Giải pháp nâng chất đội ngũ nhà giáo đáp ứng CTSGK mới

GD&TĐ - Để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới, việc đầu tư cho đội ngũ nhà giáo, gắn với Chương trình, SGK là rất quan trọng.

 Cô, trò lớp 1, Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.
Cô, trò lớp 1, Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nhằm làm rõ vấn đề này

- Sau thời gian triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, ghi nhận tình hình dạy, học ở TP Cần Thơ như thế nào?

- Sau gần 2 tháng triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, trên địa bàn TP Cần Thơ khá thuận lợi. Cán bộ quản lý, GV toàn ngành đã chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện. Tất cả trường tiểu học ở các quận, huyện đã tổ chức chỉ đạo việc dạy và học theo Chương trình GDPT mới đi vào nền nếp, ổn định. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên tiểu học rất cụ thể, chi tiết về Chương trình, SGK.

Đội ngũ cán bộ quản lý, GV toàn ngành đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới ở lớp 1 vào  năm học 2020 - 2021 nên khi áp dụng thực hiện không gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, phòng, lớp bảo đảm đáp ứng yêu cầu; 100% HS lớp 1 đều được học 2 buổi/ngày.

Cán bộ quản lý, GV đều đạt và vượt trình độ chuẩn. GV dạy lớp 1 có nhiều kinh nghiệm. Tất cả đều được tham dự tập huấn đầy đủ về Chương trình GDPT, SGK do từng đơn vị  lựa chọn.

Công tác tuyên truyền triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1 được thực hiện tốt qua nhiều kênh, nhiều hình thức tiếp cận. Tạo được sự đồng thuận của phụ huynh và cộng đồng nhân dân trên địa bàn.
Giao quyền cho GV chủ động thực hiện nội dung chương trình GDPT, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khuyến khích GV đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các nội dung trong SGK theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Việc đánh giá HS được GV thực hiện thường xuyên trong từng tiết học từ đó phát huy khả năng học tập của từng em. Đồng thời, GV kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học và hỗ trợ ngay cho các em chưa hoàn thành nội dung học tập trong từng tiết học.

Tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tại các trường tiểu học; tăng cường dự giờ, thăm lớp nhất là GV lớp 1. Mỗi tháng, Sở GD&ĐT tổ chức 1 chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học 1 môn học trong Chương trình GDPT mới đối với lớp 1 cấp thành phố. Sau đó từng quận, huyện sẽ triển khai tổ chức lại chuyên đề đó đại trà ở quận, huyện cho 100% GV lớp 1 tham dự. Từ đó giúp GV có thêm kinh nghiệm chuyên môn, nắm vững hơn về chương trình, SGK mà truyền thụ tốt kiến thức cho HS để nâng cao chất lượng dạy học.

-  Vai trò của nhà giáo trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu, ngành Giáo dục thành phố có những giải pháp nào, thưa bà?

- Trước hết là nâng cao nhận thức vai trò trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục đặc biệt coi trọng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Sở GD&ĐT đã tổ chức, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện có. Đồng thời căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT 2018, xác định đối tượng và số lượng GV cần đào tạo, bồi dưỡng từng năm. Để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn trình độ đào tạo về chuyên môn ĐH sư phạm đối với GV tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục 2019, nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, GV cốt cán ở các cấp học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng và triển khai Chương trình GDPT 2018. Đồng thời tập huấn lại cho đội ngũ GV của các đơn vị, bảo đảm tất cả GV cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình GDPT mới đối với từng cấp học.

Bồi dưỡng năng lực quản lí Nhà nước, quản trị trường học, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng về phương pháp dạy học cho đội ngũ GV theo định hướng “lấy HS làm trung tâm”. Thường xuyên tổ chức các chuyên đề, thao giảng giúp cán bộ quản lý, GV chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá đội ngũ đúng thực chất (Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn GV). Thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo yên tâm cống hiến cho ngành...

- Chương trình GDPT đã khởi động, năm học tới sẽ triển khai lớp 2 và lớp 6. Công tác chuẩn bị đội ngũ, đặc biệt là giáo viên đứng lớp đến nay tiến độ ra sao?

- Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát, lập danh sách GV chuẩn bị dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021 - 2022. Từ đó, sở xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng GV cốt cán; tập huấn GV đại trà; tập huấn sử dụng SGK.
Tổ chức bồi dưỡng đại trà cho tất cả GV các cấp học, bậc học các mô đun đã được Bộ GD&ĐT triển khai. Đặc biệt, 100% GV dự kiến được phân công giảng dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 được bồi dưỡng các mô đun theo quy định trước 31/7/2021.

Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV các cấp. Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cụm, nhóm chuyên môn theo quận, huyện, cụm trường… để giúp đội ngũ GV trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy Chương trình GDPT mới.

- Trong công tác chuẩn bị đội ngũ cho Chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục thành phố gặp những khó khăn nào, thưa bà?

- Khó khăn hiện nay đối với công tác chuẩn bị đội ngũ cho Chương trình GDPT là việc dành nguồn kinh phí theo phân cấp quản lí cho tập huấn GV đại trà các mô đun của Chương trình Giáo dục phổ thông (kinh phí để đăng kí được tài khoản học trực tuyến hàng năm theo định hướng của Bộ GD&ĐT).

Chúng tôi đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới như: Sở GD&ĐT sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố chỉ đạo các quận, huyện chủ động lập dự toán kinh phí. Dành nguồn kinh phí đầy đủ, kịp thời bồi dưỡng GV đại trà các mô đun theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới.
Đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép địa phương tổ chức tập huấn linh hoạt bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến nhằm đáp ứng mục tiêu 100% cán bộ quản lý và GV được tập huấn Chương trình GDPT mới; được bồi dưỡng sử dụng SGK mới với chi phí thấp, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.