Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk: 30 năm tạo nguồn nhân lực cho quê hương

GD&TĐ - Suốt 30 năm qua, Trường THPT Phan Bội Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, trở thành địa chỉ giáo dục uy tín, là niềm tự hào của các thế hệ giáo viên, học sinh và nhân dân các dân tộc nơi đây.

Ông Lã Mạnh Hà - Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu
Ông Lã Mạnh Hà - Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu

Quá trình hình thành và phát triển

Krông Năng là huyện vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, được thành lập ngày 9/11/1987; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km. Đây là địa phương có vị trí địa lí đặc biệt, phía Bắc giáp huyện Ea H’Leo, phía Đông giáp huyện sông Hinh (tỉnh Phú Yên), phía Nam giáp huyện Ea Kar, phía Tây và Tây Nam giáp với thị xã Buôn Hồ.

Với đặc trưng của vùng đất đỏ bazan trù phú, cảnh vật thiên nhiên thơ mộng, nhân dân các dân tộc sống chan hòa, Krông Năng trở thành miền đất hứa đối với những người dân khi chọn Đắk Lắk để đi kinh tế mới sau ngày đất nước giải phóng 30/4/1975.

Tập thể Hội đồng Sư phạm Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk.
Tập thể Hội đồng Sư phạm Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk.

Để giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương, ngay sau ngày thành lập huyện, các trường học cũng được hình thành.

Đến ngày 09/8/1991, Trường cấp II-III Krông Năng, tiền thân của trường THPT Phan Bội Châu được thành lập. Sự ra đời của ngôi trường mới trên vùng đất còn nghèo khó vào thời điểm ấy đã làm thỏa lòng mong đợi của người dân nơi đây, bởi cái chữ lại được về gần hơn với buôn làng.

Ngày đầu thành lập, hết sức gian khó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hầu như chưa có gì. Cũng chỉ có 8 thầy cô bậc THPT từ nhiều miền quê được cử về đây để dạy học. Các thầy cô ngày ấy đều ở xa trường. Có những ngày mưa, không chỉ trò mà thầy cũng phải lặn lội mưa bùn cắp sách đến trường từ 4 - 5 giờ sáng.

Sau mỗi giờ lên lớp lại tất bật lên rẫy, lên nương tăng gia sản xuất để bảo đảm nhu cầu cuộc sống và giữ được tình yêu nghề.

Do thiếu giáo viên, có thầy phải dạy kiêm những môn chưa được đào tạo qua trường lớp như Vật lý, Sinh học kiêm Thể dục. Có giáo viên phải dạy gần 40 tiết mỗi tuần. Giáo viên nội trú phải nương nhờ tập thể của các cơ quan khác hết sức tạm bợ…

Những khó khăn của thuở ban đầu ấy không sao kể xiết, nhưng với tình yêu nghề, mến trẻ các thầy, cô đã vượt lên tất cả để đặt những viên gạch đầu tiên cho truyền thống giáo dục của Nhà trường.

Vì vậy, năm học đầu tiên (1991-1992) toàn trường chỉ có vỏn vẹn 69 học sinh bậc THPT, nhưng sau 10 năm thành lập (năm học 2000-2001) số học sinh của trường đã tăng gấp 26 lần.

Đặc biệt, đến năm học 2005-2006, số học sinh đã tăng lên 60 lần so với năm học đầu tiên. Lúc này, trường có 4.520 học sinh với 98 lớp và 132 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trở thành ngôi trường có số học sinh đông nhất tỉnh.

Đứng trước áp lực quá tải về số lượng học sinh, ngày 17/11/2005 UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định tách ra và thành lập thêm trường THPT Lý Tự Trọng (đóng chân tại Công ty cà phê 49 thuộc địa bàn xã Phú Xuân). Đến ngày 16/4/2007 trường tiếp tục được tách ra và thành lập thêm trường THPT Nguyễn Huệ (đặt tại xã Ea Tóh).

Đến nay, Nhà trường có 85 CBQL, GV, NV; có 33 lớp và 1.169 học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cảnh quan trường lớp khang trang, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, đổi mới giáo dục.

Cùng với sự phát triển của nhà trường, tổ chức cơ sở Đảng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Từ chỗ trường chỉ có 03 đảng viên sinh hoạt ghép với Chi bộ Văn hóa - Giáo dục. Đến năm 1994, Chi bộ Đảng của Nhà trường được thành lập với 6 đảng viên. Đến ngày 27/4/2016, trường đã thành lập Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện Krông Năng. Hiện nay, Đảng bộ có 45 đảng viên với 4 Chi bộ trực thuộc.

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk trong một bổi sinh hoạt truyền thống.
Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk trong một bổi sinh hoạt truyền thống.

Thành quả của 30 năm phấn đấu

Sau ba mươi năm bền bỉ phấn đấu, thầy và trò Nhà trường đã gặt hái những thành tích đáng trân trọng.

Tập thể Nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, được UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, được UBND tỉnh tặng Bằng khen qua các năm 2002, 2003, 2005, 2009.

Công đoàn liên tục đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc; được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen năm 2005, 2006 và 2007 và nhiều bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đoàn trường liên tục đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc; được Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua; Tỉnh đoàn tặng Bằng khen nhiều năm liền.

Nhiều cán bộ, giáo viên được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, trong đó có những cá nhân được công nhận “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. Nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Về thành tích của học sinh, đến nay có 1 học sinh đạt giải Ba cấp quốc gia môn Vật lý; 1 học sinh đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay môn Sinh học; có 1 giải Ba quốc gia về tích hợp liên môn của học sinh. Có hơn 100 học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa; đạt hàng trăm tấm Huy chương các loại trong các kỳ hội thao, thi học sinh giỏi TDTT và Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Có hơn 10 học sinh tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”.

Đến nay, đã có hơn 10.000 học sinh tốt nghiệp THPT, tỉ lệ hàng năm đều cao hơn mặt bằng chung của toàn tỉnh. Tỉ lệ thí sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng bình quân hàng năm đạt trên 50%... 

Từ mái trường thân yêu này, hàng nghìn học sinh đã lên đường tới mọi miền Tổ quốc. Nhiều thế hệ đã trưởng thành, đảm nhiệm những trọng trách khác nhau trong xã hội. Có những em đã đạt học vị tiến sĩ; Nhiều em hiện là giảng viên của các trường đại học, cao đẳng; giáo viên tại các trường phổ thông; …

Để đạt được thành tích đó, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy học, Nhà trường cũng luôn coi trọng đến các hoạt động giáo dục thể chất, văn nghệ và các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục học sinh một cách toàn diện.

Với những thành tích đã đạt được, ngày 5/9/2009, nhà trường được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là đơn vị văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 24/10/2018, nhà trường vinh dự được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định số 2755/QĐ-UBND.

Trường THPT Phan Bội Châu đã và đang trở thành địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng để con em của 23 dân tộc anh em trên địa bàn huyện về đây học tập, tu dưỡng và rèn luyện.

Hôm nay, trở lại trường, có lẽ mọi người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay, lớn mạnh của nhà trường. Cơ ngơi khang trang, tiện nghi học tập và giảng dạy tiên tiến, hiện đại, chất lượng giáo dục dần được khẳng định.

Lời tri ân cho một hành trình!

Đóng góp vào những thành tựu trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của nhà trường không thể không kể đến công lao to lớn của đội ngũ CBQL, GV, NV Nhà trường qua các thời kỳ. Đến nay, có người đã nghỉ hưu, có người đã về với cõi vĩnh hằng, có người được Đảng, nhà nước phân công đảm nhận công tác khác, có người luân chuyển theo nguyện vọng…

Ông Lã Mạnh Hà – Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk.
Ông Lã Mạnh Hà – Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, tỉnh Đắk Lắk.

Các thế hệ kế cận hôm nay, luôn ghi nhớ và sự biết ơn đối với những người thầy đã đặt nền móng đầu tiên cho Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường. Đặc biệt là những người thầy có trọng trách định hướng xây dựng và phát triển Nhà trường như, thầy Thái Văn Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách đầu tiên của trường năm 1991-1992; thầy Võ Tá Kiểu, nguyên Hiệu trưởng từ năm 1992 đến năm 2005; thầy Hoàng Lê Huần, nguyên Hiệu trưởng từ năm 2005 đến năm 2015; thầy Phan Ngọc Đài, nguyên Hiệu trưởng từ năm 2015 đến 2020.

Có thể khẳng định rằng, để có được những thành tích đáng tự hào trong suốt 30 năm qua, là sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của tập thể Hội đồng Sư phạm Nhà trường; sự hỗ trợ của xã hội; nỗ lực học tập, rèn luyện của các thế hệ học sinh. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, Huyện ủy, UBND và các ban ngành đoàn thể của huyện.

30 năm chưa phải là quá dài, nhưng hành trình “trồng người” với những dấn ấn, ký ức đẹp mà ngôi trường THPT Phan Bội Châu để lại, sẽ là hành trang cho các thế hệ nhà giáo, học sinh mang theo suốt cuộc đời. Trở thành động lực để vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.