Tháo gỡ kịp thời vướng mắc khi triển khai Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, các trường tiểu học ở tỉnh Đồng Tháp đã vào guồng chuyển động Chương trình GDPT mới. Với chương trình mở và linh hoạt, giáo viên, học sinh đã triển khai một cách thuận lợi...

Tiết dạy minh họa môn Tiếng Việt lớp 1 với sự tham dự của cán bộ, giáo viên tỉnh Đồng Tháp.
Tiết dạy minh họa môn Tiếng Việt lớp 1 với sự tham dự của cán bộ, giáo viên tỉnh Đồng Tháp.

Chú trọng công tác bồi dưỡng

Công tác triển khai Chương trình GDPT mới luôn được tỉnh Đồng Tháp quan tâm.  Năm 2020, quy mô, mạng lưới trường, lớp học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các địa phương.

Tỉnh xây mới 27 trường; sửa chữa 600 phòng và mua sắm thiết bị dạy học… Toàn tỉnh có 308 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 47,68%. Tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt chỉ tiêu đề ra (huy động cấp tiểu học đạt 99,98%).

Tỉnh Đồng Tháp có 301 trường tiểu học thực hiện lựa chọn SGK lớp 1 mới, với 45/46 đầu sách được chọn. Trong đó, có 121/301 trường chọn bộ SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, chiếm tỷ lệ gần 41%.

Đến nay, các trường học tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo mô đun 1 của Chương trình GDPT mới. Ngành đang tập trung bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo Mô đun 2.

Theo đó, Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Điểm cầu chính đặt tại Sở GD&ĐT cùng 11 điểm cầu tại các huyện, thành phố. Để hoàn thành nội dung và yêu cầu cần đạt đối với Mô đun 2. Trên tài khoản cá nhân được Viettel Đồng Tháp cấp, mỗi học viên tự bồi dưỡng qua mạng, tự nghiên cứu, tự học và hoàn thành các bài tập 5 ngày trước khi học trực tuyến. Sau đó hoàn thành nội dung học tập trên tài khoản cá nhân ngay sau khi kết thúc bồi dưỡng trực tuyến 7 ngày.

Bên cạnh công tác tập huấn, Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm chia sẻ, góp ý trong triển khai Chương trình mới nói chung và chương trình lớp 1 nói riêng.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Chương trình GDPT 2018 vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với cán bộ quản lý của các trường tiểu học trong việc thực thi quyền tự chủ trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường.

Điều này đỏi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải hết sức chủ động, có kiến thức kỹ năng cần thiết để quản lý, quản trị nhà trường và dạy học. Tổ chức xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch dạy học và giáo dục trong nhà trường nhằm góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT mới...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp trao đổi tại hội thảo về Ngữ liệu SGK môn Tiếng Việt lớp 1.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp trao đổi tại hội thảo về Ngữ liệu SGK môn Tiếng Việt lớp 1.

Linh hoạt tháo gỡ vướng mắc

Nhằm chủ động, cập nhật, thay thế các thông tin, ngữ liệu mới thay cho những thông tin, ngữ liệu chưa thật sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, ngành Giáo dục Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo về ngữ liệu SGK môn Tiếng Việt lớp 1.

Qua đó, ngành ghi nhận các ý kiến chia sẻ của của đại biểu, giáo viên về tình hình thực hiện SGK trong thời gian qua. Những thuận lợi, khó khăn, ngữ liệu phù hợp, chưa phù hợp và đề xuất ngữ liệu thay thế, cách thay thế, định hướng thay thế… đối với từng đầu sách môn Tiếng Việt lớp 1.

Kết quả tổng hợp từ các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các tổ Tiếng Việt, tổ Quản lý của hội đồng chuyên môn cấp tỉnh. Có tổng cộng 535 lượt ý kiến đề nghị điều chỉnh, thay thế ngữ liệu và các kiến nghị, đề xuất. Cụ thể đối với SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Chân trời sáng tạo có 149 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều có 346 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực 6 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục có 12 lượt. SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có 22 lượt...

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát ngữ liệu của tất cả SGK lớp 1, tìm những ngữ liệu chưa phù hợp, đề xuất ngữ liệu thay thế, chỉ đạo cán bộ quản lý hỗ trợ cho giáo viên để giáo viên an tâm giảng dạy, phối hợp tốt với cha mẹ học sinh, thực hiện tốt công tác truyền thông, nhân rộng những giải pháp thực hiện hiệu quả của các đơn vị…

Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 cũng được ngành Giáo dục Đồng Tháp chú trọng. Thông qua hoạt động chia sẻ, góp ý giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên nắm vững quy trình, phương pháp dạy học, chuẩn kiến thức kỹ năng, vận dụng các phương pháp phù hợp với đặc trưng môn học.

Từ những tiết dạy minh hoạ môn Tiếng Việt lớp 1 và chia sẻ của các giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhiều vấn đề trong công tác quản lý, dạy học được trình bài và tháo gỡ kịp thời...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ