Tư vấn học đường phải đồng hành cùng học sinh

GD&TĐ - Học sinh phổ thông đang ở trong quá trình hình thành, phát triển về nhân cách. Vì vậy các em thường gặp những khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… 

Tư vấn học đường phải đồng hành cùng học sinh

Nếu các em không được tư vấn, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc: Nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường… Việc thành lập phòng tư vấn học đường tại các nhà trường sẽ giúp các em giải tỏa những băn khoăn của lứa tuổi.

Những băn khoăn đáng lo ngại

Sự phát triển của xã hội hiện đại cũng có những tác động xấu tới văn hóa học đường: Hiện tượng HS đánh nhau trong khi nhiều HS khác đứng xung quanh không có hành vi can thiệp mà lại thể hiện sự đồng tình, hò hét, cổ vũ cho sự việc đáng trách đó đã xảy ra.

Bên cạnh đó, những biến động về sự phát triển của tâm sinh lý cũng mang đến cho lứa tuổi thanh, thiếu niên những thay đổi lúng túng về cách hành xử trong cuộc sống.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Đức, Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐH Quốc gia HN cho biết: Đặc biệt giai đoạn lứa tuổi từ 12 - 18 tuổi là nhóm tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn.

Học sinh lứa tuổi này được đặc trưng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng về thể chất, quan tâm đến đời sống xung quanh mình và hình thành một bản sắc cá nhân.

Đó là nhu cầu khám phá thế giới xung quanh, kết nối học tập ở trường để ứng dụng vào cuộc sống thực tế của các em.

Trong khi đó một thế giới phát triển ngày càng đa dạng, kết hợp với sự phát triển công nghệ và mở rộng cơ hội, thanh thiếu niên sớm phải tự đối mặt với những thách thức mà các lứa tuổi khác không hề có.

Đây là lứa tuổi cực kỳ nhạy cảm trong việc cảm nhận sự thoải mái, sự hiểu biết và đóng góp ý kiến của những người khác.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Bộ GD&ĐT tiến hành trên một số trường THCS, THPT, đại học ở Hà Nội, Hải Dương cũng cho thấy: 93,57% số HSSV được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,33%, đại học là 85,92%).

Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%.

Trong khi đó, phần lớn (82,31% học sinh được hỏi) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân.

Cũng theo kết quả khảo sát này, đa phần HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống.

Phòng tư vấn học đường sẽ giải tỏa những khúc mắc

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý. Đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lí, các cán bộ chuyên trách các phòng ban như Phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên…

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ ra rằng: Trẻ càng lớn, tâm sinh lý càng phát triển và các quan hệ trong xã hội càng trở nên phức tạp. Vậy vì các em rất cần được tư vấn tâm lý về các mối quan hệ đó.

Hơn nữa đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, nên việc ứng xử của các em với những tình huống trong các mối quan hệ gia đình, ngoài xã hội còn nhiều bỡ ngỡ. Cho nên, vấn đề thành lập phòng tư vấn học đường tại các nhà trường là hết sức cần thiết.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã bày tỏ kinh nghiệm: Cầu Giấy là một quận khá đông học sinh, tuy nhiên mỗi trường đều có những cách làm riêng.

Vấn đề quan trọng nhất, phòng tư vấn phải là nơi để các em tìm hiểu, chia sẻ những thắc mắc băn khoăn của mình. Trách nhiệm của BGH, thầy cô là phải nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của HS bằng nhiều cách và các hình thức khác nhau.

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (trường có số học sinh đứng thứ 2 trong thành phố), mặc dù trường chưa có phòng tư vấn chính thức, nhưng nhà trường đã luôn cố gắng để làm tốt công tác này.

Hàng tháng, nhà trường gặp gỡ các em một lần, học sinh rất hào hứng phấn khởi và các em có thể chia sẻ những điều gì mà mình muốn nói.

Đặc biệt, khi có văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thành lập phòng tư vấn tâm lý trong các nhà trường, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cũng đã có những chỉ đạo về vấn đề này. Về đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý là do trường lựa chọn.

Ngoài ra, trường phải xây dựng quy chế, kế hoạch riêng về việc hoạt động của phòng tư vấn. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, thì một địa điểm riêng để văn phòng hoạt động chính là khó khăn lớn nhất tại các nhà trường.

Tại quận Ba Đình, việc thành lập phòng tư vấn học đường cũng đã được triển khai tới các nhà trường. Theo đó mỗi tuần, học sinh sẽ có một buổi để các con chia sẻ những khó khăn khúc mắc của bản thân.

Dự kiến các trường sẽ có sự cộng tác của các chuyên gia tư vấn tâm lý là thành viên ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó để làm tốt công tác này, các nhà trường cũng sẽ sự tham gia phối hợp của phụ huynh là các cộng tác viên của trường. Hiện khối THCS có 5 trường đã triển khai hoạt động tư vấn lý cho học sinh.

Trong số 17 trường tiểu học hiện đã có 12 trường tổ chức các hoạt động tư vấn học đường trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều chuyên đề khác nhau.

“Làm thế nào để phòng tư vấn tâm lý phát huy được tác dụng và hoạt động một cách có hiệu quả mới là vấn đề quan trọng. Muốn phát huy được hiệu quả, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để tất cả học sinh đều thấy rằng: Các em có những băn khoăn gì trong quan hệ xã hội, quan hệ trong gia đình, bạn bè với thầy cô, các em hãy đến với các chuyên gia tâm lý của phòng tham vấn. Tại đây, các em sẽ được chia sẻ, giải đáp và hỗ trợ. Rõ ràng các nhà trường phải tạo ra được sự gần gũi giữa phòng tư vấn học đường với các em học sinh, để các em tự chủ động tìm đến, mạnh dạn tự tin và tự giác chia sẻ”.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.