Trung tâm GDNN-GDTX linh hoạt hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Với chức năng tổ chức các hoạt động GD nghề nghiệp, dạy nghề, GD thường xuyên, các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đa dạng hóa chương trình học tập.

Học sinh thực hành nghề pha chế đồ uống.
Học sinh thực hành nghề pha chế đồ uống.

Hướng nghiệp theo nhu cầu người học và xã hội

Bà Tô Thị Trà Ly - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Thanh Xuân nhận định: Bên cạnh nhiệm vụ dạy văn hóa GDTX, để thực hiện chức năng dạy nghề hướng nghiệp cho HS các trường THPT, THCS công lập trên địa bàn quận Thanh Xuân, trung tâm tập trung dạy các nghề thế mạnh như: Nấu ăn, làm hoa, điện dân dụng, tin học, móc chỉ. Duy trì khoảng 3.000 – 3.500 học sinh/năm học. Ngoài ra, trung tâm còn cung cấp dịch vụ dạy nghề hướng nghiệp đến các trường THPT, THCS dân lập trên địa bàn quận Thanh Xuân và quận, huyện lân cận. Hiện trung tâm phối hợp với 10 trường dân lập, dạy nghề từ 1.200 – 1.800 học sinh/năm học.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề ngắn hạn, trung tâm tập trung theo hướng dạy nghề cho đối tượng có ngân sách và có thu phí. Đó là các học viên thuộc gia đình có công, gia đình hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; học viên thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm triển khai dạy các nghề về dịch vụ, phục vụ như: Sửa chữa quần áo, xoa bóp bấm huyệt, cắt tóc nam, giúp việc gia đình, điện lạnh, nấu ăn...

Cùng với đó, nắm bắt được nhu cầu thực tế của học viên, trung tâm đã mở các lớp nghề sơ cấp cho nhân viên bếp làm việc tại trường học; Tổ chức các chương trình bồi dưỡng tin học, kỹ năng sống, kỹ năng gia chánh, bồi dưỡng cho giáo viên; Mở khóa đào tạo về kỹ năng gia chánh cho học sinh THCS, THPT, gồm các nghề: Nấu ăn theo chủ đề, làm bánh âu – á, pha chế đồ uống, làm hoa và căn hoa…

Với nhiệm vụ dạy trung cấp nghề, bà Ly cho biết: Trung tâm liên kết với các trường TC, CĐ để dạy trung cấp nghề cho học sinh đang học văn hóa tại trung tâm. Nhằm tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm sản xuất, kinh doanh, trung tâm đã thành lập tổ sản xuất. Trung tâm dự kiến sẽ phát triển hơn về mô hình sản xuất, dịch vụ, phục vụ trong trung tâm, có sản phẩm để bán trong trung tâm và ra cộng đồng. Làm tốt được đầu ra cho sản phẩm sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu vào, nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho HS.

Với tính chất mở, trung tâm còn phối hợp với trung tâm xúc tiến việc làm và các doanh nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân để xây dựng bản tin giới thiệu việc làm hàng tháng. Đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng phường về chuyên môn, hoạt động, giáo viên, chương trình; Hỗ trợ Hội Khuyết tật, các cơ quan trên địa bàn quận về cơ sở vật chất; hỗ trợ cho nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ được học văn hóa và hòa nhập cộng đồng…

Chủ động nắm bắt cung - cầu

Theo Giám đốc Tô Thị Trà Ly, công tác tuyển sinh nghề ngắn hạn tại trung tâm còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do trung tâm chưa có nghề mũi nhọn, ngành nghề trung tâm được phép đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu xu thế của thị trường lao động; CSVC phục vụ học thực hành còn thiếu và chưa đồng bộ...

“Trước những khó khăn về hướng nghiệp, dạy nghề cho HS thì một trong những biện pháp cơ bản là trung tâm GDNN - GDTX phải thực hiện đa dạng hóa các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học, thu hút đông người học đến với trung tâm” - bà Ly nhận định.

Tuy nhiên, sự phát triển bề rộng cũng cần bảo đảm, đồng bộ với chiều sâu, đó là đi cùng với số lượng thì yếu tố sống còn là chất lượng đào tạo phải bảo đảm. Học sinh không chỉ được bồi dưỡng kiến thức văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải được quan tâm giáo dục về truyền thống, đạo đức, nếp sống, pháp luật, rèn luyện sự tự tin và thái độ sống tích cực, trách nhiệm, sáng tạo...

Bà Ly cho rằng, trung tâm GDNN – GDTX cần được phát triển với tư cách của một đơn vị giáo dục, đồng thời cũng là tư cách của một doanh nghiệp. Với tư cách là một đơn vị giáo dục, các trung tâm cần tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục đạt được mục tiêu chương trình đề ra, đồng thời quan tâm phát triển học viên về kiến thức, kỹ năng, thái độ, phẩm chất đạo đức, phát triển nhân cách học viên, góp phần vào sự phát triển toàn diện học viên.

Với tư cách là một doanh nghiệp, trung tâm cần thay đổi tư duy làm việc, đó là, sẽ phải vận hành theo cơ chế thị trường và sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, khi đó cần nhìn nhận các chương trình trung tâm đào tạo chính là những dịch vụ cung cấp đến xã hội, vậy dịch vụ này phải có chất lượng, có giá trị; cần nhìn nhận mối quan hệ giữa nhà trường với PHHS, phụ huynh và học sinh là khách hàng, họ là người trả phí, họ có quyền đánh giá, lựa chọn và quyết định sử dụng dịch vụ. Đồng thời cũng phải tính đến mối quan hệ cung và cầu, nắm bắt nhanh nhu cầu và cung cấp dịch vụ theo phù hợp. Hướng nghiệp HS gắn với nhu cầu xã hội và cơ hội việc làm khi ra trường sẽ tạo hiệu quả trong đào tạo, tránh lãng phí và không đi đúng hướng mục tiêu hướng nghiệp - dạy nghề cho người học. Các trung tâm cũng cần năng động, nhất là người đứng đầu cần dám nghĩ, biết làm và chịu trách nhiệm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.