Bước ngoặt lớn thay đổi tư duy và phương pháp dạy học ở Việt Nam

Việc có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là bước ngoặt lớn, thể hiện sự thay đổi tư duy và phương pháp dạy học ở Việt Nam hiện nay. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển về vấn đề này.

Bước ngoặt lớn thay đổi tư duy và phương pháp dạy học ở Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Thưa Thứ trưởng, liên quan đến chương trình hành động của chính phủ về đổi mới giáo dục vừa được ban hành có một điểm nổi bật đó là cho phép các cá nhân và tổ chức được tham gia biên soạn sách giáo khoa dựa trên một chương trình chung thống nhất của Bộ. Tại sao lại có quyết định này?

Các nước đều có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để dạy phổ thông. Điều đó phát huy trí tuệ, năng lực của nhiều lực lượng tham gia công tác phổ thông. Mặt khác khi có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ đáp ứng nhiều điều kiện, hoàn cảnh dạy học khác nhau. 

Trước đây chúng ta chưa làm được việc có nhiều sách giáo khoa nhưng giờ đã đến lúc chúng ta có thể làm được việc này khi cân đối được người viết, điều kiện xây dựng chương trình đáp ứng được việc viết nhiều sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT sẽ kiểm soát chất lượng các bộ sách giáo khoa này như thế nào? Liệu có xảy ra tình trạng loạn sách giáo khoa và loạn chất lượng sách?

Theo quy định của Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cả nước. Đồng thời với việc cho phép nhiều tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa thì trước đó chúng ta phải xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá sách giáo khoa.

Mặt khác, việc xây dựng chương trình cũng phải có nét mới để làm sao chương trình phát huy được khả năng khác nhau của tổ chức, cá nhân đồng thời chương trình đó là cơ sở đánh giá sách giáo khoa. Nghĩa là, chương trình phải tạo điều kiện cho người ta viết được sách đồng thời cho chúng ta dựa vào tiêu chí để đánh giá sách.

Bộ tính toán cách thực hiện như thế nào để lộ trình thực hiện không quá dài, không quá chậm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng xây dựng chương trình sách giáo khoa?

Đối với người viết sách, về mặt thủ tục đơn giản. Người ta chỉ cần dựa vào yêu cầu của chương trình đổi mới như thế nào để viết sách. 

Nhưng việc của Bộ phức tạp hơn, đó là làm thế nào để có chương trình, làm thế nào đánh giá được chương trình sách giáo khoa, làm thế nào để chọn được sách giáo khoa và quản lý sách giáo khoa sao cho phù hợp với tiến độ.

Trong trường hợp chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa thì công tác tập huấn cho giáo viên sẽ được tiến hành ra sao khi mà trước đây, chúng ta đã tiến hành đồng loạt với một chương trình, một bộ sách duy nhất?

Trước đây khi tập huấn giáo viên vẫn bám theo sách còn bây giờ tập huấn giáo viên sao cho họ hiểu được chương trình. Và trong chương trình quy định cụ thể hơn những chuẩn của từng cấp học một nói chung, chuẩn môn học nói riêng, chuẩn môn học theo lớp học. Dựa vào chuẩn đó, người ta sẽ nắm được yêu cầu của chương trình và sẽ biết lựa chọn và sử dụng sách.

Vai trò của chương trình và sách giáo khoa sẽ thay đổi. Vai trò chương trình sẽ quan trọng hơn so với hiện nay. Sách giáo khoa vẫn có vai trò quan trọng nhưng không phải là độc nhất. Sách giáo khoa có thể là tài liệu tham khảo tốt nhất cho giáo viên dạy học.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!

Theo vtv.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.