Vĩnh Phúc triển khai CT GDPT mới: Giải bài toán thiếu giáo viên như thế nào?

GD&TĐ - Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo. Do vậy, khi triển khai Chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên cần được bổ sung đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Giờ học của cô và trò Trường THCS Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Thiếu giáo viên diễn ra phổ biến

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở giáo dục với hơn 300 nghìn học sinh. Toàn ngành GD&ĐT có hơn 16 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV).

Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới, năm 2019, Vĩnh Phúc đã tuyển dụng 350 GV văn hóa cấp tiểu học. Năm 2020, tuyển dụng 673 GV văn hóa và GV đặc thù cấp tiểu học. Năm học 2020-2021, ngành GDĐT hợp đồng 259 GV tiểu học đồng thời ưu tiên sắp xếp đủ số lượng GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021 nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1.

Cũng trong năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tuyển dụng 128 GV cấp trung học cơ sở. Ngành GDĐT Vĩnh Phúc bố trí đủ số lượng GV dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6.

Đến nay, tại Vĩnh Phúc, cấp Tiểu học có 3503 giáo viên văn hóa, 1312 giáo viên các bộ môn đặc thù. Theo quy định hiện còn thiếu 371 giáo viên văn hóa, 342 giáo viên các bộ môn đặc thù. Cấp THCS có 3429 giáo viên, theo quy định hiện còn thiếu 430 giáo viên. Cấp THPT có 1911 giáo viên, theo quy định còn thiếu 33 giáo viên. Như vậy, tính riêng ở 3 cấp học này, toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn thiếu 1.176 giáo viên.

Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Định Trung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Định Trung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Từ năm học 2022-2023, Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học. Tuy nhiên, số lượng giáo viên của các môn này hiện vẫn còn thiếu khá nhiều so với quy định.

Cụ thể, theo kết quả rà soát mới nhất của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, năm học 2020-2021, tổng số giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học là 432 người. Số giáo viên còn thiếu là 64 giáo viên. Số giáo viên Tin học dạy tiểu học còn thiếu là 25.

Trong khi đó, theo dự kiến, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, số lượng học sinh, số lớp cấp tiểu học, đặc biệt số học sinh, số lớp 3 đến lớp 5 (những khối lớp có học Tiếng Anh, Tin học) ngày càng tăng so với năm học 2020-2021.

Học sinh Trường THCS Hùng Vương, thành phố Phúc Yên trong giờ ôn luyện môn tiếng Anh.

Học sinh Trường THCS Hùng Vương, thành phố Phúc Yên trong giờ ôn luyện môn tiếng Anh.

Với qui mô lớp, học sinh ngày càng tăng như trên, để đáp ứng yêu cầu dạy và học Tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học, tỉnh Vĩnh Phúc cần bổ sung 85 giáo viên tiếng Anh trong năm học 2021-2022 và 108 giáo viên cho năm học 2022-2023. Với môn Tin học, năm 2021-2022 cần bổ sung khoảng 36 giáo viên. Năm học 2022-2023 cần bổ sung khoảng 47 giáo viên.

Địa phương chủ động khắc phục

Theo thông tin của Sở GD&ĐT và các Phòng GD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, khi triển khai Chương trình SGK mới đối với lớp 1, các nhà trường đã ưu tiên lựa chọn những giáo viên nằm trong biên chế, có kinh nghiệm để tham gia giảng dạy đối với lớp 1. Trong năm học 2021-2022, một số lượng giáo viên có kinh nghiệm nữa sẽ tham gia giảng dạy đối với lớp 2 và lớp 6 khi triển khai chương trình SGK mới.

Như vậy, trong những năm tiếp theo khi triển khai chương trình SGK mới với các lớp cao hơn đòi hỏi nhà trường phải bổ sung thêm những giáo viên nằm trong biên chế. Do đó, tình trạng thiếu giáo viên tại các trường cần được khắc phục càng sớm càng tốt.

Giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Tô Hiệu (TP. Vĩnh Yên)
Giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Tô Hiệu (TP. Vĩnh Yên)

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng với số giáo viên còn thiếu so với chỉ tiêu được giao. Đồng thời, Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát, điều động, biệt phái giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu trong cùng cấp học, hoặc từ cấp học THCS, THPT để khắc phục tình trạng thực thiếu cục bộ giáo viên giữa các trường học, giữa các cấp học.

Các cơ quan thực hiện hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) theo đúng phân cấp quản lý và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế bổ sung đội ngũ, hợp đồng giáo viên còn thiếu nhằm đáp ứng triển khai thực hiện CTGDPT mới.

Tại TP Vĩnh Yên nơi có điều kiện về kinh tế, song tỷ lệ giáo viên trên lớp lại rất thấp (Tiểu học 1,18 GV/lớp, THCS 1,5 GV/lớp). Vì vậy, để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên thực hiện CTGDPT mới của thành phố gặp nhiều khó khăn.

Trước mắt, ngành GD thành phố đang thực hiện biệt phái giáo viên để bảo đảm mặt bằng chung và các trường tự thỉnh giảng giáo viên để đảm bảo đội ngũ. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài. Do vậy, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao biên chế theo đúng thực tế và không giảm biên chế 10% của GV trực tiếp giảng dạy. Đồng thời có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ đối với môn Tin học và Ngoại ngữ của cấp Tiểu học.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Phúc, việc thiếu giáo viên tại huyện Lập Thạch và Sông Lô diễn ra ở cả 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó có giáo viên tiếng Anh và Tin học.

Theo ông Đỗ Đức Quang – Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch, từ trước đến nay, tỉnh giao chỉ tiêu biên chế luôn trừ đi 10% tinh giảm biên chế. Trong khi, số lớp, số học sinh ngày một tăng lên theo tỷ lệ sinh. Ngoài ra, năm 2020 số giáo viên xin thôi việc để hưởng chế độ theo Nghị quyết 31, 37 của tỉnh nhiều và năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn năm 2020 ở bậc Mầm non và Tiểu học.

Tại huyện Sông Lô, khi thực hiện CTGDPT mới, Phòng GD&ĐT đã tham mưu chuẩn bị tốt các điều kiện cần và đủ để thực hiện chương đạt hiệu quả. Đối với bộ môn Tin học và Tiếng Anh hiện nay các nhà trường đã dạy từ lớp 3 trở lên đối với 100% các nhà trường, riêng môn Tiếng Anh có nhiều trường đã học chương trình làm quen đối với lớp 1 và lớp 2.

Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cụ bộ tại các nhà trường, Phòng đã tham mưu hợp đồng giáo viên chưa được tuyển dụng; đồng thời hằng năm tham mưu điều chuyển giáo viên từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu (nếu có). Hiện, Phòng đã tham mưu UBND huyện gửi văn bản tới Sở Nội vụ xin thẩm định kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.