Phủ xanh sân trường cát trắng

Phủ xanh sân trường cát trắng
Cô Hưởng kèm học sinh học yếu
Cô Hưởng kèm học sinh học

Nhọc nhằn tuổi thơ trên cát

Cô Lê Thị Hưởng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1, xã Hoà Hiệp Trung, người có ý tưởng biến bãi cát trắng nhức mắt  thành một công viên cây xanh, cũng là một người con của Làng Cát. Cô cho biết, tuổi thơ của cô có thể gói gọn trong chữ “khát”. Ba thoát ly đi kháng chiến khi cô mới  chập chững, mẹ làm cơ sở cách mạng, thường xuyên bị địch bắt tù đày, tuổi thơ của cô khắc khoải trong sự khát thèm ngày đoàn tụ. Sống giữa ba bề, bốn bên là cát, cái giấc mơ màu xanh chập chờn suốt tuổi thơ cô. Có một cái khát khác cũng mãnh liệt không kém, đó là khát chữ. Mặc dù học rất khá, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, đến ngày hết chiến tranh, đã 17 tuổi, nhưng cô mới học hết tiểu học. Quê hương giải phóng, dù đã lớn tuổi, nhưng cô vẫn âm thầm thực hiện ước mơ tiếp tục đi học. Tốt nghiệp Trường Bổ túc Công nông tỉnh Phú Khánh, lẽ ra cô đã là sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo, cô xin về học Trường Trung cấp sư phạm Tuy Hoà cho gần nhà. Cô nói, hồi ấy, mỗi ngày đạp xe mười mấy cây số từ nhà ra thị xã, cực vô cùng, nhưng  ước mơ  làm người gieo chữ trên vùng đất cát Hoà Hiệp đã thôi thúc cô, để vừa học tốt, vừa  trọn vẹn chữ hiếu với gia đình. Sau này, bước chân đến cổng Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, cô bỗng bật khóc. Vậy là ước mơ vào đại học suốt tuổi thơ cuối cùng cũng trở thành hiện thực. 

Thư viện xanh
Thư viện xanh

Hiện thực hóa giấc mơ xanh

Năm 1998, cô Hưởng được phân công về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Hoà Hiệp Trung. Đó là một ngôi trường mới, cơ sở vật chất chỉ là một bãi cát trắng với vài dãy nhà ọp ẹp. Đứng trước quang xảnh ấy, chợt ký ức xanh tuổi thơ cô hiện về. Cô nói, nhìn các em dầm chân trong cát cháy, bụi tung mù mịt, nhiều đêm cô  không ngủ được.                                     

Một trong những việc làm đầu tiên của cô hiệu trưởng cùng tập thể nhà trường là quyết tâm phủ xanh sân trường cát trắng. Một cái cây sống và lớn lên được trên vùng đất cát khó khăn, cực nhọc hơn nơi khác rất nhiều. Phải đi xin từng cây bàng, cây phượng… nhặt từng mẩu phân, hứng từng xô nước. Gặp năm hạn, gió nam cồ thổi ràn rạt, cát lấp cả cây, phải trồng đi trồng lại mấy lần. Cô cùng cán bộ, giáo viên  đạp xe  lên tận xã miền núi Hoà Thịnh tìm cỏ lá gừng về phủ kín  sân trường, vận động phụ huynh học sinh góp công, góp của bê tông hoá lối đi. Cứ âm thầm, bền bỉ  như vậy,  mười năm qua, từ một bãi cát trắng, Trường Tiểu học số 1 xã Hoà Hiệp Trung đã trở thành một công viên  bạt ngàn cây xanh. Hôm tôi đến trường, Cô Hưởng  khoe là vừa ra mắt thư viện xanh. Biến công viên xanh  trở thành thư viện xanh quả là một sáng kiến độc đáo. Đây cũng là thư viện xanh đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Trên các thân cây rải rác trong trường treo những tấm bảng ghi kiến thức toán học, lịch sử, địa lý…để các em lúc nào cũng có thể học được. Trên  ghế đá đặt dưới  những tán cây xanh mát, suốt ngày râm ran tiếng các em đọc sách, truy bài. Nhìn vào đâu cũng thấy không khí học tập. 

Giờ ra chơi ở công viên xanh
Giờ ra chơi ở "công viên" xanh

Gieo chữ trên vùng cát

Điều trăn trở lớn nhất của cô Hưởng là xoá bỏ định kiến : học sinh vùng biển thì ít chịu đi học và học kém. Ở Làng Cát, dẫu chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng vẫn còn đó không ít cảnh đời nghèo khó, bất hạnh. Cô nói, tuổi thơ của cô vì chiến tranh mà chịu thiệt thòi , không lẽ các em cũng phải như mình!

Hễ có một trường hợp học sinh không đến lớp, học sinh bỏ học,  lòng cô Hưởng lại nhói đau. Cùng với vận động phụ huynh đưa con em đến tuổi ra lớp, cô giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, bằng mọi cách, vận động các em bỏ học trở lại trường. Không ít trường hợp, giáo viên chủ nhiệm bất lực, đích thân cô Hưởng không kể đêm hôm, mưa gió, đến tận nhà vận động. Bà con tiểu thương chợ Hoà Hiệp Trung còn truyền nhau một câu chuyện: năm ngoái, không hiểu sao mà ngày nào cô Hưởng cũng ra chợ ngồi suốt buổi trước hàng trứng vịt lộn của  chị Lê thị Nhàn. Có người còn độc miệng gièm pha: “Chắc cô hiệu trưởng “ghiền”món vị lộn chi đây thôi!”. Đến một hôm khi thấy cô Hưởng ra về còn đèo thêm em Hoàng, con chị Nhàn tới lớp, thì mọi người mới hiểu. Thì ra, em  Hoàng vì nhà nghèo, học sút, đã bỏ học mấy tuần nay, cô phải ra ra tận chợ động viên mẹ em và đích thân cô mỗi sáng chở Hoàng đi học. Có trường hợp nọ, gia đình đông con, ông bố nát rượu, khi Cô Hưởng tới vận động, ông bố ra điều kiện:  nhà trường phải trông hộ đứa em thì thằng anh mới được tới lớp. Cô Hưởng nói sẵn sàng làm  người làm “bảo mẫu” em bé, ông bố này phải xiêu lòng. Cô Hưởng chưa hề một lần thất bại trong việc vận động các em trở lại trường. Cô nói: không có nghệ thuật gì cao siêu đâu, cốt là ở sự chân thành!                                     

Nhiều em nghèo quá, không có sách vở, quần áo, cô Hưởng vận động quyên góp sách, quần áo cũ tặng các em. Nhiều đêm, cô miệt mài cắt sửa quần áo, kịp hôm sau các em đến lớp. Ngoài bồi dưỡng các em học giỏi, cô phát động phong trào dạy thêm học sinh yếu vào ngày thứ bảy hằng tuần,  đích thân cô cũng kèm cặp nhiều học sinh yếu.

Sau 10 năm xây dựng, dẫu chưa được “tầng hoá” như nhiều trường khác, nhưng Trường Tiểu học số 1 Hoà Hiệp Trung đã có bộ mặt khá khang trang, đồ dùng day học phong phú, trong đó, ngoài kinh phí cấp trên, còn được mua sắm từ chính phong trào tiết kiệm của trường. Và đặc biệt, đây là một trong những trường đầu tiên đạt chuẩn quốc gia và luôn là con chim đầu đàn  của ngành giáo dục huyện Đông Hoà.

Mới đây cô Lê Thị Hưởng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cô nói, phần thưởng cao quý đó của Chủ tịch nước càng nhắc nhở cô làm nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người.

                 Phan  Xuân Luật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.