Ngành sư phạm và Chương trình GDPT mới: Sức hút từ giá trị của nghề

GD&TĐ - Những năm gần đây, nhiều HS giỏi quốc gia, đạt điểm cao tại kỳ thi THPT đã lựa chọn ngành sư phạm. Điều này không chỉ nâng chất đầu vào tuyển sinh, mà còn là tín hiệu mừng cho ngành GD-ĐT khi có đội ngũ kế cận tài năng.

Thầy và trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: TG
Thầy và trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: TG

Dù có thời điểm, sư phạm không phải là ngành hot, nhưng lĩnh vực đào tạo này vẫn có sức hút riêng, từ ý nghĩa, giá trị riêng của nghề giáo.

Từ chối trường “hot” vào sư phạm

Học xong lớp 12, Dương Quỳnh Châu – (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) gửi đơn đến ban giám hiệu nhà trường và Sở GD&ĐT Nghệ An với nội dung “Đăng ký đi học trường sư phạm và cam kết phục vụ tại Nghệ An”. Lá đơn đặc biệt này khiến nhiều người bất ngờ, nhưng với Quỳnh Châu “đó là mong ước lớn nhất của em từ nhỏ”.

Dương Quỳnh Châu sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể suốt 12 năm học. Năm lớp 9 và 11, Châu đều giành giải Nhất môn Toán kỳ thi chọn HS giỏi tỉnh. Năm lớp 12, em xuất sắc đoạt giải Nhất HS giỏi quốc gia môn Toán, được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế năm 2020. Kết quả này khiến nhiều trường ĐH tốp đầu như ĐH Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội gửi giấy báo nhằm tuyển thẳng nữ sinh tài năng này. Tuy nhiên, Quỳnh Châu quyết định vào sư phạm.

“Dù có nhiều cơ hội với những ngành nghề khác, nhưng chưa bao giờ em từ bỏ ước mơ làm GV. Em cũng nhận được nhiều lời động viên, ủng hộ từ gia đình, thầy cô và tin rằng, lựa chọn theo đam mê của mình, không ngừng nỗ lực thì em sẽ thành công và tìm được niềm vui, hạnh phúc”, nữ sinh chia sẻ. Hiện tân SV sư phạm Toán– ĐH Sư phạm Hà Nội đặt mục tiêu vị trí tốp đầu của khoa. Em cũng cho biết, giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ nên sang học kỳ 2, em sẽ đăng ký thêm ngành Toán – Anh để có 2 bằng ĐH sau khi ra trường.

Tương tự, em Hà Huy Công, nguyên là HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng từ chối vào trường ĐH Y Hà Nội và chọn học ngành Sư phạm Sinh – ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước đó, Công đã giành 2 giải Nhì HS giỏi quốc gia, được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế Sinh học. Với nhiều bạn đội tuyển Sinh học, ngành y là lựa chọn “truyền thống”, nhưng Hà Huy Công cho rằng: “Nghề sư phạm sẽ đem đến cho em nhiều điều ý nghĩa. Bản thân em trong thời gian đi học được nhiều thầy cô quan tâm, bồi dưỡng, truyền lửa nghề. Vì thế, em mong muốn sau này mình sẽ trở thành GV phổ thông. Lúc ấy, em có cơ hội đem hết kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm của mình để dạy học, và bồi dưỡng nhiều HS giỏi môn Sinh như các thầy cô đã từng giúp đỡ em”.

Thầy Hồ Sỹ Hùng, GV chủ nhiệm em Hà Huy Công cho biết: “Khi thấy có HS đoạt giải quốc gia, điểm đầu vào cao chọn ngành sư phạm, bản thân tôi và các đồng nghiệp rất mừng. Bởi đứng trước nhiều cơ hội, việc các em chủ động theo nghề giáo, nghĩa là thực sự có đam mê, quyết tâm”.

Mở cửa thu hút nhân tài 

Lê Xuân Bảo (ngoài cùng bên phải) tốt nghiệp ĐH xuất sắc và được tuyển dụng đặc cách làm GV Vật lý– Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC
Lê Xuân Bảo (ngoài cùng bên phải) tốt nghiệp ĐH xuất sắc và được tuyển dụng đặc cách làm GV Vật lý– Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.     Ảnh: NVCC

Nghệ An vốn là cái nôi đào tạo sư phạm với 2 trường ĐH và 1 trường CĐ. Tuy nhiên, những năm qua, tuyển sinh sư phạm gặp không ít khó khăn, thậm chí một số chuyên ngành không đủ SV để mở lớp. Riêng Trường CĐ Sư phạm Nghệ An nhiều năm chỉ còn ngành sư phạm Mầm non vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu, còn các ngành sư phạm Văn – Sử, Địa lý, Toán... gần như xóa sổ.

Trước thực tế này, các trường sư phạm tập trung đầu tư cho chất lượng, không hạ thấp điểm chuẩn để tuyển đủ số lượng. Gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng và kế hoạch phát triển giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, có chính sách cấp học bổng cho thí sinh đạt điểm đầu vào cao và có thành tích tốt trong thời gian học tập. Năm 2019, trong lễ tổng kết năm học, Trường ĐH Vinh trao quyết định tuyển dụng giáo sinh Nguyễn Thị Uyên– tốt nghiệp loại xuất sắc làm GV của trường Sư phạm thực hành.

Theo dự báo của ngành Giáo dục Nghệ An, khoảng 10 năm tới, quy mô trường lớp sẽ tăng và nhu cầu tuyển dụng GV ngày một nhiều. Nghệ An đang thiếu GV tiểu học, Ngoại ngữ, Tin học đáp ứng yêu cầu Chương trình GD phổ thông 2018. Nhiều trường học ở vùng cao Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong của Nghệ An “trắng” GV ngoại ngữ. Thậm chí các địa phương này nhiều năm treo thông báo tuyển dụng nhưng số hồ sơ ứng tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm học 2020 – 2021, năm thứ 2 cô Lê Thị Ly (sinh năm 1995) dạy môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Vượt hơn 150km từ quê ở huyện Con Cuông lên Kỳ Sơn dạy học, cô giáo trẻ không coi đó là vất vả: “Tôi cảm thấy vui vì sau khi tốt nghiệp được đi dạy học, làm đúng công việc mình mơ ước. HS dân tộc thiểu số ở đây còn nhiều thiệt thòi, tôi mong mình sẽ giúp các em bước đầu làm quen, yêu thích môn tiếng Anh, sau này tự tin bước lên bậc học cao hơn”. 

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng vừa tuyển dụng đặc cách Lê Xuân Bảo - cựu HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Khi học phổ thông, Bảo từng 2 lần đoạt giải Nhì HS giỏi quốc gia môn Vật lý, được tuyển thẳng vào ĐH Khoa học tự nhiên, sau đó giành học bổng du học tại ĐH Bách Khoa Saint Petesburg (Liên bang Nga).

Tuy nhiên, cơ duyên đưa chàng trai quay về ngành sư phạm. Tốt nghiệp xuất sắc tại ĐH Vinh, qua vòng phỏng vấn trực tiếp của Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Bảo được tuyển dụng dạy môn VậT lý – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đây không chỉ là niềm vui của cựu HS được trở về công tác nơi mình theo học, mà còn là “thành công” của ngành Giáo dục Nghệ An sau hơn 4 lần tuyển dụng đã có 1 ứng viên đạt tiêu chuẩn.

Ngành Giáo dục Nghệ An thực hiện chính sách thu hút nhân tài vào ngành theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Nếu HS giỏi quốc gia theo học ngành sư phạm sau khi ra trường ưu tiên được tuyển dụng về trường cũ hoặc các trường THPT trên địa bàn. Việc mở cánh cửa đầu ra, dù với yêu cầu cao, sàng lọc khắt khe hơn, nhưng đã tạo động lực và thu hút HS giỏi vào ngành sư phạm. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ GV trong tương lai. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò. 

Binh sĩ Nga triển khai UAV.

Trang bị 1.400.000 UAV trong năm 2024

GD&TĐ - Nga đã cung cấp 140.000 máy bay không người lái (UAV) cho quân đội năm 2023 và có kế hoạch tăng số lượng lên gấp 10 lần trong năm 2024.

Minh họa/INT

Chỉ sợ lở núi

GD&TĐ - Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần.