Bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Cương - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), ở các cấp học phổ thông đã có những thay đổi lớn về phương pháp soạn bài, giảng bài, tổ chức giáo dục theo chủ đề, chủ điểm. Giáo viên biết khơi gợi tính tích cực tự giác của học sinh.

Giáo dục đã có những bước tiến đáng kể. Ảnh minh họa/internet
Giáo dục đã có những bước tiến đáng kể. Ảnh minh họa/internet

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Vẫn còn nhiều bất cập

Chưa thực sự thay đổi cách dạy theo hướng “dạy cách học - phương pháp học” mà vẫn nặng về “dạy kiến thức”, chưa chú trọng việc giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống theo nếp sống có văn hóa cho học sinh.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Cương – dẫn giải: Từ năm 1981, ngành Giáo dục tiến hành thay đổi chương trình sách giáo khoa phổ thông theo chủ trương cải cách giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Công tác bồi dưỡng giáo viên từ đó được coi trọng hơn, đa dạng hơn và diễn ra thường xuyên với ba loại hình: Bồi dưỡng nâng chuẩn; bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ và bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Các loại hình bồi dưỡng giáo viên trên đã tác động sâu rộng đến quá trình cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần đảm bảo những yêu cầu cơ bản của quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả dạy học ở Việt Nam trên tất cả các bậc học.

Ở các cơ sở giáo dục mầm non đã có những dấu hiệu tốt về việc tổ chức chăm sóc, nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học.

Ở các cấp học phổ thông đã có những thay đổi lớn về phương pháp soạn bài, giảng bài, tổ chức giáo dục theo chủ đề, chủ điểm, giáo viên biết khơi gợi tính tích cực tự giác của học sinh.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Cương – phân tích: Chất lượng giáo viên chưa tương xứng với bằng cấp đào tạo, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt bằng cấp đào tạo rất cao nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Một bộ phận nhà giáo vẫn chưa thoát khỏi phương pháp dạy học cũ, chưa nhạy bén và thích ứng với những tình huống và sự biến đổi phức tạp của giáo dục trong từng địa phương, từng cấp học.

Các cơ sở giáo dục đều thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao trình độ, nhưng dường như chưa có chuyển biến trong cách dạy, còn nặng hình thức, phiến diện, sức ì giáo viên còn lớn, thói quen dạy học cũng khó thay đổi, lười đổi mới. Đây có thể xem là hạn chế lớn nhất của giáo viên phổ thông của ta.

Bên cạnh đó, năng lực sư phạm của một bộ phận nhà giáo còn hạn chế, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Có nhiều giáo viên kiến thức khoa học tương đối vững, nhưng thiếu năng lực sư phạm, như việc thiết kế giáo án môn học, tổ chức giờ học thiếu khoa học, nghệ thuật truyền thụ, khả năng giao tiếp với học sinh, ứng xử các tình huống trong giảng dạy và giáo dục còn hạn chế.

Giáo viên biết khơi gợi tính tích cực tự giác của học sinh. Ảnh minh họa/internet
Giáo viên biết khơi gợi tính tích cực tự giác của học sinh. Ảnh minh họa/internet

Điểm mặt những nguyên nhân

Ý thức của nhiều cán bộ, thầy cô giáo chưa cao, ngại thay đổi trước cái mới, có tâm lý tự thỏa mãn, có bấy nhiêu kiến thức phương pháp (vốn có) là dư sức để dạy cho học sinh mình rồi.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Cương, nguyên của thực trạng trên là do chưa có một kế hoạch tổng thể về nội dung, cách thức và phương pháp đào tạo bồi dưỡng giáo viên sau một thời gian công tác, trước những vấn đề mới của giáo dục nước nhà.

Ngoài ra, tài liệu, giáo trình được biên soạn quá gấp rút, chỉ mới cung cấp thông tin mà chưa cung cấp phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên. Giáo viên không có thời gian đọc, nghiên cứu trước để có cơ hội hỏi, trao đổi với báo cáo viên, các chuyên gia...

Nhiều nội dung, chuyên đề đưa ra tập huấn, bồi dưỡng còn trùng lặp, ít thiết thực cụ thể, gắn liền với chương trình nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy của thầy cô giáo. Đội ngũ giảng viên, chuyên gia dạy bồi dưỡng, người học và chương trình, sách giáo khoa mới, năng lực vận dụng các phương pháp mới còn hạn chế, sử dụng phương pháp cũ để dạy phương pháp mới, kiến thức mới.

Cùng với đó, các đối tượng tham gia bồi dưỡng chỉ là một bộ phận nhỏ được gọi là “cốt cán’, một bộ phận trong đó chưa đủ tầm để có thể nhận thức, thực hành… về tập huấn lại. Thời gian, nội dung tập huấn bị cắt xén...

Công tác kiểm tra, thi đua đánh giá kết quả bồi dưỡng còn mang tính hình thức, chưa thể hiện chính xác những kết quả mang lại từ khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên sau bồi dưỡng.

Ngoài ra, cách thức quản lý, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên của đơn vị, phòng, sở giáo dục vẫn chưa được tốt. Do, trông đợi quá nhiều vào tính tự giác, ý thức kỷ luật của thầy cô nên dẫn đến tình trạng bỏ học, nghỉ học khá nhiều, ảnh hưởng đến không khí học tập trung. Không đánh giá được thực chất của giáo viên.

Mặt khác, ít có đợt tổng kết, đánh giá kiểm điểm, chỉ mặt được, mặt hạn chế của công tác tập huấn, bồi dưỡng và ít lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của giáo viên dưới cơ sở để có hướng điều chỉnh cho những đợt bồi dưỡng sau.

Công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh có tính chất minh họa/internet
Công tác bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh có tính chất minh họa/internet

Gợi ý giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, tiến sỹ Nguyễn Đức Cương đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng giáo viên. Theo đó, cần đảm bảo tính hệ thống và có chủ trương phát triển của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT cho giáo viên.

Đồng thời, phải đảm bảo tính tích cực, chủ động của giáo viên trong việc bồi dưỡng và phát triển. Từng giáo viên, phải tự giác, tích cực, chủ động trong việc tiếp nhận nội dung bồi dưỡng của cấp trên, đồng thời nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng. Mỗi giáo viên, khi nhận thức rõ sự cần thiết của bồi dưỡng và tự bồi dưỡng họ sẽ có động , thái độ đúng đắn,có quyết tâm cao, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ngoài ra, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa yêu cầu trước mắt và lâu dài. Trước mắt cần đảm bảo cho giáo viên được cập nhật những kiến thức cần được điều chỉnh và đổi mới trong chương trình môn học, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.

Về lâu dài, giáo viên cần được bồi dưỡng nâng chuẩn lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của người giáo viên trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, đảm bảo vai trò quản lý và ý thức trách nhiệm của người quản lý trong công tác bồi dưỡng là một nguyên tắc cơ bản.

Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Đức Cương, cần đổi mới nội dung, chương trình, phương thức bồi dưỡng giáo viên một cách khoa học, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở từng cấp, bậc học.

Công tác bồi dưỡng phải hướng tới sự khuyến khích tính tự giác, tích cực, tự học, tự bồi dưỡng, khả năng thích ứng với những biến đổi của giáo dục trong nước và thế giới.

Bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi triển khai đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ