Có nhiều nghiên cứu về văn hóa học đường, chuyên gia Tâm lý học Nguyễn Thị Hải Yến - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, văn hóa dân tộc và làm cho đời sống tinh thần học sinh thêm phong phú, lành mạnh.
Khơi dậy niềm tự hào
- Theo cô, giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh?
- Dân tộc Việt Nam có truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp, đó là lòng yêu nước, ý thức tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, bao dung… Niềm tự hào chân chính đó chỉ có giá trị khi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ - với tư cách người nối tiếp các thế hệ cha ông biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Do vậy, giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường rất quan trọng và cần thiết. Qua đó góp phần hình thành tình yêu văn hóa dân tộc, giúp đời sống tinh thần của học sinh lành mạnh, phong phú và hướng đến hoàn thiện nhân cách.
Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Thông qua môi trường giáo dục, học sinh có hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, văn hóa truyền thống đang bị phai nhạt bởi sự lấn át của văn hóa hiện đại.
![ThS Nguyễn Thị Hải Yến. Ảnh: NVCC boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397416e6f5237ecfae5fde02f1ff3468352cef09be5067a715537415940346e6750a6bd0fab12c6196eefc3ac4b98d6dce42cf73f2d975e8fd997c11cc880ba480c4/boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-2.jpg)
- Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường nhằm góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh. Cô đánh giá thế nào về hiệu quả của hoạt động này?
- Giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là quá trình nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào, ý thức bảo tồn văn hóa trong mỗi học sinh. Với giải pháp hiệu quả, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đã góp phần bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời khơi dậy nỗ lực trong học tập, rèn luyện, cống hiến cho học sinh.
Hiện, giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường được thực hiện thông qua việc tích hợp vào một số môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Kinh tế pháp luật và Hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá… để học sinh có cơ hội tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử.
Bằng cách này đã giúp học sinh xây dựng ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nỗ lực rèn luyện, học tập tốt. Các em được giáo dục từ cách ứng xử phù hợp nét đẹp học đường “nói lời hay, làm việc tốt” và tiếp nối truyền thống “tôn sư trọng đạo”, kính trọng, lễ phép với thầy, cô giáo; ghi nhớ công ơn thầy, cô qua những hoạt động thiết thực.
Ngoài ra, các giá trị văn hóa truyền thống được giáo dục thông qua các lễ hội, tìm hiểu văn hóa làng nghề địa phương. Qua đây, góp phần hình thành niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước của học sinh.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục không chỉ giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, mà còn chú trọng giáo dục truyền thống nhà trường, dân tộc. Học sinh nhờ đó hiểu hơn về các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc… được chọn để đặt tên trường của mình.
![Học sinh TP Huế trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế. Ảnh: Mai Lan boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-3.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397416e6f5237ecfae5fde02f1ff3468352cef09be5067a715537415940346e6750a2473d8bcffe42d3295f749b7aa3f6e33cf73f2d975e8fd997c11cc880ba480c4/boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-3.jpg)
Đa dạng hình thức và phương pháp
- Trong bối cảnh hiện nay, các trường nên tổ chức giảng dạy văn hóa truyền thống như thế nào để mang lại giá trị thiết thực?
- Ngoài lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp vào môn học, kết hợp với hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá, các cơ sở giáo dục, giáo viên cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: Sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi nhân các ngày lễ lớn… nhằm khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc ở học sinh.
Cần căn cứ vào cấp học, lứa tuổi mà đưa ra hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, hạnh phúc để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Mặt khác, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc.
Qua đó, các em sẽ xác định trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đó. Đồng thời rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết để thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội; trên hết là có kỹ năng đánh giá việc làm đúng và chưa đúng trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại cộng đồng. Hình thành tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc thông qua việc làm thiết thực, ý nghĩa trong nhà trường và địa phương mình.
Bên cạnh giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần được các nhà trường chú trọng. Qua đây, góp phần hình thành các kỹ năng thói quen tốt trong môi trường học đường và ngoài xã hội cho học sinh như:
Ứng xử văn hóa, thân thiện, lành mạnh, chủ động học tập, thường xuyên đọc sách, trau dồi kiến thức; tích cực vận động học sinh trường học sống đẹp, chia sẻ, học tập những câu chuyện đẹp về lối sống trong xã hội tới học sinh; khuyến khích học trò phát huy thế mạnh của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
![Học sinh Trường THCS Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tham gia hoạt động trải nghiệm trên cát. Ảnh: NTCC boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-4.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397416e6f5237ecfae5fde02f1ff3468352cef09be5067a715537415940346e6750a514706110e7b4986da33ce9aaa068ddecf73f2d975e8fd997c11cc880ba480c4/boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-truyen-thong-4.jpg)
- Có nhiều nghiên cứu về văn hóa học đường, cô có thể chia sẻ thành công của một số mô hình?
- Có cơ hội tiếp xúc với học sinh, tôi thấy một số trường thành công khi tổ chức các cuộc thi sáng tạo về văn hóa như: Vẽ tranh, viết truyện, làm phim ngắn… khơi dậy sự sáng tạo và niềm đam mê văn hóa truyền thống. Những cuộc thi không chỉ là sân chơi để các em thể hiện tài năng mà còn là dịp để khám phá giá trị văn hóa theo cách riêng của mình.
Ngoài ra, chúng ta có thể “nhúng” học sinh vào dự án nghiên cứu về làng nghề truyền thống. Đây là nơi các em tìm hiểu về quy trình sản xuất và tác động của nghề đến đời sống cộng đồng, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững. Những dự án này giúp học sinh nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.
Các trường nên thành lập một số câu lạc bộ dành cho học sinh. Tại đây, giới trẻ được trực tiếp khám phá và tìm hiểu về di sản địa chất cùng những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Sau mỗi chuyến đi thực tế, người học sẽ tổ chức các buổi thuyết trình, triển lãm và sáng tác truyện ngắn hoặc kịch bản dựa trên những gì đã trải nghiệm.
- Xin cảm ơn cô!
“Đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc vào trường học thông qua hoạt động giáo dục không chỉ giúp học sinh lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, mà còn bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương, phát huy giá trị văn hóa”, ThS Nguyễn Thị Hải Yến nhấn mạnh.