Miền Trung – Tây Nguyên: Đẩy mạnh sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học

GD&TĐ - Hiện nay, công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học đang được các địa phương trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, làm thế nào để công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp thực sự hiệu quả, tạo điều kiện, môi trường học tập thuận lợi cho HS, đồng thời giải quyết căn cơ tình trạng thừa thiếu giáo viên, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp…đang thực sự là bài toán khó cho các địa phương.  

Quy hoạch mạng lưới trường lớp trên cơ sở đảm bảo điều kiện tốt hơn cho HS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa
Quy hoạch mạng lưới trường lớp trên cơ sở đảm bảo điều kiện tốt hơn cho HS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa

Sắp xếp trường lớp đảm bảo điều kiện học tập tốt hơn cho HS

Nằm ở địa bàn Tây Nguyên, Gia Lai là một trong những địa phương thực hiện mạnh mẽ công tác sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trong năm học 2017 - 2018. Công tác sắp xếp, quy hoạch lại tập trung vào các đơn vị trường học bậc mầm non, tiểu học, THCS.

Theo ông Nguyễn Tư Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, thực hiện triển khai sắp xếp lại trường lớp học theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến năm học 2018-2019, số lượng trường lớp trên địa bàn Gia Lai giảm 56 trường (sáp nhập trường học có quy mô nhỏ để hình thành trường có quy mô lớn hơn (mầm non) hoặc trường 2 cấp học, giảm 190 điểm trường. Năm học 2018 -2019, số lượng HS tăng gần 14 ngàn em, nhưng tổng số lớp học giảm 406 lớp.

Ông Nguyễn Tư Sơn cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới GD phổ thông, phù hợp với địa bàn dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở các vùng trong tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường thí nghiệm, thực hành, dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT theo chương trình, sách giáo khoa mới; tăng cường sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại.

Cũng nằm trên địa bàn Tây Nguyên, thời gian qua, tỉnh Kon Tum cũng đã bắt tay vào thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp lại mang lưới trường lớp. Ông Nguyễn Hóa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết: Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Kon Tum có 140 trường mầm non, 147 trường tiểu học, 112 trường THCS, 27 trường THPT. Toàn tỉnh Kon Tum có 154.800 HS mầm non và phổ thông, tăng khoảng 4.000 HS so với năm học 2017-2018.

Trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại cơ sở trường lớp học, các địa phương đã tiến hành xóa bỏ các phòng học tạm bợ, đầu tư xây dựng phòng học mới bổ sung. Đầu năm học mới này, Kon Tum đã đầu tư xây mới 128 phòng học, xóa được 48 phòng học tạm (gồm: 18 phòng học mầm non, 26 phòng học tiểu học, 4 phòng học THCS); xây mới 237 nhà vệ sinh, làm mới 64 hệ thống nước sạch, xây mới 11 phòng học bộ môn và các phòng chức năng.

Thực hiện công tác sáp nhập trường học theo Nghị quyết số 19, hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành giai đoạn 1 công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn. Ngay trước thềm năm học 2018 - 2019, tỉnh Quảng Trị thực hiện sáp nhập 75 trường học các cấp. Trong đó, huyện Hải Lăng thực hiện sáp nhập 100% trường học các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành trường TH&THCS, giảm 21 trường. Sau khi tiến hành sáp nhập, hiện tỉnh Quảng Trị còn 423 đơn vị trường học.

Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên đang là bài toán khó cho các địa phương
  • Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên đang là bài toán khó cho các địa phương

Giải bài toán thừa thiếu giáo viên

Ông Nguyễn Tư Sơn cho hay: Bài toán khó khăn nhất của ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai hiện nay là vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ. Hiện nay, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đang còn thiếu hơn 1.900 giáo viên. Mặc dù, UBND tỉnh Gia Lai vừa có quyết định giao cho Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ Gia Lai tổ chức xét tuyển 700 chỉ tiêu biên chế giáo viên trong năm học này, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết căn cơ tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên. Trong thời gian chờ thực hiện xét tuyển biên chế giáo viên, các đơn vị trường học phải thực hiện hợp đồng giáo viên nhằm đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy.

Để giải quyết vấn đề đó, hiện nay, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai đang tiến hành rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên của các cấp học để điều chuyển ở những trường có giáo viên thừa qua các trường có giáo viên thiếu; đồng thời tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng thừa/thiếu như hiện nay. Cùng với đó, một số địa phương đã xây dựng các đề án liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; sắp xếp, cơ cấu đội ngũ, tinh giản biên chế....

Cũng như tỉnh Gia Lai và nhiều địa phương khác trên địa bàn, năm học này, toàn ngành GD-ĐT Kon Tum vẫn còn thiếu 505 giáo viên mầm non; 513 giáo viên tiểu học... Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hóa cho biết: Sau khi nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc của địa phương, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã chủ động phối hợp với với các huyên/thành phố tổ chức rà soát, thống kê cụ thể tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương, phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương để đề ra được giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo mọi điều kiện chu đáo, nhất là đảm bảo tốt đội ngũ giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, nhằm tiến tới triển khai thực hiện Chương trình GD phổ thông mới.

Đối với tỉnh Quảng Trị, theo TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các địa phương tập trung rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo kế hoạch của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo hợp lý, khoa học, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp phải được thực hiện chặt chẽ, đúng lộ trình, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ