Chưa được chú trọng
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Sau Đại học, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, hoạt động tư vấn học đường trong các nhà trường và cơ sở GD hiện nay, nhìn chung chưa được chú trọng. Hiện các trường chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý ở các nhà trường cũng như chưa có đào tạo hoạt động tư vấn và chưa có kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này.
Nhìn một cách tổng thể thì hiện nay mới chỉ có một vài trường ngoài công lập ở bậc phổ thông chú ý đến hoạt động này. Trong khi đó, nhìn ra châu Á, trong khu vực và trên thế giới, tất cả các trường học hoạt động này rất được coi trọng. Nhìn xa hơn chút nữa, các công ty, các cơ sở sản xuất đều chú ý đến hoạt động này vì hoạt động này nó liên quan đến việc nhìn nhận đánh giá con người ở góc độ tâm lý. Việc này sẽ giúp nhà quản lý nắm được tâm lý người lao động, tạo động lực để họ làm việc, tạo ra sản phẩm.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, hoạt động này cần phải được quan tâm một cách đúng mức, vì khi xã hội phát triển, kinh tế phát triển, nhà trường không chỉ truyền thụ tri thức cho người học, mà việc truyền thụ tri thức chỉ đạt kết quả khi người học nắm được đặc điểm tâm lý người học, nắm được diễn biến về tư tưởng, tâm lý của người học.
Đối với trẻ em hiện nay, thời gian ở nhà trường chiếm tương đối nhiều. Đối với trẻ tiểu học học 2 buổi/ngày, đặc biệt với trẻ bán trú, gần như thời gian ban ngày đều ở trường. Môi trường gia đình trẻ được tiếp xúc rất ít. Song song với việc học ở trường, để trẻ phải bộc lộ đặc điểm tâm lý của mình, nhà trường cần quan tâm đến trẻ.
Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới GD chuyển từ dạy học theo tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận phát triển năng lực, thì năng lực của mỗi trẻ được bộc lộ thông qua các đặc điểm tâm lý, tâm trạng của trẻ ở trường, nên công tác tư vấn tâm lý của trẻ rất quan trọng.
Các em rất cần sự trợ giúp
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đối với trẻ em, thanh thiếu niên, nhi đồng ở lứa tuổi nhà trường có hai mốc phát triển rất quan trọng. Đó là, những năm đầu tiên, từ khi hình thành phôi thai trong bụng mẹ, cho đến khi bước vào lớp Một, là thời gian rất quan trọng, bởi sự hình thành và phát triển toàn bộ cơ thể, trong đó có não bộ, hệ thần kinh. Những năm tháng đầu đời quyết định rất nhiều tới sự cân bằng tâm lý và phát triển lành mạnh của mỗi đứa trẻ.
Giai đoạn vị thành niên là giai đoạn thứ hai mà đứa trẻ chịu đựng sự thay đổi lớn trong cơ thể, trong đó có những thay đổi hóc-môn, là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ rất dễ mất cân bằng, dẫn đến những biểu hiện như lo âu, ám ảnh, sợ độ cao, chán ăn… Đó là một trong những nguyên nhân xảy ra những căn bệnh lo âu, ám sợ, trầm cảm, sợ xã hội... Điều đó có thể xảy ra với bất cứ ai.
Khi trẻ gặp khó khăn và không tự giải quyết được thì các em phải bộc lộ ra bên ngoài. Những biểu hiện kích động, mang tính chất bạo lực, ngang bướng... của các em đôi khi là những lời kêu cứu, để chúng ta hiểu về những lo âu, sợ hãi mà các em đang phải chịu đựng. Những biểu hiện bộc lộ ra bên ngoài đó, giống như việc lên cơn sốt cao để báo động rằng cơ thể đang bị vi khuẩn xâm nhập, trẻ ngang bướng, khó bảo, hay ngược lại tự ti, thu mình, trầm uất... là để báo động rằng các em đang rất khó khăn, rất cần sự trợ giúp.
Cần có chương trình đào tạo bài bản
Theo nghiên cứu của khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV, gần 90% số học sinh THCS và THPT trả lời rất cần hoạt động tư vấn học đường. Phần đông những học sinh được hỏi thì 65% đều có mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý riêng, đồng thời có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, để hoạt động tư vấn tâm lý trong các trường học hướng đến sự chuyên nghiệp, thì “cần có chương trình đạo tạo hết sức bài bản, chương trình này là sự tổng hợp của các khoa học, trong đó, tâm lý học và đặc biệt là tâm sinh lý lứa tuổi là rất quan trọng”.
Đặc biệt, các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường phải có trải nghiệm trong cuộc sống; phải tham gia vào các hoạt động giáo dục; thực hiện một số nguyên tắc trong tư vấn học đường. Ví dụ nguyên tắc lắng nghe và tôn trọng thân chủ (người đến cần tư vấn); biết bảo mật thông tin để không làm mất sự riêng tư, thầm kín để tránh làm mất lòng tin ở học sinh; đưa ra cho họ những giải pháp có nguyên tắc 2 bên cùng kết hợp với nhau; phải làm việc theo đúng quy trình.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, tuyệt đối không sử dụng người không có chuyên môn để tham gia tư vấn tâm lý. Tư vấn tâm lý không phải là việc dễ dàng, nếu không có kiến thức chuyên ngành. Đây không phải là việc đánh giá quá cao về tâm lý học, vì mỗi chuyên gia sẽ làm rất tốt trên lĩnh vực kiến thức của mình có. Nếu giáo viên tư vấn tâm lý không có chuyên ngành thì rất nguy hiểm. Cần ban hành quy định, trong đó xác định rõ ai được làm và không được làm tư vấn.