Giao lưu trực tuyến: "Để trò mê Lịch sử"

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để trò mê Lịch sử”, do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, diễn ra từ 9h30 đến 10h30, ngày 10/5/2022.

Giao lưu trực tuyến: "Để trò mê Lịch sử"

Tham gia Chương trình có các khách mời:

- Thầy Đào Xuân Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, TP Cần Thơ;

- Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Trong tiềm thức của nhiều học sinh, Lịch sử là môn học khô khan với những dữ kiện dài và con số khó nhớ. Học sinh không mấy tự tin khi đối diện với những kỳ thi có môn Lịch sử và chỉ mong lấy điểm an toàn.

Từ lâu, câu hỏi: “Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử” vẫn luôn là “bài toán” hóc búa.

Muốn giải “bài toán” này, người dạy và người học cần phải hiểu: Bản chất của học Lịch sử, không đơn giản là để vượt qua các kỳ thi, mà mục tiêu cao hơn là hoàn thiện giá trị, nhân cách con người.

Từ những câu chuyện, nhân vật, sự kiện đã xảy ra, học sinh biết rút cho mình bài học kinh nghiệm để sống có ích, có ý nghĩa. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Trên thực tế, mỗi địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên sẽ có những phương pháp, cách làm khác nhau để giảng dạy môn học này. Tuy nhiên, để học trò mê Lịch sử, cần phải giúp các em nhận thức rõ giá trị của môn học, cách thức tiếp thu, hiểu được từng câu chuyện, nhân vật…

Các khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến sẽ làm rõ thêm những cách thức sáng tạo của đơn vị và bản thân để truyền cảm hứng, giúp học sinh hứng thú và thêm yêu thích môn Lịch sử.

Để giao lưu cùng các khách mời, ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới khách mời tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Giáo viên Lịch sử, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp (Cần Thơ)

Bạn đọc

Bạn Minhhong…@gmail.com:

Cô giáo đánh giá thế nào về ý thức học tập, sự hứng thú của học sinh hiện nay đối với môn Lịch sử?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

“Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” câu nói trên của Bác một lần nữa nói đến tầm quan trọng của Lịch sử. Đã là người Việt Nam, dù ở đâu cũng phải biết lịch sử nước mình. Đó là đạo lí muôn đời của dân tộc. Nhắc nhở các thế hệ về sau phải biết “uống nước nhớ nguồn”.

Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ, tuy nhiên ngày nay đa phần học sinh vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của lịch sử. Nhiều em vì thế còn xem nhẹ môn học, chưa có động cơ, hứng thú học tập bộ môn, “học lệch”, học “tủ”. Dẫn đến kết quả học tập bộ môn rất thấp, không riêng với việc đánh giá năng lực văn hoá 12 mà còn thể hiện ở kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, còn một bộ phận học sinh vẫn hăng say tìm hiểu kiến thức lịch sử dân tộc và thế giới. Với những em đam mê sẽ tự nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Khi các em yêu thích bộ môn, thêm vào đó người giáo viên biết truyền cảm hứng thì càng tiếp thêm động lực để các em có hứng thú học tập theo hướng nâng cao. Chính vì thế chất lượng bộ môn này hiện nay có sự phân hóa rõ ràng.

Các cuộc trải nghiệm thực tế thường thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh
Các cuộc trải nghiệm thực tế thường thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh
Bạn đọc

Bạn Lò Thảo (Lai Châu):

Theo quan điểm của cô, Lịch sử có phải là môn học kém hấp dẫn?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Theo tôi, Lịch sử vốn là môn học khá thú vị, kích thích người học đam mê tìm tòi sự kiện, hiện tượng và được ví như một tập nhật ký dày. Trong đó có vô vàn câu chuyện, kích thích người nghe, người đọc thích thú tìm hiểu về sự kiện mình đang đọc...

Học lịch sử cũng giúp con người mở mang tầm vóc trí tuệ. Bởi những kiến thức được học và học được là những bài học xương máu vô cùng quý giá. Ở đó, ta học được lòng dũng cảm, sự hi sinh, tinh thần đoàn kết của cha ông đã đổ xuống vì độc lập tự do của tổ quốc.

Từ đó, bản thân mỗi người tự ý thức được rằng, việc bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Là người Việt Nam phải biết yêu thương dân tộc mình, tổ quốc mình, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác không để kẻ thù lợi dụng...

Bạn đọc

Bạn Baoanh…@gmail.com:

Cô có thể chia sẻ về một nội dung bài học Lịch sử gắn với hoạt động ngoại khóa mà cô tâm đắc nhất, đã được tổ chức hoặc tham gia để tạo sức hút đối với học sinh?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Học sinh tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua các chứng tích trên Đồi A1.
Học sinh tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ thông qua các chứng tích trên Đồi A1.

 

Các năm học trước khi chưa có dịch bênh Covid-19, nhà trường thường tổ chức cho các em khối 12 tham gia học tập trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Các điểm di tích: Căn cứ đồi A1, D2, nghĩa trang A1…

Những hoạt động như thế này luôn thu hút rất đông học sinh đăng ký tham gia. Tại đây, các em đều thể hiện sự thích thú, tích cực nghiên cứu, tìm tòi và phối hợp cùng giáo viên, hướng dẫn viên trong các hoạt động.

Sau mỗi dịp như thế, tôi đều khuyến khích, yêu cầu học sinh trả bài. Có thể bằng ảnh, video, hoặc bài viết về những điều các em ghi nhận được, ý nghĩa rút ra từ những kiến thức đó…

Bạn đọc

Bạn Vừ Minh (Điện Biên):

Dựa vào những kinh nghiệm giảng dạy và thực tế hiện nay, theo cô, để học sinh có hứng thú, đam mê đối với môn Lịch sử cần những yếu tố nào?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Theo tôi nghĩ, cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, học sinh là chủ thể nên chính cách em phải thay đổi cách nhận thức về môn học, để có sự quan tâm đúng mực, đúng cách khi học Sử.

Đối với mỗi giờ học, người học phải chú ý lắng nghe bài giảng, nắm bắt kiến thức cơ bản trong bài học. Trên cơ sở giáo viên hướng dẫn, học sinh sẽ tiếp cận và đọc thêm các kênh thông tin tham khảo khác để hiểu sâu hơn về kiến thức liên quan.

Đối với giáo viên, phải soạn giảng bài cẩn thận, phong phú, luôn cập nhật tin tức mang tính thời sự. Biết cách lồng ghép các phương pháp dạy học trong giờ dạy. Mỗi bài học cần được mở rộng để nhấn mạnh sự kiện, giúp các em khắc ghi sâu hơn kiến thức được học.

Về phía nhà trường cần có trách nhiệm với bộ môn, coi môn học là môn khoa học như các bộ môn khác để các em học sinh không có quan niệm học lệch, học tủ... Sách giáo khoa nên viết chắt lọc, hình ảnh sinh động tránh dàn trải, chỉ ghi nhớ sự kiện học sinh sẽ nhàm chán...

Bạn đọc

Bạn Thaocua…@gmail.com:

Theo cô, mục đích cuối cùng đối với môn học Lịch sử là gì? Học sinh cần đạt được những yêu cầu nào?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức, bộ môn Lịch sử còn hướng đến mục đích hết sức quan trọng là giáo dục, bồi dưỡng học sinh về tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc.

Học lịch sử, các em cần hiểu được những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta. Từ đó xây dựng, hình thành và bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, để các em tự nhận thức về nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tổ quốc. Xây dựng hành động, ý thức sống đẹp, có giá trị.

Đây cũng là hành trang kiến thức mà các em cần phải được trang bị ở trường THPT, để sẵn sàng, tự tin bước vào môi trường học tập, lao động mới.

Hàng năm, vào ngày 27/7 và 7/5, Trường THPT Thanh Nưa tổ chức cho học sinh dâng hoa, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sỹ để giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
Hàng năm, vào ngày 27/7 và 7/5, Trường THPT Thanh Nưa tổ chức cho học sinh dâng hoa, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sỹ để giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
Bạn đọc

Bạn Huongtra9x@...:

Là giáo viên dạy Lịch sử, cô đã làm những gì để nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt là đổi mới trong giảng dạy để thu hút học sinh?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Để nâng cao năng lực chuyên môn, bản thân tôi luôn học hỏi, tìm tòi, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tôi nghĩ, giáo viên muốn dạy giỏi, trước tiên phải hiểu sâu môn học, kiến thức và đối tượng học sinh, thì mới có phương pháp dạy học tốt nhất. Tìm tòi để mở rộng kiến thức của mình, trao đổi với đồng nghiệp cùng trường và các đồng nghiệp trong cụm, tỉnh để nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời cập nhật với những cái mới, điểm mới, từ đó đổi mới phương pháp, cách truyền thụ kiến thức phù hợp với bài học, môn học.

Bạn đọc

Bạn lelunglinh@...:

Để tạo điều kiện tốt nhất cho dạy và học lịch sử, về phía Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn đã có sự chỉ đạo và tạo điều kiện như thế nào?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Hàng năm, tổ chuyên môn đều có đề xuất với Ban giám hiệu cử giáo viên đi học, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ, cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hay hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy môn học.

Về phía Ban giám hiệu nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho giáo viên bộ môn được đi học để nâng cao nghiệp vụ và trình độ. Có kế hoạch, chỉ đạo kịp thời, giúp giáo viên có định hướng rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhà trường luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi đối với mỗi giáo viên khi có đề xuất tổ chức các buổi học ngoại khóa, trải nghiệm, giúp học sinh tiếp thu bài học tốt hơn. Ngoài ra, những chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời, phù hợp cũng tạo động lực để nhiều giáo giáo viên không ngừng đổi mới, nỗ lực.

Cô giáo Lê Thị Hằng và đội tuyển ôn thi học sinh giỏi Lịch sử
Cô giáo Lê Thị Hằng và đội tuyển ôn thi học sinh giỏi Lịch sử

 

Bạn đọc

Bạn Tuấn Anh (Hòa Bình):

Xin cô cho biết, những hạn chế, bất cập khiến môn Lịch sử chưa thực sự thu hút đối với một bộ phận học sinh hiện nay là gì?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Tôi cho rằng, hạn chế khiến môn Lịch sử chưa thu hút được học sinh là do kiến thức trong sách giáo khoa còn nhiều, dàn trải. Đôi khi yêu cầu, đòi hỏi mỗi học sinh phải học và ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Trong khi, tâm lý học sinh ở những lứa tuổi này còn mải chơi, chưa nhận thức được hết ý nghĩa, giá trị của môn học nên còn sao nhãng, hoặc áp lực với môn học.

Ngoài ra, kiến thức đối với các bài thi môn lịch sử hiện nay còn nặng, dài, dàn trải. Do vậy điểm thi thấp (điểm thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây luôn đứng vị trí cuối trong các môn thi tốt nghiệp). Đó là nguyên nhân gây nên hiện tượng chán học bộ môn của học sinh.

Bạn đọc

Bạn Sungthi…@gmail.com:

Để đổi mới trong dạy học Lịch sử, theo cô phải bắt đầu từ đâu?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Trước tiên, để đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử tôi cho rằng bắt đầu từ việc giáo viên phải là người truyền cảm hứng môn học cho học sinh. Các tiết dạy, thầy cô không nên chỉ thuyết trình khô khan, mà phải lồng ghép đưa tranh ảnh, kể chuyện lịch sử cho các em.

Lời dẫn dắt của giáo viên cần sự gần gũi, dễ hiểu với sự kiện lich sử, đối tượng học sinh. Cũng cần thay đổi tư duy tiếp cận lich sử. Người giáo viên luôn phải đầu tư trong quá trình soạn giảng; sử dụng phong phú các phương pháp dạy học trong giờ dạy của mình.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Dương (Điện Biên):

Theo cô, trong dạy và học lịch sử, vai trò, vị trí của giáo viên – học sinh như thế nào?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Tôi cho rằng, trong dạy học lịch sử thì giáo viên luôn là người người hướng dẫn tổ chức định hướng cho học sinh khai thác nội dung bài học. Thông qua kế hoạch giáo án, phương pháp, nguồn học liệu đã chuẩn bị.

Học sinh sẽ là trung tâm. Các em tiếp thu kiến thức nền, phương pháp học tập để tự tìm tòi, nghiên cứu. Chủ động lĩnh hội kiến thức mà giáo viên đã định hướng.

Để học sinh thêm hứng thú với các giờ học Lịch sử, cô giáo Lê Thị Hằng thường sử dụng nguồn học liệu mở, đa dạng, nhất là trải nghiệm thực tế.
Để học sinh thêm hứng thú với các giờ học Lịch sử, cô giáo Lê Thị Hằng thường sử dụng nguồn học liệu mở, đa dạng, nhất là trải nghiệm thực tế.

 

Bạn đọc

Bạn Hoanggiang…@gmail.com:

Nhiều người cho rằng, khi Lịch sử trở thành môn học tự chọn sẽ khiến học sinh “quay lưng” với bộ môn này. Ý kiến của cô về vấn đề này ra sao?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29) đã nêu rõ yêu cầu đối với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể đó là: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.

Theo đó: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.”

Như vậy khi hiểu về vấn đề này thì với môn Lịch sử học sinh đã được trang bị kiến thức cơ bản ở các lớp dưới, các em không bị “mất gốc” như những tin đồn đoán bên ngoài, vì vậy thiết nghĩ học sinh sẽ tiếp thu bộ môn có hiệu quả ở các lớp dưới.

Bạn đọc

Bạn Linhlc…@gmail.com:

Điện Biên Phủ là mảnh đất lịch sử, điều này giúp ích gì trong quá trình giảng dạy học môn Lịch sử cho học sinh tại địa phương? Cô có thể nêu một vài ví dụ cụ thể?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Điện Biên là vùng đất biên cương giàu đẹp của tổ quốc, đồng thời cũng giàu truyền thống lịch sử và đấu tranh cách mạng. Nơi diễn ra trận đánh quyết liệt, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Tôi rất vinh dự lại được làm giáo viên trên mảnh đất anh hùng này. Bởi vậy, tôi luôn tự ý thức, tìm cách để mỗi giờ học Lịch sử đều trở nên thú vị với học sinh. Trước tiên đó là đổi mới phương pháp giảng dạy trong giờ học Lịch sử, giúp các em hứng thú hơn, kích thích sự tìm tòi, say mê học tập bộ môn.

Ví dụ, khi dạy lịch sử lớp 12 ở bài 20 nói đến chiến thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Để giờ học được sôi nổi tôi giao nội dung tìm hiểu bài mới cho học sinh đọc và tham khảo tư liệu trước ở nhà về các vị anh hùng (Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn…). Đồng thời đặt câu hỏi trước cho các em chuẩn bị nội dung.

Từ việc chiến công vang dội của các anh hùng đó là gì? Các em học được bài học gì từ những anh hùng đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Là học sinh, các em cần phải làm gì để phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông?...

Học sinh Trường THPT Thanh Nưa trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Học sinh Trường THPT Thanh Nưa trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Về phía mình, tôi cũng chuẩn bị đẩy đủ tư liệu liên quan đến bài học. Đến tiết học tôi sử dụng lược đồ, phim tư liệu và giới thiệu cho các em về các di tích lịch sử tiêu biểu trong chiến dịch. Từ đó tạo nên các giờ học sôi nổi và kích thích sự tham gia hứng thú của học sinh.

Bạn đọc

Bạn Vythao…@gmail.com:

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử, xin cô chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp để thu hút học sinh đối với môn học này?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Để thu hút được học sinh say mê học lịch sử, theo tôi trước tiên giáo viên bộ môn phải là người đam mê, tâm huyết với nghề, với môn học. Đồng thời phải luôn trau dồi, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Thay đổi cách nhận thức về bộ môn cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Đặt ví trí bộ môn ngang hàng các môn học bắt buộc thì từ đó các em mới thay đổi cách nhìn nhận và học tập môn học.

Mỗi giáo viên không ngừng đổi mới về phương pháp, cách thức dạy học để phù hợp với từng đối tượng học sinh, bài học cụ thể. Quan trong là biết cách kể chuyện lịch sử để thu hút, khơi dậy niềm yêu thích môn học ở học sinh; trong đó không thể thiếu các hoạt động ngoại khóa; tổ chức các câu lạc bộ sử học để các em có sân chơi vui học sử...

Để giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử ngoài những biện pháp mà tôi nêu ở trên thì cần có các giải pháp trước mắt, như: đổi mới Sách giáo khoa, phương thức thi cử...

Bạn đọc

Bạn Sùng Dì (Điện Biên):

Xin cô cho biết, ngoài các giờ học trên lớp, hàng năm Trường THPT Thanh Nưa – nơi cô giảng dạy, đã có những hoạt động nào liên quan đến lịch sử được tổ chức? Sự quan tâm của học sinh ra sao?
Cô Lê Thị Hằng

Cô Lê Thị Hằng

Hàng năm nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khoá nhân các ngày lễ lớn của dân tộc trong năm như: 3/2; 30/4; 7/5; 19/5… Ngoại khoá mừng Đảng mừng xuân, tổ chức hoạt động, với hệ thống các câu hỏi về các nhân vật, anh hùng của dân tộc, xen kẽ là các bài hát theo chủ đề. Học sinh bốc thăm các câu hỏi và bài hát, trả lời câu hỏi, thể hiện các bài hát mình yêu thích đan xen các trò chơi dân gian.

Các buổi ngoại khoá tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh; kể chuyện về tấm gương Hồ Chí Minh... Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho các em học tập trải nghiệm về lịch sử địa phương tại các di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Bảo tàng chiến thắng, Đồi A1; D2; tham gia chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ... Đến các vị trí này các em như được hoà mình vào không gian lịch sử nên đều hứng thú, tích cực tham gia.

Học sinh Trường THPT Thanh Nưa tham quan, tìm hiểu về biển đảo
Học sinh Trường THPT Thanh Nưa tham quan, tìm hiểu về biển đảo
Bạn đọc

Bạn Phạm Minh Anh, phụ huynh TP CầnThơ:

Nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử vì quan niệm đây là những môn học thuộc lòng. Vậy, theo thầy, giáo viên Lịch sử cần làm gì để khơi gợi ở HS tình yêu, sự đam mê với môn học chứ không phải để học thuộc, kiếm điểm?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Xin chào phụ huynh Phạm Minh Anh!

Trong việc lựa chọn tổ hợp để thi tốt nghiệp THPT hiện nay thì tổ hợp Khoa học xã hội cũng được nhiều học sinh quan tâm lựa chọn. Trong tổ hợp này gồm có 3 phân môn, đó là: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Việc học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội cũng là một vấn đề để chúng ta quan tâm suy nghĩ, bên cạnh việc đây là các môn dễ kiếm điểm thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng nhiều học sinh cũng yêu thích các môn học này, trong đó có môn Lịch sử.

Đối với môn Lịch sử là môn học rất quan trọng đối với mỗi học sinh, môn học sẽ hình thành ý thức về cội nguồn, lòng tự hào dân tộc, từ đó hình thành nhân cách, lý tưởng tốt đẹp của người công dân. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của học sinh đối với môn học này là nội dung nhiều, nhiều mốc thời gian sự kiện dẫn đến việc học sinh quá tải.

Việc giảng dạy môn Lịch sử ở nhà trường hện nay là một vấn được quan tâm rất nhiều, các thầy cô cũng đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả, thu hút học sinh học tập. Bản thân tôi nghĩ rằng để khơi dậy học sinh yêu thích, đam mê thì chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, không nên gây áp lực môn học lên học sinh như cho ghi bài nhiều, truyền tải nội dung nhiều, nhiều sự kiện mốc thời gian, kiểm tra theo kiểu đọc thuộc lòng… mà phải tạo tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng đối với học sinh ở các nội dung vừa nêu.

Thứ hai là phải đổi mới phương pháp dạy học, tránh việc giáo viên đọc cho học sinh ghi, nội dung dài… mà phải phát huy tính tự học sáng tạo của học sinh thông qua bài học để học sinh lĩnh hội những kiến thức cần đạt được của bài học. Đa dạng hóa các hoạt động dạy học như các hoạt động trải nghiệm tại các khu di tích, bảo tàng, các hoạt động sân khấu hóa, hội thi, trò chơi... để tạo không khí thoải mái khi tham gia học tập, từ đó tạo sự đam mê, hứng thú đối với môn học.

Thư ba là phải quan tâm đổi mới phương pháp kiểm đánh giá, giảm bớt việc yêu cầu học sinh phải nhớ thuộc lòng nhiều nội dung, hàng loạt sự kiện…, phải tăng cường việc khơi dậy học sinh nhận xét, đánh giá, so sánh… các sự kiện lịch sử để từ đó rút ra những bài học cho bản thân.

Bạn đọc

Bạn ngocbao@gmail.com:

Đối với môn Lịch sử rất cần thông qua cảm xúc xúc động từ bài giảng, những câu chuyện kể, gắn kết những câu chuyện lịch sử trong cuộc sống hiện tại… Nhưng thời lượng tiết học liệu có đảm bảo để thầy cô “truyền lửa” cho trò? Các giáo viên nên khắc phục thế nào để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, thưa thầy?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Xin cảm ơn câu hỏi rất hay của độc giả!

Đối với dạy học môn Lịch sử thì việc sử dụng các phương pháp dạy học như kể chuyện, trò chơi… là rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao, thông qua hoạt động học sinh cảm thấy thoải mái, giảm bớt áp lực từ nội dung bài học, dễ nhớ các sự kiện…

Tuy nhiên, thời lượng một tiết học thì rất hạn chế (45 phút) nên việc vận dụng các hoạt động dạy học như vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, để thực hiện được hài hòa các hoạt động trong một tiết học, yêu cầu giáo viên thông qua giáo án giảng dạy phải khéo léo sắp xếp, phân chia thời gian hợp lý ở các hoạt động để đảm bảo nội dung trọng tâm bài học, đồng thời tăng tính thu hút, thoải mái trong tiết học.

Để thực hiện được các hoạt động như vậy, giáo viên không nên “tham kiến thức”, giảng quá nhiều khiến học sinh “bội thực kiến thức” dẫn đến học sinh không tập trung học tập. Do đó giáo viên giữ vai trò là  “đạo diễn” khơi gợi để học sinh tự lĩnh hội kiến thức. Từ đó học sinh phải tập trung học tập mà giáo viên cũng “lời” được số thời gian.

Một vấn đề nên hạn chế nữa là giáo viên không nên yêu cầu học sinh phải ghi nội dung quá dài, những nội dung đã có sẵn trong sách giáo khoa. Nên hướng dẫn học sinh nắm những nội dung cốt lõi, trọng tâm của bài học;  từ đó giáo viên tiết kiệm được thêm thời gian để dành cho các hoạt động khác như trò chơi, đố vui, kể chuyện... tạo nên tiết học Lịch sử nhẹ nhàng, thoải mái và hấp dẫn hơn.

Đối với dạy học môn Lịch sử, việc sử dụng các phương pháp dạy học như kể chuyện, trò chơi… là rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao.
Đối với dạy học môn Lịch sử, việc sử dụng các phương pháp dạy học như kể chuyện, trò chơi… là rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao.
Bạn đọc

Bạn Lê Xuân, phụ huynh quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ:

Những năm qua, tại một số trường học ở thành thị, học sinh có xu hướng không mặn mà với môn Lịch sử. Tại trường THPT Hà Huy Giáp, thầy có ghi nhận trường hợp này không và giải pháp như thế nào?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Có lẽ đây là xu hướng chung của học sinh hiện nay, các em suy nghĩ là môn học nặng nề, phải học thuộc lòng nhiều nội dung, sự kiện, mốc thời gian ngày tháng, đặc biệt là không tham gia vào các tổ hợp xét tuyển đại học ở các ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, y khoa... từ đó các em không lựa chọn học tập môn Lịch sử.

Tại Trường THPT Hà Huy Giáp, cũng như các đơn vị khác, trong học sinh cũng có một bộ phận còn lười học tập môn Lịch sử, học một cách đối phó, chưa nhận thức đầy đủ về môn học. Để khắc phục tình trạng này, trong nhiều năm qua, nhà trường mà trực tiếp là Tổ bộ môn Lịch sử đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Lịch sử lôi cuốn, thu hút học sinh học tập. Một số giải pháp được thực hiện như:

- Tạo tâm lý thoài mái, nhẹ nhàng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử, hạn chế việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, ghi chép quá nhiều nội dung, sự kiện...

- Thực hiện nghiêm khung chương trình của Bộ GD&ĐT trong đó quan tâm các nội dung giảm tải.

- Tổ bộ môn tổ chức các buổi thảo luận để tìm ra các giải pháp thực hiện các bài dạy khó để trao đổi, chia sẻ để thực hiện một các hiệu quả cao nhất.

- Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng những phương pháp dạy học mới lấy học sinh là trung tâm, tổ chức các hoạt động sinh động trong giờ học như thảo luận, nhận xét, so sánh, kể chuyện, làm sản phẩm… Sử dụng đồ dùng dạy học trực quan sinh động, giúp học sinh khám phá và lĩnh hội kiến thức tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều, nặng nề. Tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại, tham các khu di tích lịch sử ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận để tạo điều kiện thoải mái cho các em sau những buổi học trên lớp...

- Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng, tạo những cơ chế động viên, khuyến khích các em thông qua các hoạt động cộng điểm, điểm tích lũy... trong quá trình học tậphội tốt để các em có động lực, cảm hứng học tập môn học.

Bạn đọc

Bạn Lê Ngọc, phụ huynh ngụ Phường 8, TP Vĩnh Long:

Nhà trường có tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký tổ hợp môn tự chọn khi vào học lớp 10 của học sinh khối lớp 9 ở địa phương? Thầy có thể cho biết tỷ lệ học sinh dự định chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Qua khảo sát thì tỉ lệ đăng ký tổ hợp môn Khoa học xã hội cũng cơ bản tương đồng với tổ hợp Khoa học tự nhiên.

Bạn đọc

Bạn thaygiaolang@gmail.com:

Để tổ chức giờ dạy hiệu quả, giáo viên cần phải truyền tải bằng cả tâm huyết của mình mới “truyền lửa” cho học sinh. Xin thầy chia sẻ cách làm tại Trường THPT Hà Huy Giáp?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Trong dạy học Lịch sử, việc giáo viên “truyền lửa” cho học sinh là một vấn đề quan trọng góp phần quyết định sự thành bại của môn học. Khi học sinh đã có cảm hứng với giáo viên, với môn học thì việc dạy học môn Lịch sử sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Có thể nói đây là một điều kiện tiên quyết để giáo viên thực hiện tốt việc giảng dạy môn Lịch sử. Nhận thức được điều đó, tại Trường THPT Hà Huy Giáp, tổ bộ môn Lịch sử đã vận dụng một số giải pháp như sau để góp phần “truyền lửa” cho học sinh:

- Tạo tâm lý thoài mái, nhẹ nhàng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử, hạn chế việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, ghi chép quá nhiều nội dung, sự kiện...

-Thực hiện nghiêm khung chương trình của Bộ GD&ĐT, trong đó quan tâm các nội dung giảm tải.

- Tổ bộ môn tổ chức các buổi thảo luận để tìm ra các giải pháp thực hiện các bài dạy khó để trao đổi, chia sẻ để thực hiện một cách hiệu quả nhất.

- Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng những phương pháp dạy học mới lấy học sinh là trung tâm, tổ chức các hoạt động sinh động trong giờ học như thảo luận, nhận xét, so sánh, kể chuyện, làm sản phẩm… Sử dụng đồ dùng dạy học trực quan sinh động, giúp học sinh khám phá và lĩnh hội kiến thức, tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều, nặng nề. Tổ chức các hoạt động tham quan dã ngoại, tham các khu di tích lịch sử ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận để tạo điều kiện thoải mái cho các em sau những buổi học trên lớp...

- Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng, tạo những cơ chế động viên, khuyến khích các em thông qua các hoạt động cộng điểm, điểm tích lũy... trong quá trình học tập hội tốt để các em có động lực, cảm hứng học tập môn học.

Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp.
Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Đồng Tháp.
Bạn đọc

Bạn Mỹ An, học sinh Trường THPT Thới Lai, CầnThơ:

Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp THPT không có nghĩa là “khai tử” môn học này. Để học sinh hứng thú với môn học, giáo viên Lịch sử phải thay đổi phương pháp, kỹ năng như thế nào thưa thầy?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học Lịch sử là một trong các môn học tự chọn, đây là một chủ trương lớn của ngành giáo dục và của toàn xã hội nhằm triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, đây là giai đoạn các em lựa chọn cho mình định hướng để tham gia học tập xác lập con đường làm việc của mình. Thầy cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến của em là “Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp THPT không có nghĩa là “khai tử” môn học này”.

Để môn Lịch sử “sống mãi” và phát triển thì những người tham gia công tác giảng dạy môn Lịch sử, mà trực tiếp là giáo viên, phải đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp để xóa mờ đi ý nghĩ Lịch sử là môn học nặng nề, khô khan... Theo bản thân nhận thấy, chúng ta cần quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất, giáo viên phải thể hiện thái độ vui vẻ, cởi mở, gần gũi, thân thiện trong quá trình lên lớp, không được mang bầu không khí u ám để cộng hưởng với sự nặng nề của khối lượng kiến thức môn học làm cho học sinh cảm thấy tiết học nặng nề. Giáo viên phải là người truyền cảm hứng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử.

Thứ hai là giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các hoạt động dạy học có tính sinh động như thảo luận, nhận xét, so sánh, kể chuyện, làm sản phẩm… Sử dụng đồ dùng dạy học trực quan sinh động, giúp học sinh khám phá và lĩnh hội kiến thức tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều, nặng nề. Tổ chức các hoạt động dã ngoại để tạo cảm hứng học tập.

Thứ ba là phải đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng, không nên “đánh đố” học sinh, thay thế việc học thuộc lòng bằng cách giúp các em hiểu về vấn đề lịch sử đó để rồi rút ra bài học cho bản thân, đó là mục tiêu quan trọng mà môn Lịch sử cần đạt được. Bên cạnh đó giáo viên nên tạo những cơ chế động viên, khuyến khích các em thông qua các hoạt động cộng điểm, điểm tích lũy... trong quá trình học tập để các em có động lực, cảm hứng học tập môn học.

Giáo viên phải là người truyền cảm hứng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử.
Giáo viên phải là người truyền cảm hứng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử.
Bạn đọc

Bạn Thúy An, học sinh lớp 10:

Nói đến Lịch sử, nhiều khi chưa học, chưa đọc nhưng nhiều học sinh vẫn bị ám ảnh bởi những số liệu khô khan, hoặc cách truyền đạt theo lối mòn truyền thống dễ gây nhàm chán. Tuy nhiên, em rất thích học môn Lịch sử và có dự định theo đuổi lĩnh vực này. Xin thầy cho em lời khuyên?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Có lẽ đây là một tín hiệu rất vui đối với những người giảng dạy môn Lịch sử. Như em đã nêu, một số ý kiến cho rằng: “Nói đến Lịch sử, nhiều khi chưa học, chưa đọc nhưng nhiều học sinh vẫn bị ám ảnh bởi những số liệu khô khan, hoặc cách truyền đạt theo lối mòn truyền thống dễ gây nhàm chán”. Thầy không phủ nhận hoàn toàn điều đó nhưng thầy nghĩ rằng đây không phải là đặc thù của môn Lịch sử mà nguyên nhân là ở đâu đó việc dạy và học Lịch sử chưa được thực hiện có hiệu quả.

Trong giai đoạn hiện nay khi toàn ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới một cách cơ bản về công tác dạy học, trong đó có môn Lịch sử, thì môn Lịch sử sẽ được thổi vào một luồng gió mới làm tươi lại, sẽ trở nên hấp dẫn đối với các em học sinh.

Lời khuyên khi em rất thích học môn Lịch sử và có dự định theo đuổi lĩnh vực này: Như em đã biết mọi việc thành công hay thất bại trong công việc đều do ý chí, sở thích, sở trường của mình. Khi một người đã đam mê một lĩnh vực nào đó thì họ sẽ theo đuổi và xác suất thành công sẽ là rất cao.

Ở đây thầy không nhất quyết khuyên em phải đi theo lĩnh vực về môn Lịch sử, việc lựa chọn tương lai, nghề nghiệp sẽ không ai có quyết định chính xác và tốt nhất bằng bản thân mình. Tuy nhiên, khi theo đuổi một lĩnh vực nào đó em nên tìm hiểu về tương lai công việc để xem những công việc đó có phù hợp với mình hay không. Thầy hy vọng rằng em sẽ thành công với công việc mà em quyết định lựa chọn.

Bạn đọc

Bạn Văn Phong, phụ huynh tỉnh An Giang:

“Thái độ của học sinh đối với môn Lịch sử không do bộ môn quyết định, mà phụ thuộc vào kỹ năng của người thầy, có truyền được cảm hứng cho trò hay không”. Xin thầy chia sẻ về quan điểm này?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Với quan điểm trên tôi xin chia sẻ một vài ý kiến với góc độ cá nhân:

Thái độ của người học đối với môn Lịch sử xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó cũng có nguyên nhân xuất phát từ người thầy. Như chúng ta đã biết, môn Lịch sử là môn học thuộc về lĩnh vực Khoa học xã hội nên đòi hỏi người học nắm bắt nhiều nội dung sự kiện không giống như các môn học thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học...).

Điều này dẫn đến một số học sinh “ngán” môn học này. Một nguyên nhân nữa theo tôi môn Lịch sử chỉ tham gia vào các tổ hợp xét tuyển vào đại học, cao đẳng ở các lĩnh vực xã hội, không tham gia vào các tổ hợp được học sinh quan tâm nhiều như kinh tế, kỹ thuật, y khoa...

Nguyên nhân tiếp nữa như phụ huynh đã nêu là ở góc độ người thầy, trong quá trình giảng dạy giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định thái độ người học đối với môn học Lịch sử. Nếu giáo viên "thổi" vào một luồng gió mát thì tiết học sẽ trở nên thoải mái. Ngược lại, giáo viên mang một luồng khí nóng thì tiết học sẽ trở nên vô cùng nặng nề và ngột ngạt.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT Hà Huy Giáp tham gia hoạt động lịch sử tại địa phương.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Hà Huy Giáp tham gia hoạt động lịch sử tại địa phương.
Bạn đọc

Bạn Kim Xuyến, phụ huynh tỉnh Hậu Giang:

Dù ở giai đoạn nào, Lịch sử cũng nên được xem là môn học quan trọng, bởi đây là cái gốc để giáo dục con người. Môn học này có trở nên hấp dẫn hay không, học sinh có “quay lưng” với Lịch sử hay không lại phụ thuộc phần lớn vào giáo viên. Xin thầy cho biết công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên Lịch sử đáp ứng chương trình mới sắp tới?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Như chúng ta đã biết, trong công tác dạy học thì đội ngũ nhà giáo là một vấn đề quyết định sự thành bại đến chất lượng giáo dục. Nhiều quan điểm đã nói lên điều đó “không thầy đố mày làm nên”, “Thầy giỏi thì trò mới giỏi”... Hiện nay ngành GD&ĐT đang đẩy mạnh việc nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn mới, đặc biệt là đáp ứng tốt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với công tác chuẩn bị đội ngũ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sắp tới (đối với bậc THPT là lớp 10), công việc này được thực hiện một cách quyết liệt. Với câu hỏi của quý phụ huynh, trong giới hạn của chương trình tôi xin trao đổi ở góc độ nơi tôi đang công tác. Tại trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ) đã và đang thực hiện các công việc sau để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và môn Lịch sử nói riêng:

- Rà soát đội ngũ về cơ cấu, số lượng để tham mưu Sở GD&ĐT bổ sung biên chế.

- Tập huấn cho đội ngũ giáo viên nắm chắc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT (cử giáo viên tham gia các lớp cốt cán)...

- Tổ chức cho giáo viên tham gia các buổi tập huấn giới thiệu các bộ sách giáo khoa môn Lịch sử đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

- Tổ chức cho giáo viên tham gia học tập các modun về tìm hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Cử giáo viên bộ môn Lịch sử tham gia lớp sau đại học...

Bạn đọc

Bạn yeulichsu@gmail.com:

Với giai đoạn hiện nay, việc phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin hỗ trợ rất đắc lực trong việc tạo sức hút cho bài giảng Lịch sử. Nhà trường có tận dụng thế mạnh này và khuyến khích giáo viên thực hiện?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Trong xu thế hiện nay, công nghệ thông tin là một công cụ vô cùng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ thông tin đã hỗ trợ một cách đắc lực cho giáo viên cũng như học sinh. Có thể soạn giảng bằng công nghệ thông tin, dạy học bằng công nghệ thông tin, tra cứu bất cứ thông tin gì liên quan đến bài học qua ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể khẳng định rằng nếu không bắt kịp công nghệ thông tin thì chúng ta sẽ tụt hậu.

Đối với môn học Lịch sử thì việc ứng tốt công nghệ thông tin sẽ giúp giáo viên giảng dạy hiệu quả. Đặc thù môn Lịch sử là môn học có mối liên quan với rất nhiều môn học khác, rất cần nhiều tư liệu, hình ảnh, biểu bảng... để làm sinh động giờ học cũng như rút ngắn thời gian để trình bày một vấn đề để từ đó giáo viên có thể đa dạng hóa được hoạt động dạy học, mở rộng kiến thức liên môn giúp học sinh hứng thú học tập.

Đối với Trường THPT Hà Huy Giáp - nơi tôi đang công tác thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là một nội dung được lãnh đạo nhà trường quan tâm hàng đầu. Nhà trường tạo mọi điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ công nghệ thông tin thông qua các hoạt động tập huấn tại trường, bên ngoài nhà trường.

Giáo viên Tin học cũng như các thầy cô có trình độ tin học tốt có trách nhiệm giới thiệu, hỗ trợ sử dụng các phần mềm, các trang web phục vụ dạy học đến các thầy cô khác trong nhà trường cũng như trong từng tổ bộ môn. Từ đó nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chung và môn Lịch sử nói riêng.

Nhà trường hỗ trợ giáo viên mua các phần mềm câu hỏi trắc nghiệm, ngân hàng đề để giáo viên tham khảo; trong điều kiện cho phép của nhà trường về cơ sở vật chất nhà trường bố trí các phòng máy vi tính có kết nối mạng internet để hỗ trợ giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong năm học nhà trường động viên, khuyến khích giáo viên thực hiện một số tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin và có tổng kết đánh giá vào cuối năm học.

Bạn đọc

Bạn Duy Anh, phụ huynh học sinh lớp 9, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ:

Chương trình GDPT mới môn Lịch sử không chỉ chú trọng đổi mới nội dung, kết cấu mà còn coi trọng phương pháp và hình thức giáo dục. Đặc biệt với chương trình mở, học sinh không chỉ học Lịch sử mà còn được giáo dục nhiều hơn trong hoạt động dạy học tích hợp, lồng ghép. Nhà trường có tổ chức tham quan, dã ngoại và các hoạt động khác để bổ trợ việc dạy học Sử không, thưa thầy?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với môn Lịch sử, bên cạnh việc dạy học trên lớp thì cơ cấu chương trình cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử địa phương. Đây là nội dung mà tới đây tất cả các nhà trường đều triển khai thực hiện.

Đối với bộ môn Lịch sử tại Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ), việc dạy học tích hợp, lồng ghép, tổ chức tham quan, dã ngoại và các hoạt động khác để bổ trợ việc dạy học Lịch sử được nhà trường hết sức quan tâm. Nhà trường tổ chức cho các em tham quan khu di tích lịch sử thành lập Chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Cờ Đỏ, Bảo tàng Cần Thơ, khu di tích Cụ nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp...

Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp tham quan Khu di tích lịch sử thành lập Chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp tham quan Khu di tích lịch sử thành lập Chi bộ An Nam cộng sản Đảng tại Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Bạn đọc

Bạn tosudia@gmail.com:

Một số thầy cô giáo chia sẻ mong muốn có nhiều kinh phí hơn để tăng cường học Lịch sử tại thực địa, từ đó tăng tính thuyết phục cho mỗi bài học… Thầy cho biết, việc cấp kinh phí cho hoạt động này có thuận lợi không?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Đây là một vấn đề chung mà Tổ bộ môn Lịch sử nhiều nhà trường quan tâm, các thầy cô rất muốn có nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại... Nhưng có lẽ trong điều kiện kinh phí ngân sách cấp thì việc sử dụng kinh phí để tổ chức các hoạt động bên ngoài nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nói vậy không phải không có cách để triển khai thực hiện, bên cạnh nguồn kinh phí ngân sách thì chúng ta có thể xã hội hóa giáo dục trong điều kiện các quy định hiện hành. Để thực hiện công tác xã hội hóa thì các các giáo viên cần phải có chương trình, kế hoạch rõ ràng và mang tính khả thi cao (mục đích thực hiện để làm gì, công tác tổ chức ra sao, thời gian địa điểm, điều kiện hỗ trợ...).

Từ đó sẽ được sự đồng thuận của lãnh đạo nhà trường, cha mẹ học sinh cũng như xã hội. Tôi nghĩ rằng nếu làm tốt thì chúng ta sẽ vượt qua các rào cản khó khăn để thực hiện được và mang lại hiệu quả tốt.

Bạn đọc

Bạn Tấn Lộc, phụ huynh huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ:

Tôi trước đây từng học môn Lịch sử. Bản thân nhận thấy việc thi, kiểm tra hạn chế các kiến thức học thuộc chi tiết tiết sự kiện, diễn biến, số liệu một cách máy móc. Giờ đây có con đi học, tôi rất mong môn Sử sẽ có cách dạy, học hay hơn. Xin thầy cho biết phương pháp dạy học bộ môn này hiện nay?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Xin chào phụ huynh Tấn Lộc!

Rất vui được trả lời câu hỏi này của một phụ huynh huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nơi mà có ngôi trường Trường THPT Hà Huy Giáp - nơi tôi đang công tác.

Tôi không biết là anh đã tham gia học tập từ nhũng năm nào và học ở đâu, tuy nhiên tôi nghĩ rằng những nhận định mà anh nêu ra cũng có cở sở. Trong thời gian trước đây thì môn Lịch sử luôn nặng về học thuộc lòng các sự kiện, các mốc thời gian dẫn đến nặng nề đối với học sinh từ đó dẫn đến tâm lý ngán ngại môn học.

Trong những năm gần đây hòa chung với việc đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học thì môn Lịch sử cũng đã có bước “chuyển mình”, nếu trước đây còn nặng về học thuộc lòng máy móc thì hiện nay môn Lịch sử chuyển dịch dần sang yêu cầu học sinh hiểu được vấn đề qua việc học tập nội dung lịch sử đó. Học sinh học qua một sự kiện lịch sử thì học sinh học tập được bài học gì để giúp mình hoàn thiện bản thân cũng như nâng cao ý thức, lòng tự hào dân tộc từ đó cố gằng học tập, rèn luyên để trở thành công dân tốt của đất nước.

Thầy Đào Xuân Thuyên trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.
Thầy Đào Xuân Thuyên trả lời câu hỏi giao lưu của độc giả.

Về phương pháp để nâng cao hiệu quả dạy học môn Lịch sử thì bản thân tôi luôn quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất người giáo viên phải thể hiện thái độ vui vẻ, cởi mở, gần gũi, thân thiện trong quá trình lên lớp. Không được mang bầu không khí u ám để cộng hưởng với sự nặng nề của khối lượng kiến thức môn học làm cho học sinh cảm thấy tiết học nặng nề. Người giáo viên phải là người truyền cảm hứng đối với học sinh khi tham gia học tập môn Lịch sử.

Thứ hai là người giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các hoạt động dạy học có tính sinh động như thảo luận, nhận xét, so sánh, kể chuyện, làm sản phẩm… Sử dụng đồ dùng dạy học trực quan sinh động, giúp học sinh khám phá và lĩnh hội kiến thức tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều, nặng nề. Tổ chức các hoạt động dã ngoại để tạo cảm hứng học tập.

Thứ ba là phải đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, ra đề phù hợp với thời lượng và nội dung bài học, không nặng về học thuộc lòng, không nên “đánh đố” học sinh. Thay thế việc học thuộc lòng bằng việc giúp các em hiểu về vấn đề lịch sử đó để rồi rút ra bài học cho bản thân, đó là mục tiêu quan trọng mà môn Lịch sử cần đạt được. Bên cạnh đó người giáo viên nên tạo những cơ chế động viên, khuyến khích các em thông qua các hoạt động cộng điểm, điểm tích lũy... trong quá trình học tập để các em có động lực, cảm hứng học tập môn học.

Bạn đọc

Bạn Ngô Ngọc Mỹ, học sinh lớp 9 huyện Thới Lai, Cần Thơ:

Em đang học lớp 9, em dự định lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội. Trước giờ môn Lịch sử em học không được tốt lắm. Không biết môn học này trong chương trình mới lớp 10 có thay đổi, hấp dẫn hơn không? Xin thầy tư vấn giúp em?
Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy Đào Xuân Thuyên

Thầy xin chào em Ngô Ngọc Mỹ!

Trong Chương trình phổ thông 2018 thì môn Lịch sử có rất nhiều sự đổi mới so với chương trình giáo dục phổ thông 2006. Chương trình đã đổi mới về cả nội dung cũng như phương pháp giảng dạy theo hướng giảm áp lực học thuộc lòng cho học sinh, tăng cường việc tự lĩnh hội kiến thức thông qua việc hướng dẫn của giáo viên; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại thực tế, tìm hiểu lịch sử địa phương... với những thay đổi như vậy, thầy khẳng định môn Lịch sử sẽ trở thành môn học có sức hấp dẫn cao.

Còn việc có hấp dẫn với em hay không thì cho phép thầy được trả lời câu hỏi này khi em tham gia học tập môn học (nếu em lựa chọn). Việc cảm nhận sự hấp dẫn hay không đó là sự cảm nhận của mỗi người, mỗi người có những góc độ nhìn nhận vấn đề khác nhau.

Việc lựa chọn tổ hợp là một quyết định quan trọng của mỗi học sinh bước vào bậc THPT – giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Thầy cũng mong rằng em sẽ có sự lựa chọn phù hợp với sở trường và thầy chúc em thành công với quyết định của mình.

Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp trong chuyến về nguồn tại khu di tích lịch sử.
Thầy, trò Trường THPT Hà Huy Giáp trong chuyến về nguồn tại khu di tích lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.