Văn hóa ứng xử: Yếu tố quan trọng xây dựng trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở GD vừa có hiệu lực được kì vọng là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa học đường hiệu quả, bảo đảm môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện... 

Học sinh Hà Nội hân hoan bước vào năm học mới. 	Ảnh: T.G
Học sinh Hà Nội hân hoan bước vào năm học mới. Ảnh: T.G

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) có cuộc trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại  về những vấn đề liên quan đến quy định này.

*Thưa ông, bộ quy tắc ứng xử trong trường học có tác dụng gì đối với việc xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc?

- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến 3 tiêu chí quan trọng của một trường học hạnh phúc, đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, HS và phụ huynh đều được hạnh phúc. Trường học phải là nơi bảo đảm an toàn cả về thể chất và tinh thần cho GV và HS.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, GD thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sự phạm, môi trường GD an toàn, thân thiện, lành mạnh.

Năm học 2019 - 2020, năm bản lề chuẩn bị cho Chương trình GD phổ thông mới, ngành GD triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng GD, đặc biệt chú ý đến GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý trong Hội nghị triển khai năm học 2019 - 2020 và cũng là nội dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa vào 1 trong 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai trong năm học mới.

Ông Bùi Văn Linh.

Liên quan đến thực trạng văn hóa ứng xử, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở GD. Đây là lần đầu tiên quy định về văn hóa ứng xử đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trường học, HS, CMHS, khách đến làm việc... được quy định dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

Mục đích xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở GD nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở GD theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở GD; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính GD trong các trường học.

Quy tắc này mang tính định hướng khung, trên cơ sở đó, tất cả các cơ sở GD sẽ cụ thể hóa để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán tại các vùng miền. Quy định riêng của các nhà trường phải được lấy ý kiến và công bố rộng rãi đối với các chủ thể liên quan và có sự đồng thuận của đa số.

* Năm học 2019 – 2020, năm đầu tiên ngành GD triển khai thực hiện những quy tắc ứng xử trong trường học được quy định trong Thông tư 06. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện như thế nào?

-Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các sở GD&ĐT, nhà trường đẩy mạnh thực hiện nội dung xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, coi đây là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và các năm học tiếp theo.

Cùng với việc triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg và Quyết định 1506/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; các cơ sở GD tiếp tục phát huy và hoàn thiện nội dung đã thực hiện tốt trong thời gian vừa qua như: Xây dựng hình mẫu, tấm gương sáng trong văn hóa ứng xử; xây dựng bảng tin, mạng xã hội của trường để đẩy mạnh truyền thông; tổ chức các cuộc thi ứng xử, nét đẹp học đường...

Các nhà trường cần thực hiện nghiêm và xây dựng bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Trên cơ sở thực hiện Thông tư số 06, cơ sở GD chủ động xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng của đơn vị mình, phù hợp với môi trường, văn hóa, đặc thù địa lí. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu và ban hành Quy tắc ứng xử trong cơ sở GD đại học, dự kiến trong năm 2020.

Bên cạnh đó là việc đổi mới nội dung, phương pháp, môi trường GD văn hóa ứng xử trong trường học, nâng cao năng lực ứng xử văn hóa, cải thiện môi trường GD. Các địa phương, nhà trường cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ QLGD, giảng viên, nâng cao nhận thức, kỹ năng về văn hóa ứng xử trong trường học; nêu cao vai trò nêu gương của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

*Làm thế nào để bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường đạt hiệu quả cao nhất?

-Thông tư hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học không đặt nặng đến các chế tài. Tuy nhiên, điều đó được quy định cụ thể trong các văn bản khác như: Điều lệ, quy chế hoạt động của nhà trường và các điều chỉnh hành vi của pháp luật. Bên cạnh đó, việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử cũng sẽ được đưa vào tiêu chí thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân trong nhà trường để khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở tăng cường tuyên truyền, hiểu biết pháp luật, hiểu rõ các nội dung của quy tắc ứng xử đối với CBQLGD, GV và HS. Các lực lượng GD trong nhà trường đều có những ràng buộc, quy định trong ngôn ngữ, trang phục và hành vi. Trong từng lĩnh vực sẽ có định hướng việc nên làm, được làm, khuyến khích những giá trị tốt đẹp.

Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai đưa vào thực tiễn các quyết định về văn hóa ứng xử. Trên cơ sở đó, các nhà trường sẽ thể hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước của mình, cập nhật tất cả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban hành, triển khai trong tất cả các thầy cô giáo, HS. Nếu làm tốt, đây sẽ là mắt xích quan trọng để tất cả các chủ trương sẽ được phổ biến, quán triệt đến CBQLGD, GV và HS trong các cơ sở GD để thực hiện.

*Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.