Lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy như một môn học chính thức, nội dung tài liệu dạy học do mỗi địa phương xây dựng, biên soạn với sự tham gia góp ý, sáng tạo của nhiều giáo viên, chuyên gia, nghệ nhân… đã đem lại hiệu ứng tích cực trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống.
Định hướng giảng dạy
Tại Trường THPT Bình Yên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), việc giảng dạy về lịch sử địa phương nhận được sự quan tâm, thu hút của học sinh. Thầy Nguyễn Thanh Thùy - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Bình Yên chia sẻ: Tài liệu giảng dạy cho chương trình GDĐP rất phong phú, đa dạng, bao gồm cả tài liệu in và điện tử. Điều này giúp giáo viên có nhiều lựa chọn để thiết kế bài học hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.
Tài liệu giảng dạy thường gắn liền với thực tiễn cuộc sống, giúp học sinh dễ hiểu và áp dụng kiến thức vào thực tế. Ngoài ra còn cung cấp kiến thức cơ bản, nâng cao, giúp học sinh có thể phát triển kiến thức, kỹ năng.
Đối với huyện Định Hóa - một trong những địa phương có bề dày về lịch sử, quá trình giảng dạy GDĐP sẽ có nhiều nguồn tài liệu quý giá, giáo viên giảng dạy có thêm kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng. Giảng dạy lịch sử địa phương giúp gắn kết học sinh với cộng đồng, để các em hiểu rõ hơn quê hương và truyền thống của quê hương mình, tăng cường ý thức bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử địa phương.
Ngoài giảng dạy theo tài liệu được biên soạn, giáo viên còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh được trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử địa phương trực tiếp và thú vị hơn.
Trần Thị Trà My - học sinh lớp 11A2, Trường THPT Bình Yên (Thái Nguyên) chia sẻ: Khi học bài “Di sản văn hóa phi vật thể Thái Nguyên” trong chương trình tài liệu GDĐP, thông qua hướng dẫn của giáo viên và xem video minh họa, hình ảnh trong tài liệu, chúng em đã nắm bắt được kiến thức cơ bản về nội dung di sản văn hóa phi vật thể.
Điều đó khiến em cảm thấy hứng thú với kiến thức và thông tin thú vị, bổ ích về di sản văn hóa của Thái Nguyên nói chung và quê hương cách mạng thủ đô gió ngàn, An toàn khu Định Hóa nói riêng. Qua nội dung bài học, em thêm yêu quê hương cách mạng, nơi từng là chỗ ở và làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Tại Trường THPT Đại Từ, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), học sinh vui vẻ, hào hứng khi được học về chủ đề Di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu trong chương trình tài liệu GDĐP tỉnh Thái Nguyên.
Để giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, văn hóa địa phương cho học sinh, ngoài kiến thức cơ bản có trong tài liệu giảng dạy, các thầy cô còn khai thác nhiều tài liệu về lịch sử, văn hóa địa phương nơi các em sinh sống (cụ thể đến tận cấp xã, huyện), sử dụng các hình ảnh minh họa, phần mềm công nghệ giúp học sinh dễ hiểu, thích thú hơn với môn học.
Bên cạnh đó, giáo viên vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp học tập mới hiệu quả, như: Tổ chức ngoại khóa môn học; dạy học tại di tích, di sản; tổ chức các cuộc thi thiết kế video, vẽ tranh, sáng tác thơ, truyện, nhạc… để góp phần nâng cao chất lượng môn GDĐP.

Phát huy vai trò chủ động của giáo viên
GDĐP là nội dung bắt buộc của Chương trình GDPT 2018. Ở cấp tiểu học, chương trình được lồng ghép trong các môn học, hoạt động trải nghiệm, còn cấp THCS, THPT dạy 35 tiết/năm học cho các lớp từ 6 - 12.
Cô Đinh Thị Thành - giáo viên Địa lý, Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành, Nghệ An) cho biết, dạy học môn GDĐP vừa dễ lại vừa khó. Dễ là các kiến thức thiết thực, gần gũi, liên quan đến lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương, được học sinh và phụ hynh quan tâm, dù đây là môn mới trong Chương trình GDPT 2018.
Nhưng cái khó là làm sao dạy học linh hoạt, chủ động, chọn lọc nội dung tiêu biểu, phù hợp cho học sinh. Vì vậy, có tài liệu chương trình GDĐP chính là thuận lợi để giáo viên bám vào đó thiết kế bài giảng, bố trí cách dạy, cách học.
Cô Thành thường tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm, hoặc làm dự án nhỏ. Ví dụ chủ đề Phong tục tập quán, học sinh được chia nhóm thảo luận, làm sản phẩm slide và thuyết trình, để tạo hứng thú và chủ động khám phá cho các em theo định hướng của giáo viên.
Chương trình GDĐP trang bị nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội nơi học sinh sinh sống. Qua đó góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học vào thực tế. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, tài liệu GDĐP tại Nghệ An được tổ chức biên soạn sớm, nhưng quá trình phát hành trong 2 năm gần đây bị chậm trễ.

Đến thời điểm này, Nghệ An chưa có tài liệu chương trình GDĐP lớp 5, 9 và 12. Tuy nhiên, việc dạy học được triển khai bám sát vào khung chương trình, chứ không diễn ra tình trạng dạy chay, học chay.
Đồng hành với các nhà trường và giáo viên, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức dạy học thực nghiệm tài liệu địa phương chương trình lớp 9, 12 ở nhiều huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc... Tại Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương), sở đã triển khai 4 chủ đề chuyên sâu dành cho các nhóm bộ môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học.
Thầy Nguyễn Thanh Bình - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách vừa thực hiện tiết dạy thực nghiệm chủ đề Nghệ An trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, thuộc chương trình lớp 12.
Trước đó, học sinh được chia nhóm, giao nhiệm vụ tìm hiểu về chủ đề này chiếu vào thực tế địa phương nơi các em sinh sống theo các lĩnh vực như: Cải cách hành chính; ngành nghề kinh tế, dịch vụ của địa phương; 19 tiêu chí nông thôn mới; đổi mới cơ sở vật chất hạ tầng; an sinh xã hội… Khi lên lớp, giáo viên sẽ tổ chức để các nhóm thuyết trình, sau đó tổng hợp và bổ sung thêm kiến thức, định hướng để học sinh tiếp tục tìm hiểu.
Tham gia tiết dạy thực nghiệm không chỉ có giáo viên bộ môn và học sinh, mà còn có giáo viên Lịch sử các trường THPT trong huyện, chuyên viên sở GD&ĐT và tác giả biên soạn tài liệu GDĐP. Qua đó tìm hiểu thực tế tài liệu khi đưa vào giảng dạy hiệu quả như thế nào, lắng nghe ý kiến từ giáo viên, góp ý những vấn đề chưa phù hợp để điều chỉnh.

Đảm bảo chất lượng tài liệu GDĐP
Cô Dương Thị Kiều Anh - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Đại Từ, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nhận định: Tài liệu GDĐP có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng giảng dạy môn GDĐP. Nội dung kết cấu của Tài liệu chương trình GDĐP tỉnh Thái Nguyên được các chuyên gia biên soạn đồng bộ, hoàn chỉnh, nêu được đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa của tỉnh.
Các nội dung đưa vào bài giảng có sự chọn lọc, tiêu biểu của địa phương. Chương trình phù hợp giữa tổ chức nội dung học tập trên lớp và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi; giúp bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
“Ngoài các lớp tập huấn sử dụng tài liệu môn GDĐP và phương pháp giảng dạy môn GDĐP của Chương trình GDPT 2018 do Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên tổ chức, bản thân được tham gia Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ “Nghiên cứu, xây dựng Bộ ngữ liệu số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên” do Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên chủ trì.
Tôi được trực tiếp tham gia xây dựng kho ngữ liệu số là nơi lưu trữ các tài liệu học tập, bao gồm giáo án điện tử, video clip, phóng sự bằng hình ảnh mà học sinh, sinh viên và giáo viên có thể truy cập, sử dụng bất cứ lúc nào. Khi đưa vào thực tiễn môn GDĐP các cấp đã giúp đỡ thầy, cô giáo và học sinh rất nhiều để nâng cao chất lượng môn học”, cô Dương Thị Kiều Anh chia sẻ.
Tài liệu chương trình GDĐP hiện chưa đầy đủ là thực tế chung trên cả nước, liên quan đến quá trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt và phát hành. Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An đồng thời lý giải: Biên soạn sách cho các khối lớp cao hơn cần hàm lượng kiến thức, nội dung chọn lọc, có chiều sâu hơn.
Về phía ngành và các đơn vị liên quan, trong quá trình biên soạn tài liệu chương trình GDĐP phải thận trọng, đầy đủ các bước thẩm định. Mục đích đảm bảo chất lượng, đáp ứng ba mạch kiến thức về lịch sử văn hóa truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và chính trị - xã hội của Nghệ An. Qua đó, đưa nét tiêu biểu, nổi bật đặc trưng của Nghệ An đến với học sinh và hỗ trợ tối đa giáo viên trong giảng dạy.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng hướng dẫn các trường dạy học chương trình địa phương theo khung chương trình, trong đó đã quy định số tiết, chủ đề, yêu cầu kiến thức kỹ năng đạt được. Đây chính là cốt lõi để giáo viên căn cứ tổ chức, sắp xếp dạy học.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, chương trình GDĐP là bắt buộc nhưng chỉ với 35 tiết/năm học từ lớp 6 đến 12, thì không thể mang tính chuyên sâu. Giáo viên phải xác định thay vì phụ thuộc tài liệu, thầy cô là người tổ chức cho học sinh hoạt động, tìm hiểu, khám phá về địa phương nơi mình sinh sống.
Đồng thời tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác, với các chủ đề mà giáo viên chủ động được tài liệu thì có thể sắp xếp dạy trước. Còn những chủ đề khó hơn, hoặc cần sách giáo khoa, thì có thể đợi đến khi tài liệu GDĐP được phát hành để triển khai.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, thời gian qua, sở phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An triển khai chương trình GDĐP từ lớp 1 đến lớp 12 theo cấp độ nâng dần với trình độ và thẩm thấu văn hóa của học sinh.
Nội dung được tập trung giáo dục tiềm lực, kinh tế, lịch sử, địa lý; đặc biệt là giá trị truyền thống cách mạng quý báu, truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người, văn hóa xứ Nghệ thông qua phối hợp với Bảo tàng Nghệ An, các di tích lịch sử - văn hóa.
Qua truyền đạt của giáo viên trên bục giảng và trong các chương trình, hoạt động trải nghiệm, góp phần giúp học sinh thẩm thấu, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước. Đồng thời biết “đề kháng” trước văn hóa xấu độc và giữ gìn phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại.