Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt thách thức về tài nguyên nước

GD&TĐ - Các chuyên gia quan tâm, khuyến cáo về an ninh nguồn nước - vấn đề "sống còn" của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nghịch lý ĐBSCL là vùng sông nước, nhưng lại tồn tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng tại một số nơi.
Nghịch lý ĐBSCL là vùng sông nước, nhưng lại tồn tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng tại một số nơi.

Chiều 26/4, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL với sự tham dự của hơn 100 đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng và các nhà khoa học, doanh nghiệp.

Nhiều mối lo về nguồn nước

Hội thảo với mục tiêu tìm giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Đồng thời, giúp các địa phương, người dân, doanh nghiệp có thông tin đầy đủ về tình hình hạn mặn, thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt và có những hành động thiết thực từ việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.

Quanh cảnh hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL.

Quanh cảnh hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL.

Chia sẻ về tài nguyên nước vùng, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho rằng, nguồn nước mặt ở ĐBSCL phụ thuộc vào thượng nguồn sông Mekong (chiếm 94% tổng lượng nước).

Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mekong đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Theo phân tích của ông Hiếu, nguồn nước mặt phân bố không đều theo không gian và thời gian. Vào mùa lũ tháng 6 đến tháng 11 chiếm đến 90% tổng lượng nước hàng năm; còn mùa kiệt từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau chiếm khoảng 10% lượng nước.

Ngoài ra, giai đoạn 2010 - 2023 do tác động của biến đổi khí hậu nên tổng lượng mưa ở ĐBSCL suy giảm từ 5 đến 10%. Ngoài ra, việc khai thác ở thượng nguồn dẫn đến mặn xuất hiện ở ĐBSCL trong những năm vừa qua có xu hướng sớm hơn và mạnh hơn.

Theo ông Hiếu, hạn mặn 2023 - 2024 ghi nhận trên sông Tiền mức thấp hơn 2020, nhưng cao hơn năm 2016 và xâm nhập sâu vào khoảng 55-65km. Còn trên sông Hậu ghi nhận cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn so với năm 2016 và 2020.

Cần giải pháp tổng thể cho cả vùng

Ông Hiếu cho rằng, cần chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong đó ưu tiên cao nhất đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân; thực hiện chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới.

Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các giải pháp tích trữ nước ngọt quy mô phù hợp với ĐBSCL và cần đầu tư, hiện đại hóa các công trình hạ tầng mang tính tổng thể, đồng bộ, liên vùng để giảm thiểu xâm nhập mặn vào vùng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn trao đổi tại hội thảo.

PGS.TS Lê Anh Tuấn trao đổi tại hội thảo.

Nhận định về thách thức của vùng, PGS.TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường, cho rằng: Hiện an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang đối diện với 7 thách thức: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, chuyển nước sông Mekong qua nơi khác, khai thác tài nguyên nước quá mức, thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước, suy giảm chất lượng môi trường đất - nước, hiệu quả sử dụng nước rất thấp.

Những thách thức này đẩy Đồng bằng sông Cửu Long vào những nguy cơ về suy giảm dòng chảy, hạn hán - xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường.

Cùng với vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, vùng ĐBSCL còn đang phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước xuyên biên giới, cũng như bởi các hoạt động phát triển kinh tế nội tại trong vùng như: Nước thải sinh hoạt từ các đô thị; nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy hải sản, chăn nuôi, trồng trọt; hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang có những tác động đáng kể đến chất lượng các nguồn nước…

Tại hội thảo còn bày tỏ băn khoăn vấn đề, ĐBSCL là vùng sông nước, nhưng lại tồn tại nghịch lý thiếu nước ngọt trầm trọng. Hiện có khoảng 18 triệu dân, tuy nhiên tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia chỉ đạt hơn 60%. Nguồn nước chính cung cấp cho các nhu cầu được lấy từ các sông rạch (thông qua các nhà máy nước để cung cấp nước sinh hoạt), nước mưa, nước ngầm tầng nông và nước ngầm tầng sâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.