Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong trường học. Bộ quy tắc nhằm điều chỉnh cách ứng xử của hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và học sinh theo chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, ngăn ngừa hành vi tiêu cực.
Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) về việc triển khai thực hiện bộ quy tắc này trong năm học mới 2019-2020.
- Năm học 2019-2029 là năm học đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa vào thực tiễn bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Nhiệm vụ này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Linh: Bộ GD&ĐT đã triển khai các thông tư, hướng dẫn về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và GDTX.
Đây là lần đầu tiên, các quy định về văn hóa ứng xử đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HSSV và khách đến làm việc các trường học được quy định dưới dạng quy phạm pháp luật.
Bộ quy tắc sẽ quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan đến môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.
Ví dụ, về ngôn ngữ phải bảo đảm sự thân thiện và phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Đối với thầy cô giáo phải kính trọng. Trang phục của học sinh sạch sẽ và gọn gàng, phù hợp với hoạt động giáo dục mà học sinh tham gia.
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành một bộ quy tắc khung để trên cơ sở đó tất cả các cơ sở giáo dục cụ thể hóa thành những nội dung phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa tại các vùng miền.
Trong quá trình triển khai, các nhà trường sẽ nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi đối với tất cả các chủ thể liên quan và được sự đồng thuận của đa số. Đến tháng 10/2019, tất cả các cơ sở giáo dục phải hình thành và đưa vào thực tiễn bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDCT và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) |
- Cần có những chế tài thế nào để bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường đi vào thực tế đạt hiệu quả, thưa ông?
Ông Bùi Văn Linh: Trong thông tư hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học không đặt nặng đến các chế tài. Tuy nhiên, điều đó đã được quy định cụ thể trong các văn bản khác, ví dụ: điều lệ, quy chế hoạt động của nhà trường và các điều chỉnh hành vi của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử cũng sẽ được đưa vào tiêu chí thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân trong nhà trường để khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện.
Ngành giáo dục cũng sẽ yêu cầu các cơ sở tăng cường tuyên truyền, hiểu biết pháp luật, hiểu rõ các nội dung của quy tắc ứng cử đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.
Các lực lượng giáo dục trong nhà trường đều có những ràng buộc, quy định trong ngôn ngữ, trang phục và hành vi. Trong từng lĩnh vực sẽ có định hướng những việc nên làm, được làm, khuyến khích những giá trị tốt đẹp.
Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu nhà trường sẽ chịu trách nhiệm tuyên truyền đến phụ huynh bảo đảm các quy tắc ứng xử khi tham gia vào các hoạt động giáo dục và hoạt động ở môi trường học đường.
Để khuyến khích phụ huynh làm tốt vai trò của mình khi thực hiện bộ quy tắc ứng xử, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh với nhà trường trong việc đồng thuận với các biện pháp giáo dục của nhà trường trong tất cả các hoạt động.
Bộ GD&ĐT sẽ tích cực triển khai đưa vào thực tiễn các quyết định về văn hóa ứng xử. Trên cơ sở đó, các nhà trường sẽ thể hiện tốt vai trò quản lý nhà nước của mình, cập nhật tất cả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban hành, triển khai trong tất cả các thầy cô giáo, học sinh.
Nếu làm tốt, thì đây sẽ là mắt xích quan trọng để tất cả các chủ trương sẽ được phổ biến, quán triệt đến cán bộ giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục để thực hiện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của Ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục. Đây là nội dung quan trọng trong tổ chức các hoạt động văn hóa ứng xử hiệu quả trong nhà trường.
Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cũng cần có trách nhiệm cao trong việc giúp nhà trường nắm bắt tâm lý học sinh từ đó phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý và định hướng hoạt động của các em.
Xin trân trọng cảm ơn ông!