Đắk Lắk: Vượt chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Sáng 27/1, tại TP Buôn Ma Thuột, Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I, năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến tại 14 điểm cầu trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phạm Đăng Khoa – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD&ĐT dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Sở GD&ĐT.
Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Sở GD&ĐT.

Theo đó, ngành GD&ĐT Đắk Lắk đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch học kỳ I trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; bảo đảm mục tiêu chất lượng, hoàn thành chương trình, kế hoạch gắn với an toàn phòng chống dịch hiệu quả.

Đặc biệt, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã vượt 3,24% so với chỉ tiêu giao (55,24%/ 52%); hoàn thành kế hoạch về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng nông thôn mới lĩnh vưc giáo dục.

Có nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh có điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như: miễn đóng học phí học kỳ I năm học 2021 – 2022; ủng hộ “Máy tính cho em” đợt 1 đã huy động được trên 5 tỷ đồng, cấp 1.400 máy tính cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo…

Ngành GD&ĐT tỉnh cũng tích cực triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong dạy học và trong cải cách hành chính; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6; đã làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên, biên soạn, thẩm định tài liệu địa phương...

Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế cũng được Sở GD&ĐT chỉ ra như: một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc triển khai các kịch bản tổ chức dạy học, giáo dục phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa phương; một số địa phương chưa hoặc chậm thực hiện việc tận dụng “thời gian vàng” để đón trẻ mầm non, học sinh phổ thông trở lại trường học tập; chất lượng dạy học trực tuyến, qua truyền hình gặp nhiều khó khăn, do một số học sinh thiếu thiết bị học tập, đường truyền yếu, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa... dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là việc hình thành các kỹ năng, phương pháp học tập cho học sinh các lớp đầu cấp.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Tường Hiệp báo cáo kết quả giáo dục học kỳ I, năm học 2021-2022.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Tường Hiệp báo cáo kết quả giáo dục học kỳ I, năm học 2021-2022.

Cũng theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc quá lâu không được đến trường để học tập, rèn luyện, vui chơi tạo áp lực lên gia đình học sinh và tác động đến tâm sinh lí của trẻ mầm non và học sinh, nhất là các hoạt động giao tiếp, ửng xử với mọi người...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 9 nhiệm vụ trọng tâm của học kỳ II; bàn các phương án, giải pháp tối ưu để đón trẻ mầm non, học sinh phổ thông trở lại trường học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng khẳng định sẽ sớm có giải pháp đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học tập.
Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng khẳng định sẽ sớm có giải pháp đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học tập.

Hầu hết các địa phương đã có kế hoạch cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường. Riêng trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 (do chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 – PV), các địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến phụ huynh để thống nhất cho học trực tiếp tại trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.