Giáo dục văn hóa truyền thống: Đờn ca tài tử, cải lương vào giờ học

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, nhiều trường học đã sáng tạo trong giảng dạy bằng cách lồng ghép nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương… vào tiết học, hoạt động trải nghiệm.

Câu lạc bộ Sân khấu kịch Trường THPT (Kiên Giang) biểu diễn một vở kịch lịch sử. Ảnh: Thành Thật
Câu lạc bộ Sân khấu kịch Trường THPT (Kiên Giang) biểu diễn một vở kịch lịch sử. Ảnh: Thành Thật

Đây không chỉ là cách đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn giúp học sinh đến gần hơn với văn hóa dân tộc.

“Cô giáo tài tử” ở Cà Mau

Ở Trường THPT Võ Thị Hồng (Trần Văn Thời, Cà Mau), học sinh và đồng nghiệp trìu mến gọi cô Huỳnh Thị Sơn Ca (36 tuổi) là “cô giáo tài tử”. Cô được đánh giá cao với sáng kiến lồng ghép nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương vào giảng dạy môn Ngữ văn, giúp học sinh thêm hứng thú với bài học.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nhạc công đàn tranh của Đoàn Cải lương Hương Tràm, cô Sơn Ca được thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Những làn điệu tài tử, cải lương đã thấm vào cô qua mỗi lần cha truyền dạy. Từ thời học sinh phổ thông, cô thường xuyên tham gia các cuộc thi hát và giành nhiều giải thưởng. Dù có năng khiếu nghệ thuật, nhưng khi tốt nghiệp THPT, cô quyết định theo ngành Sư phạm vì niềm đam mê giảng dạy.

Từ năm 2012, cô Sơn Ca công tác tại Trường THPT Võ Thị Hồng và luôn tìm kiếm phương pháp đổi mới để giúp học sinh yêu thích môn Văn. “Xuất phát từ thực tế học sinh thường quan niệm môn Văn nhàm chán, dễ buồn ngủ nên tôi luôn trăn trở, nghiên cứu, tìm kiếm nhiều phương pháp giảng dạy mới để thu hút học trò. Tôi nhận thấy tác phẩm văn học có mối liên kết chặt chẽ với loại hình nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử.

Mặt khác, học sinh Cà Mau vốn quen thuộc, gần gũi với loại hình nghệ thuật này. Từ thuở nhỏ, các em được nghe từng câu hò, câu hát của bà và mẹ nên tôi nghĩ với năng khiếu mình có sẵn thì việc lồng ghép vào giảng dạy sẽ thu hút, tạo làn gió mới để học sinh yêu thích hơn môn học.

Đây cũng là cách giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đặc biệt là loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận di sản phi vật thể nhân loại”, cô Sơn Ca chia sẻ về ý tưởng dạy học của mình.

don-ca-tai-tu-cai-luong-vao-gio-hoc-3.jpg
“Cô giáo tài tử” Huỳnh Thị Sơn Ca. Ảnh: Quách Mến

Một trong những tiết học ấn tượng nhất là vào năm 2020, khi giảng dạy Truyện Kiều, cô Sơn Ca đã ca trọn bài Cổ bản “Hoạn Thư bắt Thúy Kiều”. Cả lớp chăm chú lắng nghe, nắm trọn cốt truyện và dễ dàng tóm tắt lại nội dung bài giảng. Thậm chí, nhiều học sinh còn về nhà tìm đọc toàn bộ Truyện Kiều. Một học sinh ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này và chia sẻ lên mạng xã hội, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cũng trong năm đó, cô vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vì có tinh thần sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ðến nay, sau nhiều năm coi nghệ thuật là bạn đồng hành trên bục giảng, cô Sơn Ca vẫn trăn trở, lựa chọn thời điểm, nhóm học sinh thích hợp để mỗi khi tiếng hát, lời ca cất lên phải mang lại hiệu quả cao nhất.

“Tùy từng học sinh, bài học, tôi lồng ghép nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương vào bài giảng cho phù hợp, khéo léo, chứ không phải tiết học, bài giảng nào cũng hát, hò, như thế sẽ phản tác dụng, gây nhàm chán với học sinh.

Chẳng hạn khi dạy về ca dao, để các em phân biệt được ca dao và dân ca tôi có thể hát cho các em nghe thay vì chỉ học lý thuyết. Hoặc thỉnh thoảng bắt gặp tác phẩm văn học được chuyển thể thành cải lương hay vọng cổ, bài bản tài tử, tôi sẽ hát để các em cảm thụ sâu hơn về tác phẩm”, cô Sơn Ca chia sẻ.

Nguyễn Huỳnh Mây Trắng - học sinh lớp 12, chia sẻ: Cô Sơn Ca có cách dạy mới mẻ, cuốn hút, đặc biệt khi lồng ghép đờn ca tài tử, cải lương vào bài giảng giúp tiết học sinh động, dễ hiểu hơn. Cùng lớp với Mây Trắng, Huỳnh Anh Thư hào hứng cho biết cô Sơn Ca đã giúp em yêu thích môn Văn, khơi dậy niềm đam mê và lòng tự hào với nghệ thuật truyền thống. “Nhiều bạn trong lớp em giờ cũng tập hát vọng cổ, trích đoạn cải lương”, Anh Thư nói.

Nhận xét về đồng nghiệp, thầy Trần Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng (Cà Mau) cho biết, cô Huỳnh Thị Sơn Ca là một trong những giáo viên tiên phong đổi mới phương pháp giảng dạy. “Lồng ghép hát cải lương vào bài giảng giúp không khí học tập sôi nổi, học sinh hứng thú và tiếp thu tốt hơn. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Sơn chia sẻ.

don-ca-tai-tu-cai-luong-vao-gio-hoc-1-7598.jpg
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) trải nghiệm biểu diễn các trích đoạn cải lương tại trường. Ảnh: H.P

Đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học

Xu hướng đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường, như trường hợp của cô giáo Huỳnh Thị Sơn Ca đang ngày càng được nhân rộng. Không chỉ tại Đồng bằng sông Cửu Long, mà ở TPHCM, nhiều trường THCS, THPT cũng tích cực lồng ghép cải lương, tuồng cổ vào môn Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp. Đây là một phần trong nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Điều đáng chú ý là thế hệ Gen Z - những học sinh chưa từng tiếp xúc với chèo, tuồng, cải lương hay múa võ… lại tỏ ra hào hứng khi hóa thân vào các nhân vật trong tác phẩm kinh điển. Qua các tiết học sáng tạo này, các em không chỉ được trải nghiệm mà còn thêm yêu văn hóa dân tộc, hiểu sâu hơn các loại hình nghệ thuật truyền thống mà cha ông đã gìn giữ suốt bao thế hệ.

Chương trình biểu diễn sân khấu học đường với chủ đề “Bản sắc phương Nam” do Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 6 phối hợp với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Trường THPT Bình Phú (TPHCM) tổ chức cuối tháng 12/2024 đã mang đến cho học sinh cơ hội trải nghiệm nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương ngay tại trường học.

Học sinh và thầy cô Trường THPT Bình Phú được thưởng thức những tiết mục đặc sắc như “Dạ cổ hoài lang”, liên khúc lý “Ngọt ngào giai điệu quê hương”, Ca ra bộ “Bùi Kiệm thi rớt trở về”, bài ca cổ “Lửa gần rơm”, ca cảnh “Giữ mãi tinh hoa cho nghề” cùng các trích đoạn nổi tiếng “Lã Bố hí Điêu Thuyền”, “Tiếng trống Mê Linh” với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ tài năng.

Cùng đó, diễn giả Phạm Thái Bình có buổi giao lưu với học sinh, chia sẻ về sự hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ, Ca ra bộ, bài vọng cổ từ nhịp đôi đến nhịp 32, cũng như sự kết hợp giữa tân và cổ nhạc. Những kiến thức này giúp các em hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trước đó, tháng 10/2024, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp cùng Câu lạc bộ Sân khấu Lạc Long Quân trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang và Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Tân Bình, TPHCM) tổ chức chương trình Sân khấu học đường năm 2024.

Với chủ đề “Giới thiệu những ca khúc mang âm hưởng dân ca”, chương trình mang đến cho thầy cô, học sinh nhiều tiết mục đặc sắc, gợi nhớ những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt qua thể loại âm nhạc quen thuộc. Trong chương trình, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Thái Bình đã thưởng thức các tiết mục đa dạng như ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam; ca khúc sử Việt và trích đoạn sử Việt; kịch mang âm hưởng dân gian…

don-ca-tai-tu-cai-luong-vao-gio-hoc-2.jpg
Một tiết dạy của cô Huỳnh Thị Sơn Ca - Trường THPT Võ Thị Hồng (Cà Mau). Ảnh: Quách Mến

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Việc đưa cải lương, tuồng cổ vào trường học trước đây chủ yếu là hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, kể từ khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai, những bộ môn nghệ thuật truyền thống đã trở thành một phần trong nội dung môn Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp tại nhiều trường học.

Sau khi trực tiếp xem các trích đoạn biểu diễn tại sân trường, học sinh sẽ chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận trên lớp. Từ đó, giáo viên tiếp tục khơi gợi, định hướng các em tìm hiểu sâu hơn nét đẹp văn hóa truyền thống, ý nghĩa các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Hoạt động này làm mới cách dạy và học, giúp học sinh tiếp cận nghệ thuật dân gian một cách trực quan, sinh động, hiểu hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước.

Đặc biệt, bên cạnh cải lương, tuồng cổ, nhiều trường đã mở rộng nội dung giảng dạy, giới thiệu thêm các loại hình nghệ thuật khác và ngành nghề thủ công truyền thống. Điều này giúp học sinh bổ sung kiến thức, nuôi dưỡng ý thức tự hào, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) cho rằng: “Chương trình GDPT 2018 hướng đến đa dạng hoạt động trải nghiệm cho học sinh bằng nhiều hình thức như: Đổi mới giờ học, phương thức giảng dạy, tiếp cận và giới thiệu thêm cho học sinh nhiều loại hình nghệ thuật…

Từ những trải nghiệm đó từng bước giúp các em phát huy phẩm chất, hình thành năng lực, giờ học trở nên thú vị hơn. Đưa cải lương, tuồng cổ vào môi trường học đường được xem là cách nhà trường bảo tồn, giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đến học sinh”.

Tương tự, thầy Đặng Đình Quý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình chia sẻ, Chương trình Sân khấu học đường năm 2024 tổ chức tại nhà trường góp phần giới thiệu, đưa văn hóa Việt Nam nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng đến gần hơn với học sinh, giúp các em có cái nhìn về âm nhạc dân tộc, có ý thức giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống.

Qua đó, chương trình góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, tình yêu nghệ thuật truyền thống, lan tỏa giá trị nghệ thuật dân tộc đến thế hệ trẻ và đổi mới trong thực hiện các chương trình sân khấu học đường.

“Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp không đơn thuần cung cấp kiến thức mà còn giúp giáo viên lồng ghép đa dạng nội dung văn hóa, xã hội, lịch sử, mở rộng hiểu biết cho học sinh. Những hoạt động này góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời hỗ trợ hiệu quả trong giáo dục lịch sử địa phương”, thầy Quý cho hay.

Ở góc độ nhà quản lý giáo dục, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nhận định: “Dựa trên tài liệu giáo dục địa phương, các trường có thể sáng tạo bài giảng phù hợp với thực tế. Những phương pháp giảng dạy mới có tính lan tỏa, giúp học sinh hiểu sâu sắc nội dung giáo dục. Đặc biệt, đưa nghệ thuật vào trường học giúp các em hiểu rõ hơn bộ môn này và tái hiện những trang sử hào hùng, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì Tổ quốc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Bên cạnh đờn ca tài tử, cô Huỳnh Thị Sơn Ca, Trường THPT Võ Thị Hồng (Cà Mau) còn kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác như kể chuyện, cho học sinh vẽ tranh, đóng kịch… giúp các em tiếp cận tác phẩm một cách sinh động. Nhờ những đổi mới sáng tạo này, giờ học của cô luôn tràn đầy cảm hứng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học trò.

“Từ lâu nghề giáo trong tôi được định nghĩa là nghề phải sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Ở đó không có khoảng cách hay sự bảo thủ, mà phải cho học sinh, nhất là thế hệ Gen Z thấy rằng hai thế hệ đang hoà nhịp. Nghệ thuật vốn dĩ không có sự ràng buộc, khuôn mẫu, mà luôn linh hoạt, mềm mại. Bục giảng khi có tiếng nhạc, lời ca cất lên sẽ trở thành sân khấu và cô giáo cũng trở thành nghệ sĩ trong mắt học trò”, “cô giáo tài tử” chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ