Cô Lê Thị Phương Châu - giáo viên Trường Tiểu học An Cựu (Thuận Hóa, TP Huế): Để học sinh được mắt thấy, tai nghe

Ngày 1/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XII ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; mục tiêu nhằm bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào quê hương Thừa Thiên Huế thông qua các giá trị văn hóa cố đô, bao gồm cảnh sắc và di sản Huế.
Tường minh hơn, với Biên bản ký kết chương trình hợp tác về Giáo dục Di sản - Văn hóa - Nghệ thuật giữa Phòng GD&ĐT TP Huế và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã mở đường cho các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để giáo dục kiến thức, tăng cường hiểu biết, khơi dậy tình yêu với di sản văn hóa dân tộc, trách nhiệm quê hương, đất nước.
Thông qua công tác chủ nhiệm lớp, bằng việc khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và di sản Huế, tôi luôn kỳ vọng đặt nền tảng với những tác động tích cực cho hành trình dài của tình yêu, niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm với quê hương của học sinh ngay từ lớp 1.
Đó là các hoạt động giáo dục như tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Huế; tổ chức Sinh hoạt dưới cờ có đố vui lịch sử, văn hóa, địa danh, ẩm thực nổi tiếng của TP Huế; ngoại khóa kết nối tình yêu quê hương với trang trí nón Huế chào mừng ngày 20/11; chương trình biểu diễn nghệ thuật do nghệ nhân, học sinh thể hiện góp phần bồi dưỡng tình cảm với quê hương.
Giờ sinh hoạt lớp hằng tuần, giáo viên chủ nhiệm giới thiệu di sản và thiên nhiên Huế qua màn ảnh nhỏ để học sinh được tham quan, trải nghiệm về cảnh sắc, di sản kết hợp âm thanh các bài hát, lời kể giai thoại hay điệu hò xứ Huế… Từ những trải nghiệm “mắt thấy, tai nghe”, học sinh biết yêu, biết cảm với cảnh đẹp đậm chất cố đô, di sản mang dáng hình lịch sử, qua đó bồi đắp tình yêu và lòng tự hào quê hương, đất nước.
Thầy Phùng Chí Tân - giáo viên Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội): Tận dụng lợi thế địa phương

Trong Chương trình GDPT 2018, giáo dục di sản văn hóa cho học sinh là nội dung được Bộ GD&ĐT quan tâm, đẩy mạnh. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong các trường phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 4021 ngày 30/10/2023 về việc tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh Thủ đô.
Trường THCS Vân Canh chú trọng giáo dục các di tích, giá trị văn hóa địa phương Hoài Đức như các công trình kiến trúc: Chùa Đại Bi, đình Giang Xá, Hậu Ái, Quán Giá và một số loại hình nghệ thuật ca trù, múa sênh tiền. Cùng các tiết dạy trên lớp, thầy cô lên kế hoạch tổ chức cho học sinh học tập tại nơi có di sản nếu phù hợp với nội dung bài học và điều kiện thực tế.
Nhà trường tổ chức cho học sinh học tại làng Kim Hoàng xã Vân Canh, nghe nghệ nhân dân gian Đào Đình Chung chia sẻ về dòng tranh đỏ truyền thống; gặp gỡ, giao lưu cùng Hoa hậu Việt Nam 2010 - nhà thiết kế Ngọc Hân, nghe giới thiệu và xem trình diễn bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng về dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Qua đây, học sinh được trải nghiệm thực tế và thêm tự hào với các giá trị văn hóa địa phương, từ đó góp phần quảng bá tới cộng đồng.
Chúng ta có thể tận dụng nguồn tư liệu tại địa phương là những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gần gũi học sinh. Khai thác và sử dụng những kinh nghiệm, tri thức của người địa phương để phục vụ quá trình tìm kiếm và tiếp thu thông tin. Đẩy mạnh lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa vào các hoạt động cho học sinh tham quan, tìm hiểu di tích, tham gia trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống; từ đó, nâng cao nhận thức thế hệ trẻ trong gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa quê hương.
NGƯT Lê Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội): Khơi gợi cho học sinh niềm đam mê

Tại huyện Gia Lâm, chủ đề về giáo dục di sản cho học sinh được lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện quan tâm. Nội dung dạy học “Nâng cao hiệu quả giáo dục di sản văn hoá cho học sinh” được đưa vào chương trình giảng dạy các cấp học, với những di sản của địa phương mà lịch sử đã ghi lại. Các nhà trường đưa vào nội dung giảng dạy cụ thể theo nhiều hình thức phong phú.
Lợi thế của Gia Lâm là có nhiều di tích lịch sử văn hóa mang ý nghĩa và tầm vóc quốc gia. Ngành Giáo dục Gia Lâm đã làm nhiều chuyên đề cấp thành phố tại di tích Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, Đền Gióng... Nhiều đơn vị trên địa bàn Thủ đô đã về đây cùng dự và trao đổi kinh nghiệm để triển khai hiệu quả chủ đề này.
Trường học trên địa bàn xã Yên Thường còn chú trọng hướng các em tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hoá để tôn vinh những vị tướng có công đối với quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Đền quận công Nguyễn Đình Huấn ở thôn Yên Thường được đưa vào nội dung giáo dục địa phương để học trò thêm tự hào, hiểu biết về những đóng góp ý nghĩa của nhân vật lịch sử với quê hương.
Để giáo dục đạo đức cho học sinh thì việc tìm hiểu truyền thống để khơi dậy sự ham hiểu biết, lòng tự hào, tính hướng thiện, từ đó thêm yêu gia đình, yêu quê hương đất nước. Dạy về giáo dục di sản cho học sinh phải đa dạng về hình thức. Thầy trò tìm hiểu lịch sử tưởng xa nhưng lại hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày. Dạy học bằng trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử sẽ đem lại hiệu quả tích cực.
Nghệ nhân Nhân dân Bùi Thế Kiên - Chủ nhiệm CLB Ca trù Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội): Cần sự chung tay từ cộng đồng

Ca trù - bộ môn nghệ thuật dân gian nổi tiếng của Việt Nam và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp từ ngày 1/10/2009. Gắn bó với Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động nhằm gìn giữ, duy trì và phát huy các giá trị của Ca trù tới cộng đồng.
Trong hành trình hơn 30 năm tham gia bảo tồn, lan tỏa nghệ thuật Ca trù, chúng tôi rất mừng vì đến nay, ngành Giáo dục và ngành Văn hóa ở nhiều địa phương đã phối hợp chặt chẽ để đưa bộ môn nghệ thuật này vào giới thiệu, quảng bá trong các nhà trường. Từ đó, học sinh có cơ hội được tìm hiểu những tên gọi khác nhau, khám phá vẻ đẹp, đặc sắc của loại hình nghệ thuật vốn “kén người nghe” này.
Hiện tại, CLB Ca trù Ngãi Cầu quy tụ hơn 20 thành viên tham gia ở các lứa tuổi. Thành viên trẻ tuổi nhất mới lên 7 nhưng đã thuộc 5 khổ đàn, biết đánh phách và hát được bài “Đào hồng, đào tuyết”. Khi tới giao lưu ở các trường học, chúng tôi đã giới thiệu cho học sinh về nguồn gốc và quá trình ra đời, những đặc điểm chính về quy tắc khi biểu diễn một bài Ca trù ở từng không gian khác nhau. Học sinh đặt ra những câu hỏi liên quan và được nghệ nhân giải thích cụ thể.
Về lâu dài, để góp phần lan tỏa giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Ca trù tới học sinh rất cần sự vào cuộc từ chính quyền các cấp và nhà trường. Bên cạnh đó cần tiến hành khảo sát, thống kê các làng từng có hát ca trù, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, các quy tắc... của ca trù tại từng địa phương để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc; tổ chức lại các buổi hát cửa đình, lễ hội liên quan đến ca trù để khôi phục không gian văn hóa truyền thống.
Thầy Nguyễn Khánh Vân - giáo viên Lịch sử Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội): Tăng trách nhiệm bảo tồn di sản

Khi học sinh được trải nghiệm tại di sản văn hóa sẽ giáo dục lòng yêu nước. Qua đây, các em cũng hiểu rõ những giá trị lịch sử văn hoá của dân tộc, từ đó xây dựng tinh thần tự hào dân tộc và trách nhiệm bảo tồn di sản.
Tuy nhiên những hoạt động này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong quá trình tổ chức; phải làm tốt công tác xã hội hoá khi cho học sinh đến những di tích lịch sử hay di sản.
Tùy từng cấp học, giáo dục di sản văn hóa cho học sinh nên được nhà trường lồng ghép trong các bộ môn khác nhau như Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp... Việc tổ chức cho hoc sinh tham quan trải nghiệm có thể đi trong ngày và ở các địa điểm không quá xa, tốt nhất là trong tỉnh để thầy trò đỡ mất nhiều công đi lại cũng như thời gian di chuyển.
Từ thực tế đó, tôi đề xuất xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết các loại hình di sản cho học sinh trải nghiệm. Nên lựa chọn loại hình di sản có sẵn ở địa phương vừa giúp học trò hiểu rõ hơn quê hương mình lại giảm thiểu kinh phí tổ chức. Tăng cường cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các di sản lịch sử văn hoá trong mùa lễ hội. Ví dụ: Thực hành làm gốm, bánh; tham gia lễ hội, thuyết minh trực tiếp… để tăng tính hấp dẫn và hiệu quả.