Tự chủ đại học phải phải được thể hiện nhất quán
Đứng trước những yêu cầu mới của sự phát triển, nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống GDĐH, Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục đại học 2012 đã bộc lộ rõ một số điểm bất cập, hạn chế, đặc biệt những nội dung liên quan tới tự chủ đại học và hội nhập quốc tế, trong đó có vấn đề quản trị đại học, vai trò của Bộ chủ quản và của Hội đồng trường, quyền và trách nhiệm của các cơ sở GDĐH chưa được làm rõ.
PGS. Hoàng Minh Sơn – phân tích: Tự chủ đại học phải là một nội dung quan trọng và phải được thể hiện rõ, nhất quán và xuyên suốt trong các luật chứ không phải chỉ riêng Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học nhưng ngay cả Luật Giáo dục đại học 2012 cũng còn thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về các cấp độ tự chủ, quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong từng hoạt động của nhà trường trường theo từng cấp độ;
Hay như về phân định vai trò và trách nhiệm của Bộ chủ quản, của Hội đồng trường và các thiết chế Nhà nước khác. Chẳng hạn như: Cơ quan Nhà nước quản lý vốn và tài sản đối với mỗi cấp độ tự chủ; đặc biệt quyền lực gắn với trách nhiệm của Hội đồng trường chưa được thể hiện rõ khi hiệu trưởng vẫn chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của nhà trường.
Bên cạnh đó, khá nhiều quy định trong luật còn chưa hợp lý hoặc quá cụ thể, gây ra những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ của các trường. PGS. Hoàng Minh Sơn dẫn giải: Quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng trường (theo nhiệm kỳ Hiệu trưởng), thành phần của Hội đồng trường bao gồm toàn bộ Ban giám hiệu, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng…
Hoặc quy định về các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ hợp tác quốc tế có nhiều chi tiết quá cụ thể (Điều 34 – Điều 45) cản trở việc thực hiện tự chủ của các trường, tuy nhiên lại không đưa ra những chuẩn mực quốc gia (ít nhất phải đề ra trong luật và giao Thủ tướng quy định).
Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất
Trên cơ sở đó, PGS. Hoàng Minh Sơn – đề xuất: Tới đây, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cần quy định rõ các cấp độ tự chủ, vai trò và trách nhiệm của Bộ chủ quản và Hội đồng trường, cụ thể hóa các quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong từng hoạt động nhà trường theo từng cấp độ tự chủ; bổ sung quy định về một cơ quan độc lập nhà nước quản lý vốn và tài sản của các trường đại học công lập.
Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi một số quy định trong luật như sau: Quy định Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất; đại diện quyền sở hữu đồng thời đại diện quyền lợi của các bên liên quan của cơ sở giáo dục đại học và áp dụng chung cho trường công lập và trường tư thục.
Chỉ nên quy định các thành phần đương nhiên của Hội đồng trường, bao gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn Thanh niên; các thành phần khác được bầu, bao gồm cả ứng viên hiệu trưởng phải trúng cử.
Mặt khác, nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường, tiêu chuẩn hiệu trưởng phải là thành viên của Hội đồng trường. Đồng thời, quy định giảm nhẹ quyền và trách nhiệm của hiệu trưởng.
“Bên cạnh đó cần lược bớt các quy định cụ thể trong hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế có nhiều chi tiết cụ thể để tăng quyền chủ động của các trường, đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và giao cho Thủ tướng quy định cho từng hoạt động” - PGS. Hoàng Minh Sơn trao đổi.
"Việc sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học xuất phát chủ yếu từ yêu cầu phát triển của hệ thống Giáo dục đại học Việt Nam, thích ứng với bối cảnh kinh tế, xã hội mới trong nước và quốc tế.
Đường lối, chủ trương tự chủ đại học và hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học đã được Đảng và Nhà nước khẳng định, đó cũng là các yếu tố đòn bẩy, tạo đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống Giáo dục đại học của đất nước trước những khó khăn, thách thức lớn" - PGS. Hoàng Minh Sơn.