Giáo dục văn hóa truyền thống: Đào tạo khán giả cho nghệ thuật tuồng

GD&TĐ - Biết - hiểu - thích và đam mê là cách đào tạo khán giả trẻ cho sân khấu tuồng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu mặt nạ tuồng và các kiểu nhân vật trong chương trình “Đưa sân khấu tuồng vào học đường” tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh: PV
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu mặt nạ tuồng và các kiểu nhân vật trong chương trình “Đưa sân khấu tuồng vào học đường” tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh: PV

Sau dự án đưa tuồng vào dạy thí điểm ở một số trường học, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) cùng ngành Giáo dục đã phối hợp tổ chức các buổi học tập chuyên đề.

Sân trường vọng tiếng trống tuồng

1.200 học sinh khối 11 của Trường THPT Phan Châu Trinh (Hải Châu, Đà Nẵng) lần đầu được hiểu cặn kẽ về hoàn cảnh ra đời, sự phát triển của nghệ thuật tuồng, đặc biệt là Tuồng Quảng Nam do các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình bày.

Đặc biệt, nghệ thuật hóa trang với các loại hình mặt nạ tuồng là điểm nổi bật, gây ấn tượng với học sinh. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã giới thiệu đến các em về tạo hình và động tác múa đặc trưng của các nhân vật lão, nịnh thần, tướng, nhân vật hư cấu…

Đây là những thông tin hữu ích, giúp học sinh có cái nhìn đầy đủ để bổ sung vào bài học về nghệ thuật sân khấu trong Chương trình GDPT năm 2018, môn Ngữ văn. Sau vài nét phác thảo về những giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật độc đáo của loại hình nghệ thuật này, học sinh được xem trích đoạn Thị Kính - Thị Mầu.

Em Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Được xem các nghệ sĩ biểu diễn tuồng tại sân trường, em rất ấn tượng. Nếu biết được những chi tiết mang tính ước lệ, điển tích, điển cố thì vở diễn trở nên dễ hiểu, dễ cảm hơn”.

Đây là những buổi biểu diễn nằm trong chương trình “Đưa sân khấu tuồng vào học đường” nhằm giới thiệu nghệ thuật tuồng truyền thống đến với học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT và trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng.

Từ năm 2015, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được UBND thành phố Đà Nẵng cấp kinh phí cho hoạt động đưa tuồng vào trường học để giới thiệu với học sinh, sinh viên. Mỗi năm có 30 buổi giới thiệu và biểu diễn minh họa, bao gồm, nói chuyện, biểu diễn trích đoạn, giới thiệu vẽ mặt, phục trang, đạo cụ tuồng.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn - nguyên Giám đốc nhà hát cho biết: “Từ năm 2018, các trường quan tâm hơn nội dung này vì có hướng dẫn của ngành Giáo dục. Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có việc liên kết cùng nhà hát tổ chức các hình thức ngoại khóa, lồng ghép với hoạt động văn hóa văn nghệ của trường….

Để tạo sức thu hút trong học sinh, sinh viên, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng nhiều trích đoạn tuồng phù hợp với từng độ tuổi học sinh. Diễn cho học sinh tiểu học thì chủ yếu tạo sự hào hứng, vui vẻ, như vở “Anh hùng cờ lau”. Với khán giả là học sinh THCS, nhà hát chọn trích đoạn gắn với những nhân vật lịch sử như Lương Thế Vinh, Trạng Quỳnh.

Ở các trường THPT, trích đoạn thường gắn với một số tác phẩm đã được giới thiệu trong chương trình học hoặc những vở tuồng phê phán thói hư tật xấu trong xã hội như “Nghêu Sò Ốc Hến”.

Ở hướng khác, nhà hát chọn những trích đoạn tuồng phù hợp, có nhân vật lịch sử gắn với tên gọi từng trường như: Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Đạo… để giúp học sinh hiểu về nghệ thuật tuồng, vừa nhắc nhớ lịch sử dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước trong thế hệ trẻ.

“Từ giới thiệu sơ lược về tuồng rồi biểu diễn thị phạm của diễn viên cho đến các trích đoạn, học sinh có được điểm nhìn đối sánh nhân vật nghệ thuật tuồng khác gì với trên phim, nhất là cách đối thoại giữa chính diện và phản diện. Từ đó, dẫn dắt các em hiểu để đến với tuồng nhiều hơn.

Tham gia các chương trình Đưa tuồng vào học đường, tôi cảm nhận học sinh các trường rất thích nghệ thuật biểu diễn. Đó cũng là ánh sáng, niềm tin cho những nghệ sĩ như chúng tôi”, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phan Văn Quang - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhìn nhận.

dao-tao-khan-gia-cho-nghe-thuat-tuong-1.jpg
Học sinh Trường THCS Phước Quang (Tuy Phước, Bình Định) được nghệ sĩ hướng dẫn cách biểu diễn động tác phi ngựa. Ảnh: NTCC

Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật

Học sinh Trường THCS Phước Quang (Tuy Phước, Bình Định) thích thú khi được trải nghiệm thực tế, “đóng vai” nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật tuồng qua sự hướng dẫn của NSND Phương Thảo hướng về cách phi ngựa trên sân khấu. Roi ngựa là đạo cụ độc đáo trong tuồng, tượng trưng cho con ngựa. Chỉ chiếc roi ngựa trên tay, diễn viên có thể biểu diễn nhiều động tác như phi ngựa, ngã ngựa, quất ngựa, gò ngựa.

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định đã chia sẻ những giai thoại, câu chuyện vui liên quan đến quá trình hoạt động nghệ thuật của mình hoặc nghệ sĩ tên tuổi từng công tác tại nhà hát, khiến những lồng ghép liên quan đến bộ môn nghệ thuật tuồng trở nên hấp dẫn, thu hút hơn với học sinh các trường THCS Phước Quang, Phước Lộc...

Ngoài tổ chức chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cho học sinh tại một số trường học, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định còn lên kế hoạch phối hợp các địa phương xây dựng mô hình Câu lạc bộ Em yêu nghệ thuật truyền thống trong và ngoài nhà trường.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, Phước Lộc là một trong những cái nôi nghệ thuật hát bội (tuồng), bài chòi.

Đối với Danh nhân văn hóa Đào Tấn - nhà soạn tuồng, hậu Tổ nghệ thuật hát bội, chính quyền địa phương đang định hướng phát huy giá trị đền thờ Đào Tấn, từ đường Đào Tấn, phục dựng lại Học Bộ đình, thiết chế truyền thống đảm nhận nhiệm vụ thực hành và truyền dạy nghệ thuật Hát bội Đào Tấn trong lịch sử. Để tiếp nối di sản cha ông để lại, Trường THCS Phước Lộc là địa chỉ được chọn làm điển hình, nhằm ươm mầm thế hệ trẻ hiểu và nắm giữ sâu sắc nghệ thuật hát bội, bài chòi.

Một nhóm sinh viên FPT Polytechnic Đà Nẵng đã phối hợp với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Đình làng Hòa Mỹ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tổ chức chương trình biểu diễn về nghệ thuật tuồng với tên gọi Tân sắc Tuồng vào đầu tháng 11/2024. Chương trình đã thu hút người dân đam mê nghệ thuật tuồng và khán giả trẻ đến thưởng thức.

Tân sắc Tuồng là dự án học tập được thực hiện trong 2 tháng của nhóm sinh viên Nguyễn Phước Quý Ngân, Phạm Thị Mỹ Thuận, Trần Kim Ngân, Hồ Nguyên Kha, Hoàng Công Tuấn Huy, Võ Thị Thanh Tình và Lê Thị Thanh Tuyền. Nhóm sinh viên không chỉ chú trọng tổ chức chương trình biểu diễn hấp dẫn, mà còn dành thời gian tìm hiểu về tuồng, nhằm mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực và sống động nhất.

Nhờ đó, nhóm đã khéo léo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đưa ra những thông điệp ý nghĩa về việc bảo tồn văn hóa trong bối cảnh phát triển xã hội hiện nay. Nhóm sinh viên dành nhiều thời gian trao đổi với những nghệ sĩ tuồng kỳ cựu để học hỏi kinh nghiệm, từ đó đưa ra ý tưởng đổi mới, giữ gìn nét truyền thống nhưng đồng thời tạo thêm sự gần gũi với khán giả trẻ.

Ông Phan Minh Quý - Trưởng Hội đồng chư phái tộc làng Hòa Mỹ tâm tư: Những người cao niên hiểu biết, đam mê nghệ thuật tuồng ngày càng ít dần. Trong khi lớp trẻ lại có ít cơ hội tiếp cận với các loại hình văn hóa truyền thống.

Thỉnh thoảng vẫn có mời Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về biểu diễn cho bà con xem trong lễ hội đình làng nhưng lễ hội thì mỗi năm chỉ có một lần. Thế nên, không riêng ông Quý mà cả đoàn diễn viên của Nhà hát Tuồng đều xúc động khi trong số khán giả say mê theo từng điệu hát ở buổi biểu diễn, có rất nhiều gương mặt trẻ.

dao-tao-khan-gia-cho-nghe-thuat-tuong-4.jpg
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu nghệ thuật tuồng với học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Hòa Vang, Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Để mạch nguồn chảy mãi

Nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng đang đối diện nhiều khó khăn, nhất là nghệ thuật tuồng đòi hỏi khán giả phải có hiểu biết nhất định về nó, trong khi những người tiếp cận, xem tuồng thường xuyên ngày càng lớn tuổi. Thời gian qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã làm tốt chương trình Đưa nghệ thuật tuồng vào trường học và trở thành hoạt động nghiệp vụ thường niên.

Bình quân, để xây dựng được trích đoạn 20 phút biểu diễn tại các trường học, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí được cấp cho mỗi buổi chỉ được 10 triệu đồng. Theo tính toán của NSƯT Trần Ngọc Tuấn, số tiền này chỉ đủ để bồi dưỡng biểu diễn cho diễn viên, nhạc công, kỹ thuật và chi phí vận chuyển... Để duy trì hiệu quả chương trình Đưa tuồng vào trường học, mỗi năm nhà hát phải dành một phần kinh phí từ nguồn thu khác để xây dựng trích đoạn mới.

Chương trình Đưa tuồng vào trường học đã lan tỏa giá trị di sản tuồng vào trường học, với mục tiêu gìn giữ vốn văn hóa truyền thống dân tộc, gây dựng niềm yêu thích nghệ thuật tuồng đối với thế hệ trẻ.

Đưa ra đánh giá, bà Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng cũng lưu ý, thành lập câu lạc bộ tại các trường học để giáo viên và học sinh được trải nghiệm các vai diễn đơn giản, hiểu thêm về giá trị của nghệ thuật tuồng. Cùng với Đưa tuồng vào trường học, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn có chương trình Đưa tuồng xuống phố để lan tỏa tình yêu tuồng với người dân và khán giả trẻ.

Còn theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, để đưa tuồng vào sâu hơn các trường học, chúng ta cần có những tiết học chính khóa và ngoại khóa. Trong khi đó, hiện nay, nhà hát chỉ thực hiện giới thiệu theo hình thức ngoại khóa.

Trước đó, dự án Sân khấu học đường được triển khai ở một số trường tiểu học, THCS tại Đà Nẵng trong các năm 2004, 2006, nhằm đào tạo lớp khán giả cho tuồng. 20 năm qua, dự án này không còn tổ chức cũng là thiệt thòi cho nhà hát cũng như học sinh, bởi khi được đào tạo, các em sẽ hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, có thể yêu thích và lựa chọn loại hình nghệ thuật nào để thưởng thức. Nhưng để đưa vào chính khóa, còn nhiều khó khăn cần giải quyết, trong đó, các nghệ sĩ, diễn viên muốn tham gia giảng dạy phải có chứng chỉ sư phạm.

Trong nhiều khó khăn đối với nghệ thuật truyền thống, tuồng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang thiếu lớp trẻ kế cận. Để gắn kết giữa nghệ thuật biểu diễn với giáo dục học đường, cần có chính sách mang tầm chiến lược để không chỉ Đà Nẵng, mà các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung có chung Di sản Tuồng xứ Quảng phải kết nối và tạo được hiệu ứng lan tỏa giá trị nghệ thuật tuồng, ít nhất là đối với thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

NSND Phan Văn Quang chia sẻ, may mắn và cũng là động lực cho đội ngũ nghệ sĩ cháy với nghề là việc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng được chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng vào học đường”, “Tuồng xuống phố”, qua đó đưa nghệ thuật này tiếp cận nhiều độ tuổi, tầng lớp công chúng. Tuồng luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố và ngành văn hóa trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ