Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDP mới) được ban hành chính thức vào cuối năm 2018 nhưng với sứ mạng của một trường đại học sư phạm trọng điểm, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) đã có những bước chuẩn bị từ khá sớm. Không chỉ là trách nhiệm mà còn là những định hướng chiến lược. Chuẩn bị có kế hoạch và điểm rơi đã tạo nên sự chủ động của trường trong công tác triển khai các hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn. Kết quả đánh giá cao từ các Sở GD&ĐT trong công tác đào tạo và nhất là bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa qua là một tín hiệu tích cực.
Xây dựng lại CTĐT theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học
Từ năm 2016, HCMUE đã rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo (CTĐT) theo phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trường cũng đã thực hiện chuỗi gồm 7 tọa đàm về tìm hiểu CTGDPT mới thu hút nhiều chuyên gia, giảng viên trong và ngoài trường cùng tham gia. Năm 2017, trường đã thực hiện một số nghiên cứu để khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng với CTGDPT mới và nghiên cứu đánh giá các chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm, cán bộ quản lý do trường đã và đang thực hiện. Trường cũng cử nhiều giảng viên tham gia xây dựng CTGDPT mới và nay là tham gia viết sách giáo khoa. Kết quả của những nghiên cứu trên cùng lực lượng đội ngũ hiểu sâu về chương trình mới là cơ sở để nhà trường có những bước chuẩn bị sát hơn, sâu hơn để bắt nhịp với CTGDPT mới.
Cột mốc năm 2016 là điểm nhấn quan trọng khi trường đã rà soát, xây dựng lại CTĐT theo phát triển phẩm chất và năng lực người học bởi nếu không phát triển chương trình theo hướng này khó có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên thực hiện chương trình theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tiếp theo đó, vào năm 2018 và gần đây nhất là năm 2020, trường đã tổ chức rà soát, đánh giá, cải tiến CTĐT để đảm bảo chương trình giúp người học hiểu rõ và triển khai được việc dạy học phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh đáp ứng sự thay đổi của Chương trình mới, đảm bảo sinh viên khi ra trường có thể dạy được chương trình mới mà không cần bồi dưỡng lại. Như vậy, khóa đầu tiên của HCMUE vào năm 2021, có thể có ngay một lớp cử nhân sư phạm đảm đương CTGDPT 2018 dù là bước đầu trong sự thích ứng.
Ngoài việc rà soát lại các CTĐT hiện có và cập nhật, điều chỉnh theo định hướng mới, Trường còn nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới và xây dựng một số CTĐT mới nhằm cung cấp lực lượng giáo viên đáp ứng việc giảng dạy những môn học mới ở trường phổ thông. Chính vì có sự chuẩn bị sớm nên đến nay, ngoài 18 CTĐT giáo viên hiện có, trường đã tuyển sinh và đào tạo thêm hai CTĐT mới là Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch Sử- Địa lí. Dự kiến trong năm 2021, trường vẫn tiếp tục tuyển sinh và mở rộng quy mô đào tạo hai ngành này. Ngoài ra, Trường cũng đã hoàn tất đề án mở thêm hai ngành mới nữa là Sư phạm Công nghệ và Giáo dục công dân và đang trình Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt. Nếu được phê duyệt sớm thì trường sẽ tuyển sinh ngay trong năm 2021 để kịp thời cung cấp lực lượng giáo viên dạy các môn mới ở trường phổ thông. Điều này cũng góp phần giải quyết bài toán: Năm 2022 - 2023, sẽ có nhóm giáo viên Sư phạm Khoa học tự nhiên, sau đó là Sư phạm Lịch sư - Địa lí ở Chương trình Giáo dục phổ thông mới song hành với các giáo viên đã và đang được bồi dưỡng.
Trọng trách bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên
Ý thức được trọng trách của nhà trường không chỉ là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục mà còn giúp cho đội ngũ giáo viên luôn cập nhật nhanh chóng những đổi mới nhằm đáp ứng những thay đổi trong giáo dục, Trường đã đầu tư bài bản cho công tác này. Trước hết, là việc bồi dưỡng nội bộ nhằm giúp cho giảng viên không những nắm chắc, hiểu kĩ những đổi mới của giáo dục phổ thông mà còn đi trước, đón đầu cho những đổi mới đó. Tính đến nay, trường đã tổ chức bồi dưỡng cho hơn 500 lượt giảng viên sư phạm những nội dung liên quan đến CTGDPT mới. Trong đó nhấn mạnh: Những điểm mới trong CTGDPT mới; So sánh CTGDPT mới với Chương trình hiện hành; Định hướng phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trong CTGDPT mới.
Trường cũng đã thực hiện hơn 10 chuỗi Hội thảo – Tập huấn khác nhau liên quan đến nội dung này. Đến năm 2019, từ đội ngũ giảng viên sư phạm đã qua tập huấn trường đã cơ cấu tổ chức lại các báo cáo viên nguồn và giảng viên sư phạm chủ chốt theo từng môn học/hoạt động giáo dục trong CTGDPT mới để thực hiện việc bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lí các địa phương. Trường cũng là một trong tám đơn vị được chọn để tham gia dự án ETEP (Dự án Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông). Hoạt động này cũng đã tạo điều kiện cho giảng viên nhà trường được tham gia các chuỗi Hội thảo – Tập huấn với nhiều nội dung thiết thực, quan trọng liên quan đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tham gia các nghiên cứu chuyên sâu.
Một trong những điểm nhấn là trong năm 2018, trường đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình Bồi dưỡng thường xuyên dành cho cán bộ quản lý các trường THCS. Chương trình đã được nghiệm thu, làm cơ sở để Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định về các mô-đun bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, đại trà; ban hành thông tư về danh mục các mô đun bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cuối năm 2019, trường được giao nhiệm vụ xây dựng tài liệu mô đun 2: “Sử dụng phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học trong phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh THCS/THPT” và đang thực hiện xây dựng tài liệu cho mô đun 9 dành cho giáo viên: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh TH/THCS/THPT và mô đun 9 dành cho CBQL: Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản trị trường TH/THCS/THPT. Tất cả những kết quả này là minh chứng quan trọng cho sự định hướng của ngành, sự đầu tư có chiến lược để Trường có thể tự tin hoàn toàn trong việc đáp ứng nhu cầu từ các Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác bồi dưỡng.
Việc tham gia sâu vào quá trình xây dựng các mô đun bồi dưỡng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc đào tạo đội ngũ, chuẩn bị lực lượng cho việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong các năm 2019 và 2020, Trường đã tổ chức bồi dưỡng mô đun 1, 2 và 3 cho gần 24.000 lượt giáo viên phổ thông cốt cán của 19 tỉnh/thành: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Tây Ninh, TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại đa số các giáo viên phổ thông cốt cán sau khi tham gia bồi dưỡng và các cán bộ phụ trách đã thấy tự tin, an tâm khi triển khai CTGDPT mới. Các giáo viên phổ thông cốt cán cũng đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong việc hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương trong việc thực hiện phương thức bồi dưỡng thường xuyên mới với phương châm, liên tục, tại chỗ, có chất lượng, đảm bảo tiến độ thông qua hệ thống học tập trực tuyến. Kết quả thể hiện khá rõ qua các kết quả trên hệ thống học tập trực tuyến của chính giáo viên phổ thông cốt cán: Hoàn thành các bài tập theo đúng yêu cầu, đồng thời đã xây dựng được các sản phẩm như kế hoạch dạy học, kế hoạch hướng dẫn đồng nghiệp có tính khả thi. Trong năm 2021, theo kế hoạch, Trường sẽ tiếp tục triển khai bồi dưỡng các mô đun 4, 5 và 9 cho giáo viên cốt cán của 19 tỉnh/thành này.
Có thể nói Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có những bước chuẩn bị từ rất sớm để không chỉ thực hiện tốt công tác đào tạo mà còn cả công tác bồi dưỡng giúp giáo viên, cán bộ quản lí thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ trách nhiệm được giao của ngành cùng với chiến lược phát triển của Trường, cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ với các Trường Sư phạm trọng điểm và sự nỗ lực của Trường, khả năng đáp ứng và việc đóng góp một cách chủ động vào lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điều cần được khích lệ. Đây là điểm nhấn như kết quả quan trọng để khẳng định HCMUE đang quyết tâm trở thành trung tâm kết nối các Sở GD&ĐT trong hành trình phát triển.