Nguyên tắc “kép” trong đào tạo cán bộ quản lý giáo dục

GD&TĐ - “Nếu ở đại học, người ta có thể không cần một giáo sư giỏi để quản lí nhà trường thì ở bậc phổ thông hiệu trưởng phải là người giỏi về chuyên môn trước khi trở thành nhà quản lí.

Nguyên tắc “kép” trong đào tạo cán bộ quản lý giáo dục

Vì tính chấp “kép” ấy, cần phải đào tạo kiến thức quản lí nhà nước cho các nhà giáo giỏi và chỉ để những nhà giáo giỏi tham gia các khóa học về quản lí nhà nước trước khi giao chức hiệu trưởng cho họ - đó phải là nguyên tắc”.

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh – khi trao đổi về vấn đề bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.

Quản lí sự thay đổi và xây dựng và phát triển nhà trường

Hiệu trưởng các trường phổ thông ở Phần Lan phải là nhà giáo – Hiệu trưởng không phải chỉ là người quản lí nhà nước về giáo dục mà còn là một nhà sư phạm giỏi, một nhà chuyên môn giỏi. “Vai trò kép” của Hiệu trưởng đặc biệt hơn nhà quản lí của các ngành nghề khác, vì thế cũng phải đào tạo họ khác hơn.
PGS Nguyễn Kim Hồng

Khẳng định cán bộ quản lí giáo dục đóng vai trò quan trọng trong giáo dục phổ thông, PGS Nguyễn Kim Hồng cho biết: Việc đào tạo cán bộ quản lí các trường phổ thông trước đây được giao cho 2 trường cán bộ quản lí của bộ và các trường cán bộ quản lý thuộc Sở GD&ĐT.

Hiện nay, ngoài các trường và cơ sở nói trên, các Viện Khoa học Giáo dục/ trường sư phạm cũng thực hiện nhiệm vụ này nhưng chủ yếu là mở các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 70.000 cán bộ quản lí giáo dục ở các trường phổ thông, phòng và Sở GD&ĐT. Cán bộ quản lí trường phổ thông, phòng giáo dục và sở giáo dục có tính chất khác nhau.

Với các trường phổ thông, Hiệu trưởng (và hiệu phó giúp việc) chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của nhà trường (các hoạt động dạy và học là chủ yếu), cán bộ lãnh đạo cấp phòng hoàn toàn có tính chất quản lí nhà nước, ở sở vừa có cán bộ quản lí chuyên môn môn, vừa có cán bộ quản lí nhà nước về giáo dục.

Phân định rạch ròi như vậy để có cách nhìn về bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục, cụ thể ở đây là Hiệu trưởng (và Hiệu phó giúp việc) và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho giáo viên.

Trong chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý hiện hành do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành với thời lượng 360 tiết. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ bồi dưỡng và nhu cầu của học viên, cơ sở bồi dưỡng được quyền chủ động lựa chọn một trong 2 hình thức:

Bồi dưỡng tập trung: Học tập trung tại cơ sở bồi dưỡng trong 8 tuần (315 tiết); 4 tuần còn lại (45 tiết) thực hiện các công việc: đi thực tế và viết tiểu luận tại địa phương; đánh giá tiểu luận và tổng kết khóa học tại cơ sở bồi dưỡng.

Bồi dưỡng bán tập trung (vừa làm vừa học): học viên đảm bảo đủ các nội dung và thời lượng thực học như hình thức học tập trung, nhưng tổng thời gian bồi dưỡng không quá 20 tuần.

Nội dung chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lí trường phổ thông được gói gọn trong 9 module:

1) Quản lý sự thay đổi và phong cách lãnh đạo công hướng dẫn bài tập;

2) Đường lối phát triển GD&ĐT và lập kế hoạch phát triển trường phổ thông/mầm non;

3) Tổng quan về khoa học quản lý và Quản lý Nhà nước về GD&ĐT và hướng dẫn bài tập;

4) Thanh tra, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông/mầm non;

5) Quản lý nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trong trường mầm non/Quản lý hoạt động dạy học, giáo dục trong trường phổ thông;

6) Xây dựng và phát triển nhà trường;

7) Quản lý hoạt động NCKH sư phạm và ứng dụng CNTT trong trường phổ thông/mầm non;

8) Quản lý nguồn lực trong trường phổ thông/mầm non;

9) Kĩ năng hỗ trợ quản lý trường phổ thông/mầm non.

Nhìn vào nhưng nội dung nêu trên, PGS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, về cơ bản đảm bảo được cung cấp kiến thức và kĩ năng lãnh đạo cho cán bộ quản lí các trường phổ thông.

Tuy nhiên, trong chương trình này có 2 module, theo ông là quan trọng: Quản lí sự thay đổi và xây dựng và phát triển nhà trường.

“Giáo dục luôn được coi là lĩnh vực mà sự thay đổi diễn ra chậm hơn mọi lĩnh vực khác trong khi xã hội, khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông lại thay đổi vô cùng nhanh chóng.

Lãnh đạo nhà trường phải là người tiếp cận nhanh với sự thay đổi đó nhưng quan trọng hơn là tiếp nhận sự thay đổi đó như thế nào và quyết định sự thay đổi trong nhà trường và phải chịu trách nhiệm về sự thay đổi đó. Và muốn có được quyết định chính xác thì họ phải biết cách xây dựng và phát triển nhà trường” – PGS Nguyễn Kim Hồng lý giải.

"Đưa bồi dưỡng giáo viên về các trường sư phạm cùng với những qui định bắt buộc định kì (5 năm) giáo viên phải theo học các khóa bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ. Giáo viên không tham gia các khóa bồi dưỡng do các trường sư phạm mở thì không được tiếp tục đứng lớp. Để đảm bảo sự thống nhất trong việc quản lí chất lượng bồi dưỡng, các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phải được cấp thẩm quyền quản lí thông qua" - PGS Nguyễn Kim Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ