Phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2021

GD&TĐ - Thành công của mùa Giải năm nay tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” trong làng báo cũng như trong xã hội.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải Đặc biệt cho tác giả Thái Bá Dũng - báo Tuổi trẻ Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao giải Đặc biệt cho tác giả Thái Bá Dũng - báo Tuổi trẻ Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020 – nhấn mạnh điều này tại Lễ trao Giải – sáng nay (14/11) tại Hà Nội. Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2021.

Bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục

Thứ trưởng nhấn mạnh, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh những nhà báo, phóng viên, những tập thể, cá nhân có tác phẩm báo chí hay viết về đề tài Giáo dục. Đây cũng là cơ hội để các tác giả, phóng viên, nhà báo, những người quan tâm đến giáo dục một lần nữa cùng nhìn lại và chia sẻ những góc nhìn, con mắt nghề nghiệp với bạn bè đồng nghiệp và giới thiệu những tác phẩm đặc sắc đến với công chúng.

Tiếp nối thành công của 2 mùa giải trước, Giải năm nay được sự quan tâm, ủng hộ, tham gia của đông đảo các phóng viên, nhà báo và các tổ chức báo chí trung ương, địa phương, với hơn 700 tác phẩm tham dự ở cả 4 loại hình báo chí: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình, với các đề tài dự thi phong phú, phản ánh đa chiều về lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự đất nước, của Ngành như: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, việc tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình phù hợp với tình hình dịch bệnh thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học"; tổ chức an toàn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tự chủ đại học; chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo… Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Qua đó, thể hiện sự tâm huyết, ngòi bút sắc sảo, đa dạng của tác giả.

Bên cạnh những tác phẩm ghi nhận những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo trong dạy - học, cũng có nhiều bài viết xúc động, thể hiện sự trân trọng những tấm gương nhà giáo hy sinh thầm lặng, dành cả thanh xuân của mình để bám trường, bám lớp, đem con chữ đến với học trò ở các bản làng xa xôi của Tổ quốc.

Đặc biệt, dưới ngòi bút của các phóng viên, nhà báo, nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục đã được phản ánh rõ nét với góc nhìn khách quan, đa chiều. Các tác giả đã phân tích nhiều vấn đề còn bất cập, tồn tại trong giáo dục; từ đó có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan và những người có thẩm quyền. Qua đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đồng thời giúp xã hội hiểu hơn về giáo dục, đồng hành và hỗ trợ giáo dục trên mọi nẻo đường.

Khẳng định vị thế và uy tín của Giải

Với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, khách quan và công tâm, từ hơn 700 tác phẩm dự thi ở 4 loại hình báo chí nêu trên, Hội đồng Sơ khảo đã xây dựng tiêu chí, phân loại, chấm điểm và lựa chọn được 62 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo.

Trên cơ sở đó, Hội đồng Chung khảo tiếp tục đánh giá và đề xuất 50 tác phẩm có nội dung phù hợp nhất với tiêu chí của cuộc thi để trao giải: 1 giải Đặc biệt; 4 tác phẩm đoạt giải Nhất; 8 giải Nhì; 12 giải Ba và 26 giải Khuyến khích. Hội đồng Chung khảo cũng đề xuất 3 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải để trao giải Nhân vật tiêu biểu.

“Tôi trân trọng cảm ơn tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, hiệu quả của Hội đồng giám khảo. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi xin chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải, mong rằng giải thưởng sẽ là món quà ý nghĩa, tiếp thêm tinh thần, động lực để các nhà báo tiếp tục có những tác phẩm hay hơn nữa về lĩnh vực giáo dục.

Đồng thời, Ban Tổ chức xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tác giả, nhóm tác giả đã tham gia giải năm nay và mong rằng trong các mùa thi tiếp theo, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các phóng viên, các biên tập viên, các nhà báo với các tác phẩm tâm huyết, ý nghĩa dành cho ngành Giáo dục” – Thứ trưởng ghi nhận.

“Có thể nói, thành công của mùa Giải năm nay tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” trong “làng báo” cũng như trong xã hội. Với tinh thần cầu thị, bằng tất cả sự trân trọng với từng tác phẩm báo chí và những người làm báo, Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu, tiếp tục đổi mới về cách thức tổ chức để tạo ra một “sân chơi” ngày càng uy tín, chất lượng và chuyên nghiệp, đáp ứng lòng mong mỏi của những người làm báo nói riêng và xã hội nói chung” – Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2021.

“Tôi mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên và những người làm báo trên cả nước tiếp tục quan tâm và tham gia giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục” năm 2021” – Thứ trưởng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ