Khai giảng thời xưa

GD&TĐ - Ngày 5/9 năm nào cũng vậy, thầy trò cả nước đều tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Ngày khai giảng năm học luôn đong đầy trong ký ức mỗi người Việt. Ảnh minh họa
Ngày khai giảng năm học luôn đong đầy trong ký ức mỗi người Việt. Ảnh minh họa

Ấy nhưng năm nay, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Rất nhiều địa phương, năm học mới đang hoãn đến giữa tháng 9, và có những tỉnh, thành dịch nặng thì chưa biết đến khi nào mới có thể bắt đầu.

Nhân dịp này, chúng ta cũng tìm hiểu về nguồn gốc lễ khai giảng ở nước ta.

“Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giải thích, động từ “khai” (開) là mở ra, “giảng” (講) là diễn giảng, thuộc bộ “ngôn” là nói. “Tự điển Thiều Chửu” thì chú giải: Lấy lời nói mà nói cho người ta hiểu rõ nghĩa gọi là giảng. Khai giảng là bắt đầu diễn giảng hay bắt đầu dạy học. Các từ Hán Việt ghép với từ giảng khác đều liên quan đến học hành, như giảng thư, giảng sách, giảng kinh…

Việc học hành theo Nho học được sử sách ghi chép bắt đầu từ giai đoạn Sĩ Nhiếp làm thái thú cai trị nước ta trong thời đại thuộc Hán (thế kỷ thứ II). Nhưng mãi đến 1.000 năm sau, nền Nho học của nước ta mới được chính thức khởi xướng thời vua Lý Thánh Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: Năm 1070, mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (tức bốn ông Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử), vẽ tượng Thất thập nhị hiền (72 người học trò giỏi của Khổng Tử), bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.

Như vậy, nền Nho học nước ta được mở đầu đúng vào tháng 8 âm lịch, mùa thu. Đến năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, là nơi học tập của các hoàng tử, cùng con các bậc đại quyền quý, như một trường đại học đào tạo nhân tài đầu tiên của nước ta.

Chúng ta không có tài liệu để biết nghi lễ bắt đầu cho việc học hành tại Quốc Tử Giám thời xưa như thế nào. Chỉ thấy trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại rằng, vào đời vua Lê Tương Dực, năm 1514, tháng 12, có quy định làm lễ vật bày bàn thờ Khổng Tử, Tứ Phối và Thất thập nhị hiền gồm 80 cái bàn độc, lễ vật gồm 18 nén hương đen, 18 nắm bạch mộc hương nhỏ, 20 cây đèn sáp, 3 lạng chè, 1 cân dầu, thịt hươu muối, thịt hươu khô, dưa muối, lúa sớm, quả táo, rau cần, đậu xanh, tất cả đều 18 mâm, và 2 chĩnh rượu, 3 bó củi, để đến ngày thì làm lễ. Như vậy, khi cúng các vị tiên thánh đạo Nho, triều đình phong kiến chỉ dùng mỗi thịt hươu chứ không dùng loại thịt nào khác.

Thời Nguyễn, bộ “Đại Nam hội điển”, một bộ từ điển ghi lại toàn bộ các nghi lễ của triều đình cho biết, các hoàng tử khi đủ tuổi đều được cho ra nhà học, triều đình cắt cử vị quan có đạo đức, học vấn để làm giảng quan. Trước khi vào học, hoàng tử và các giảng quan mặc mũ áo đại triều đến giữa giảng đường có đặt bàn thờ Đức Tiên sư làm lễ. Sau đó, hoàng tử kính cẩn lạy các thầy của mình bốn lạy, các thầy cũng lạy đáp lễ ngần ấy, rồi thầy trò cùng thay thường phục và bắt đầu việc giảng tập.

Còn với con nhà thường dân, muốn theo cửa Khổng, tiến thân theo con đường học hành thi cử, thường theo học tại nhà riêng các thầy đồ trong, ngoài làng hay mời thầy đến nhà dạy, mãi sau này mới có các trường tập trung ở từng huyện. Cha mẹ muốn xin học cho con đều phải sắm một cái lễ gồm trầu cau, đĩa xôi, cái thủ lợn hay con gà, chai rượu, xâu tiền tùy theo khả năng, đem đến nhà thầy. Ở những làng khoa cử, thầy còn dắt học trò đến Văn chỉ của làng, là nơi thờ Tiên thánh làm lễ Khổng Tử trước rồi mới cho học trò lễ sống mình, gọi là lễ nhập môn. Các lớp học ở tư gia thường chỉ bắt đầu bằng các lễ nhập môn, lễ “khai tâm” cho học trò như vậy, chứ không có khai giảng.

Hồi ký của Giáo sư Đặng Thai Mai ghi về nghi lễ khai tâm như sau: “Một buổi sáng, trong một giờ tốt, trên cái sân nền trước nhà, quét rửa sạch bóng, ông chúng tôi cho dựng lên một cái bàn thờ (ông cũng giải thích là không bao giờ làm lễ Thánh hiền trong nhà thờ tổ) để cáo với Tiên thánh, hậu hiền là từ hôm nay nhà này có mấy thằng nhóc bắt đầu... học vỡ lòng”. Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong hồi ức “Những năm tháng ấy”, cũng cho chúng ta biết: “Năm tôi lên 6 tuổi, mẹ tôi làm gà xôi đặt lên nóc tủ chè, thầy tôi khăn áo khấn Thánh sư. Tôi cũng mặc áo dài tử tế và lễ trước bàn thờ ông Thánh đạo Nho”.

Đến khi thực dân Pháp xâm lược rồi áp dụng nền cai trị ở nước ta, nền khoa cử Nho học dần tàn lụi theo thời cuộc cho đến đầu thế kỷ XX thì dứt hẳn. Học sinh cũng dần dần “vứt bút lông đi, viết bút chì” như thơ Tú Xương viết. Các trường Tây mở ra, học sinh học theo thời gian như các nước phương Tây, hết mỗi năm học nghỉ ba tháng hè rồi tựu trường để lên lớp tiếp theo vào đầu tháng 9.

Nhớ lại lễ tựu trường thời xưa, chúng ta không thể nào quên những câu văn ngọt ngào man mác của nhà văn Thanh Tịnh viết trong truyện “Tôi đi học”, in trong tập “Quê mẹ” xuất bản từ năm 1941: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.

Sau Cách mạng tháng Tám, trong dịp khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa thành lập, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh cả nước. Từ đó, ngày 5/9 trở thành là ngày khai trường truyền thống của cả nước. Nhớ lại những lễ khai giảng mấy chục năm trước, chúng ta hẳn còn nhớ mãi những cảm xúc rưng rưng khi gặp lại bạn cũ, nhận lớp mới, thầy cô mới để bước vào một năm học mới với những niềm hứng khởi.

Mong rằng, các thế hệ tiếp theo sẽ vẫn mãi có những buổi khai giảng ý nghĩa, xúc động và thực chất, để kỷ niệm về nó sẽ còn đọng lại mãi theo mỗi người!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ