Nhìn thẳng bất cập
Báo cáo kết quả kiểm tra của Sở GD&ĐT Lào Cai về công tác hướng dẫn dạy học lớp 1 Chương trình (CT) GDPT 2018 cấp tiểu học cho thấy, từ công tác tham mưu, quản lý chỉ đạo của phòng GD&ĐT đến việc tổ chức thực hiện của các nhà trường được thực hiện khá tốt. Phòng GD&ĐT các huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai CT, SGK phổ thông mới. Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo đổi mới CTGDPT; Kế hoạch chuẩn bị các điều kiện thực hiện CTGDPT 2018 năm học 2020 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2025… Đáng chú ý, từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT huyện Văn Bàn đã tổ chức được chuyên đề cho giáo viên (GV) dạy Toán, Tiếng Việt lớp 1 nhằm tăng cường cơ hội để GV được giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, sau kiểm tra, hướng dẫn dạy học lớp 1 CTGDPT 2018 cho thấy còn những hạn chế, khó khăn nhất định cần “gọi tên” để đưa ra phương hướng cùng các địa phương nhà trường tháo gỡ. Đó là, đầu năm học nên cán bộ quản lý một số trường mới chú trọng vào xây dựng cơ sở vật chất, chưa tập trung tổ chức sinh hoạt chuyên môn để bồi dưỡng cho GV. Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng chưa dự giờ nhiều để góp ý, hỗ trợ kĩ thuật cho GV. Vai trò kiểm soát, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ GV chưa được quan tâm đúng mức.
Một số trường xây dựng kế hoạch giáo dục, thực hiện các tiết tăng cường chưa phù hợp, tỉ số tiết tăng cường bằng 100% số tiết chính khóa. Nội dung tăng cường chủ yếu tập trung vào Toán, Tiếng Việt; tỉ lệ tăng cường các môn Tiếng Anh, kĩ năng sống, hoạt động trải nghiệm còn ít. Thậm chí, một số hiệu trưởng chưa phát huy vai trò là nòng cốt chuyên môn; chưa linh hoạt trong chỉ đạo đổi mới.
Về phía GV lớp 1, lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai cũng chỉ ra: Còn tình trạng phương pháp, kĩ thuật dạy học chưa linh hoạt, thiếu mạnh dạn đổi mới. Dẫn tới chưa tạo được sự chú ý, hứng thú trong học tập cho HS. Đâu đó, GV chưa nghiên cứu kĩ CT, kế hoạch môn học để xác định yêu cầu cần đạt của mỗi tiết học, hoạt động dạy học, máy móc dạy theo SGK, sách GV. Chưa chú ý đến các nhóm HS và thiếu tính linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh thời gian, không gian, nội dung dạy học...
Tiếp tục nỗ lực
Ông Nguyễn Thế Dũng cho biết thêm: Với khó khăn bất cập tồn tại, thời gian sở yêu cầu các phòng GD&ĐT nghiên cứu, hướng dẫn các nhà trường thực hiện tốt các nội dung quy định của Bộ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện CTGDPT 2018 cấp tiểu học. Phát huy hơn nữa vai trò của Tổ tư vấn cấp huyện trong việc giúp đỡ các trường thực hiện CTGDPT 2018. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về CTGDPT 2018. Tổ chức nhân rộng GV, lớp học điển hình về việc thực hiện hiệu quả SGK lớp 1 CTGDPT 2018…
Lãnh đạo các trường cần tăng cường dự giờ thăm lớp, quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ, tư vấn chuyên môn cho GV, đặc biệt những GV lớp 1 đơn, lớp 1 ghép, lớp 1 điểm trường lẻ. Kiểm tra, rà soát lại các nội dung HS đã học từ đầu năm học đến nay, nếu HS chưa nắm chắc, yêu cầu GV dạy lại. Với phần âm, phần vần, Sở GD&ĐT yêu cầu GV lớp 1 phải dạy cho HS đọc, viết tốt từng âm, từng vần; chủ động tăng, giãn thời lượng, giãn nội dung cho phù hợp với đối tượng HS lớp mình phụ trách. Sử dụng các phương pháp, kĩ thuật thuật dạy học, kinh nghiệm dạy học hay để vận dụng vào bài dạy giúp HS đọc đúng, viết đúng, nói và nghe đúng. Có phương pháp giáo dục phù hợp với những đối tượng HS gặp khó khăn trong học tập.
Thầy Phùng Thế Tùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương – Lào Cai) cho biết: Gần 2 tháng triển khai CT và SGK lớp 1 đến nay cơ bản nhà trường không gặp khó khăn vướng mắc bởi BGH và GV đều quán triệt tinh thần tự chủ, linh hoạt trong quá trình dạy học. GV được hoàn toàn chủ động với thời lượng chương trình, việc đưa các ngữ liệu, tài liệu phù hợp vào khai thác.
Cũng theo thầy Tùng, để triển khai CT và SGK lớp 1, nhà trường đã tăng cường sự hỗ trợ, đồng hành của BGH, tổ chuyên môn với GV lớp 1. Từ đầu năm học việc dự giờ thăm lớp diễn ra thường xuyên ở điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ. Ngoài việc nắm bắt sự tiếp thu của HS còn kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho GV về phương pháp giảng dạy, làm sao để đảm bảo mục tiêu đề ra. Do những yếu tố khách quan việc dạy học của GV có thể chậm hơn chương trình 1 chút nhưng BGH yêu cầu GV nhất định phải bảo đảm được HS học đâu chắc đó. Quá trình BGH kiểm tra rà soát lại nếu HS quên cách đọc, viết những bài đã qua nhà trường sẽ yêu cầu GV dạy lại đến khi nào HS vững vàng kiến thức mới chuyển sang bài khác. Nhất định không để việc dạy học chạy đúng yêu cầu về thời gian nhưng không bảo đảm về chất lượng.
Cô Đào Thị Hải Yến – GV lớp 1A1 Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Trong một lớp học 24 HS, có 2 - 3 em đọc viết chậm hơn. Tuy nhiên, việc rèn các em không khó khăn và có nhiều giải pháp. Trước hết, sẽ dành nhiều thời gian vào buổi chiều để luyện cho các em. Mặt khác, quá trình dạy âm vần mới sẽ cho những HS tiếp thu bài tốt đọc trước, HS chậm hơn lắng nghe và đọc sau nhiều lần. Những HS học chậm cũng sẽ được GV bố trí ngồi đầu bàn, ngồi kèm với 1 HS học nhanh để các em luôn được sự hỗ trợ của bạn và cô giáo trong suốt quá trình học tập…
“Với những HS học chậm bằng 5 - 6 phần những HS khác nếu được kèm cặp đúng cách, hỗ trợ sát sao, hiệu quả… chắc chắn sẽ tiến bộ. Thực tế các em đã đọc, viết tiến bộ hơn, mục tiêu đọc thông viết thạo sẽ đạt được vào cuối năm học dù GV vất vả hơn trong quá trình dạy học…” - cô Đào Thị Hải Yến tự tin chia sẻ.