp cho học sinh từ trước khi vào cấp THPT, thì cũng có quan điểm khác cho rằng hoạt động hướng nghiệp phù hợp hơn ở mức độ trường đại học. Tại trường ĐH Tây Nguyên, giáo dục hướng nghiệp cho sinh viên được thực hiện như thế nào thưa TS?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên

TS Vũ Minh Chiến, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên

Để đảm bảo phân luồng học sinh hiệu quả và giúp học sinh chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu và xu hướng phát triển của ngành nghề trong xã hội... công tác giáo dục hướng nghiệp cần phải được thực hiện từ cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Khi sinh viên đã bước chân vào giảng đường Đại học, tức là đã có sự lựa chọn từ khi đăng ký tuyển sinh, nên đa số sinh viên hài long với sự lựa chọn ấy. Bên cạnh đó, cũng có một số ít em cảm thấy không hài lòng và muốn chọn lại, thi lại ngành khác, trường khác.

Việc giáo dục hướng nghiệp trong các trường ĐH chủ yếu tập trung vào giáo dục cho sinh viên thích ứng với ngành nghề, giáo dục kỹ năng nghề và tình cảm với ngành nghề mà sinh viên đang theo học. Hiện nay, Trường Đại học Tây Nguyên còn chú trọng hình thành cho sinh viên kỹ năng mềm, chú trọng ươm mầm ý tưởng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để sinh viên khởi nghiệp,... để giúp sinh viên thích ứng với thị trường lao động và sự phát triển của xã hội hiện đại.

Bạn đọc

Bạn lamtung...@gmail.com:

Xin chào TS Vũ Minh Chiến, Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập là tạo điều kiện thuận lợi để con em các dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngay trên quê hương mình. Vậy hiện nhà trường có bao nhiêu sinh viên đang theo học, trong đó tỷ lệ học sinh DTTS chiếm bao nhiêu phần trăm? Nhà trường đang đào tạo những chuyên ngành gì?
TS Vũ Minh Chiến

TS Vũ Minh Chiến

Chào bạn, cảm ơn bạn đã dành sự quan tâm đến Trường ĐH Tây Nguyên!

Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn:

83,6% sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
83,6% sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tổng số người học của Trường Đại học Tây Nguyên là: 9.447 người, trong đó:

+ Sinh viên Chính quy: 7.460 sinh viên (trong đó SV người DTTS : 1613, chiếm 21,6 %).

+ Sinh viên VLVH: 793 học viên.

+Học viên Cao học: 231 học viên

+ Nghiên cứu sinh Tiến sĩ: 11 nghiên cứu sinh

+ Sinh viên nước ngoài: 12 sinh viên.

+ Học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên: 719 học sinh.

+Trẻ em Trường MN Thực hành 11-11 là: 221 cháu.

Tổng số Chuyên ngành đào tạo:

+ Đào tạo Đại học chính quy: 37 chuyên ngành.

+ Đại học hệ VLVH: 13 chuyên ngành

+ Liên thông từ Cao đẳng lên ĐH: 23 chuyên ngành

+ Liên thông từ Trung cấp lên ĐH: 14chuyên ngành

+ Cao học: 11 ngành.

+ Chuyên khoa I: 1 ngành.

+ Tiến sĩ: 5 ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ