Trường “vùng xanh” tăng tốc dạy học

GD&TĐ - Đối với nhiều trường học ở “vùng xanh”, việc dạy học trực tiếp được tính toán linh hoạt để tận dụng tối đa thời gian “vàng” cho các môn học chính.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng). Ảnh: NTCC
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng). Ảnh: NTCC

Tuy vậy, các kịch bản bảo đảm dạy học khi dịch bùng phát cũng được chuẩn bị sẵn sàng. 

Tận dụng thời gian “vàng”

Bà Nguyễn Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết: Dạy học trực tuyến khó áp dụng với học sinh huyện Bát Xát nên ngay sau khai giảng, phòng đã chỉ đạo các trường triển khai hàng loạt giải pháp dạy học cuốn chiếu.

Trước hết, các trường tận dụng tối đa thời gian “vàng” khi học sinh tới trường học trực tiếp triển khai dạy các môn học cơ bản. Trong những môn cơ bản, tổ bộ môn và giáo viên tiếp tục lựa chọn kiến thức trọng tâm để dạy trước. Những nội dung, môn học nào có thể giao được về nhà sẽ hướng dẫn học sinh và dạy sau.

Như vậy với học sinh lớp 1, việc dạy học được chú trọng vào môn Tiếng Việt. Các trường tận dụng tối đa thời gian sáng, chiều để dạy. Đối với học sinh khối lớp 2 - 9, các trường sẽ ưu tiên dạy môn có kiến thức mới và không thể học tại nhà (Tiếng Anh, Toán…). Những nội dung, môn học có thể đọc hiểu được giáo viên giao và hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu tại nhà.

Tại Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc), ngay sau khai giảng năm học mới, các thầy dạy cho trò kiến thức mới trực tiếp tại lớp. Tuy nhiên, với học sinh khối lớp 1 nhà trường chỉ đạo dạy học “cuốn chiếu” trong thời gian đầu với 3 môn chính Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.

Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát phải chuyển sang dạy trực tuyến, học sinh khối lớp 1 đã có “nền tảng” để học trực tuyến hiệu quả. Đối với các môn học còn lại có thể dạy học trực tuyến, nhà trường đưa vào kế hoạch dạy sau và hết dịch bồi dưỡng thêm cho học sinh bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Cô Chu Thị Uyên - Giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Kim Ngọc khẳng định, việc dạy học “cuốn chiếu” ngay từ đầu năm với học sinh lớp 1 năm nay không khó khăn, bởi trước đó nhà trường đã triển khai tuần 0, các em vững vàng các kĩ năng cần thiết... Tuy nhiên, quá trình xây dựng bài giảng giáo viên vẫn phải linh hoạt về nội dung, thời lượng để phù hợp với khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh. Không để học sinh chán học hoặc bị quá tải trong tiếp thu khi chỉ tập trung học 3 môn chính.

Trong tâm thế, tận dụng thời gian “vàng” để dạy học, cô Phạm Thị Huê – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình – Ninh Bình) cho biết: Nhà trường đã nghiên cứu và chủ động triển khai theo hướng dẫn năm học của Bộ GD&ĐT và của ngành GD-ĐT Ninh Bình.

Theo đó, buổi sáng triển khai dạy học bình thường, buổi chiều trường tăng cường thêm 3 buổi (thứ 2, 4, 6) để dạy các môn chính. Tăng tốc về thời gian sẽ giúp học sinh được học trực tiếp nhiều hơn với kiến thức mới. Và nếu chuyển sang dạy học trực tuyến, các em lĩnh hội được những nội dung, môn học quan trọng, tạo tiền đề cho học trực tuyến.

Tuy nhiên cô Phạm Thị Huê cũng cho biết, dù tận dụng thời gian trực tiếp để dạy học các môn chính (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh) nhưng nhà trường cũng lưu ý bố trí sắp xếp thời gian, lịch dạy cho giáo viên các môn học chính vào buổi chiều thật hợp lý, khoa học, tránh quá sức cho các thầy cô khi giảng dạy, quá tải cho học sinh trong tiếp thu. Do đó, các môn học chính vẫn được xếp xen kẽ với các môn mang tính xếp loại (Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật…).

Đặc biệt với học sinh lớp 6, dù phải tận dụng thời gian dạy học trực tiếp song trường vẫn yêu cầu triển khai kĩ lưỡng việc làm quen, nền nếp… “Học sinh càng vững vàng kĩ năng, kiến thức, quy định… bao nhiêu thì dạy học “cuốn chiếu” sẽ càng hiệu quả…” – cô Phạm Thị Huê bày tỏ.

Sau khai giảng, Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) tranh thủ “thời gian vàng” để triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh. Ảnh: NTCC
Sau khai giảng, Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) tranh thủ “thời gian vàng” để 
triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh. Ảnh: NTCC

Lên phương án dạy học trong “vùng đỏ”

Thầy Hà Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Trung Chải (thị xã Sa Pa – Lào Cai) cho biết: Hiện tình hình dịch trên địa bàn chưa phức tạp, học sinh học tập trực tiếp tại trường nhưng trường vẫn triển khai dạy học theo tinh thần giãn cách để phòng, chống dịch.

Tại điểm trường chính, các lớp học đều chia làm đôi, dạy học 2 ca sáng, chiều. Với học sinh bán trú học ca chiều và ôn bài buổi tối. Học sinh không bán trú học buổi sáng, tối ôn tại nhà. Học sinh điểm trường lẻ số lượng ít, không phải tách lớp nhưng ngồi giãn cách.

Hải Phòng - địa phương đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, do đó học sinh của thành phố vẫn học trực tiếp. Các nhà trường cũng đang tranh thủ “thời gian vàng” để giảng dạy trực tiếp ở tất cả các khối lớp, nhiều trường sẽ dạy tăng buổi để bảo đảm chương trình.

Tuy nhiên, với tinh thần sẵn sàng dạy học khi trở thành “vùng đỏ”, cô Vũ Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) chia sẻ: Nhà trường tham khảo ý kiến phụ huynh triển khai phương án dạy học trực tuyến với HS lớp 3, 4, 5. Học sinh lớp 1, 2 được học và sinh hoạt tại trường trong vòng 2 tháng để bảo đảm chương trình, hiệu quả dạy học.

Theo cô Phượng, trường có cơ sở để triển khai “kịch bản” này bởi đang triển khai tốt hoạt động bán trú, cơ sở vật chất đầy đủ; Trong khi đó, nếu dạy học trực tuyến cho học sinh khối lớp 1, 2 sẽ khó khăn, không đạt hiệu quả mong muốn. Chỉ cần tập trung học sinh học tập sinh hoạt trực tiếp tại trường khoảng 2 tháng sẽ có thể bảo đảm nội dung, chương trình cho cả 1 học kỳ với chất lượng cao nhất.

“Nếu phụ huynh đồng ý nhà trường sẵn sàng triển khai dù các thầy cô toàn trường vất vả hơn. Nhưng với tinh thần tất cả vì học sinh, tạo cho các em cơ hội học tập an toàn, hiệu quả thì thầy cô không nề hà...” – cô Vũ Thị Phượng khẳng định.

Do địa phương có F0 trong cộng đồng nên Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) thực hiện giãn cách từ 3/9. Nếu dịch được kiểm soát tới 18/9, học sinh địa bàn xã Trung Lý mới trở lại học tập.

Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã lên sẵn phương án dạy học: Sẽ tăng 2 buổi chiều/tuần và ngày thứ 7 để dạy học cho học sinh toàn trường. Riêng học sinh dân tộc lớp 1, 2, chưa sõi tiếng Việt, trường sẽ dành ra 2- 3 tháng đầu chỉ dạy môn Tiếng Việt và Toán. Khi các em vững tiếng Việt, trường sẽ triển khai tiếp các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục… 

“Với học sinh dân tộc, nếu không chắc tiếng Việt thì không thể dạy học các môn khác hiệu quả. Do đó, môn Tiếng Việt sẽ là ưu tiên số 1 khi học sinh đi học trên lớp. Thậm chí, thời gian sau đó, dịch diễn biến phức tạp, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường cũng có cơ sở để triển khai giao bài qua phiếu, Zalo, Facebook… để học sinh ôn tập và làm tại nhà…” – thầy Tùng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ