74,4% phòng học kiên cố
Theo cáo cáo thông tin một số vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực GD&ĐT của Bộ GDĐT, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) còn nhiều phòng học tranh tre nứa lá, bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài, tình trạng thiếu phòng học (cấp học mầm non, tiểu học), thiếu các phòng chức năng (cấp THCS, THPT) vẫn còn ở một số địa phương.
Một số thành phố lớn đông dân cư bị quá tải ở một số nơi (các trường thiếu phòng học, trong khi đó không còn quỹ đất để xây thêm), tình trạng nhà vệ sinh, công trình nước sạch chưa đạt chuẩn còn cao, tình trạng các công trình trường/lớp học xuống cấp chưa được nâng cấp cải tạo kịp thời.
Hiện cả nước có khoảng 587.147 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 436.685 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 74,4%. Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,92 (trong đó mầm non 0,95; tiểu học 0,92; THCS 0,90; THPT 0,92).
Nhu cầu đầu tư khoảng 150.452 phòng học để xóa phòng tranh tre nưa lá, bán kiên cố, tạm, nhờ, mượn, thuê (mầm non 54.700 phòng; tiểu học 71.289 phòng; THCS 21.700 phòng; THPT 2.763 phòng).
Nhu cầu cần đầu tư thêm khoảng 8.046 phòng học cấp mầm non và 22.937 phòng học cấp tiểu học để bảo đảm học 2 buổi/ngày.
Tổng số phòng học bộ môn cấp THCS là 47.574 phòng/10.582 trường, tương đương tỷ lệ 4,49 phòng/trường (trong đó chỉ có 33.274 phòng đáp ứng theo quy định tại Quyết định 37/2008/QĐ-BGDĐT, chiếm tỷ lệ 69,9% số phòng hiện có); cấp THPT là 13.019 phòng/2.463 trường, tương đương tỷ lệ khoảng 5,34 phòng/trường (trong đó chỉ có 9.968 phòng đáp ứng theo quy định tại Quyết định 37/2008/QĐ-BGDĐT, chiếm tỷ lệ 76,6% số phòng hiện có). Nhu cầu cần đầu tư thêm khoảng 59.844 phòng học bộ môn cấp THCS và THPT.
Nguyên nhân của những tồn tại được là do việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của giáo dục tại một số địa phương. Một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cơ sở vật chất.
Các địa phương có điều kiện khó khăn, việc huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động khác còn hạn hẹp; hoặc một số địa phương chưa thật quan tâm dành nguồn vốn của địa phương, chủ yếu trông chờ vào ngân sách trung ương, nên việc đầu tư không đáp ứng được so với nhu cầu, một số thành phố lớn đông dân cư bị quá tải ở một số nơi (các trường thiếu phòng học, trong khi đó không còn quỹ đất để xây thêm); một số địa phương thiên tai diễn ra phức tạp dẫn đến các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề...
Làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương
Trách nhiệm của Bộ GDĐT là ban hành các chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, hướng dẫn các địa các địa phương thực hiện; tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách hỗ trợ các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng hay bị thiên tai, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học.
Bộ GDĐT cho biết đã tham mưu với Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học như: Chương trình kiên cố hóa trường/lớp học các giai đoạn 2008-2012, giai đoạn 2014-2015 và giai đoạn 2017-2020; các chương trình ODA, chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Bộ GDĐT đã ban hành các quy định về chuẩn, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các trường mầm non và phổ thông và các văn bản hướng dẫn để các địa phương thực hiện.
Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới theo lộ trình, Bộ GDĐT đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nhà vệ sinh trong trường học tại một số địa phương nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, hỗ trợ các địa phương, nhà trường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch ngân sách hàng năm và trung hạn của địa phương, trong đó có ngân sách cho giáo dục, cân đối bố trí ngân sách hỗ trợ các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về các điều kiện đảm bảo cho giáo dục tại địa phương, đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của giáo dục; chịu trách nhiệm quy hoạch, thực hiện quy hoạch về GDĐT gắn với điều kiện phát triển KT-XH của địa phương; bố trí đủ ngân sách địa phương dành cho giáo dục theo quy định; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại địa phương; sử dụng đúng mục đích các nguồn lực đã được giao cho giáo dục trên địa bàn; bố trí đủ quỹ đất cho giáo dục.
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về GDĐT tại địa phương
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương, quyết liệt rà soát và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển giáo dục của địa phương.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT về chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp học để triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học;
Cùng với việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước về GDĐT tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trong các cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT cũng đề nghị dành kinh phí thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu về giáo dục và các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình: phòng học, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, trong đó đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.