4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục đại học

GD&TĐ - Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - đề xuất 4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Luật Giáo dục đại học. Về cơ bản 4 chính sách này đã bao trùm những vấn đề vướng mắc nhất trong hoạt động GDĐH hiện nay.

Các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành đào tạo các trình độ. Ảnh minh họa/internet
Các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành đào tạo các trình độ. Ảnh minh họa/internet

Chính sách mở rộng phạm vi tự chủ đại học

Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, đây là chính sách quan trọng, ảnh hưởng đến phần lớn các điều trong Luật GDĐH. Mục đích của chính sách này nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế thực hiện quyền tự chủ đại học đã được ghi nhận tại Điều 32 và các điều có liên quan của Luật GDĐH; luật hóa và tạo cơ sở pháp lý cao, đồng bộ cho các nội dung của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập vào lĩnh vực GDĐH; khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các cơ sở GDĐH, đặc biệt là các cơ sở GDĐH công lập được thực sự giao quyền tự chủ trong luật hoạt động GDĐH phù hợp với quy định pháp luật để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện hội nhập quốc tế.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - cho rằng, dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tự chủ đại học theo hướng tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH được tự chủ ở mức cao hơn thông qua các nội dung:

Thứ nhất, quy định cụ thể hơn về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH và trách nhiệm đi đôi với quyền tự chủ, theo đó, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự giám sát của Nhà nước và xã hộ. Kiểm định chất lượng đào tạo là một trong những điều kiện tiên quyết để trao quyền tự chủ hoàn toàn của cơ sở GDĐH.

Thứ hai, quy định hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế về nâng tầng, phân tầng xếp hạng cơ sở GDĐH. Về phân tầng, chúng tôi cho rằng việc xác định cứng định hướng của mỗi cơ sở GDĐH chưa thực sự phù hợp ở Việt Nam giai đoạn hiện nay, có thể cản trở tính linh hoạt của các cơ sở này khi muốn đồng thời phát triển các chương trình nghiên cứu và ứng dụng, tìm kiếm nguồn tài chính phát triển giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội.

Các cơ sở GDĐH nên được quyền tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Còn việc xếp hạng nên để các tổ chức xếp hạng độc lập không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện theo các quy định pháp luật, có sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo cơ quan độc lập thực hiện xếp hạng được minh bạch, công khai, tin cậy, tránh bị lợi dụng gây mất uy tín các cơ sở GDĐH hay trục lợi.

Thứ ba, tăng cường tính tự chủ của các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực tài chính, tài sản theo hướng sau: Đổi mới cơ chế đầu tư cho GDĐH từ nguồn ngân sách nhà nước để tăng cường hiệu quả đầu tư bằng cách thay cơ chế cấp phát đồng đều bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước theo sản phẩm đầu ra (đặt hàng nghiên cứu khoa học, đặt hàng đào tạo).

Cơ chế Nhà nước đặt hàng, tuyển chọn sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở GDĐH, không phân biệt công lập, tư thục hay có vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tốt nhất.

Đồng thời thông qua cơ chế đặt hàng, Nhà nước có thể đầu tư phát triển những ngành đặc thù nhọn mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó thực hiện xã hội hóa.

Đổi mới chính sách học phí theo hướng chuyển sang tính giá dịch vụ của các cơ sở GDĐH kết hợp với phát triển chính sách tín dụng sinh viên và quỹ học bổng để các cơ sở GDĐH vừa có nguồn thu để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa đảm bảo cơ hội tếp cận giáo dục cho các đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo và những đối tượng có khác có nhu cầu.

Xác định và có cơ chế quản lý hiệu quả những tài sản được Nhà nước giao thuộc diện không chia nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý tài sản Nhà nước.

Thứ tư, tăng cường tính tự chủ của các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực tổ chức và nhân sự theo hướng các cơ sở GDĐH có quyền chủ động hơn trong việc quyết định bộ máy tổ chức, quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng, tuyển dụng và sử dụng giảng viên.

Nâng cao vai trò của Hội đồng trường để Hội đồng trường trở thành một thiết chế có thực quyền quyết định các vấn đề lớn của cơ sở GDĐH và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Thứ năm, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH trong lĩnh vực quản lý đào tạo với quan điểm công tác đào tạo là công tác chuyên môn thuộc thẩm quyền của các cơ sở GDĐH.

Các cơ sở GDĐH được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành đào tạo các trình độ, nếu đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định và phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH. Tự chủ trong lĩnh vực quản lý đào tạo gắn liền với trách nhiệm kiểm định chất lượng đào tạo.

Thứ sáu, các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ hơn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đặc biệt được chủ động trong liên kết đào tạo với nước ngoài để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo với các cơ sở đào tạo tiên tiến trên thế giới, nâng cao chất lượng đào tạo của các chương trình đào tạo trong nước.

Tuy nhiên, quyền tự chủ trong liên kết đào tạo với nước ngoài chỉ được thực hiện đối với các chương trình đã được kiểm định chất lượng.

Chính sách quản trị đại học của cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - phân tích: Xuất phát từ quan điểm xây dựng xã hội học tập và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư cho giáo dục không nhằm mục đích lợi nhuận, nội dung chính sách 2 có mục đích làm rõ cơ chế quản trị đại học đối với cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài.

"Để tạo tiền đề cho chính sách này, chúng tôi đề xuất bổ sung ở Điều 12 Chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH một khoản về “Khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận” để thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam về vấn đề này" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến chính sách 2 tập trung vào việc tạo điều kiện ưu đãi về quyền sử dụng đất, thuế, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, đơn giản hóa cơ cấu tổ chức của loại hình cơ sở đào tạo này; khuyến khích sự hiện diện của các cơ sở GDĐH có vốn nước ngoài như cho phép thành lập văn phòng đại diện, phân hiệu cơ sở GDĐH nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một mặt khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GDĐH, mặt khác cũng cần bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này để đảm bảo quyền lợi cho người học, nhất là khi những cơ sở này bị chính đình chỉ đào tạo hay giải thể, đồng thời không để chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài bị lạm dụng.

"Qua nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi thấy cần mở rộng nội hàm chính sách, không chỉ giới hạn quản trị đại học đối với các cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận và có vốn đầu tư nước ngoài mà nên mở rộng thành chính sách “Quản trị đại học” đối với tất cả các cơ sở GDĐH" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh trao đổi.

Chính sách quản lý đào tạo

Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, vấn đề quản lý đào tạo được nhiều cơ sở GDĐH quan tâm và mong muốn các quy định sửa đổi phù hợp với thực tiễn, với hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được ban hành.

Nội dung chính sách “Quản lý đào tạo” tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian đào tạo đối với chương trình đào tạo thường xuyên, xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo cho phù hợp với Quyết định 1981/QĐ-TTg của TTgCQ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định 1982/QĐ-TTg của TTgCP về Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Chính sách quản lý Nhà nước đối với các trường cao đẳng

Trước thực trạng các trường cao đẳng được chuyển giao thuộc quyền quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - cho rằng, cần có sự nhất quán về chủ trương trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH bởi lẽ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, vẫn có những cơ sở đào tạo cao đẳng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật GDĐH (Điều 15, Điều 18).

Cơ chế quản lý các trường cao đẳng hiện nay đang chưa phù hợp với thông lệ quốc tế tại ISCED 2011 và với thực tiễn quản lý đào tạo nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với cơ sở GDĐH theo hướng có lộ trình giảm dần và chấm dứt chế độ cơ quan chủ quản theo thông lệ quốc tế, song song với việc mở rộng quyền tự chủ của các trường.

"Cần mở rộng nội hàm chính sách này thành “Quản lý Nhà nước về GDĐH” cho phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật, nhằm hoàn thiện toàn bộ nội dung quản lý Nhà nước về GDĐH, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong điều kiện mở rộng tự chủ đại học" - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nêu quan điểm.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.