Người Đàng Ngoài có chí lớn học hành, bởi đây là bước duy nhất có thể đưa họ đến với danh vọng và các đặc quyền.
Samuel Baron, con trai của một thương nhân Hà Lan với một phụ nữ người Việt Nam, sau hàng chục năm sinh sống và kinh doanh ở Đông Kinh (Hà Nội ngày nay) vào thế kỷ 17, trong cuốn “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài” (A Description of the Kingdom of Tonqueen), xuất bản lần đầu năm 1732, đã phân tích khá kỹ lưỡng về chủ đề giáo dục nước ta thời đó.
Tác giả này cho rằng, việc đỗ đạt hay thất bại của các sĩ tử phụ thuộc năng lực của chính họ, như sự sáng dạ, tính kiên trì và đặc biệt là có được trời phú cho trí nhớ tốt hay không. Ông cũng nhận định, người Việt Nam theo triết học của Khổng Tử, nên khá xa lạ với triết học của người châu Âu và đúc kết: “Nền đạo đức của họ rối rắm và không theo phương pháp nào, và tư duy logic của họ cũng vậy”.
Sau khi mô tả kỹ càng các bước của ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ở nước ta, Baron cho biết về những thành tựu mà thí sinh vượt qua kỳ thi cuối cùng sẽ được tận hưởng. “Những người thi đỗ được bạn bè chúc tụng, được mọi người tung hô và đồng liêu tôn vinh với những lời khen. Vua sẽ ban tặng cho họ một nén bạc trị giá mười bốn đô la và một mảnh lụa, ngoài ra họ còn được hưởng quyền quản lý và thu thuế một số làng nhất định, ít nhiều tùy thuộc vào độ màu mỡ hay hoang hóa ở đó, và người làng sẽ phải mở tiệc chúc mừng vì điều đó. Trong số các tiến sĩ đỗ đạt, sẽ có một ít được lựa chọn đi sứ Trung Hoa và được phép mang giàu dép, trang phục, mũ mão kiểu Tàu”, ông viết trong sách.
Cũng theo Baron, những người rớt kỳ thi này vẫn có thể tìm kiếm vận may ở lần thi sau, bằng không họ cũng có thể nhận chức phán quan hoặc tri huyện nhỏ ở vùng quê nào đó. Các sinh đồ (người thi đỗ kỳ thi Hương) cũng có quyền lợi tương tự, những ai không muốn học tiếp có thể tìm một công việc ở cạnh quan trấn thủ, nếu họ có tiền, hoặc làm ký lục, cai bạ, thư lại cho các quan lớn, những vị trí cần người viết giỏi hơn là nói hay.
Quá trình thi cử ở Đàng Ngoài được tác giả này đánh giá khá cao: “Việc lựa chọn người đỗ đạt được tiến hành trên tinh thần công bằng và chính sách đáng khen ngợi, bởi trong khi mọi việc khác ở đây đều bị chi phối bởi tệ hối lộ, thiên vị hay vì những dục vọng riêng thì người ta lại biểu lộ lòng tôn trọng giá trị thực sự của con người qua việc phong cấp học vị cho người xứng đáng, bởi lẽ không ai có thể đạt được bất kỳ vị trí nào trừ khi qua cuộc thi nghiêm chỉnh và xứng đáng nhất để thể hiện giá trị bản thân”.
Sau khi đem đến cho độc giả châu Âu thông tin tổng quát về nền khoa cử Nho học Đàng Ngoài nước ta, Samuel Baron đánh giá: Người Đàng Ngoài hoàn toàn không biết gì về triết học tự nhiên, và cũng không giỏi toán hay thiên văn… Những nhận xét này của ông hoàn toàn trái ngược với nhận định của Jean-Baptise Tavernier, một thương nhân người Pháp cũng từng đến Đàng Ngoài và để lại rất nhiều ghi chép cho hậu thế.
Trong cuốn “Du ký xứ Đàng Ngoài”, xuất bản từ năm 1680, Tavernier đánh giá: “Tư chất toán học và đặc biệt thiên văn học vốn luôn có sẵn ở người phương Đông, cũng như là những nhà quan trắc tuyệt vời đối với sự vận hành của các chòm sao”. Sau đó, ông bổ sung: “Những người học toán sẽ phải tạo ra công cụ cho riêng mình và dành năm năm nghiên cứu lĩnh vực này”.
Trong khi đó, Samuel Baron vẫn liên tục phản bác lại Tavernier, ông viết: “Đối với thiên văn học, hình học và các ngành toán học khác, người xứ này chỉ có chút ít kỹ năng. Tuy nhiên, họ hiểu được số học”.
Trong khi đó, là một nhà truyền giáo từng có nhiều năm hoạt động ở Đàng Trong dưới sự kiểm soát của các chúa Nguyễn, Christoforo Borri, trong cuốn “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong”, đã mô tả:
“Ở xứ Đàng Trong có nhiều trường học với các giáo quan, học trò cùng các cấp độ khoa cử như mô hình Trung Quốc, chẳng hạn cũng dạy các môn học giống nhau, sử dụng cùng sách vở và nghiên cứu cùng những tác giả như Khổng Phu tử. Họ gây nên những học thuyết thâm thúy, nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng sâu sắc như Aristotle ở xứ chúng ta, song cổ xưa hơn nhiều”.
Việc học của các học trò ở nước ta cũng được tác giả người Italia này mô tả rất thú vị: “Họ ê a đọc đi đọc lại những gì được truyền giảng với tông giọng như đang hát. Việc làm này nhằm giúp bản thân tập cho quen với việc nhấn trọng âm ở mỗi từ vốn rất đa dạng và biểu đạt nhiều nghĩa khác nhau”. Sau đó, ông bổ sung: “Kẻ có học ở xứ này dành nhiều năm trời để ngẫm ngợi nghĩa chân xác của từng câu chữ, từng ký tự tượng hình viết trong kinh sách. Lĩnh vực họ coi trọng nhất có lẽ là triết học luân lý, đạo đức học, kinh tế và chính trị”.
Về sách vở phục vụ việc học tập, ông cho biết: “Ngoài các sách luân lý, họ còn có nhiều sách bàn về những điều mà họ coi là thiêng liêng như khởi nguyên của vũ trụ, sự tương thông của quỷ thần, thần linh và các loại hình tôn giáo khác nhau”.
Cũng qua mô tả của Borri, chúng ta có được hình dung về dáng vẻ của thầy đồ và học trò, những người thường… nghèo: “Học trò và thầy đồ là những người nghiêm trang, không ăn mặc sặc sỡ hào nhoáng là bao mà thường chỉ vận một chiếc áo dài đen, bên ngoài là những lớp áo khác. Họ cũng quàng thêm một chiếc khăn quàng cổ và cầm một chiếc khăn tay màu xanh trên tay, đầu họ đội một kiểu mũ giống như mũ lễ của các giám mục”.