Bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn GDVN và ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự còn có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT và đông đảo chuyên gia, nhà tâm lý, cán bộ quản lý ngành giáo dục và các sở ban ngành liên quan tỉnh Nghệ An.
Ông Thái Văn Thành - GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi về các ý kiến tại hội thảo. |
Thời gian qua, vấn đề an ninh, an toàn trong trường học đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 23 vụ bạo lực học đường, trong đó có nhiều vụ việc khá nghiêm trọng như vụ đánh nhau giữa nhóm học sinh nữ với một học sinh khác ở Trường THCS Diễn Kim và Diễn Hùng, vụ học sinh lớp 5 – Trường Tiểu học Cửa Nam 1 dùng dao đâm bạn...
Các đại biểu lắng nghe tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, đã có 45 tham luận của các ban, ngành và các đơn vị, tập trung vào việc phân tích thực trạng môi trường giáo dục, nguyên nhân nảy sinh bạo lực học đường, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.
Theo phân tích, trao đổi của các đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này có phần xuất phát từ chính phía học sinh như tâm lý lứa tuổi, tính cách, gặp khủng khoảng trong các mối quan hệ…
Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân từ phía nhà trường. Hiện có không ít trường học chủ yếu chỉ quan tâm đến giáo dục văn hóa, thi cử không quan tâm đến việc giáo dục, kỹ năng, nhân cách cho học sinh. Giáo viên thiếu tâm huyết, quan tâm sát sao đến gia cảnh, sự biến đổi tâm sinh lý học sinh, thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, thiếu phương pháp giáo dục kỷ luật tính cực.
Sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong chăm sóc, kiểm soát học sinh còn chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.
Đại biểu từ cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đóng góp ý kiến về ngăn chặn bạo lực học đường |
Hội thảo cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Đó là tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục, kiến tạo môi trường học tập thu hút sự quan tâm của học sinh, hướng các em đến các sinh hoạt lành mạnh.
Thành lập các tổ tư vấn học đường, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, dạy kỹ năng sống; Tăng cường vai trò GV chủ nhiệm, hiệu trưởng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học; Phát huy vai trò ban đại diện cha mẹ học sinh; Xử lý nghiêm, có tính giáo dục đối với các trường hợp vi phạm để các em nhận ra lỗi sai và sửa chữa.
Xây dựng môi trường giáo dục tích cực, với nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của học sinh cũng là cách giảm thiểu bạo lực học đường. |