Cần nhận thức sâu sắc sự cần thiết của tư vấn học đường

GD&TĐ - Thầy Trần Thanh Vân - giáo viên phụ trách tâm lý học đường Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) - khẳng định điều này từ trải nghiệm thực tế công tác tại một trường còn nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Phòng” còn hơn “chống”

Học sinh trường THPT Phú Điền chủ yếu thuộc địa bàn các xã Phú Điền, Thanh Mỹ, Mỹ An, Đốc Binh Kiều và một số xã giáp ranh của tỉnh Tiền Giang như Mỹ Trung, Thiện Trung, Mỹ Lợi B,… Đa số học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khan, gia đình làm nghề nông, làm thuê, buôn bán nhỏ…, ít quan tâm đến việc học cũng như sự phát triển tâm sinh lý của con em.

Bên cạnh học sinh ưu tú, cũng không ít em có những biểu hiện đáng lo ngại trong tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng như trong học tập. Chia sẻ của thầy Trần Thanh Vân, do nhận thức non kém, một số học sinh chưa có ý thức rèn luyện bản thân; sống hưởng thụ nhưng lại coi đó là sự văn minh, hiện đại…

Hạn chế đó, cộng sự thiếu sự quan tâm của gia đình, người thân khiến không í tem ít tỉnh táo để tháo gỡ khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, nhiều khi hành động mù quáng. Đặc biệt, rất ít em mạnh dạn tâm sự với “người bạn, người thầy” để chia sẻ, giúp định hướng đúng về các lĩnh vực trong cuộc sống và vượt qua những khó khăn; giải quyết vướng mắc tâm lý trong tình bạn, trong mối quan hệ với những người xung quanh.

“Khi gặp những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lí, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè,… nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời, rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm,.. thậm chí tự kỷ, gây hậu quả nghiêm trọng” – thầy Trần Thanh Vân cho hay.

Tư vấn không chỉ hướng đến cá nhân

Hiện nay, Trường THPT Phú Điền gặp phải nhiều khó khăn khi tổ chức tư vấn học đường cho học sinh như: cơ sở vật chất (phòng tư vấn..), kinh phí, nhân lực, phương pháp và kỹ thuật tư vấn…Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của hội cha mẹ học sinh, đặc biệt về vật chất và công sức để đầu tư có chất lượng và hiệu quả công tác này.
Thầy Trần Thanh Vân

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Trường THPT Phú Điền đã thành lập Ban tư vấn học đường với thành viên là Ban giám hiệu, Đoàn trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng các giáo viên tổ trưởng các bộ môn.

Các thành viên trong Ban tư vấn được chia thành từng nhóm chuyên sâu để tư vấn từng lĩnh vực, như nhóm tư vấn về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ; nhóm tư vấn về sức khỏe sinh sản; nhóm tư vấn về tâm sinh lý… Nội dung tư vấn thường gặp là giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tình bạn; băn khoăn, vướng mắc xung quanh vấn đề ứng xử với cha mẹ, thầy cô, người thân; học sinh bị nghiện game, bị bạo hành gia đình; học sinh có nguy cơ bỏ học, khó khăn về học tập…

Nói sâu về nội dung chương trình tư vấn học đường, thầy Trần Thanh Vân cho rằng, không nên chỉ bó hẹp trong khung lý thuyết về tư vấn mà cần phải được mở rộng, kết hợp với việc hình thành cho học sinh nhiều kỹ năng. Hình thức tư vấn không chỉ hướng đến cá nhân mà còn hướng đến toàn thể học sinh để hỗ trợ các em phát triển nhân cách hoàn thiện.

Hoạt động tư vấn tâm lý mở ra cho học sinh cơ hội để nhìn lại những khó khăn của mình theo nhiều cách thức khác nhau... Chính vì vậy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh rất quan trọng trong việc hình thành cho các em kĩ năng sống, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng học tập, phát triển nhân cách… thông qua các giờ học trên lớp, giờ sinh hoạt, giờ chào cờ, giờ hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi trao đổi, thảo luận của phụ huynh với con em mình

Kích thích nhu cầu sử dụng tâm lý học đường

Thầy Trần Thanh Vân cho biết, Trường THPT Phú Điền đã kết hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh làm tốt công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục nhận thức được tính cấp thiết của tâm lý học đường với mỗi trường học, mỗi học sinh. Gieo nhu cầu và kích thích nhu cầu sử dụng tâm lý học đường để nâng cao chất lượng cuộc sống học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

“Tôi cho rằng, các hình thức tuyên truyền phổ biến về công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà tư vấn học đường là rất cần thiết để học sinh, phụ huynh, giáo viên hiểu và có cái nhìn đúng đắn hơn với những học sinh tìm đến nhà tham vấn.

Bên cạnh đó, mỗi nhà trường và phụ huynh học sinh cần nhận thức sâu sắc sự cần thiết của tư vấn học đường đối với việc giáo dục nhân cách, lối sống, định hướng nghề nghiệp…cho học sinh” – thầy Trần Thanh Vân chia sẻ.

Ngoài ra, bộ phận tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là phụ huynh học sinh với giáo viên chủ nhiệm.

Ngoài công việc tư vấn riêng, bộ phận tư vấn học đường cần mở các buổi hội thảo để tư vấn những vấn đề chung cho học sinh, để học sinh được đối thoại. Những buổi họp rút kinh nghiệm cũng rất quan trọng, để từ đó có giải pháp phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất trong tư vấn học đường.

Chia sẻ về một số hoạt động tư vấn tại Trường THPT Phú Điền hiện nay, theo thầy Trần Thanh Vân, nhà trường đã lập hòm thư góp ý, sau này lập hòm thư điện tử, tuy nhiên mới chỉ ở mức trả lời các câu hỏi do các em gửi. Hằng tháng, nhà trường tổ chức cho học sinh thực hiện các tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm nhằm giáo dục các em ứng xử đúng với bạn bè, thầy cô giáo cũng như trong quan hệ trong gia đình.

“Nhiều hoạt động khác cũng được chúng tôi triển khai như: Tổ chức các hoạt động vẽ tranh tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS; tổ chức hướng nghiệp cho học sinh; tổ chức hội thao, trò chơi dân gian; tổ chức hoạt động kĩ năng sống trong các hoạt động ngoại khóa của các tổ chuyên môn, đoàn thể trong nhà trường.

Trường đồng thời thành lập các câu lạc bộ học tập, thể dục thể thao, văn nghệ,… với đội ngũ cộng tác viên là các em học sinh, tuyên truyền về giáo dục giới tính và giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho các lớp” – thầy Trần Thanh Vân cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ