Giáo dục đại học và cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ - "Với cuộc cách mạng 4.0, khi sử dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ thông tin, khi triển khai rộng rãi các chương trình đào tạo mang tính mở, khi tăng cường hội nhập quốc tế, khi kỹ năng tự học và học suốt đời của sinh viên ngày càng quan trọng, thì mô hình tổ chức đào tạo đại học cũng sẽ có nhiều thay đổi"

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đó là nhận định của thầy Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT. Thầy Nguyễn Khắc Thành cho rằng, trong Luật GDĐH sửa đổi không nên phân biệt đào tạo “chính quy” và “không chính quy”. Hiện nay, không phải chính quy được gọi là “giáo dục thường xuyên”, bao gồm vừa làm vừa học, học từ xa, qua mạng.

"Đào tạo chính quy hiện nay bắt đầu mang yếu tố “vừa làm, vừa học”, mang yếu tố online rồi. Thực tế là, Bộ GD&ĐT cũng đã có những bước đi ban đầu để gộp chính quy và phi chính quy, bằng cách đã ban hành các quy chế mới về đào tạo đại học theo hình thức vừa học, vừa làm, từ xa, qua mạng - trong đó quy định đầu vào, chương trình, kiểm tra thi cử của đào tạo “chính quy” và đào tạo “không chính quy” không có gì khác nhau.

Do đó, việc gộp chung các hệ đào tạo đại học lại, chỉ còn một loại bằng đại học là cần thiết - điều này cũng tăng trách nhiệm của nhà trường về chất lượng đầu ra, không còn tư duy theo dạng có sản phẩm kế hoạch A (chính quy) và kế hoạch B (giáo dục thường xuyên) làm chỗ dựa cho chất lượng kém như trước nữa" - thầy Nguyễn Khắc Thành đặt vấn đề.

Theo thầy Nguyễn Khắc Thành, cũng cần sửa đổi lại về phần hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học không chỉ chủ yếu mang tính chất liên kết đào tạo, mà cần có phạm vi rộng hơn như: Tuyển sinh viên nước ngoài sang học ở Việt Nam, trách nhiệm của các trường đại học trong việc tạo trải nghiệm quốc tế do sinh viên, hiện diện trường đại học Việt Nam ở nước ngoài…

Cũng theo Theo thầy Nguyễn Khắc Thành, về bản chất, đại học công lập và ngoài công lập chỉ khác về việc ai là chủ đầu tư ban đầu, còn chức năng, trách nhiệm xã hội, quyền tự chủ… thì cần phải giống nhau.

Điều này cũng là để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trường công, trường tư. Thiết nghĩ, Luật Giáo dục đại học cần sửa đổi theo hướng này. Những gì không liên quan đến đầu tư, đến chủ đầu tư thì không cần quy định gì khác giữa đại học công lập và ngoài công lập.

"Chẳng hạn theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, một bên thì gọi là Hội đồng trường, một bên thì gọi là Hội đồng quản trị, một bên thì hiệu trưởng là chủ tài khoản, một bên chủ tịch là chủ tài khoản…

Ngoài ra, chủ đầu tư của đại học tư thục nên là một tổ chức (là công ty, là quỹ) chứ không phải các cá nhân riêng lẻ, các cá nhân sẽ là cổ đông của công ty đầu tư vào đại học chứ không phải cổ đông của trường.

Điều này cũng để dịch chuyển các tranh chấp cá nhân nếu có lên tầng chủ đầu tư, không phải ở tầng trường làm xấu đi môi trường giáo dục" Thầy Nguyễn Khắc Thành trao đổi.

Về bản chất, đại học công lập và ngoài công lập chỉ khác về việc ai là chủ đầu tư ban đầu, còn chức năng, trách nhiệm xã hội, quyền tự chủ… cần phải giống nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ