Tăng tốc thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Chương trình GDPT mới qua 1 học kỳ, các trường đang tăng tốc thực hiện ở học kỳ II. Công tác chuẩn bị cho khối lớp 2 và 6 cũng được các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương triển khai.

Sau 1 học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, việc dạy - học đã đi vào ổn định.
Sau 1 học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, việc dạy - học đã đi vào ổn định.

Vượt qua trở ngại ban đầu

Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, sau 1 học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, việc dạy - học đã đi vào ổn định. Chương trình mới được giáo viên, học sinh đón nhận với tâm thế thoải mái, không bị áp lực về khối lượng kiến thức và thời gian. Thời gian đầu phụ huynh có chút băn khoăn nhưng được nhà trường hỗ trợ, tuyên truyền nên phối hợp tốt.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Sóc Trăng, năm học 2020 - 2021, khối lớp 1 có 844 lớp với 23.895 học sinh. Ngành Giáo dục thực hiện tốt công tác truyền thông và chuẩn bị chu đáo cho Chương trình GDPT mới; làm rõ vấn đề đổi mới chương trình, SGK lần này khác với các lần trước đó và chỉ ra những ưu điểm, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên đã chuyển biến tích cực, đội ngũ nắm vững tinh thần đổi mới và triển khai có hiệu quả. Cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên giảng dạy lớp 1 luôn có tâm thế sẵn sàng thực hiện chương trình.

Sau 1 học kỳ triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, cô Nguyễn Thị Diễm Phương, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: Thời gian mới triển khai, giáo viên, phụ huynh dù được tuyên truyền, tập huấn nhưng vẫn có chút bỡ ngỡ và gặp một số khó khăn nhất định. Nhưng sau đó, học sinh có sự tiến bộ rõ rệt nên nhà trường, giáo viên yên tâm hơn... Về SGK, nội dung bài học đa dạng, ngữ liệu đều có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa. Mỗi bài học đều có sách điện tử trên hệ thống, giáo viên có thể truy cập để dạy.

Tại Trà Vinh, đội ngũ giáo viên giảng dạy Chương trình GDPT mới lớp 1 được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, sở tổ chức các cuộc họp giao ban lãnh đạo phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán để chỉ đạo và triển khai những nội dung trọng tâm chương trình; Đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên, ưu tiên giáo viên dạy lớp 1; thường xuyên giám sát, kiểm tra cơ sở giáo dục tiểu học việc lựa chọn SGK, triển khai giảng dạy lớp 1.

Nhận định về Chương trình, SGK lớp 1 sau 1 học kỳ giảng dạy, cô Bùi Thị Hồng Hạnh, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh (Trà Vinh) cho biết: Một trong những điểm nổi bật của Chương trình GDPT mới là học sinh phát huy được thế mạnh, năng lực của bản thân. Nhờ có sự chuẩn bị, tập huấn chuyên môn, tuyên truyền, cán bộ quản lý, giáo viên linh động giải quyết các khó khăn, phát sinh khi triển khai chương trình.

Các trường đang tăng tốc thực hiện Chương trình GDPT mới ở học kỳ II.
Các trường đang tăng tốc thực hiện Chương trình GDPT mới ở học kỳ II.

Tăng tốc từ học kỳ II

Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều nơi phải nghỉ Tết sớm nhưng công tác chuẩn bị triển khai chương trình mới được các địa phương khẩn trương thực hiện. Chương trình, SGK lớp 1 đã đi vào ổn định, trường học tiếp tục phát huy thế mạnh trong học kỳ 2. Khối lớp 2 và 6 cũng tăng cường bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp. Nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện, nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu; rút ra những bài học kinh nghiệm cho lớp 2.

Để  bảo đảm tổ chức dạy học lớp 2, năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT Trà Vinh chuẩn bị 163 trường, 698 lớp, 1.614 giáo viên và 353 cán bộ quản lý. Các đơn vị đều có kế hoạch lựa chọn giáo viên đạt trình độ chuẩn để tham gia tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới. Cơ sở vật chất bảo đảm 1 lớp/phòng học. 100% trường, lớp, học sinh được tổ chức dạy học theo phương án trên 30 tiết/tuần. Với cấp THCS, sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học; xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên THCS, THPT thực hiện giảng dạy chương trình mới và đào tạo đạt chuẩn. Toàn tỉnh có 34/34 trường THPT, 101/101 trường THCS đã thực hiện theo các yêu cầu. Tỉnh có 354 cán bộ quản lý và 112 giáo viên cốt cán cấp THCS, THPT được cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đây cũng là lực lượng nòng cốt hỗ trợ việc triển khai đại trà cho đội ngũ giáo viên THCS, THPT trong toàn tỉnh...

Chia sẻ công tác chuẩn bị Chương trình GDPT mới, cô Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) nói: Cán bộ quản lý, giáo viên đều tham gia tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Để tháo gỡ những khó khăn ban đầu khi thực hiện chương trình mới, nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường để chia sẻ, trao đổi nhằm đúc kết kinh nghiệm.

Học kỳ I năm học 2020 - 2021, phòng tổ chức 5 lần đi dự giờ rút kinh nghiệm cho giáo viên dạy lớp 1 ở 5 điểm trường. Tổ chức 2 đợt trao đổi chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 về nội dung dạy học vần và môn Toán lớp 1. Qua các buổi trao đổi, phòng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số giáo viên. Để chuẩn bị triển khai Chương trình, SGK lớp 2, 6 sắp tới, phòng GD&ĐT đã lên danh sách cán bộ quản lý, giáo viên chuẩn bị tập huấn, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện giảng dạy… - Ông Huỳnh Chí Hiếu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Bạc Liêu (Bạc Liêu).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ