Trường “vùng xanh” siết chặt phòng chống dịch

GD&TĐ - Đối với nhiều trường học “vùng xanh”, phòng chống dịch không chỉ áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp trong trường lớp mà hơn thế còn bảo đảm an toàn cả hoạt động đưa đón học sinh ngoài cánh cổng trường.

HS Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình - Thái Nguyên) tan học theo thời gian khác nhau giữa các khối, lớp. Ảnh: NTCC
HS Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình - Thái Nguyên) tan học theo thời gian khác nhau giữa các khối, lớp. Ảnh: NTCC

Phòng dịch từ cổng trường

Cô Vũ Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình - Thái Nguyên) - chia sẻ: Việc đón buổi sáng và trả học sinh sau giờ tan học nếu không được bố trí sắp xếp khoa học cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch.

Vì vậy, từ buổi học đầu tiên sau khai giảng trường đã sắp lịch đón và trả HS luân phiên theo các giờ khác nhau, mỗi ca đón trả diễn ra trong 10 phút… để tránh ùn tắc trước cổng trường, không bỏ sót việc đo thân nhiệt HS trước khi vào lớp; đảm bảo giãn cách cho học sinh và bố mẹ.

Mặt khác, để đảm bảo giãn cách cho phụ huynh khi đợi đón con, trường đã huy động thêm lực lượng công an, an ninh trật tự phường cùng sắp xếp, bố trí phụ huynh dừng đỗ đúng vị trí, giãn cách và đón đúng giờ quy định.

Tại cổng Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai - Lào Cai), sau giờ tan học các buổi sáng, rào chắn được đặt cách cổng trường 5m. Cán bộ, GV bố trí 2 bên để kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực cổng trường chờ đón HS. Nhà trường cũng phân luồng, kẻ vạch, chia vị trí cho xe phụ huynh đứng đợi.

BGH nhà trường cho biết: Năm học này, do ảnh hưởng của dịch nên HS lớp 1 không có tuần làm quen trường, lớp, GV trực tiếp; 1 tuần học online chưa đủ để phụ huynh, HS, GV quen mặt nhau. Trường cũng không để phụ huynh vào tận lớp đón con do lo ngại dịch bệnh.

Vì thế, để đảm bảo an toàn, trường làm thẻ đón trả cho tất cả HS lớp 1. Khi tan học, phụ huynh phải có thẻ mới được đón HS. Khối lớp 1 ưu tiên trả trước, các khối, lớp còn lại chia giờ tan học cách nhau 10 phút/khối tránh tập trung một thời điểm.

Theo cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh - Ninh Bình) - cũng khẳng định, trường đã quy định khu vực phụ huynh đứng chờ đón HS, hướng dẫn cách xếp xe giãn cách. Đúng giờ trả HS lớp nào thì phụ huynh lớp đó mới tiến vào cổng trường đón; các lớp tan học cách nhau 10 phút. HS khối 1, 2 tan trước, HS khối 3, 4, 5 tan sau…

Phụ huynh được sắp xếp đứng đợi đón con trật tự tránh tập trung đông trước cổng trường. Ảnh: NTCC
Phụ huynh được sắp xếp đứng đợi đón con trật tự tránh tập trung đông trước cổng trường. Ảnh: NTCC

Nâng cao ý thức cho phụ huynh

Thực tế cho thấy, đa số trường “vùng xanh” đã quan tâm và làm tốt công tác phòng, chống dịch ngoài cổng trường, điều chỉnh hoạt động đưa đón HS hợp lý. Song còn trường hợp cổng trường hẹp, phụ huynh nôn nóng đón con, làm ách tắc khu vực cổng trường và mất an toàn phòng, chống dịch.

Tại Lào Cai, ông Lê Mạnh Trường - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT - cho biết: Sở đã yêu cầu các trường phải xây dựng phương án, quy định thời gian tổ chức đón nhận HS tới trường thời gian tan học ở từng khối, lớp cụ thể, phù hợp; tuyệt đối không để tình trạng ùn tắc, tập trung đông người tại khu vực cổng và xung quanh trường.

Mặt khác, yêu cầu các nhà trường phải chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng thanh niên xung kích, cờ đỏ, đội tự quản... để phân luồng giao thông, kiểm soát, hướng dẫn, nâng cao ý thức cho phụ huynh tới đón con...

Chị Trần Thị Huyền - phụ huynh Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh - Ninh Bình) - trao đổi: Việc nhà trường quy định khu vực phụ huynh đứng đợi, đón con, giãn cách khu đợi trẻ, trả HS theo múi giờ lệch nhau… không khó thực hiện và khiến phụ huynh yên tâm hơn với công tác phòng, chống dịch. Song, phụ huynh vẫn cần nêu cao ý thức, tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ dù trường học ở “vùng xanh”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.